Nguy cơ và biện pháp kiểm soát nguy cơ khi nâng vận chuyển bằng tay

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Nâng nhấc, vận chuyển vật nặng bằng tay buộc người ta phải sử dụng sức cơ bắp, phải giữ vững khối lượng cơ thể ở tư thế cần thiết và thực hiện chuyển động cơ thể kèm theo trọng tải.

Khi nâng chuyển vật nặng bằng tay nhiều nhóm cơ phải chịu tải trọng tĩnh, các cơ ở tư thế tĩnh, máu không được lưu thông đầy đủ, làm giảm lượng ôxy cung cấp cho tế bào, nên cơ bắp nhanh chóng mệt mỏi.

Thường biểu hiện bằng nhức mỏi cơ lưng, sau là nhức mỏi cơ tay. Hậu quả gây nên gắng sức của tim, tuẩn hoàn, suy giảm hoạt động cơ lồng ngực, nén ép cơ quan nội tạng trong lồng ngực khoang bụng.

– Các nguy cơ:

+ Biến dạng đĩa đệm cột sống

+ Thoát vị đĩa đệm cột sống

+ Đau lưng

+ Đau chân

+ Yếu cơ

+ Rối loạn cảm giác

+ Liệt bang quang và hành tá tràng

+ Biến dạng cơ xương

+ Tăng trương lực thành mạch máu và đầu mút thần kinh, dẫn đến cục nghẽn ở tĩnh mạch chân.

1.2.2. Nguyên tắc làm việc của cột sống khi nâng – vận chuyển vật nặng bằng tay

Cột sống ở tư thế tự nhiên để giữ cho cơ thể thẳng đứng, cấu tạo gồm các đốt sống và đĩa đệm.

Khi làm việc ở tư thế đòn bẩy thì cột sống ở tư thế bất lợi nhất. Lúc này, nếu so sánh với nguyên tắc làm việc của cần cẩu tháp thì: chiều cao của mỏm gai xương nhỏ hơn nhiều so với chiều dài của cột sống (1/6), ở cần cẩu tháp là (1/3), vì vậy lực phối hợp với cơ lưng để giữ cân bằng tăng lên rất nhiều, áp lực của gánh nặng tác động vào đĩa đệm cột sống tăng cao, đặc biệt ở vùng thắt lưng.

– Nâng vật nặng ở tư thế thẳng lưng: các đĩa đệm cột sống chỉ chịu lực nén và được phân bố đồng đều trên toàn bộ mặt đĩa đệm.

– Nâng vật nặng ở tư thế cong lưng: Lưng bị uốn cong, trục trung hoà đi qua 1/3 đốt sống và đĩa đệm ở phía sau, lực nén phân bố không đều trên 2/3 đĩa đệm cột sống và các cơ lưng phải gánh chịu tải trọng cao.

Trên đĩa đệm vừa có lực nén vừa có lực kéo tác động đồng thời vì vậy dễ gây ra biến dạng, tổn thương đĩa đệm cũng như thoát vị đĩa đệm.

1.2.3. Biện pháp kiểm soát nguy cơ và nguyên tắc an toàn nâng – vận chuyển vật nặng bằng tay

– Các nguyên tắc chung:

+ Trọng tải phải được bao gói tốt

+ Khối lượng được phân bố đều trên lưng

+ Khi vận chuyển bằng đòn gánh thì trọng tải phải được chia đều nhau

+ Không nên khuyến khích trả lương khoán khi nâng vận chuyển vật nặng.

+ Khuyến khích tập thể lực và sử dụng phương tiện cơ giới phụ trợ

– Phương pháp an toàn nâng vật nặng trực tiếp

+ Đứng gần vật định nâng, hai chân dạng bằng vai

+ Hạ thấp trọng tâm, bằng cách gập đầu gối, giữ cho lưng thẳng, đầu thẳng; hai tay nắm giữ cân đối, chắc chắn, vật nâng sát người.

+ Hít một hơi, nín thở lên gân bụng, duỗi thẳng cơ chân trở lại tư thế đứng thẳng.

+ Từ từ thở ra và bước từng bước về phía trước.

Lưu ý: Không xoay cột sống khi đang nâng vật nặng.

                           


(Nguồn tin: Tài liệu, Bảo hộ lao động, 2012)