Ngồi làm việc lâu và ánh sáng văn phòng – những rủi ro sức khoẻ tại chỗ làm
“Mặc dù đã thu được nhiều thành quả đối với an toàn lao động trong thế kỷ qua nhưng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã ngốn gần 60 tỷ đô la mỗi năm ở Australia. Trong số tiền đó, có một phần rất lớn là do môi trường làm việc ở văn phòng”; đó là lời của GS Pisaniello, Trưởng khoa Sức khoẻ cộng đồng, Đại học Adelaide khi đề cập đến vấn đề ngồi làm việc ở văn phòng.
“Có một số rủi ro nghiêm trọng tại chỗ làm việc đối với nhiều người Úc, tuy nhiên đa phần có thể phòng ngừa được hoặc biến cải được”.
“Ngồi làm việc lâu không chỉ có hại cho sức khoẻ mà nó còn làm giảm tác dụng của các hoạt động thể dục thường xuyên. Thậm chí nếu NLĐ có tập thể dục trong giờ nghỉ trưa thì việc ngồi cả ngày cũng sẽ vẫn ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ của họ”.
Ông cũng nói có sự liên hệ giữa làm việc nhiều giờ với các bệnh tim mạch, đái tháo đường và mệt mỏi.
“Cứ 5 NLĐ Úc thì có 1 người có 40% rủi ro bị bệnh tim mạch do công việc. Khoảng 30% NLĐ nói rằng họ phải làm việc với cường độ cao, tiến độ gấp hoặc phần lớn thời gian một người phải làm quá nhiều việc”.
“Luật công bằng việc làm năm 2009 cho phép NLĐ quyền yêu cầu được bố trí công việc một cách linh hoạt; các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng NLĐ một khi họ được yêu cầu và được đáp ứng bố trí công việc linh hoạt sẽ có ít rủi ro “ bị nhiễu cuộc sống làm việc” hơn”.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp xúc lâu với nguồn sáng đèn LED có “ánh sáng xanh da trời” hay ánh sáng trắng có giầu màu xanh da trời có nguy cơ bị hỏng võng mạc. “Chọn ánh sáng cho văn phòng nên có phổ ấm nóng, thiên về màu đỏ hoặc xanh lá cây hơn là màu xanh da trời lạnh lẽo thì sẽ tốt cho việc đọc sách và cũng bảo vệ mắt người lao động tốt hơn. Ngày nay đã có bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng có phổ ánh sáng ấm cũng như phổ ánh sáng trắng, lạnh”.
Đây không phải lần đầu tiên nghiên cứu này nêu lên vấn đề ngồi lâu có ảnh hưởng tới sức khoẻ. Tháng trước, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Curtin, Tây Australia cũng đã chỉ ra rằng ngồi quá lâu có thể dẫn đến các bệnh rất trầm trọng như béo phì, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.
Biên dịch: Phạm Hải
(Nguồn tin: safetyculture.com.au)