Nghiên cứu phơi nhiễm bức xạ điện từ tần số cao của người lao động vận hành máy ép cao tần ngành sản xuất giày da

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:43(GMT +7)

TÓM TẮT
Nghiên cứu thực hiện đo đạc mức phơi nhiễm điện từ trường tại 30 máy ép cao tần sử dụng tần số 27,12 MHz với tại 270 vị trí ở 07 nhà máy sản xuất giày da. Kết quả đo đạc như sau: điện trường 18,55 đến 58,25 V/m, từ trường 0,010 – 0,157 A/m, phụ thuộc vào chế độ vận hành của thiết bị (thời gian, nhiệt độ và loại vật liệu gia công). Mức phơi nhiễm bức xạ điện từ trường của người lao động được đánh giá là đạt tiêu chuẩn QCVN 21:2016/BYT. Tuy nhiên, cần giám sát thường xuyên bức xạ điện từ trường nhằm phát hiện mức phơi nhiễm cao đột xuất có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.

I. MỞ ĐẦU

Từ cuối những năm 1970, các nghiên cứu đã cho thấy có sự gia tăng bệnh bạch cầu hay ung thư não ở những nhóm người sống hoặc làm việc trong từ trường cao của trường điện từ tần số cực thấp. Ở tần số cao, có thể xảy ra bỏng nặng, trong khi đó, ở trường tần số thấp, hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng. Những người tiếp xúc với điện từ trường mức cao cũng có thể bị chóng mặt, buồn nôn hoặc có vị kim loại trong miệng. Hậu quả nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, cách tiếp xúc và đặc tính của trường điện từ.[1]

Trong số các triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến EMF là các triệu chứng về da mặt (ví dụ: ban đỏ, cảm giác nóng, ngứa ran, căng thẳng), các triệu chứng về thần kinh (ví dụ: chóng mặt, mệt mỏi, cảm giác khó chịu, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ) và triệu chứng về nhận thức (khó tập trung và suy giảm trí nhớ).

Trong những thập kỷ gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu mối liên hệ giữa tiếp xúc EMF với các triệu chứng bệnh tật. Hầu hết các nghiên cứu đã được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với cácmức phơi nhiễm được  tạo ra có chủ định. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào  xác định được mối liên hệ giữa phơi nhiễm EMF và các triệu chứng bệnh tật. Nhiều nghiên cứu cho rằng phơi nhiễm EMF có liên quan đến cả tâm lý, sinh lý và vấn đề khó khăn chính nằm ở chỗ thiếu sự thống nhất về các tiêu chí đánh giá.

Máy dán ép cao tần (High Frequency Welding – HF welding hay RF welding) có chức năng ép dính hai chi tiết của cùng một loại vật liệu với nhau (thông thường là chất dẻo dạng tấm mỏng) bằng việc sử dụng năng lượng nhiệt phát sinh của trường điện từ. Máy dán ép cao tần được sử dụng trong các ngành chế biến gỗ, gia công giày da, gia công sản phẩm nhựa, bạt, lều, banner quảng cáo, đệm nước, thuyền bơm hơi, phao bơi, túi y tế, áo mưa … Các bộ phận quan trọng bên trong máy dán ép cao tần là biến thế cao tần, bóng đèn cao tần, bộ tạo áp lực. Nguyên tắc làm việc của máy dán ép cao tần  dựa trên hiện tượng di chuyển các ion tạo ra bởi dòng cao tần trên vật liệu được dán ép. Các vật liệu được kẹp giữa hai điện cực kim loại và đấu với một nguồn điện áp tần số cao. Kết quả là các phân tử trong vật liệu dao động với tần số cao và nóng lên. Các vật liệu sẽ tan chảy, và lực ép tác động lên các điện cực sẽ ép hai bề mặt với nhau. Sau khi nguội hai vật liệu sẽ dính vĩnh viễn. Mối hàn ép chắc chắn thậm chí chắc hơn so với vật liệu ban đầu. Máy dán ép cao tần sẽ giúp làm chết keo dán hoặc vật liệu, tăng cường độ kết dính và không ảnh hưởng đến những phần khác của sản phẩm, do vậy chất lượng mối ghép được nâng cao.

Đặc tính kỹ thuật của máy dán ép cao tần GL-5GT/QJ sử dùng trong sản xuất giày da như sau: tần số: 27.12MHZ;công suất: 5 – 8 kW, kích thước: 1630 (L) x 1140 (W) x 1500 (H).

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đo đạc và đánh giá phơi nhiễm bức xạ điện từ trường đối với người lao động vận hành máy ép cao tần tại các nhà máy sản xuất giày da.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp đo đạc bức xạ điện từ trường[2]

Nguyên tắc chung: Đo, đánh giá điện từ trường tần số cao tại máy ép và các vị trí người lao động có tiếp xúc.

Yêu cầu thiết bị đo: Sử dụng máy đo có ăng ten bắt được loại sóng điện từ tần số cao. Dải đo tối thiểu:  Cường độ điện trường: 0,1 V/m –  2000V/m, Cường độ từ trường: 0,1A/m – 30A/m, Mật độ dòng năng lượng: 0,1 µW/cm2 – 2000 µW/cm2. Độ nhạy tối thiểu của máy: Cường độ điện trường: 0,01V/m. Cường độ từ trường: 0,01 mA/m. Mật độ dòng năng lượng: 0,01µW/cm2.

Kỹ thuật đo: Khảo sát tần số, công suất của máy phát. Xác định vị trí đo: nguồn máy ép, bàn làm việc, khu vực đi lại. Đo ở độ cao 0,5m, 1m, 1,5m cách nền nhà, lấy kết quả trung bình. Bật máy, hướng ăng ten của máy vào cực có công xuất phát tối đa và hướng có cường độ trường lớn nhất. Đo trong 6 phút. Ghi kết quả hiển thị trên máy vào biên bản đo hiện trường.

Máy đo điện từ trường Extech 480846, Model: 480846 được sử dụng trong nghiên cứu có thông số kỹ thuật: Dải tần số: 10MHz – 8 GHz; Đơn vị đo: mV/m, V/m, μA/m, mA/m; μW/m2; mW/m2, μW/cm2, mW/cm2; Thang đo: 20,0mV/m – 108,0V/m, 53,0μA/m – 286,4mA/m, 1,0μW/m2 – 30,93W/m2, 0μW/cm2 – 3,093mW/cm2; Độ phân giải: 0,1 mV/m, 0,1 μA/m, 0,1μW/m2, 0,0010μW/cm2.

2.2. Tiêu chuẩn đánh giá phơi nhiễm bức xạ điện từ trường

Đánh giá phơi nhiễm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 21: 2016/BYT về điện từ trường tần số cao – Mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc.

Mức cho phép cường độ điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc không vượt quá các giá trị quy định tại bảng 1: [3].

II. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Nghiên cứu đã tiến hành đo đạc mức phơi nhiễm bức xạ điện từ trường tần số cao đối với người lao động vận hành máy ép cao tần tại 30 máy ở 7 nhà máy sản xuất giày da. Mỗi máy tiến hành đo đạc tại 9 vị trí ở các độ cao 0,5m, 1m, 1,5m cách nền nhà, lấy kết quả trung bình. Ở mỗi máy ghi nhận quy trình thao tác của người lao động, số lượng sản phẩm thực hiện trong 1 ca làm việc và thời gian vận hành gia nhiệt cho từng loại sản phẩm (da hay giả da).

Số lượng mẫu đo đạc được thống kê trong bảng 2.

2.1. Kết quả đánh giá phơi nhiễm điện trường

Kết quả đo đạc bức xạ điện trường nhằm đánh giá phơi nhiễm trên người lao động vận hành máy ép cao tần tại các nhà máy sản xuất giày da được trình bày trong bảng 3. Kết quả cho thấy giá trị cao nhất, thấp nhất, giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của giá trị trung bình tại các khu vực đo đạc. Giá trị phơi nhiễm trung bình với bức xạ điện trường tần số cao của máy ép luôn đạt quy chuẩn cho phép. Các giá trị lớn nhất đã rất gần với ngưỡng của quy chuẩn là 61,0 V/m.

Trong quá trình đo đạc, thời gian vận hành cho các loại sản phẩm khác nhau thay đổi từ 5 đến 30 giây, cá biệt có thể lên đến 60 giây. Thời gian vận hành ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đo đạc. Chế độ nhiệt độ cài đặt thường từ 200 – 350oC. Kết quả đánh giá cho thấy chê độ vận hành ở nhiệt độ càng cao và thời gian càng dài thì bức xạ điện từ trường đo đạc được càng cao. Giá trị điện trường tại các vị trí đo đạc tại các nhà máy có giá trị từ 18,55 đến 58,25 V/m.

Giá trị trung bình bức xạ điện trường tần số cao tại các cơ sở sản xuất được trình bày trong hình 2.

Giá trị trung bình của bức xạ điện trường tại các khu vực khảo sát khá ổn định, có độ lệch chuẩn hầu hết đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi loại sản phẩm và quy trình gia công thay đổi thì sẽ gây biến động lớn trong kết quả đo đạc.

2.2. Kết quả đánh giá phơi nhiễm từ trường

Kết quả đo đạc từ trường được tiến hành đồng thời với điện trường trên cùng thiết bị đo đạc. Giá trị đo đạc bức xạ từ trường tại các điểm khảo sát cho kết quả từ 0,010 – 0,157 A/m.

Kết quả đo đạc được trình bày tại bảng 4.

Giá trị trung bình của bức xạ từ trường tại các máy ép cao tần trong khoảng 0,046 – 0,137 A/m, tất cả các giá trị đo đạc đều đạt TCCP là 0,160 A/m. Giá trị từ trường biến động tương tự với giá trị điện trường khi thay đổi chế độ vận hành về thời gian gia công và nhiệt độ cài đặt. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của từ trường tại các khu vực nhà máy sản xuất giày được trình bày trong hình 3.

Như vậy, trong đánh giá phơi nhiễm bức xạ điện từ trường trên người lao động vận hành máy ép cao tần trong các nhà máy sản xuất giày da đều thấp hơn giá trị cho phép theo quy chuẩn hiện hành là QCVN 21:2016/BYT. Phơi nhiễm bức xạ điện từ trường chưa cho thấy ảnh hưởng đáng kể trên người lao động. Tuy nhiên, ở các chế độ vận hành khác nhau (ví dụ: thời gian gia công kéo dài ở nhiệt độ cao, không có cơ cấu che chắn bảo vệ, khoảng cách tiếp xúc gần với nguồn) nguy cơ phơi nhiễm liều cao với bức xạ điện từ trường là có thể xảy ra.

Vấn đề đặt ra là thời gian phơi nhiễm dài trong ca làm việc với cường độ thao tác cao, số lượng sản phẩm gia công lớn thì vẫn chưa được đánh giá đúng mức vì chưa có tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn đánh giá hiện hành không tính đến thời gian phơi nhiễm đồng thời với liều tiếp xúc. Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động do phơi nhiễm bức xạ điện từ trường cần được giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời phơi nhiễm liều cao ở các chế độ vận hành thời gian dài và nhiệt độ cài đặt lớn. An toàn lao động cần được quan tâm chú ý hơn nữa nhằm phòng tránh các sự cố tai nạn như phỏng, va chạm với vật nhiễm từ gây tai nạn. Quy trình vận hành an toàn trên máy ép cao tần cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Giám sát thường xuyên bức xạ điện từ trường tần số cao khu vực máy ép cao tần nhằm loại bỏ hay sửa chữa thiết bị không đạt tiêu chuẩn cũng như các chế độ vận hành gây phơi nhiễm liều cao với bức xạ điện từ trường, ảnh hưởng có hại lên sức khoẻ người lao động.

III. KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã đo đạc, đánh giá phơi nhiễm với bức xạ điện từ trường đối với người lao động vận hành máy ép cao tần (dải tần số 27,12 MHz) trong các nhà máy sản xuất giày da. Kết quả cho thấy mức phơi nhiễm bức xạ điện từ trường của người lao động tại tất cả các vị trí đều đạt quy chuẩn QCVN 21:2016/BYT. Tuy nhiên, cần giám sát thường xuyên bức xạ điện từ trường nhằm phát hiện kịp thời phơi nhiễm liều cao để có biện pháp xử lý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kjell Hansson Mild and Monica Sanstrom, Electromagnetic fields in working life, a guide to risk assessment, European Trade Union Institute, 2015.

2. Bộ y tế – Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Thường quy kỹ thuật Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Vols. Tập 2 – Vệ sinh – sức khoẻ môi trường, Vệ sinh – sức khoẻ trường học, Hà Nội: Nhà xuất bản Y học, 2015.

3. QCVN 21: 2016/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điện từ trường tần số cao – Mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc ban hành theo Thông tư 21/2016/TT-BYT, Bộ Y tế, 30/6/2016.

4. TCVN 3718:2005 Tiêu chuẩn Quốc gia về Quản lý an toàn trong bức xạ tần số radio; Phần 1: Mức hơi nhiễm lớn nhất trong dãi tần từ 3kHz – đến 300GHz., Hà Nội: Bộ Khoa học và Công nghệ, 2005.

TS. Mai Thị Thu Thảo, CN. Trần Minh Thông

Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)