Những mối nguy trong không gian hạn chế – Phần 1: Bầu không khí nguy hiểm

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Đi vào không gian hạn chế có thể rất nguy hiểm. Công nhân không được phép đi vào khu vực này trừ khi đã được huấn luyện, có thiết bị và quy trình thích hợp.

Không gian hạn chế là gì?

Không gian hạn chế là một khu vực kín hoặc kín một phần và chỉ đủ lớn cho một công nhân đi vào. Khu vực này không được thiết kế để cho người nào đó làm việc thường xuyên, nhưng công nhân có thể cần phải vào không gian hạn chế để làm những công việc như kiểm tra, vệ sinh, bảo trì, và sửa chữa. Lối ra vào nhỏ có thể khiến cho việc ra vào khó khăn và có thể gây phức tạp cho các quy trình cứu hộ.

Đi vào không gian hạn chế có thể rất nguy hiểm. Công nhân không được phép đi vào khu vực này trừ khi đã được huấn luyện, có thiết bị và quy trình thích hợp. Nếu không gian hạn chế chứa khí độc, công nhân chỉ cần ở gần lối vào cũng có thể bị nguy hiểm. Thường các khí độc này đang chịu tác động của áp suất do nhiệt bên trong không gian hạn chế hoặc khi các khí được tạo ra từ bên trong khu vực đó. Vì thế, nồng độ khí độc gần lối vào không gian hạn chế có thể đủ cao để gây tử vong.

Điều quan trọng là phải xác định tất cả những không gian hạn chế tại bất cứ nơi làm việc nào; ví dụ về không gian hạn chế gồm các bồn chứa, silo, thùng chứa, đường ống, cống, hầm tiện ích ngầm dưới đất, và bể chứa – tóm lại là bất cứ khu vực nào có thể có bầu không khí “hạn chế”. Công nhân có thể thiệt mạng nếu họ không biết mình đang vào một không gian hạn chế có bầu không khí độc hại và do đó không áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định xem nơi làm việc có không gian hạn chế hay không. Nếu có bất cứ điểm tiếp cận nào thì những chỗ đó phải được đảm bảo chống xâm nhập, hoặc phải sử dụng các biển báo (hoặc bằng phương tiện hiệu quả khác) để nhận diện chỗ đó và cảnh báo công nhân về các mối nguy hiểm.

Bài viết này mô tả các loại nguy hiểm chính được tìm thấy trong không gian hạn chế. Không gian hạn chế có thể chứa bầu không khí nguy hiểm, bao gồm không đủ oxy, không khí độc, hoặc bầu không khí dễ phát nổ. Những chỗ này cũng có thể có các nguy hiểm thể chất có thể dẫn đến những tình huống như công nhân té ngã, bị đè hoặc chôn vùi, hoặc chết đuối. Các mối nguy này có thể không rõ rệt. Tất cả các không gian hạn chế đều phải được đánh giá cẩn thận để nhận dạng mọi mối nguy. Việc đánh giá phải được thực hiện bởi người có chuyên môn quen thuộc với không gian hạn chế và công việc này  phải được thực hiện trong không gian đó.

Những cảnh báo về mối nguy trong bài này được dựa trên các tai nạn thực sự đã xảy ra tại những nơi làm việc trên thế giới.

Bầu không khí nguy hiểm

Bầu không khí trong không gian hạn chế có thể nguy hiểm vì một số lý do. Không khí có thể có quá ít hoặc quá nhiều ôxy. Bầu không khí có thể độc hại hoặc dễ phát nổ. Không gian hạn chế với bầu không khí nguy hiểm cũng có thể có một số nguy cơ vậy lý.

Sau khi một không gian hạn chế được xác định, bầu không khí trong đó phải được xếp hạng nguy hiểm là CAO, TRUNG BÌNH, hoặc THẤP. Mức độ nguy hiểm của một không gian hạn chế phải được xác nhận bởi người có chuyên môn sau khi xét đến việc thiết kế, xây dựng và việc sử dụng không gian hạn chế, các hoạt động công việc được thực hiện trong đó, và tất cả các biện pháp kiểm soát kỹ thuật cần thiết.

Bầu không khí có mức nguy hiểm cao

Bầu không khí có thể khiến công nhân có nguy cơ tử vong, bị thương, hoặc mắc bệnh cấp tính, hoặc nếu không thì làm suy giảm khả năng thoát ra khỏi không gian hạn chế của công nhân mà không cần trợ giúp nếu hệ thống thông hơi hoặc mặt nạ phòng độc bị hỏng.

Bầu không khí có mức nguy hiểm trung bình

Một bầu không khí không sạch, có thể thở được và không thể làm suy giảm khả năng thoát ra khỏi không gian hạn chế của công nhân mà không cần trợ giúp nếu hệ thống thông hơi hoặc mặt nạ phòng độc bị hỏng.

Bầu không khí có mức nguy hiểm thấp

Một bầu không khí được thử nghiệm trước khi vào hoặc nếu không thì được biết là có không khí sạch, có thể thở được ngay trước khi vào không gian hạn chế, và không có khả năng thay đổi trong quá trình làm việc.

Ôxy: quá ít hay quá nhiều

Thiếu ôxy là nguyên nhân hàng đầu gây thiệt mạng cho công nhân vào không gian hạn chế. Mức ôxy thấp không thể phát hiện được bằng thị giác hay khứu giác. Bạn phải kiểm tra không khí để biết tình trạng nguy hiểm này. Mức ôxy quá thấp có thể làm tổn hại não và làm tim ngưng đập sau vài phút.

Nguyên nhân gây ra thiếu ôxy là gì?

Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu ôxy (không đủ ôxy) trong không gian hạn chế:

– Ôxy bị mất đi khi kim loại rỉ sét.

– Ôxy bị mất đi trong quá trình đốt cháy – chẳng hạn khi sử dụng máy sưởi không gian prô-pan, trong khi cắt hoặc hàn, và động cơ đốt trong.

– Ôxy có thể bị thay thế bởi các khí khác – chẳng hạn như các khí hàn hoặc các khí bị ép vào không gian đó để ngừa rỉ sét.

– Các vi sinh vật tiêu thụ hết ôxy – chẳng hạn như trong đường cống và các thùng lên men.

Quá nhiều ôxy không phải là mối nguy phổ biến như ôxy thấp, nhưng cũng nguy hiểm. Quá nhiều ôxy làm tăng rủi ro cháy hoặc nổ trong không gian hạn chế. Các vật liệu thường không bắt lửa hoặc cháy trong không khí bình thường có thể bắt cháy rất nhanh và dễ dàng ở những nơi có nhiều ôxy.

Cách duy nhất để biết có bao nhiêu ôxy trong một không gian hạn chế là dùng máy đo oxy. Máy đo phải hoạt động tốt, được bảo trì và hiệu chỉnh phù hợp. Tín hiệu cảnh báo phải được cài ở mức phù hợp. Người được huấn luyện để dùng máy đo phải kiểm tra không khí trước khi có người vào không gian hạn chế.

Máy đo ôxy cho thấy mức ôxy theo tỷ lệ phần trăm không khí. Không khí chứa 20,9% ôxy.

Kiểm tra ôxy trong không khí bằng máy đo ôxy trước khi bạn vào một không gian hạn chế.

Máy đo nên được thử nghiệm trong không khí sạch bên ngoài. Nếu độ đo là trên hoặc dưới 20,9% oxy, có thể có vấn đề với thiết bị cảm biến ôxy hoặc với việc hiệu chuẩn thiết bị. Không sử dụng máy đo này để thử bên trong không gian hạn chế, và không vào không gian hạn chế cho đến khi dùng một máy đo đã được hiệu chuẩn phù hợp.

Không khí sạch bên ngoài chứa 20,9% ôxy. Nếu không khí bên trong không gian hạn chế khác 20,9%, người đủ trình độ chuyên môn phải điều tra nguyên nhân để bảo đảm chỗ đó an toàn để vào. Điều quan trọng là phải biết nguyên nhân gây ra sự thay đổi mức ôxy. Phản biết nguyên nhân trước khi công nhân được phép vào nơi đó. Thí dụ, nhiều loại khí độc gây ra mức nguy hiểm cao cho công nhân ngay cả khi nồng độ đủ thấp để chỉ gây ra một sự thay đổi ôxy rất nhỏ. Với một số chất dung môi thông thường, sự thay đổi ôxy 0,1% cũng có thể là có đủ lượng khí độc để gây thiệt mạng hoặc bị thương nặng.

Làm việc trong một bầu không khí có mức ôxy từ 14% đến 17% có thể làm suy giảm khả năng phán đoán, chóng mặt, mệt mỏi, và ngất xỉu. Ở mức ôxy thấp hơn nữa, một lần hít thở bạn có thể hít vào quá ít ôxy nên cơ bắp của bạn không thể phản ứng và bạn sẽ không có đủ sức để thoát ra ngoài dù bạn vẫn còn tỉnh. Cách an toàn duy nhất để biết không khí trong không gian hạn chế có đủ ôxy hay không là sử dụng một máy đo được hiệu chuẩn và được bảo trì phù hợp.

Công nhân không được vào một không gian hạn chế có chứa ít hơn 19,5% ôxy mà không áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc sử dụng mặt nạ phòng hơi khí độc.

Bầu không khí độc hại

Những chất ô nhiễm trong không khí có thể gây ra một bầu không khí độc hại cho công nhân và có thể gây thương tích hoặc chết người.

Nồng độ của chất bên trong không gian hạn chế phải được xác định bằng cách sử dụng thiết bị theo dõi không khí mới được hiệu chỉnh và thiết lập đúng gần đây với cảm biến chính xác. Máy đo không khí có thể phát tín hiệu để cảnh báo cho công nhân trước khi đạt được mức giới hạn tiếp xúc cho phép. Trong hầu hết các trường hợp, hệ thống thông gió cơ học như quạt phải được sử dụng để thông gió cho không gian, đưa không khí sạch bên ngoài vào. Ngoài ra, chất độc hại phải được loại trừ bất cứ khi nào có thể. Kiểm tra không khí và thông gió là những cách tốt nhất để bảo đảm rằng công nhân không bị rủi ro vì bầu không khí nguy hiểm.

Tại nồng độ nhất định, một số chất trở nên nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng và sức khỏe (IDLH). Ở những mức độ này, ngay cả một tiếp xúc ngắn cũng có thể gây ra những ảnh hưởng vĩnh viễn đến sức khỏe như tổn thương não, tim, hoặc phổi. Hoặc chất đó có thể làm cho công nhân chóng mặt hoặc bất tỉnh khiến họ không thể thoát ra khỏi không gian hạn chế. Một số chất có mức IDLH rất thấp. Ví dụ, mức IDLH của hydrogen sulfide chỉ là 100 ppm (một phần triệu).

Vì các chất lỏng và chất rắn bên trong không gian hạn chế…

Các chất lỏng có thể tạo ra bầu không khí nguy hiểm nếu chúng bay hơi – ví dụ, nhiên liệu lỏng trong bồn có thể tạo ra hơi. Các điều kiện nguy hiểm có thể nảy sinh khi các túi khí trong vật liệu phế thải bị xáo trộn trong quá trình làm sạch. Ví dụ, một chất hữu cơ như bùn phân có thể giải phóng khí độc hydrogen sulfide khi chùi rửa hố phân. Bột giấy thối rữa trong các bồn chức cũng tạo ra khí hydrogen sulfide. Nếu ngũ cốc trong silo lên men, chúng sẽ sử dụng hết ôxy và sản sinh các loại khí gây chết người.

Do công việc làm bên trong không gian hạn chế…

Trong một phần ba số vụ tai nạn liên quan đến các khí độc hại hoặc thiếu ôxy, không có nguy hiểm trong không gian hạn chế khi công nhân bước vào lần đầu tiên. Mà chính công việc trong không gian hạn chế đã tạo ra bầu không khí nguy hiểm.

Các hoạt động có thể dẫn đến việc phát tán các chất độc hại vào không khí gồm mài, cạo, tháo gỡ lớp cách điện, phun kim loại, lót cao su, sơn, thủy tinh sợi, cắt, hàn, và dùng động cơ đốt trong. Các chất tẩy rửa có thể độc, có thể phản ứng với cặn trong bồn, hoặc có thể phát tán khí gây chết người từ các bề mặt thẩm thấu trong không gian hạn chế.

Làm sạch bồn có chứa bụi có thể khiến bụi bay vào không khí và tạo ra bầu không khí nguy hiểm.

Thông gió cục bộ hút khói hàn ra khỏi không gian hạn chế. Không khí sạch được bơm từ bên ngoài vào.

Do ô nhiễm từ các nguồn bên ngoài…

Một không gian hạn chế có thể ở cạnh nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm. Chất gây ô nhiễm có thể xâm nhập vào không gian hạn chế qua tường thẩm thấu, chẳng hạn như những bức tường trong đường cống hoặc rãnh, hoặc qua những lối hở khó bít kín như các ống dẫn. Thông thường thì có đặt hệ thống thông hơi cơ học để đưa không khí từ bên ngoài vào không gian hạn chế. Nếu ống dẫn không khí được đặt bên cạnh một chiếc xe hoặc thiết bị có động cơ đốt trong đang chạy, thì ống dẫn sẽ đưa khí thải từ xe hoặc thiết bị đó vào.

Bầu không khí dễ phát nổ

Cần có đủ ba yếu tố để bốc cháy hoặc phát nổ: ôxy, vật liệu dễ cháy (nhiên liệu), và nguồn đánh lửa.

Ôxy

Không khí thông thường chứa 20,9% ôxy, đủ ôxy để cháy. Tuy nhiên, mức ôxy cao hơn sẽ làm tăng khả năng cháy vật liệu. Không khí được xem là giàu ôxy khi lên trên mức 23%. Mức gia tăng này có thể do việc cách ly các  đường ôxy không đúng cách, thông gió không gian bằng ôxy thay vì không khí, hoặc rò rit từ thiết bị hàn.

Nhiên Liệu

Cháy và phát nổ trong không gian hạn chế thường do các loại khí và hơi bốc cháy. Bụi than đá và bụi ngũ cốc có thể phát nổ khi lượng bụi lên đến một mức độ nhất định trong không khí.

GHI CHÚ: Hai hoặc nhiều hóa chất có thể phản ứng với nhau và phát nổ.

Không nên để các thùng chứa nhiên liệu như xăng và khí propane vào không gian hạn chế vì nhiên liệu có thể cháy hoặc nổ dễ dàng.

Sau đây là một số chất thông thường khác có thể phát nổ hoặc cháy trong không gian hạn chế:

– Khí acetylene từ thiết bị hàn bị rò rỉ

– Khí mêtan và hydro sunfua được tạo ra từ chất thải hữu cơ thối rữa trong đường cống hoặc bồn chứa

– Khí hydro được sinh ra khi nhôm hoặc kim loại mạ tiếp xúc với chất lỏng ăn mòn

– Bụi ngũ cốc, bụi than đá

Các chất dung môi như acetone, ethanol, toluene, turpentine, và xylene, có thể được đưa vào không gian hạn chế do bị làm đổ hoặc do sử dụng hoặc thải bỏ không đúng cách

Người được huấn luyện phải kiểm tra bầu không khí để tìm các chất khí và hơi có thể cháy hoặc nổ. Không phải lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy hoặc ngửi được các chất khí và hơi nguy hiểm này. Nếu phát hiện bất kỳ bầu không khí đễ nổ có thể đo được, không khí đó phải được đánh giá thêm bởi người có chuyên môn để bảo đảm rằng nó an toàn khi đi vào không gian hạn chế.


(Nguồn tin: worksafebc.com.vn)