Nhận diện nguy cơ và các giải pháp phòng ngừa tại làng nghề chế biến gỗ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các làng nghề nói chung, làng nghề chế biến gỗ nói riêng đang phải đối mặt với những vấn đề về an toàn lao động (ATLĐ) và nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ). Vì thế, việc nhận diện các mối nguy và tìm ra giải pháp phòng ngừa TNLĐ tại các làng nghề chế biến gỗ có ý nghĩa quan trọng.

Nền nhà xưởng không sắp xếp gọn gàng là nguy cơ cháy nổ, điện giật tại các làng nghề gỗ. Ảnh: T. Ly

Các mối nguy tại xưởng sản xuất trong làng nghề gỗ

Tiếp xúc với máy, thiết bị có nhiều yếu tố nguy hiểm

Tại các làng nghề gỗ hiện nay, máy móc đã được sử dụng phổ biến, như máy ráp, bào cuốn, máy xẻ, máy vanh dọc, máy cưa đĩa để bàn,… Việc trang bị máy móc là yêu cầu tất yếu giúp nâng cao năng suất lao động, giảm bớt công lao động và giảm giá thành sản phẩm. Song, bên cạnh những lợi ích mang lại, máy móc cũng gây ra hầu hết các TNLĐ trong xưởng gỗ. Khi máy móc không được che chắn cẩn thận, NLĐ có thể chạm phải những bộ phận nguy hiểm và bị chấn thương nghiêm trọng, đôi khi dẫn tới mất ngón tay hoặc chi trên.

Mặc dù máy móc đã được đưa vào sản xuất, nhưng nhìn chung công nghệ chế biến gỗ tại các làng nghề, đặc biệt trong hộ gia đình còn lạc hậu, sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc đơn giản. Đa số máy móc sử dụng tại làng nghề gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, với mức giá rẻ dẫn đến thiếu an toàn, thiếu hướng dẫn kỹ thuật. Để hạn chế chi phí, nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề không đầu tư, mua sắm máy, thiết bị mới, hiện đại mà mua máy, thiết, phương tiện cũ, sử dụng lâu năm, hoặc mua máy phương tiện tự chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi đưa vào sử dụng.

Bụi gỗ và nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ

Trong các công đoạn sản xuất gỗ, việc vận hành máy móc thường tạo ra rất nhiều bụi gỗ. Bụi gỗ được phát sinh ở hầu hết các công đoạn như cưa, xẻ, khoan, phay, vanh lộng, bào, chà nhám,…Tại những xưởng sản xuất, hình ảnh quen thuộc là bụi gỗ bám trắng các cánh cửa, lối ra vào cùng các vật dụng để gần đó. Những lúc người thợ làm việc, bụi gỗ bay tứ tung, tỏa ra môi trường xung quanh. Trong khi đó, các xưởng sản xuất tại làng nghề thường mang quy mô hộ gia đình, không có điều kiện lắp đặt hệ thống xử lý bụi, hoặc chủ yếu dùng các biện pháp thô sơ, tạm thời. Bụi từ quá trình sản xuất, chế biến bay vào không trung, là nguyên nhân gây ra ô nhiễm bụi tại các làng nghề gỗ. Các loại bụi gỗ rất độc hại, có thể gây nguy hiểm cho phổi, là nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản, bệnh viêm da và ung thư. Bên cạnh đó, bụi gỗ rất dễ cháy nên có thể gây ra hỏa hoạn hoặc nổ. Bụi gỗ cũng có thể gây trơn trượt trên sàn nhà gây ra TNLĐ.

Quá trình sản xuất gỗ còn tạo nên mối nguy từ mảnh bắn, như các mảnh dụng cụ, vật liệu gia công hay các dụng cụ cắt kim loại, cắt gỗ, dụng cụ mài đánh bóng gỗ, đá mài, mùn cưa, dăm gỗ khi băm, các thanh gỗ, đầu gỗ, phôi gỗ khi gia công văng ra gây tai nạn.

Không sắp sếp gọn gàng các sản phẩm gỗ cũng là nguy cơ mất an toàn lao động. Ảnh: T. Ly.

Nhà xưởng nhỏ hẹp, trơn trượt

Cũng như các làng nghề khác, các hộ sản xuất gỗ thường không có khu sản xuất riêng rẽ, mà nằm trong khu dân cư với không gian sản xuất pha trộn không gian sinh hoạt hằng ngày. Các cơ sở sản xuất gỗ tại các làng nghề thường được tận dụng bằng chính không gian sân, vườn ngay tại gia đình, thậm chí nhiều hộ còn sử dụng nhà của mình trực tiếp làm nơi sản xuất nên diện tích rất hạn chế.

Do nhà xưởng nhỏ, hẹp, các cơ sở sản xuất thường bố trí nguyên vật liệu, máy móc sản xuất xen lẫn nhau nên dễ dẫn đến trơn trượt và vấp ngã. Chủ yếu là vấp phải dây cáp, công cụ máy móc, mẩu gỗ thừa, bụi gỗ, rác, chất lỏng, sáp, chất đánh bóng hoặc mặt sàn trơn, không bằng phẳng hoặc bị hư hại. Khi bị trượt hoặc vấp ngã, thường NLĐ sẽ không làm chủ được tình hình. Nếu bị ngã, NLĐ có nguy cơ tiếp xúc với các máy móc không được che chắn kỹ càng, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng. Ngay cả khi không tiếp xúc với các bộ phận nguy hiểm của máy, việc trượt và vấp ngã cũng có thể gây ra những chấn thương nặng.

Mối nguy từ rơi, đổ, sập

Đặc trưng nguyên vật liệu và sản phẩm trong sản xuất gỗ rất nặng, nên một trong những mối nguy nghiêm trọng nhất mà NLĐ tại các làng nghề gặp phải là rơi, đổ, sập. Do nhà xưởng sản xuất nhỏ hẹp, nguyên vật liệu và sản phẩm không được quy hoạch chỗ để, mà để ở bất cứ nơi nào có thể như ngay tại sàn thao tác, làm việc. Trong xưởng sản xuất, các hộ gia đình cũng ít có các xe vận chuyển mà vận chuyển bằng công cụ thô sơ và sử dụng sức người là chính, vì thế NLĐ đối diện với nguy cơ bị gỗ rơi đè vào người. Ngoài ra, không gian làm việc bừa bộn, dễ bị trượt ngã cũng khiến NLĐ đối diện với việc bị gỗ nguyên liệu hoặc sản phẩm gỗ thành phẩm rơi đổ vào người.

Để phòng ngừa tai nạn trong quá trình sản xuất, người lao động cần sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như găng tay, kính bảo hộ, khẩu trang…

Trong ảnh: Cơ sở chế biến gỗ tại huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: Hương Lan.

Một số giải pháp phòng ngừa TNLĐ tại làng nghề gỗ

Có thể thấy, NLĐ tại các làng nghề gỗ phải đối diện với rất nhiều mối nguy trong quá trình sản xuất. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho NLĐ, các làng nghề gỗ cần áp dụng một số giải pháp phòng ngừa TNLĐ như:

Thứ nhất, tăng cường trang bị máy móc mới, hiện đại, an toàn

Với những lợi ích to lớn, máy móc ngày càng được đưa vào sử dụng trong quá trình sản xuất tại các làng nghề gỗ. Để hạn chế tình trạng TNLĐ do máy móc gây ra, các làng nghề gỗ cần thay thế việc mua máy giá rẻ, máy móc cũ, sử dụng lâu năm, thiếu hoặc hướng dẫn kỹ thuật không đầy đủ, máy móc và phương tiện tự chế, không rõ xuất xứ,…tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ bằng việc tăng cường trang bị máy móc mới, hiện đại, thiết bị có che chắn, bảo vệ xung quanh các bộ phận chuyển động, có hướng dẫn đầy đủ,…Và chỉ mua máy móc, thiết bị sau khi đã kiểm tra các điều kiện an toàn.

Thứ hai, sử dụng máy, thiết bị đúng kỹ thuật

Trong quá trình sản xuất, máy móc cần phải được sử dụng đúng chức năng, công suất, được quan tâm kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ nhằm hạn chế các sự cố bất thường dẫn đến tai nạn cho NLĐ.

Thứ ba, che chắn an toàn đối với các bộ phận chuyển động

Để phòng ngừa tai nạn khi tiếp xúc với bộ phận cắt, các máy móc cần có bộ phận che chắn và bảo vệ chắc chắn cho các phần nguy hiểm (như phần lưỡi cưa). Các bộ phận che chắn phải dễ dàng điều chỉnh, để có thể điều chỉnh sát tối đa với phần gỗ đang thao tác nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc với bộ phận cắt và loại trừ khả năng chạm phải lưỡi cắt.

Cấp cứu bệnh nhân bị máy chế biến gỗ cắt lìa cánh tay trái tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Đoan Hùng, Phú Thọ). Ảnh: Thu Hường.

Thứ tư, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng nơi làm việc

Do đặc thù của sản xuất gỗ, việc tạo ra bụi gỗ là điều không thể tránh khỏi. Để hạn chế những nguy hại mà bụi gỗ gây ra, tại các xưởng sản xuất nên sử dụng hệ thống hút bụi kết nối với máy thu gom bụi khi máy vận hành. Bên cạnh đó, cần thay thế các biện pháp xử lý bụi thô sơ, tạm thời bằng việc lắp đặt hệ thống xử lý bụi.

Trong quá trình sản xuất cũng cần thường xuyên thu gom bụi gỗ trên mặt sàn nhà để tránh bụi gỗ có thể gây trơn trượt. Luôn dọn dẹp xưởng gỗ sạch và gọn gàng, thu dọn đồ vật không cần thiết trên sàn nhà xưởng để tránh nguy cơ trơn trượt hoặc vấp ngã.

Các xưởng sản xuất cần dùng xe đẩy, xe kéo và các loại thiết bị vận chuyển có bánh xe để di chuyển vật liệu, sản phẩm. Cần sắp xếp hợp lý nơi làm việc, hạn chế di chuyển đồ dùng, nguyên vật liệu nhằm hạn chế rơi, đổ, sập vào NLĐ.

Trong quá trình sản xuất, máy móc cần phải được sử dụng đúng chức năng, công suất, được quan tâm kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.

Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Phú Đỉnh (Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Tiểu My.

Thứ năm, trang bị và sử dụng thường xuyên phương tiện bảo vệ cá nhân

Hiện ở các làng nghề, việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân rất hạn chế. Để phòng ngừa tai nạn trong quá trình sản xuất, NLĐ cần tăng cường sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như găng tay, kính bảo hộ, khẩu trang,…tránh hít phải bụi gỗ, bị bụi gỗ và các mảnh bắn văng vào mắt, văng vào các bộ phận khác trên cơ thể.

Chính quyền địa phương có các làng nghề cần tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ, mở các lớp huấn luyện về ATVSLĐ, tăng cường tuyên truyền và cung cấp kiến thức cho người dân nhằm thay đổi nhận thức của NLĐ về ATLĐ, từ đó có thể nhận diện được các mối nguy hiểm trong công việc và biết cách phòng tránh, kiểm soát nhằm hạn chế TNLĐ có thể xảy ra. Đồng thời, cần quy hoạch đưa các xưởng sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục những hạn chế và nguy cơ tai nạn do yếu tố nhà xưởng chật hẹp gây ra.

ThS. TRƯƠNG THỊ LY – Trường Đại học Công đoàn


(Nguồn tin: Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn)