Mười vấn đề để tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong ngành xây dựng
Theo Tiến sĩ Richard Neale – Giáo sư thỉnh giảng Khoa Quốc tế, Đại học Winchester – Anh, công tác ATVSLĐ trong ngành công nghiệp xây dựng đã được cải thiện nhưng còn chậm chạp và để thúc đẩy được công việc này cần thực hiện tốt 10 vấn đề sau:
1. Phát triển văn hóa an toàn ở phạm vi quốc gia:
Các dự án xây dựng không hoạt động độc lập với xã hội mà tại đó chúng đang tồn tại. Dù cho những người quản lý dự án có quyết tâm như thế nào trong việc đảm bảo một công trường an toàn và vệ sinh, họ sẽ hầu như không thể làm được việc đó nếu văn hóa hiện hành của quốc gia đó lại là “sinh mạng là rẻ mạt”. Việc phát triển một nền văn hóa ATVSLĐ hiệu quả phải được bắt đầu từ các cấp cao nhất trong hệ thống chính quyền và phải được áp dụng trong toàn bộ hệ thống, từ chính phủ tới người sử dụng lao động và người lao động.
2. Các điều ước quốc tế tác động tới các chính sách và bộ luật của quốc gia:
ILO và WHO là hai tổ chức đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các chính phủ và khiến họ cũng đã có động thái trong công tác ATVSLĐ, đồng thời cả 2 tổ chức cũng hoạt động không ngừng nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này còn cần nhiều tổ chức khác tham gia.
3. Các nhà tài trợ cần tập trung nhấn mạnh việc thực hiện ATVSLĐ trong hợp đồng
Tại nhiều quốc gia châu Phi, có một tỉ lệ lớn các dự án xây dựng được tài trợ (toàn bộ hay một phần) bởi các tổ chức nước ngoài. Do đó, các tổ chức này có trách nhiệm thúc đẩy việc thực hiện ATVSLĐ thông các hợp đồng mà họ tài trợ. Mục đích của tất cả các dự án có vốn tài trợ từ bên ngoài là nhằm nâng cao chất lượng sống của công dân nước sở tại, và điều này bao gồm cả sức khỏe và sự an toàn của những người tham gia vào hoạt động xây dựng. Bởi vậy, các tổ chức tài trợ này cần tự xem mình như những đại diện của các thay đổi có lợi.
4. Các nghiên cứu so sánh giữa ATVSLĐ nói chung với thực tế quốc gia và khu vực
Tại các quốc gia châu Phi, các nghiên cứu so sánh có thể hữu ích trong việc xác định tầm quan trọng và sự phù hợp của các yếu tố then chốt như văn hóa, khí hậu và những khác biệt giữa môi trường nông thôn và thành thị.
Nhiều phương pháp và kỹ thuật sử dụng trong ATVSLĐ được phát triển từ các nước công nghiệp hóa như Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Nghiên cứu so sánh về các vấn đề nêu trên để đưa ra được các đề xuất nhằm cải thiện ATVSLĐ trong khu vực có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong số 10 vấn đề này.
5. Nên phát triển một hình mẫu tổng thể, toàn diện về một trường hợp đầu tư vào ATVSLĐ.
Trong các thảo luận về ATVSLĐ, chi phí luôn là một trở ngại lớn nhất ở rất nhiều công ty xây dựng tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sẽ là hợp lý khi biện luận rằng có thể coi đầu tư vào ATVSLĐ như một khoản đầu tư hiệu quả, nếu nơi làm việc của họ được thiết kế hợp lý, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn nhiều.
Một ví dụ cụ thể như, khi những giàn giáo được dựng tạm thời dẫn đến gây chết người hoặc xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, dự án xây dựng sẽ phải chịu ngoài các chi phí bồi thường, bị ảnh hưởng bởi trì hoãn. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như tên tuổi, hình ảnh – những yếu tố cạnh tranh của công ty – cũng sẽ bị tổn hại, và công ty còn phải chịu thêm các chi phí về bảo hiểm. Một tài liệu ngắn gọn, súc tích của Australia đã đưa ra các hướng dẫn hữu ích về việc đầu tư vào ATVSLĐ (1).
6. ATVSLĐ phải được chủ động thực hiện:
Hầu hết các hoạt động xây dựng đều được lập kế hoạch theo cách này hay cách khác, ATVSLĐ phải được quản lý một cách chủ động, như một phần không thể tách rời của quá trình lập kế hoạch, và nếu không thể tìm được một biện pháp xây dựng an toàn, đội xây dựng cần phản hồi lại với bên thiết kế và giúp họ chỉnh sửa lại thiết kế.
Trong thực tế, quá trình này sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu các nhà thiết kế nắm được các nguyên tắc của ATVSLĐ ngay từ trước khi họ bắt tay vào thiết kế. “An toàn từ khâu thiết kế” là một chủ đề đang chiếm được sự quan tâm trên khắp thế giới, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hoặc giảm tối đa các nguy cơ và rủi ro bằng việc thiết kế cẩn thận, an toàn., cùng lúc đó, vẫn đạt được các yêu cầu về vận hành và các chức năng của dự án.
7. Người lao động cần chủ động tham gia vào quá trình lập kế hoạch và thực thi ATLĐ và việc làm bền vững
Cần thay đổi tư tưởng truyền thống cho rằng người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với sự an toàn của người lao động. Để tạo nên điều kiện làm việc an toàn, chính những người lao động cũng cần được tham gia một cách chủ động vào công tác ATVSLĐ và hợp tác với những người chủ của họ. Do công nhân hiểu rõ nhất công việc của mình, đây chính là những người phù hợp nhất để đưa ra các quyết định về cải thiện điều kiện làm việc và an toàn trong lao động.
Các bằng chứng cho thấy rằng nếu người lao động phối hợp với người sử dụng lao động trong công tác ATVSLĐ sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm cả việc giảm tỉ lệ thương tích và tử vong tại nơi làm việc. Tuy nhiên, để người lao động tham gia vào hoạt động này một cách hiệu quả, những điểm sau là hết sức quan trọng: sự hỗ trợ từ pháp luật, sự khuyến khích từ các nhà quản lý, sự ủng hộ của hệ thống công đoàn, các hoạt động huấn luyện, và sự tham gia tích cực của chính bản thân người lao động.
8. Cần đa dạng các loại phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) để phù hợp với văn hóa và vóc dáng của người lao động.
Hiện nay, hầu hết PTBVCN sẵn có đều được thiết kế cho những người đàn ông tương đối to lớn, và đều được thiết kế cho vóc dáng của những người châu Âu/phương tây. Tại nhiều quốc gia, nam giới có kích thước nhỏ hơn (có thể do chế độ ăn uống) và do đó PTBVCN sẵn có là không phù hợp. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại quần áo, phương tiện thiết kế cho khí hậu ôn hòa trong các điều kiện nóng ẩm cũng là một vấn đề quan trọng cần được xem xét.
Bên cạnh đó, có một số lượng lớn phụ nữ làm việc trong các dự án xây dựng tại châu Phi, và PTBVCN có thể không vừa với họ (trong một vài trường hợp còn có khả năng gây ra các tác hại về mặt thể chất) và thường có thiết kế không thể chấp nhận được xét trên khía cạnh văn hóa. Những điều này là trở ngại chính cho sự cải thiện ATVSLĐ. Bởi vậy, việc phát triển quần áo bảo hộ lao động và thiết bị an toàn phù hợp cho lao động nữ là hết sức quan trọng. Hiện tôi đang làm việc với một người bạn, tiến sĩ Tabarak Ballal của trường đại học Reading, Anh, trong một nghiên cứu về thiết kế sản xuất quần áo bảo hộ lao động và phương tiện bảo vệ cho lao động nữ, và chúng tôi sẽ rất vui lòng nhận các góp ý và thông tin từ độc giả.
9. Cần phát triển hơn nữa về mặt công nghệ để cải thiện ATVSLĐ, bao gồm các hệ thống cảnh báo và kiểm soát, các thiết bị thông tin liên lạc và các loại máy móc an toàn hơn
Các loại máy móc thiết bị xây dựng hiện đại đang được sử dụng ngày càng nhiều tại châu Phi. Khi được vận hành bởi lực lượng lao động không có tay nghề và chưa qua đào tạo, các loại máy móc này có thể dẫn đến tai nạn chết người. Do đó, các nhà sản xuất và nhà cung cấp cần đảm bảo chắc chắn rằng máy móc và thiết bị được thiết kế càng an toàn càng tốt, và phải kết hợp được với các thiết bị an toàn trong thực tế sản xuất.
10. Đòi hỏi về đào tạo và huấn luyện ATVSLĐ trên phạm vi toàn cầu; các hoạt động này cần được tổ chức để tăng cường một cách hiệu quả nhất các kỹ năng, nhận thức và thái độ của người lao động
Điều này có vẻ hiển nhiên, tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh đó là các hoạt động này cần thực tế và thiết thực. Các bài giảng về quy định có thể phù hợp, tuy nhiên cũng cần những người làm công tác đào tạo và huấn luyện phải có kiến thức thực tế về công việc xây dựng; họ nên là “những người hướng dẫn luôn bên bạn” hơn là “những nhà hiền triết trên sân khấu”.
Nhận xét và kết luận
Hầu hết các dự án xây dựng đều nhằm cải thiện đời sống công dân của một quốc gia, nếu khi thực hiện dự án mà liên tiếp những vụ tai nạn lao động xảy ra làm tử vong hay tai nạn thương tích hoặc nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đây là điều không thể chấp nhận.
Trên đây là một số ý kiến đề xuất và mong muốn sẽ được thực hiện và góp phần cải thiện chung về tình trạng ATVSLĐ. Phạm vi của các vấn đề này tương đối rộng, có thể dẫn tới các khó khăn trong việc thực hiện chúng, tuy nhiên do các vấn đề đặt ra cũng nằm trong phạm vi rộng không kém nên các vấn đề này đều rất quan trọng.
Tiến sĩ Richard Neale
Giáo sư thỉnh giảng, Khoa Quốc tế,
Đại học Winchester, Anh
Richard.Neale@winchester.ac.uk
Tài liệu tham khảo
1. Australian Government. Guidance on preparing a simple OSH business case. Canberra, Australian Safety and Compensa-tion Council. 2007.
2. Soehod, K. Workers’ participation in safety and health at work. Jurnal Kemanusiaan bil. 11 June 2008.
3. International Labour Office. Digital Training Package; ILO Construction Occupational Safety and Health (OS&H). Geneva, ILO, 2010. Available on line at http://www.ilo.org/sector/Resources/training-materials/WCMS_161706/lang–en/index.htm
4. Neale R, Waters J. Safety and health in construction in developing countries: the humanitarian paradox, in Ofori, George (ed) Contemproary issues in construction in developing countries. Abingdon, UK, Spon Press on behalf of the International Council for Research and Innovation in Building and Construction. 2012
(Nguồn tin: African Newsletters No.3/2013)