Những mối nguy trong không gian hạn chế – Phần 2: Các mối nguy vật lý

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Không gian hạn chế có thể có các nguy hiểm thể chất có khả năng dẫn đến những tình huống như công nhân té ngã, bị đè hoặc chôn vùi, hoặc chết đuối.

Các mối nguy vật lý

Vật liệu rời rạc và không ổn định

Bất cứ khi nào các vật liệu rắn không ổn định gồm nhiều phân tử nhỏ như cát được lưu trữ trong không gian kín, sẽ có nguy cơ vật liệu đó rơi xuống công nhân và làm họ bị kẹt hoặc chôn lấp họ. Ví dụ về những những không gian hạn chế này là thùng cát, thùng đựng gỗ vụn hoặc mùn cưa, silo trữ hoặc đựng ngũ cốc…

Bất cứ chỗ nào có vật liệu rời rạc, không ổn định có thể làm bạn bị mắc kẹt hoặc bị chôn vùi, người có độ chuyên môn phải kiểm tra và đánh giá các mối nguy. Không đi vào cho đến khi các mối nguy đã được loại bỏ hoặc được kiểm soát. Phải huấn luyện cụ thể và áp dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn trước khi bạn bước vào.

Nguy cơ trượt, vấp, và té ngã

Không gian bạn chuẩn bị bước vào có thể có một lối đi khó lọt qua và thang để leo lên hoặc xuống. Do đó bạn có nguy cơ bị ngã khi vào nơi này cũng như trong khi đang ở trong đó. Ngoài ra, sàn của bể chứa hoặc các môi trường ướt khác hoặc các bậc thang có thể rất trơn trợt.

Nếu không thể loại trừ được các mối nguy này và có nguy cơ ngã cao, thì cần phải có một hệ thống bảo vệ chống té ngã (như lan can hoặc dây nịt và dây cứu sinh).

Đồ vật rơi

Trong một không gian hạn chế, có thể có nguy cơ bị đồ vật rơi trúng người như dụng cụ hoặc thiết bị, nhất là khi những lối vào hoặc vị trí làm việc được đặt ở phía trên công nhân.

Nếu công nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ vật thể rơi xuống thì phải áp dụng các quy trình làm việc an toàn để ngừa tình trạng này. Ví dụ, sắp xếp lịch trình làm việc sao cho không có công nhân nào làm việc phía trên người khác, và hạ thiết bị và dụng cụ xuống thấp trước khi công nhân vào và dọn ra sau khi công nhân rời đi.

Những phần chuyển động của thiết bị và máy móc

Các thiết bị cơ khí như máy khoan, máy trộn, hoặc thùng trộn xoay có thể nguy hiểm nếu được kích hoạt hoặc không được đảm bảo. Năng lượng dư, chẳng hạn như trọng lực hoặc áp suất tính lũy, cũng có thể gây rủi ro trừ phi thiết bị được khóa và được tiêu hao năng lượng. Việc này phải được thực hiện bằng cách tuân theo đúng quy trình khóa máy dành riêng cho từng thiết bị và ghi rõ từng nơi phải khóa. Ngay cả khi đã ngắt điện và đã khóa thiết bị tại những điểm kiểm soát, thiết bị không an toàn vẫn có thể chuyển động, đặc biệt nếu nó bị mất thăng bằng.

Trước khi làm việc trong không gian hạn chế:

– Tắt nguồn điện

– Bảo đảm đã khóa thiết bị tại những điểm kiểm soát

– Kiểm tra khóa

– Đảm bảo an toàn bất cứ thiết bị nào có thể chuyển động, ngay cả khi nó đã bị khóa

Điện giật

Điện giật có thể là do dây nối điện, dây cáp hàn, hoặc thiết bị điện khác bị hỏng. Công việc được thực hiện trong khu vực có kim loại hoặc trong điều kiện ẩm ướt có thể rất nguy hiểm. Lắp đặt bộ ngắt mạch nối đất GFCIs (GFCIs – ground fault circuit interrupters) hoặc sử dụng nối đất ở những nơi có thể có nguy cơ điện giật. Tất cả các nguồn điện gây nguy hiểm cho công nhân bên trong không gian làm việc phải được khóa lại theo quy trình khóa dành cho không gian hạn chế cụ thể.

Những chất xâm nhập qua đường ống

Đường ống gần không gian hạn chế có thể chứa chất lỏng hoặc khí hoặc những chất độc hại khác. Nếu những chất này đi vào không gian hạn chế, có thể có các mối nguy:

– Các loại khí độc

– Phỏng từ những chất nóng

– Chết đuối

– Bị kẹt, đè, hoặc chôn lấp

Phải ngăn ngừa các chất xâm nhập qua đường ống vào không gian hạn chế. Việc này được thực hiện bằng cách “cô lập” đường ống với không gian hạn chế. Phương pháp này thường là tháo các đường ống hoặc dùng những tấm chắn đặc để chặn đường ống với không gian hạn chế. Nếu các van khóa được dùng để ngăn cách đường ống thì phải sử dụng một hệ thống chặn kép đặc biệt để không có gì có thể rò rỉ vào trong không gian hạn chế. Trong những trường hợp đặc biệt, người có chuyên môn có thể chứng nhận rằng hệ thống van cách ly là an toàn cho người lao động để thực hiện công việc dự định trong không gian hạn chế.

Tầm nhìn kém

Tầm nhìn kém làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và khiến cho một người khó nhìn thấy công nhân đang bị nạn hơn. Nếu tầm nhìn kém là do không đủ sáng thì nên tăng mức độ sáng (mặc dù không phải lúc nào cũng cần chiếu sáng khu vực đó). Nếu các hoạt động như phun cát hoặc hàn khiến cho tầm nhìn kém, có thể cần hệ thống thông gió phù hợp để giảm bớt những chất độc hại trong không khí.

Nếu dùng đèn chiếu sáng lưu động tại nơi có thể có bầu không khí dễ nổ, thì đèn đó phải “chống cháy nổ”. Đèn chiếu sáng khẩn cấp như đèn pin hoặc các loại đèn khu vực chạy pin phải được cung cấp khi cần thiết, để công nhân có thể xác định vị trí các lối ra và lối thoát hiểm.

Nhiệt độ quá mức

Cần có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt trước khi công nhân vào các thiết bị như nồi hơi, lò phản ứng và các hệ thống nhiệt độ thấp. Người có chuyên môn phải cung cấp các biện pháp này. Dành đủ thời gian để làm nguội các không gian hạn chế đã được làm sạch bằng hơi nước.

Tiếng ồn

Tiếng ồn trong không gian hạn chế có thể rất nguy hại vì dội vào tường. Mức ồn từ một nguồn bên trong không gian hạn chế nhỏ có thể lớn hơn gấp 10 lần so với cùng nguồn đó ở ngoài trời. Nếu không thể giảm mức độ tiếng ồn thì phải đeo thiết bị bảo vệ thính giác thích hợp khi cần.

Nguy cơ chết đuối

Không gian hạn chế phải được thoát nước hoàn toàn hoặc khô khi công nhân vào đó. Những chỗ nào không tháo được hết nước hoặc khô có thể gây nguy cơ chết đuối. Dễ dàng nhận biết được nguy cơ chết đuối trong bể hoặc bồn có nhiều chất lỏng. Tuy nhiên, đã có những công nhân chết đuối trong các vũng chất lỏng nhỏ. Ví dụ, thiếu dưỡng khí, có khí độc, hoặc bị đập đầu có thể làm công nhân bất tỉnh. Công nhân té sấp mặt vào một vũng nước nhỏ đã chết đuối.

Chương trình vào không gian hạn chế

Trước khi công nhân làm việc trong không gian hạn chế, người sử dụng lao động phải chuẩn bị và thực hiện một chương trình vào không gian hạn chế bằng văn bản.

Việc nhận diện, đánh giá, và kiểm soát những mối nguy hiểm trong không gian hạn chế thường khá phức tạp. Để được hỗ trợ trong việc đánh giá các mối nguy và chuẩn bị một chương trình vào không gian hạn chế bằng văn bản, hãy tham khảo ý kiến của một chuyên gia an toàn và sức khỏe nghề nghiệp có trình độ chuyên môn. Chuyên gia an toàn và sức khỏe nghề nghiệp có thể cho bạn biết phải làm gì để vào không gian hạn chế được an toàn, bao gồm việc cung cấp thiết bị kiểm tra không khí thích hợp, và giải thích về thiết bị di chuyển không khí lưu động và thiết bị bảo vệ cá nhân sẽ được sử dụng.

Một kế hoạch cứu hộ được tính toán kỹ lưỡng, trang thiết bị phù hợp cũng như các khóa đạo tạo và thực hành là chìa khóa để giữ an toàn cho công nhân nếu họ phải vào một không gian hạn chế

Chương trình vào không gian hạn chế phải gồm những điều sau:

– Phân công trách nhiệm.

– Danh sách từng không gian hạn chế hoặc nhóm các không gian tương tự và bản đánh giá rủi ro bằng văn bản của những không gian này phải do người có chuyên môn thực hiện.

– Các quy trình làm việc an toàn bằng văn bản để vào và làm việc trong từng không gian hạn chế. Mỗi một quy trình phải được viết cụ thể cho từng mối nguy tồn tại trong mỗi không gian cho mỗi lần vào.

– Phải cung cấp các thiết bị cần thiết cho mỗi lần vào, bao gồm thiết bị kiểm tra, thiết bị di chuyển không khí, các thiết bị cách ly và khóa, và thiết bị bảo vệ cá nhân.

– Giấy phép có chữ ký nếu cần.

– Huấn luyện nhân viên.

– Một kế hoạch cứu hộ.

HÃY NHỚ!

Mỗi công nhân đều có quyền từ chối việc làm không an toàn. Nếu bạn tin rằng chỗ đó không an toàn để đi vào, đừng vào. Hãy đảm bảo rằng tất cả các biện pháp phòng ngừa an toàn được áp dụng.


(Nguồn tin: worksafeBC.com)