Nhận dạng và kiểm soát an toàn sản xuất – nhóm có các yếu tố nguy hiểm nổ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Nơi có yếu tố nguy hiểm nổ:
– Các cơ sở sản xuất, cung ứng và sử dụng các thiết bị áp lực như nồi hơi, nồi hấp, nồi chưng cất; bình chai khí nén; máy nén khí. Các hệ thống ống dẫn môi chất có áp suất cao như ống dẫn hơi, khí đốt…
– Các đơn vị sản xuất và sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp: Thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy v.v…
– Ngành công nghiệp xăng dầu, khí đốt (kho tàng, cửa hàng, phương tiện vận tải vận chuyển…)

Nguy cơ nguy hiểm

– Nguy cơ nổ: Do xu thế cân bằng áp suất của các thiết bị chịu áp lực kèm theo sự giải phóng năng lượng lớn, khi điều kiện độ bền của thiết bị không đảm bảo đã dẫn đến hiện tượng nổ. Hiện tượng nổ TBAL có thể đơn thuần là nổ vật lý nhưng cũng có khi là sự kết hợp giữa hai hiện tượng nổ xảy ra liên tiếp đó là nổ hoá học và nổ vật lý (công sinh ra tăng hàng chục lần).

– Nguy cơ bỏng: Do những nguyên nhân khác nhau như xì hở môi chất, nổ vỡ thiết bị, tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt độ cao không được bọc hoặc hư hỏng cách nhiệt, hoặc do vi phạm chế độ vận hành, vi phạm quy trình xử lý sự cố v.v… đều có thể dẫn tới hiện tượng bỏng (nóng hoặc lạnh).

Cả hai nguy cơ nổ và bỏng không chỉ dẫn tới những sự cố, tai nạn trầm trọng đối với con người, mà còn có thể gây ra những tổn thất to lớn về của cải, vật chất (máy móc, thiết bị; công trình xây dựng và môi trường…).

Các biện pháp phòng ngừa

* Đối với nồi hơi:

+ Phải thực hiện khai báo, đăng ký và xin cấp phép sử dụng theo đúng quy định và chỉ được phép đưa vào vận hành những nồi hơi nào đã được cấp giấy phép sử dụng. Trong quá trình sử dụng phải tổ chức khám nghiệm kỹ thuật theo quy định hiện hành.

+ Công nhân vận hành nồi hơi phải được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn và kỹ thuật an toàn phải nắm chắc đặc điểm, cấu tạo, quy trình vận hành, các dạng hư hỏng, sự cố thường gặp và cách xử lý; phải thực hiện nghiêm túc nội quy an toàn vận hành nồi hơi.

+ Công nhân vận hành cần phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ kiểm tra như: Áp kế, đồng hồ đo mức nước trong nồi hoặc thiết bị tự động báo hiệu mức nước trong nồi đã cạn đến mức giới hạn và các cơ cấu an toàn như màng hay van an toàn. Tất cả các dụng cụ cơ cấu này phải được kiểm tra thường xuyên, bảo đảm hoạt động tốt và đạt cấp chính xác theo quy định.

+ Nước cung cấp cho nồi hơi phải được xử lý lắng lọc, xử lý hoá học để loại thải tạp chất ngăn ngừa sự ăn mòn và đóng cặn trong nồi. Độ cứng của nước cấp không được vượt quá tiêu chuẩn quy định.

* Đối với bình (chai) chứa khí:

+ Các bình chứa khí phải có đầy đủ các dụng cụ cơ cấu an toàn: Áp kế, van an toàn v.v… và bảo đảm hoạt động chính xác.

+ Khi nạp khí hoá lỏng vào bình phải chừa lại một phần thể tích bình khoảng 10%.

+ Không để các bình chứa khí ngoài nắng hoặc gần những nơi có ngọn lửa trần hay các nguồn nhiệt cao (khu vực hàn điện, hàn hơi, gần các lò đốt, nung, sấy…).

+ Các bình chứa khi đặt đứng cố định phải để vào khung giá tránh đổ vỡ. Khi vận chuyển phải sử dụng các phương tiện chuyên dùng tránh va xóc mạnh. Tuyệt đối cấm mang vác trên người hoặc vần lăn trên sàn.

+ Phải vận chuyển và chứa kho riêng cho các loại bình khác nhau.

+ Phải sơn và ghi rõ tên chất khí theo đúng quy định để tránh nạp khí nhầm lẫn.

Ví dụ:  – Bình axêtylen sơn màu trắng, ghi ký hiệu axêtylen màu đỏ.

             – Bình ôxy sơn màu sanh da trời, ghi ký hiệu ôxy màu đen.

             – Bình hydrô sơn màu xanh thẫm, ghi ký hiệu hydrô màu đỏ v.v..

* Đối với máy nén khí:

+ Sử dụng máy nén khí phải tuân thủ các quy định trong quy trình an toàn laođộng bình chịu áp lực. Máy nén khí phải có đầy đủ các thiết bị an toàn như áp kế, nhiệt kế, van an toàn, bộ phận tách dầu, bộ phận lọc khí trên măng sông hút khí. Áp kế và van an toàn phải được định kỳ đăng kiểm so với mẫu.

Áp kế: Phải có vạch đỏ trên thang chia độ để chỉ giới hạn cho phép. Phải nhanh chóng tắt máy khi kim chỉ quá vạch đỏ này. Áp kế phải được thường xuyên kiểm tra và không được sử dụng áp kế khi không có kẹp chì hay bị vỡ mặt kính.

Van an toàn: Van an toàn phải lắp ở thùng chứa khí nén và ở đầu của mỗi cấp nén để tự động xả bớt hơi khi áp suất vượt quá giới hạn cho phép.

Nhiệt kế: Để đo nhiệt độ khí nén và nước làm nguội.

+ Máy nén khi đặt ở ngoài trời phải có mái che mưa nắng, có biện pháp phòng cháy. Ống thải khí phải lắp ở vị trí tránh mặt trời chiếu trực tiếp vào, tránh bụi khói và hơi nước. Phạm vi đặt ống phải được rào lại. Cấm người không có nhiệm vụ vào chỗ đặt máy. Tuyệt đối cấm để các máy nén khí làm việc không có người giám sát.

+ Khi máy ngừng làm việc một thời gian dài, phải mở các vòi nắp và van an toàn, còn các bộ phận chuyển động phải bôi dầu mỡ.

+ Cấm dùng xăng để rửa thành bình chứa, mà chỉ được dùng dầu hoả để rửa, không dùng dầu bẩn, cặn hoặc giẻ bẩn để lau chùi. Sau khi rửa sạch, phải để cho bốc hơi hết mới cho máy hoạt động.

+ Hàng ngày phải thổi sạch dầu, nước và bùn ở các bộ phận tách nước.

+ Các ống dầu phải lắp đặt sao cho có thể kiểm tra được dễ dàng. Trường hợp chôn các ống dưới đất, phải làm hố kiểm tra ở các vị trí ống nối. Cấm lắp đặt đường ống ở gần ngọn lửa hở hoặc ở nơi có nhiệt độ cao.

+ Sửa chữa, làm sạch máy nén, bình hơi và ống dẫn khí phải do công nhân có trình độ nghiệp vụ thực hiện. Trong thời gian lau chùi và sửa chữa phải có biện pháp đề phòng máy chạy khởi động bất ngờ.

+ Trước khi mở máy và sau khi dừng máy phải kiểm tra tất cả các bộ phận an toàn. Chỉ có những công nhân có chuyên môn mới được mở máy.

+ Tại vị trí đặt máy phải treo, dán bản nội quy hướng dẫn sử dụng máy và phải ghi rõ áp suất và nhiệt độ cho phép tương ứng với áp suất ở mỗi giai đoạn. Ngoài ra còn phải có sổ theo dõi sự hoạt động của máy để công nhân điều khiển máy ghi chép tất cả và đầy đủ những hiện tượng xảy ra trong quá trình vận hành máy ở mỗi ca làm việc.

+ Cấm đổ xăng, dầu máy, dầu hoả và các chất dễ cháy khác trong phòng đặt máy.

+ Khi sử dụng các thiết bị điện ở máy nén khí phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động lắp đặt và sử dụng điện trong thi công. Phải thực hiện nối đất cho máy nén khí và đường ống dẫn để đề phòng nổ do hiện tượng tĩnh điện.

TS. Triệu Quốc Lộc


(Nguồn tin: Trích dẫn cuốn Bảo hộ lao động, chủ biên PGS.TS Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)