Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ cho nữ công nhân lao động phổ thông

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:42(GMT +7)

Tóm tắt: Báo cáo giới thiệu kết quả nghiên cứu về hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động cho nữ công nhân lao động phổ thông hiện nay.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng được hệ thống cỡ số nhằm đảm bảo độ vừa vặn cho quần áo bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn và tiện nghi cho người lao động, giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu của người công nhân khi mặc, góp phần nâng cao sức khỏe và tăng năng suất lao động của công nhân. Hệ thống cỡ số quần áo sẽ giúp cho sản xuất công nghiệp được thuận lợi, thống nhất, thuận tiện cho người lao động khi mua và sử dụng quần áo.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là một quốc gia có nguồn nhân lực lao động dồi dào. Số lao động nữ phổ thông khoảng 5 triệu người. Thị trường tiêu thụ quần áo bảo hộ lao động ở nước ta rất lớn, nhưng lại không có hệ thống cỡ số quần áo thống nhất để sản xuất công nghiệp. Thực trạng sản xuất, sử dụng và quản lý phương tiện bảo vệ cá nhân nói chung, quần áo bảo hộ lao động phổ thông cho nữ công nhân nói riêng còn bị xem nhẹ và buông lỏng. Quần áo bảo hộ lao động cho nữ kém phong phú về chủng loại, kiểu dáng, chủ yếu công nhân nữ sử dụng quần áo bảo hộ lao động dành cho nam (Hình 1). Hầu hết quần áo bảo hộ lao động hiện nay là quần áo may sẵn, sản xuất công nghiệp với các cỡ số khá tuỳ tiện và không phù hợp với người lao động.

Hình 1. Hình ảnh công nhân nữ tại các cơ sở sản xuất

Để phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp và để thuận tiện cho việc lựa chọn quần áo bảo hộ lao động phù hợp với người tiêu dùng đòi hỏi phải có hệ thống cỡ số quần áo phù hợp với kích thước người lao động phổ thông Việt Nam hiện nay. Hệ thống cỡ số quần áo phù hợp sẽ làm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo tính tiện nghi và an toàn của người lao động, giúp nâng cao sức khỏe và tăng năng suất lao động. Hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động là số liệu quan trọng để xây dựng tiêu chuẩn về quần áo bảo hộ lao động cho người lao động.

Hiện tại, ở Việt Nam không  có tiêu chuẩn về quần áo bảo hộ cho lao động phổ thông. Tiêu chuẩn TCVN 1601-91 về quần áo bảo hộ cho nữ công nhân lao động phổ thông do Viện Bảo hộ lao động nghiên cứu, thì từ năm 2004 đến nay đã bị hủy bỏ (không còn trong danh mục tiêu chuẩn Việt Nam) do không được đề nghị và soát xét, điều chỉnh kịp thời. Tiêu chuẩn TCVN 1601-91 đã được xây dựng dựa trên hệ thống kích thước trong tiêu chuẩn  TCVN – 72 đã được xây dựng cách đây 40 năm nên không còn phù hợp.

Nhằm đáp ứng một phần yêu cầu của thực tế, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân, Trung tâm An toàn lao động, Viện NC KHKT Bảo hộ Lao động đã nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ cho nữ công nhân lao động phổ thông. Đây là nội dung trong khuôn khổ của đề tài: ” Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động cho nữ công nhân lao động phổ thông”, Mã số: 213/02/VBH.

2. MỤC TIÊU, NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu nghiên cứu

Đưa ra hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động cho nữ công nhân lao động phổ thông phù hợp với chỉ số nhân trắc của người Việt Nam hiện nay.

2.2. Nội dung nghiên cứu

* Xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể: Ứng dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu về hệ thống cỡ số cơ thể cho nữ trong độ tuổi lao động để từ đó tính toán xây dựng bảng cỡ số cơ thể nữ phục vụ cho xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động.

* Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo: Thiết kế kiểu dáng, mẫu kỹ thuật; chọn ký hiệu cỡ số, chế thử một số bộ quần áo bảo hộ lao động.

Áp dụng thử nghiệm tại công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy sông Đào- Nam Định, đánh giá độ vừa vặn của bộ quần áo để hoàn thiện hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Để xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động, đề tài thực hiện các bước sau.

– Thu thập số liệu điều tra nhân trắc nữ lao động phổ thông.

– Xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể nữ công nhân lao động phổ thông.

– Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ cho nữ công nhân lao động phổ thông.

3.1. Thu thập số liệu điều tra nhân trắc nữ lao động phổ thông

Để xây dựng hệ thống cỡ số chuẩn, việc làm trước tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tiến hành một cuộc khảo sát nhân trắc học.

Gần đây nhất là năm 2007, Viện Dệt-May đã thực hiện đề tài “Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo nam, nữ và trẻ em trên cơ sở số đo nhân trắc người Việt Nam”, hoàn thành năm 2009. Đề tài đã tiến hành khảo sát 2707 nữ trong độ tuổi lao động.  Đối tượng đo bao gồm sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân lao động phổ thông… có độ tuổi từ 18-55 tuổi, trên phạm vi cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Được sự cho phép của Viện Dệt-May, đề tài đã kế thừa các kết quả nghiên cứu cuộc khảo sát này.

Độ tin cậy của kết quả thu thập số liệu điều tra nhân trắc nữ trong độ tuổi lao động  của Viện Dệt -May được kiểm định qua một số công việc sau: mục tiêu của cuộc khảo sát, phương pháp đo và kỹ thuật đo, tiêu chuẩn phương pháp đo, lựa chọn đối tượng đo, tính đại diện, tính ngẫu nhiên khi chọn mẫu, các mốc đo, tư thế người được đo, người đo, kết quả kiểm định thống kê của tập mẫu nguồn.

Đề tài đã thu thập được các kết quả sau:

• Kết quả tính toán thống kê các kích thước nhân trắc nữ trong độ tuổi lao động . Số liệu của mỗi kích thước trong 43 số đo đều có phân bố chuẩn.

• Đề tài đã chọn hai kích thước chủ đạo: chiều cao và vòng ngực.

• Bảng hệ số tương quan giữa các kích thước.

• Phương trình tính toán các kích thước phụ thuộc .

• Tần suất của các cỡ số theo bước nhảy chiều cao 4cm và vòng ngực 4cm .

• Đồ thị tần suất của các cỡ số theo bước nhảy chiều cao 4cm và vòng ngực 4cm.

3.2. Xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể

Xác định được các kích thước chủ đạo: chiều cao đứng và vòng ngực.

 Phạm vi cỡ và bước nhảy.

Phạm vi phân cỡ của kích thước chiều cao từ 143cm ÷ 168cm, bước nhảy 5cm.

Phạm vi phân cỡ của kích thước vòng ngực từ 74cm đến 94cm, bước nhảy 4cm.

Xác định tần suất gặp của các cỡ số và thiết lập cỡ số tối ưu. Thiết lập 21 cỡ số, tần suất của các cỡ số >1%, tỷ lệ bao phủ 74%. (Bảng 1 và hình 2).

 Tính toán những kích thước phụ thuộc.

Để xác định các kích thước phụ thuộc theo kích thước chủ đạo chiều cao và vòng ngực, đề tài lựa chọn phương trình hồi quy tuyến tính của Viện Dệt May để tính toán. Trên cơ sở kế thừa các kết quả của đề tài ” Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số và thiết kế mẫu quần áo bảo hộ lao động cho nam công nhân lao động phổ thông”, nhóm nghiên cứu đã chứng minh việc xác định các kích thước phụ thuộc theo hai cách từ tập dữ liệu nguồn và phương trình hồi quy tuyến tính là như nhau. Độ chênh lệch kích thước phụ thuộc tính theo hai cách từ 0,02cm đến 0,5cm. Điều đó chứng tỏ việc xác định các kích thước phụ thuộc theo phương trình hồi quy tuyến tính của Viện Dệt May đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Xây dựng hệ thống kích thước cơ thể nam công nhân lao động.

Từ các tính toán trên, đề tài xây dựng hệ thống kích thước cơ thể để từ đó tính toán xây dựng hệ thống kích thước quần áo. Đề tài đã xây dựng 21 cỡ số cơ thể nữ công nhân lao động phổ thông. Hệ thống kích thước cơ thể này giúp cho việc thiết kế trang phục được thuận tiện và đảm bảo độ vừa vặn.

3.3. Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động.

Chọn các cỡ số cơ thể để thiết lập hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động.

Dựa vào các nguyên tắc lựa chọn các cỡ số cơ thể người để thiết lập cỡ số quần áo bảo hộ lao động phổ thông, tác giả lựa chọn 5 cỡ số cơ thể trong bảng cỡ số cơ thể nữ công nhân có kích thước chiều cao và vòng ngực sau:

Nhóm 1: Chiều cao trung bình 145cm, vòng ngực trung bình 76cm.

Nhóm 2: Chiều cao trung bình 150cm, vòng ngực trung bình 80cm.

Nhóm 3: Chiều cao trung bình 155cm, vòng ngực trung bình 84cm.

Nhóm 4: Chiều cao trung bình 160cm, vòng ngực trung bình 88cm.

Nhóm 5: Chiều cao trung bình 165cm, vòng ngực trung bình 92cm.

Với cách chọn trên, tạo ra 5 cỡ số để sản xuất không nhiều, đảm bảo tiết kiệm chi phí sản xuất, mà vẫn đáp ứng được các dạng người khác nhau. Mỗi nhóm chiều cao và vòng ngực đều có tối thiểu một cỡ số.

Đặc điểm quần áo bảo hộ lao động thường là quần áo mặc rộng nên trong cùng 1 nhóm chiều cao quần áo có cỡ vòng ngực lớn có thể dùng chung thêm cho 2 nhóm vòng ngực nhỏ hơn hoặc cho 1 cỡ có vòng ngực lớn hơn.

Lựa chọn tên cỡ:

Sau khi tham khảo tên các cỡ số trong các tiêu chuẩn và trên thị trường, tác giả chọn ký hiệu cỡ số quần áo bảo hộ lao động cho nữ công nhân như sau: Cỡ số quần áo là một phân số trong đó tử số là kích thước vòng ngực, mẫu số là kích thước chiều cao .

Cỡ 76/145 là ký hiệu cỡ số cho người có vòng ngực trung bình 76 cm, chiều cao trong khoảng 143cm÷147,9cm. Cỡ 80/150 là ký hiệu cỡ số cho người có vòng ngực trung bình 80cm, chiều cao trong khoảng 148cm÷152,9cm. Cỡ  84/155 là ký hiệu cỡ số cho người có vòng ngực trung bình 84cm, chiều cao trong khoảng 153cm÷157,9cm. Cỡ 88/160 là ký hiệu cỡ số cho người có vòng ngực trung bình 88cm, chiều cao trong khoảng 158cm÷162,9cm. Cỡ 92/165 là ký hiệu cỡ số cho người có vòng ngực trung bình 92cm, chiều cao trong khoảng 163cm÷167,9cm (Bảng 2 và bảng 3).

Phương pháp thiết kế.

Sử dụng hệ công thức thiết kế công nghiệp và sử dụng phầm mềm thiết kế Accumark để vẽ, nhảy cỡ.

Thiết kế mẫu kỹ thuật: Chọn cỡ gốc có chiều cao trung bình là 155cm, vòng ngực là 84cm để thiết kế. Từ cỡ gốc sẽ nhảy cỡ cho các cỡ còn lại.

Chế tạo quần áo bảo hộ

Đề tài lựa chọn vải may quần áo bảo hộ của công ty vải Pang rim Việt nam 2721-2 để may mẫu  đảm bảo TCVN 6689:2009- Quần áo bảo vệ- Yêu cầu chung. Các mẫu vải được xác định độ co theo TCVN 1755-86. Vải dệt thoi. Phương pháp xác định sự thay đổi kích thước sau khi giặt.

3.4. Đánh giá độ vừa vặn của bộ quần áo bảo hộ lao động đã thiết kế.

Đánh giá độ vừa vặn thông qua cảm nhận chủ quan của người mặc.

Để đánh giá, tác giả chọn ngẫu nhiên 30 công nhân của công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy sông Đào- Nam Định. Các công nhân đã mặc thử 15 bộ quần áo mà đề tài đã thiết kế, may mẫu (Hình 3).

Kết quả nhận xét và đánh giá của những người mặc thử  được phân tích và là một trong các cơ sở để hiệu chỉnh thiết kế quần áo bảo hộ lao động.

Đánh giá theo phương pháp chuyên gia.

Theo phương pháp này, đề tài đã gửi 5 bộ quần áo (một cỡ mỗi bộ) cho chuyên gia về thiết kế quần áo (ThS. Phạm Thị Thắm- Giảng viên bộ môn thiết kế – Trường đại học Công nghiệp Hà nội) và ThS Lê Đức Thiện – Phó Giám đốc trung tâm An toàn lao động – Viện NC KHKT Bảo hộ lao động và đề nghị nhận xét, đánh giá sự phù hợp của bộ quần áo bảo hộ.

Sau khi nhận được kết quả đánh giá theo 2 phương pháp trên, chúng tôi tiến hành phân tích và chỉnh sửa bộ thiết kế, cuối cùng hoàn thiện hệ thống cỡ số. Sản phẩm của đề tài gồm bảng hệ thống cỡ số sản phẩm (bảng 4, bảng 5), hình vẽ hướng dẫn cách đo các thông số thành phẩm (hình 4).

4. KẾT LUẬN VÀ CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO.

4.1. KẾT LUẬN.

Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu đề ra với kết quả là:

1. Các số liệu thu được đáng tin cậy và đại diện cho quần thể nữ công nhân lao động phổ thông.

2. Xây dựng được Hệ thống cỡ số cơ thể nữ công nhân lao động phổ thông gồm 21 cỡ số.

3. Đưa ra Hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động phổ thông gồm 5 cỡ số được ký hiệu là 76/145, 80/150, 84/155, 88/160, 92/165

4. Công nhân mặc thử và chuyên gia đều nhận xét: kiểu dáng đẹp, kích cỡ vừa vặn, phù hợp với điều kiện sử dụng của người lao động; ký hiệu cỡ số theo chiều cao là hợp lý; ; vật liệu vải 65/35 Pe/Co đảm bảo tiện nghi, thấm mồ hôi và bền; mẫu quần áo thiết kế đạt được các yêu cầu kỹ thuật cần có của quần áo bảo hộ lao động phổ thông.

5. Tài liệu kỹ thuật sản phẩm bao gồm hệ thống cỡ số quần áo bảo hộ lao động, bộ mẫu kỹ thuật của 5 cỡ số, đảm bảo đáp ứng được khả năng ứng dụng cho sản xuất may công nghiệp.

6. Kết quả nghiên cứu là số liệu đáng tin cậy và khoa học để góp phần xây dựng lại tiêu chuẩn quần áo bảo hộ lao động cho công nhân lao động phổ thông, thay thế tiêu chuẩn 1601-91 đã không được ban hành từ năm 2004.

4.2. CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU TIẾP THEO

Nghiên cứu thiết kế và chế tạo các sản phẩm quần áo bảo vệ chuyên dụng cho các ngành như quần áo bảo vệ cho công nhân ngành điện, quần áo cản điện trường, quần áo cho công nhân ngành cao su, ngành thủy sản…và xây dựng bộ tiêu chuẩn quần áo bảo vệ cho từng ngành nghề để đảm bảo tính tiện nghi, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo tính an toàn và thuận lợi trong lao động, làm tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc của người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thủy Bình, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thúy Ngọc, 2005, Giáo trình thiết kế quần áo, Nhà xuất bản giáo dục.

2. Nguyễn Thị Hà Châu, 2003, Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể người, phục vụ thiết kế sản phẩm quân trang bằng phương pháp nhân trắc học, báo cáo Khoa học  của Bộ Quốc phòng.

3. Nguyễn Thị Thanh Huyền, 2011, “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số và thiết kế mẫu quần áo bảo hộ lao động  cho nam công nhân lao động phổ thông hiện nay” , Viện NC KHKT Bảo hộ lao động.

4. Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Ngô Chí Trung, 2002, Nghiên cứu thiết kế và chế tạo chủng loại quần áo bảo hộ lao động dùng trong môi trường có nhiệt độ cao trên quan điểm tính tiện nghi của trang phục, bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Nguyễn Thị Mai Oanh, KS.Lê Xuân Đoan cùng các cộng sự, 1974, Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số cho quần áo bảo hộ lao động  nam và nữ lao động phổ thông, Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động.

6. Nguyễn Văn Thông, 2009, Xây dựng hệ thống cỡ số quần áo nam, nữ và trẻ em trên cơ sở số đo nhân trắc người Việt Nam, báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ Công thương.

7. Viện NC KHKT Bảo hộ lao động, 1985, Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuối lao động, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.

8. TCVN 1601-74: Quần áo lao động phổ thông dùng cho nữ công nhân.

9. TCVN 6689:2009: Quần áo bảo vệ- Yêu cầu chung.

10. TCVN 5782:2009: Hệ thống cỡ số tiêu chuẩn quần áo.

11. TCVN 1755-86. Vải dệt thoi- Phương pháp xác định sự thay đổi kích thước sau khi giặt.

12. EN 340: 12-2003: personal protective clothing – general requirements

13. ISO 8559:1989 Garment construction and anthropometric surveys – Body dimensions.

14. ISO/TR 10652:1991 Standard sizing systems for clothes.

15. ISO 13688:1998: personal protective clothing- general requirements

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền

Trung tâm An toàn lao động

Viện NC KHKT Bảo hộ Lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)