Nghiên cứu thiết kế quần áo cho nam vận động viên đua xe đạp lứa tuổi từ 18-25

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:43(GMT +7)

Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu thiết kế quần áo thể thao dành cho nam vận động viên đua xe đạp. Đã đưa ra bộ mẫu thiết kế mỹ thuật, xác định các thông số kích thước cơ thể nam vận động viên lứa tuổi 18-25 và lượng gia giảm thiết kế cho mẫu mỏng. Chọn được vải có thành phần 84% polyester và 16% spandex, có độ thoáng khí cao và khả năng bảo vệ tia UPF là 117,9 để thiết kế quần áo đua xe đạp thể thao. Thiết kế được bộ mẫu kỹ thuật các chi tiết với các hình in. Sau đó tiến hành gia công lắp ráp sản phẩm. Bộ quần áo đua xe đạp thể thao được đánh giá chất lượng bằng phuơng pháp đánh giá chủ quan theo các tiêu chí cảm nhận về sự tiện nghi, độ vừa vặn, độ thoáng khí, độ bền đường may, kiểu dáng và màu sắc.

I. MỞ ĐẦU

Ngoài những môn thể thao như: bóng đá, cầu lông, bơi lội,… thì bộ môn đua xe đạp ngày nay cũng được giới trẻ quan tâm. Đối với những vận động viên đua xe đạp ngoài chiếc xe, thì trang phục cũng rất quan trọng không thể thiếu trong mỗi chặng đua. Quần áo đua xe đạp cần được thiết kế bằng loại vải co giãn bốn chiều, kiểu dáng ôm sát cơ thể để chống nắng, cản gió, kháng khuẩn, thấm hút mồ hôi nhanh, dễ giặt, nhanh khô, thoáng khí, đàn hồi tốt, có khả năng chống tĩnh điện, màu sắc và hình in bền với ánh sáng nhằm làm tăng thành tích thi đấu của vận động viên. Một bộ phận quan trọng của chiếc quần đua xe đạp là chiếc đệm đáy. Là nơi tiếp xúc giữa cơ thể vận động viên với yên xe đạp, nên đệm đáy cần đảm bảo êm khi ngồi xe trong thời gian dài tránh được các tổn thương không đáng có cho các vận động viên. Quần áo đua xe đạp ở Việt Nam hiện nay còn chưa được các nhà thiết kế quan tâm nhiều, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung quốc, giá thành tương đối cao, hình dáng và kích thước chưa phù hợp với cơ thể người Việt Nam.Vì vậy, bước đầu chúng tôi thực hiện Nghiên cứu thiết kế trang phục thể thao dành cho nam vận động viên đua xe đạp lứa tuổi 18-25 nhằm góp phần xây dựng hệ công thức thiết kế quần áo đua xe đạp cho người Việt Nam.

II. THIẾT KẾ QUÀN ÁO CHO VẬN ĐỘNG VIÊN ĐUA XE ĐẠP

Nghiên cứu thiết kế trang phục thể thao dành cho nam vận động viên đua xe đạp lứa tuổi 18-25 đã tập trung vào những nội dung như sau: thiết kế mỹ thuật; nghiên cứu lựa chọn vật liệu, thông số kích thước cơ thể người, xác định lượng gia giảm thiết kế, thiết kế mẫu kỹ thuật sau đó tiến hành gia công lắp ráp sản phẩm và cuối cùng là kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm.

2.1. Thiết kế mỹ thuật

Vận động viên đua xe đạp thường chuyển động với vận tốc trung bình 40 – 50 km/h, mức hoạt động của vùng thân dưới cơ thể người rất cao. Môi trường sử dụng chủ yếu là bức xạ nhiệt, thời tiết có thể lạnh hoặc nóng hoặc còn có cả mưa, đặc biệt gặp sức cản của gió rất lớn [1].điều kiện sử dụng, tầm hoạt động của các vận động viên đua xe đạp kết hợp với xu hướng thời trang đã đưa ra ý tưởng thiết kế mỹ thuật như hình 1.

Áo được thiết kế dáng bó sát, cổ trụ khóa kéo nằm dọc giữa thân trước, có đề cúp hai bên sườn, logo nằm bên phải thân áo. Thân sau có túi ở ngang thắt lưng để đựng các vật dụng cần thiết. Còn quần dáng bó sát, dài đến ngang đùi, kết hợp các mảng miếng phối màu ở dọc thân quần và ngang gấu.

2.2. Nghiên cứu chọn vật liệu [2] [3]

2.2.1. Vải

Bước đầu nghiên cứu lựa chọn ra ba mẫu vải đang được sử dụng may quần áo thể thao của Công ty may thêu Phúc Khang, có các thông số kỹ thuật được thể hiện trong Bảng 1. Sau đó cho xác định các đặc trưng về độ thoáng khí, khả năng chống tia UV, độ giãn và đàn hồi của các mẫu vải này. Các phép thử nghiệm được thực hiện theo các tiêu chuẩn ASTM D737 và D2594 -04 (2012). Kết quả nghiên cứu thực nghiệm được trình bày trong Bảng 2. Từ những kết quả nghiên cứu này cho phép chọn ra loại vải phù hợp cho thiết kế bộ quần áo đua xe đạp.

Nhìn vào biểu đồ (Hình 2) ta thấy UPF trung bình của 3 mẫu đều cao hơn so với UPF yêu cầu, trong đó khả năng bảo vệ tia UV mẫu 2 là cao nhất. Căn cứ vào đặc trưng kỹ thuật và cơ lý của 3 mẫu vải thấy được mẫu 2 đạt các chỉ tiêu về độ thoáng khí, độ bền mài mòn, độ dày, thành phần nguyên liệu, độ giãn dư, độ giãn căng và khả năng bảo vệ tia UV cao nhất. Vì vậy nghiên cứu này đã lựa chọn mẫu 2 là loại vải sử dụng để may bộ quần áo dành cho vận động viên đua xe đạp.

2.2.2. Chi tiết đệm đáy

Trong phạm vi nghiên cứu này, đã sử dụng chi tiết đệm đáy do hãng Bike Clothing – Triathlon Việt Nam sản xuất. Đệm đáy có chiều dày là 5mm, kết cấu gồm có 3 lớp: lớp ngoài, lớp đệm và lớp lót. Lớp ngoài là loại vải có thành phần 70% polyamide, 18 % elastane và 12% polyester. Lớp đệm được làm bằng bọt polyurethane mềm. Lớp lót là loại vải dệt kim có thành phần polyurethane và polyeste cho phép không khí đi qua và hấp thu mồ hôi và chất lỏng giữ cho bộ phận sinh dục được khô ráo.

2.3. Thông số kích thước cơ thể người và lượng gia giảm thiết kế

*Thông số kích thước cơ thể người được xác định bằng phương pháp đo trực tiếp trên cơ thể người của các nam vận động viên đua xe đạp [8]. Số lượng mẫu đo được tính theo công thức sau [9]:

Trong đó: t = 1,96, độ lệch chuẩn σ = 5 cm, sai số phép đo m = 2. Kết quả tính số lượng mẫu cần đo n = 24. Có 25 vận động viên đua xe đạp trong độ tuổi 18-25 tham gia làm mẫu với tinh thần tự nguyện và hợp tác.  Các mẫu đo này đảm bảo ngẫu nhiên và đại diện. Thông số kích thước cơ thể người được trình bày như trong Bảng 3.

*Lượng gia giảm thiết kế [10],[11] được xác định trực tiếp trên cơ thể vận động viên đua xe đạp ở một số tư  thế hoạt động chủ yếu như Hình 3.

+ Đo rộng ngực thân sau từ gầm nách bên trái sang gầm nách bên phải ở tư thế đứng thẳng là 46cm nhưng khi đo ở tư thế ngồi trên xe đạp là 48cm ( Hình 3.a). Lượng gia giảm thiết kế rộng ngực thân sau là 2cm.

+ Đo dài áo giữa thân sau ở tư thế đứng thẳng là 64cm và đo khi vận động viên ngồi trên xe đạp được 67cm (hình 3c). Lượng gia giảm thiết kế chiều dài giữa thân là 3cm.  

+ Đo rộng ngực thân trước từ gầm nách trái sang gầm nách phải khi đo ở tư thế thẳng đứng là 46cm nhưng ngồi trên xe đạp đo được 42cm. Lượng giảm thiết kế cho phần ngực thân trước là – 4cm.

+ Đo chiều dài quần khi đi thẳng là 54cm, nhưng khi co chân lên đạp kích thước đo được 51cm. Lượng gia giảm thiết kế cho phần chiều dài quần là -3cm.

2.4. Thiết kế kỹ thuật [11]

Từ ý tưởng thiết kế mỹ thuật ở Hình 1 nhóm nghiên cứu đã thiết kế kỹ thuật bộ quần áo vận động viên đua xe đạp được diễn giải trong Hình 4 và bản vẽ thiết kế từng chi tiết ở Hình 5.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thiết kế tính toán phân tích và ứng dụng phần mềm thiết kế ACCUMARK trong thiết kế quần áo. Khi đó kích thước các chi tiết được xác định trên cơ sở những kích thước cơ thể người cộng với lượng gia giảm thiết kế cho phép đối với sản phẩm.

Sau khi xác định được hình dạng kích thước của các chi tiết cho in màu các chi tiết trên nền mẫu vải 2 theo như bản vẽ thiết kế mỹ thuật.

2.5 Gia công lắp ráp sản phẩm [11]

Thực hiện may ráp các chi tiết theo các đường liên kết (Hình 7 và Bảng 4).

                           Bảng 4. Kết cấu các đường liên kết trên sản phẩm

2.6. Đánh giá chất lượng mẫu [11]

Sử dụng phương pháp đánh giá bằng cảm nhận chủ quan của người sử dụng theo các tiêu chí: cảm nhận về sự tiện nghi, độ vừa vặn, độ thoáng khí, độ bền đường may, kiểu dáng và màu sắc. Việc đánh giá này được thực hiện trên 25 vận động viên đã lấy số đo kích thước cơ thể người. Kết quả khảo sát cảm nhận chủ quan của các vận động viên  được trình bày trên Hình 8.

Kết quả cho thấy mặc dù sản phẩm ôm sát người nhưng vẫn cảm giác thoải mái, dễ chịu, độ giãn và đàn hồi của sản phẩm tốt, thuận lợi cho quá trình đua xe đạp đường dài. Mẫu thiết kế hoàn thiện được thể hiện trên Hình 9.

III. KẾT LUẬN

Nghiên cứu thiết kế quần áo thể thao dành cho nam vận động viên đua xe đạp bước đầu thu được một số kết quả như sau:

-Thiết kế mẫu mỹ thuật và kỹ thuật cho bộ quần áo dành cho nam vận động viên đua xe đạp;

– Xác định các thông số kích thước cơ thể nam vận động viên lứa tuổi 18-25 và lượng gia giảm thiết kế cho mẫu mỏng

– Chọn được vải có thành phần 84% polyester và 16% spandex, có độ thoáng khí và khả năng bảo vệ tia UPF là 117,9 để thiết kế quần áo thể thao đua xe đạp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Maria Modzelewska (2015), “ Making women’s casual wear cycling friendly”, Master of fine Arts in Faculty of Arts and Humanities

[2]. Senthilkumar Mani, PhD. Anbumani N.(2014) “Dynamic Elastic Behavior of Cotton and Cotton / Spandex Knitted Fabrics”, Journal of Engineered Fibers and Fabrics, Volume 9, Issue 1-2014.

[3]. Deepty Gupta (2011)”Design and Engineering of functional clothing”, Indian Journal of Fibers and textile Research , Volume 36.

[4]. TCVN 5465-12:2009 (ISO/TR 11827: 2012) – Vật liệu dệt – Phân tích định lượng hóa học

[5]. TCVN 5071: 2007 – Vật liệu dệt -Xác định độ dày của vật liệu và sản phẩm dệt

[6]. ASTM D737-04 (2012) – Standard Test Method for Air Permeability of Textile Fabrics

[7]. ASTM D2594-04 (2012)- Standard Test Method for Stretch Properties of Knitted Fabrics Having Low Powerm TCVN5091:1990

[8]. TCVN 5781:1994: Phương pháp đo cơ thể người, Hà Nội

[9]. Nguyễn Đình Khoa (1975), “Phương pháp thông kê ưng dụng trong sinh học”, Trường Đại học tổng hợp.

[10]. Lã Thị Ngọc Anh, Phạm Thị Mai Xuân, Nguyễn Thị Thu, “Nghiên cứu tổng quan về thiết kế quần áo đua xe đạp thể thao”, Tạp chí An Toàn – Sức khỏe và Môi Trường Lao Động,  Số 1,2,3/2018

[11]. Phạm Thị Mai Xuân (2018), Nghiên cứu thiết kế trang phục thể thao dành cho nam vận động viên đua xe đạp lứa tuổi 18-23”, luận văn thạc sỹ kỹ thuật, trường ĐHBK Hà Nội.

Lã Thị Ngọc Anh1, Lê Thị Dung1,  PhạmThị Mai Xuân2

1.Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

2. Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex tp.HCM


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)