Nhiệt tại nơi làm việc – Phần 1: Căng thẳng nhiệt và bệnh liên quan đến nhiệt
Nhiệt độ cao hơn trong thời gian dài hơn cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương do mệt mỏi, thiếu tập trung, ra quyết định kém và các yếu tố khác. Việc giảm năng suất cũng có thể xảy ra. Nhiệt độ tăng có thể làm tăng mức độ căng thẳng ở người lao động, bao gồm cả những lao động tham gia vào các dịch vụ khẩn cấp và những lao động làm việc ngoài trời theo lịch trình thay đổi để tránh thời điểm nhiệt độ cao.
Mọi người lao động đều có quyền được làm việc trong một môi trường nơi các rủi ro đối với sức khỏe và sự an toàn của họ được kiểm soát phù hợp và nhiệt độ tại nơi làm việc là một trong những rủi ro mà người sử dụng lao động cần đánh giá xem công việc nên được thực hiện trong nhà hay ngoài trời.
Ai có thể bị ảnh hưởng
Người lao động trong hầu hết mọi lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng do nhiệt độ môi trường xung quanh tăng lên, dẫn đến stress nhiệt, nhưng đối tượng đang được chú ý nhiều nhất hiện nay là người lao động làm việc ngoài trời trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và xây dựng, nhân viên ứng cứu khẩn cấp và nhân viên y tế. Công nhân làm việc trong nhà cũng có thể gặp rủi ro, đặc biệt nếu họ làm việc trong các ngành sử dụng nhiều nhiệt hoặc thực hiện các công việc chân tay. Rủi ro nghề nghiệp do stress nhiệt phụ thuộc vào vị trí địa lý và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như tuổi tác hoặc tình trạng bệnh lý sẵn có. Những yếu tố này cần được tính đến khi thiết lập các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ.
Công nhân làm việc ngoài trời
Các lĩnh vực mà người lao động có khả năng thực hiện các công việc thể chất cường độ cao khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và sức nóng bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, không gian công cộng và sửa chữa và bảo trì đường bộ, ngư nghiệp, xây dựng, khai thác mỏ và khai thác đá, vận tải, dịch vụ bưu chính, thu gom và bảo trì chất thải và vật tư tiện ích. Các nhân viên ứng phó khẩn cấp như lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên quân đội, nhân viên y tế cấp cứu và nhân viên cứu hộ cũng có thể bị ảnh hưởng, ví dụ khi xảy ra thiên tai hoặc cháy rừng. Trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc thiên tai, nhân viên ứng phó khẩn cấp thường phải làm việc với công suất tối đa trong khi mặc quần áo hoặc thiết bị bảo hộ cá nhân, điều này có thể gây thêm căng thẳng về tinh thần và thể chất.
Công nhân làm việc trong nhà
Công nhân làm việc trong nhà cũng có nguy cơ bị stress nhiệt và có thể tăng lên trong các đợt nắng nóng, đặc biệt là những người làm việc trong các tòa nhà được làm mát kém, trong các cabin vận hành máy móc không được làm mát (ví dụ: cần cẩu) và trong các cơ sở sản xuất công nghiệp có nhiệt độ cao và những người thực hiện các công việc nặng nhọc hoặc công việc thể chất hoặc phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong điều kiện nóng bức. Ví dụ về các ngành nghề và lĩnh vực có nguy cơ bao gồm: công nhân chăn nuôi và làm vườn, cung cấp điện, khí đốt & nước và các lĩnh vực sản xuất, ví dụ như xưởng đúc và luyện kim, nhà máy thép, nhà máy sản xuất thủy tinh và cao su, đường hầm khí nén, nhà máy điện, nhà máy sản xuất gạch và gốm sứ, buồng nồi hơi, lò luyện kim và lò nung nơi vật liệu cực nóng hoặc nóng chảy là nguồn nhiệt chính, và nhiều dịch vụ như giặt là, nhà bếp tại các nhà hàng, tiệm bánh và nhà máy đóng hộp, cũng như công nhân dọn dẹp vệ sinh, công nhân dịch vụ thực phẩm và công nhân tại các nhà kho. Độ ẩm cao tăng thêm gánh nặng nhiệt. Nhân viên y tế cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng, ví dụ: việc sử dụng PTBVCN trong điều kiện nóng bức có thể vô tình góp phần gây ra stress nhiệt. Nhân viên y tế cũng có khả năng phải đối mặt với một lượng lớn bệnh nhân trong các đợt nắng nóng, dẫn đến khối lượng công việc cao, tình trạng căng thẳng và mệt mỏi về thể chất.
Stress nhiệt – bệnh liên quan đến nhiệt
Làm việc trong điều kiện nắng nóng có thể nguy hiểm và có thể gây hại cho người lao động. Cơ thể con người cần duy trì nhiệt độ cơ thể khoảng 37°C. Nếu cơ thể phải làm việc quá sức để giữ mát hoặc bắt đầu quá nóng, người lao động sẽ bắt đầu mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.
‘Stress nhiệt’ là tải nhiệt tổng thể mà một công nhân có thể phải chịu do sự tích lũy kết hợp của nhiệt trao đổi chất, quần áo và các yếu tố môi trường (nghĩa là nhiệt độ không khí và chuyển động, độ ẩm và nhiệt bức xạ). Stress nhiệt nhẹ hoặc trung bình có thể dẫn đến khó chịu và tác động tiêu cực đến hiệu suất và sự an toàn, nhưng không gây hại cho sức khỏe. Nhiệt độ cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bằng cách làm giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong của cơ thể. Đồng thời có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như: tim mạch, hô hấp, bệnh về mạch máu não và các bệnh liên quan đến bệnh tiểu đường. Một loạt các nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiệt độ cao hơn với sự gia tăng tỷ lệ tự tử, các ca cấp cứu do bệnh tâm thần và sức khỏe tâm thần kém.
Mọi người thường không thể nhận thấy các triệu chứng liên quan đến stress nhiệt của chính mình. Sự tồn vong của họ có thể phụ thuộc vào khả năng nhận biết các triệu chứng này của đồng nghiệp cùng làm và kịp thời tìm kiếm trợ giúp y tế và sơ cứu. Dưới đây là phần giải thích các ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe của stress nhiệt và lời khuyên về những việc cần làm nhằm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng.
Sốc nhiệt
Sốc nhiệt là bệnh nghiêm trọng nhất liên quan đến nhiệt. Được xem là một trường hợp cấp cứu y tế. Đổ mồ hôi không phải là một dấu hiệu tốt của stress nhiệt vì có hai loại sốc nhiệt: không gắng sức hay ‘kinh điển’ là khi có ít hoặc không đổ mồ hôi (thường xảy ra ở trẻ em, người mắc bệnh mãn tính và người già) và ‘gắng sức’ khi nhiệt độ cơ thể tăng lên do tập thể dục hoặc làm việc vất vả và thường có mồ hôi.
Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: nhiệt độ cơ thể tăng nhanh, cơ chế bài tiết mồ hôi bị trục trặc và cơ thể không thể hạ nhiệt. Khi sốc nhiệt xảy ra, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên 40°C hoặc cao hơn trong vòng 10 đến 15 phút. Khi bị sốc nhiệt, người bệnh cần được sơ cứu và chăm sóc y tế tức thời. Hội chứng này có thể gây thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong nếu người bệnh không được điều trị khẩn cấp.
Các triệu chứng sốc nhiệt bao gồm: lú lẫn, trạng thái tinh thần thay đổi, nói lắp, hành vi mất lý trí; mất ý thức hoàn toàn hoặc một phần (hôn mê); da khô, nóng hoặc đổ nhiều mồ hôi; co giật; nhiệt độ cơ thể rất cao; và tử vong nếu điều trị muộn.
Sơ cứu khi điều trị sốc nhiệt
Thực hiện các bước sau để điều trị cho người lao động bị sốc nhiệt:
– gọi số tổng đài cấp cứu để được chăm sóc y tế khẩn cấp;
– ở lại với người lao động cho đến khi các dịch vụ y tế khẩn cấp có mặt;
– di chuyển người lao động đến khu vực có bóng mát và cởi bỏ quần áo bên ngoài;
– nhanh chóng làm mát người lao động, sử dụng các phương pháp sau:
– tắm nước lạnh hoặc nước đá, nếu có thể,
– làm ướt da,
+ đắp khăn ướt hoặc đá lạnh lên đầu, cổ, nách và bẹn, hoặc ngâm quần áo với nước mát
+ lưu thông không khí xung quanh người lao động để tăng tốc độ làm mát, và
+ không ép người bệnh uống nước.
Kiệt sức do nhiệt
Kiệt sức do nhiệt là phản ứng của cơ thể khi mất quá nhiều nước và muối, thường là do đổ mồ hôi quá nhiều. Có thể dẫn đến sốc nhiệt nếu không được điều trị. Kiệt sức do nhiệt có nhiều khả năng ảnh hưởng đến:
– người lớn tuổi,
– người bị cao huyết áp, và
– những người làm việc trong môi trường nóng bức.
Các dấu hiệu và triệu chứng của kiệt sức vì nóng bao gồm: nhức đầu; buồn nôn; chóng mặt; người yếu; rối loạn thị giác; khó chịu; khát nước dữ dội; đổ mồ hôi nhiều; ngứa ran và tê tứ chi sau khi tiếp xúc với môi trường nóng; chuột rút cơ bắp; khó thở; đánh trống ngực; nhiệt độ cơ thể tăng cao; giảm lượng nước tiểu; và da nhợt nhạt, lạnh và ẩm.
Sơ cứu khi điều trị kiệt sức vì nóng
Điều trị cho người lao động bị kiệt sức vì nóng bằng cách như sau:
– Được chăm sóc y tế. Đưa người lao động đến phòng khám hoặc phòng cấp cứu để được đánh giá và điều trị y tế.
– Gọi số tổng đài cấp cứu nếu không có dịch vụ chăm sóc y tế.
– Không để người lao động một mình. Nhờ ai đó ở lại với họ cho đến khi có sự trợ giúp.
– Đưa người lao động ra khỏi khu vực nóng và cho uống nước. Khuyến khích uống từng ngụm nước mát thường xuyên.
– Cởi bỏ quần áo không cần thiết, kể cả giày và tất.
– Làm mát cho người lao động bằng gạc lạnh hoặc yêu cầu họ rửa đầu, mặt và cổ bằng nước lạnh.
Tiêu cơ vân
Tiêu cơ vân (rhabdo) là một tình trạng bệnh lý liên quan đến stress nhiệt và gắng sức kéo dài. Tiêu cơ vân gây ra sự phân hủy, vỡ và chết cơ nhanh chóng. Khi mô cơ chết đi, các chất điện giải và protein lớn được giải phóng vào máu. Điều này có thể gây ra nhịp tim không đều, co giật và tổn thương thận.
Trong khi tiêu cơ vân có thể không có triệu chứng, các triệu chứng gồm: chuột rút/đau cơ; nước tiểu sẫm màu bất thường (màu nước trà hoặc màu cola); người yếu; và suy giảm khả năng thực hiện bài tập thể dục.
Sơ cứu các triệu chứng tiêu cơ vân
Người lao động có triệu chứng tiêu cơ vân nên:
– ngừng hoạt động;
– uống nhiều chất lỏng hơn (ưu tiên nước);
– đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc; và
– yêu cầu được kiểm tra tiêu cơ vân (nghĩa là phân tích mẫu máu để tìm creatine kinase).
Ngất do nhiệt
Ngất do nhiệt là một đợt ngất xỉu hoặc chóng mặt do lượng máu lên não tạm thời không đủ, thường xảy ra khi đứng quá lâu hoặc đột ngột đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Hội chứng này cũng có thể do hoạt động thể chất mạnh mẽ từ hai giờ trở lên trước khi ngất xỉu. Hội chứng gây ra bởi sự mất chất lỏng của cơ thể do đổ mồ hôi, và hạ huyết áp do dồn máu ở chân. Các yếu tố có thể góp phần gây ngất do nhiệt bao gồm mất nước và thiếu thích nghi với môi trường.
Các triệu chứng của ngất do nhiệt gồm: ngất xỉu (thời gian ngắn); chóng mặt; và choáng váng do đứng quá lâu hoặc đứng dậy đột ngột khi đang ngồi hoặc nằm.
Sơ cứu để điều trị ngất do nhiệt
Phục hồi thường diễn ra nhanh chóng sau khi nghỉ ngơi tại khu vực mát mẻ. Người lao động bị ngất do nhiệt nên:
– ngồi hoặc nằm ở nơi thoáng mát; và
– uống từ từ nước lọc, nước trái cây hoặc nước uống thể thao
Chuột rút do nhiệt
Chuột rút do nhiệt là những cơn đau nhói ở cơ có thể xảy ra đơn lẻ hoặc kết hợp với một trong những rối loạn stress nhiệt khác. Chuột rút do nhiệt thường ảnh hưởng đến những người lao động đổ nhiều mồ hôi khi hoạt động gắng sức. Chuột rút là do mất cân bằng muối do đổ mồ hôi nhiều. Việc đổ mồ hôi này làm cạn kiệt lượng muối và độ ẩm của cơ thể. Nồng độ muối thấp trong cơ bắp gây ra chuột rút rất đau đớn. Chuột rút do nhiệt cũng có thể là triệu chứng kiệt sức vì nóng. Muối có thể tích tụ trong cơ thể nếu lượng nước mất đi qua mồ hôi không được bù lại. Lượng chất lỏng không đủ thường góp phần gây ra vấn đề này. Người lao động nên di chuyển đến khu vực mát mẻ hơn và cần được bù nước.
Các triệu chứng bao gồm chuột rút cơ, đau hoặc co thắt ở bụng, cánh tay hoặc chân.
Sơ cứu điều trị chuột rút do nhiệt
Người lao động bị chuột rút do nhiệt nên thực hiện hướng dẫn sau:
– uống nước và ăn nhẹ hoặc đồ uống thay thế carbohydrate và chất điện giải (chẳng hạn như đồ uống thể thao) sau mỗi 15 đến 20 phút; và
– tránh viên muối.
Nhận trợ giúp y tế nếu người lao động:
– có vấn đề về tim;
– đang trong chế độ ăn ít natri; và
– bị chuột rút không giảm trong vòng một giờ.
Phát ban do nhiệt
Phát ban do nhiệt (gai nhiệt hay rôm sảy) là những chấm nhỏ màu đỏ trên da kèm theo ngứa dữ dội, kích ứng da do đổ mồ hôi quá nhiều khi ở trong môi trường nóng ẩm. Các đốm là kết quả của tình trạng viêm gây ra khi các ống dẫn của tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn.
Các triệu chứng của phát ban do nhiệt bao gồm các cụm mụn đỏ hoặc mụn nước nhỏ. Chúng thường xuất hiện trên mặt, cổ, ngực trên, bẹn, đùi, dưới ngực và nếp gấp khuỷu tay.
Sơ cứu điều trị phát ban nhiệt
Trong hầu hết các trường hợp, phát ban do nhiệt sẽ biến mất khi cá nhân trở lại môi trường mát mẻ hơn. Người lao động bị phát ban nhiệt cần:
– làm việc trong môi trường mát hơn, ít ẩm hơn nếu có thể;
– giữ vùng phát ban khô ráo;
– thoa phấn để tăng cảm giác thoải mái; và
– không dùng thuốc mỡ và kem bôi.
Phù do nhiệt
Phù do nhiệt là tình trạng sưng tấy thường xảy ra ở những người không quen làm việc trong điều kiện nóng bức. Sưng thường dễ nhận thấy nhất ở mắt cá chân.
Sơ cứu điều trị phù do nhiệt
Nếu sưng do nhiệt, có một số cách để làm mát chi dưới, tăng cường lưu thông máu kém và đưa chất lỏng trở lại các mạch máu:
– nâng cao bàn chân thường xuyên nhất có thể
– tránh nóng bất cứ khi nào có thể; nghỉ giải lao ở khu vực mát mẻ hoặc có máy điều hòa không khí
– đi bộ nghỉ giải lao thường xuyên, đặc biệt khi đứng yên trong thời gian dài (ngồi hoặc đứng lâu)
– uống đủ nước
– hỗ trợ bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Vớ y khoa hoặc quần tất hỗ trợ có thể giúp ngăn chặn sự tích tụ chất lỏng ở mắt cá chân và bàn chân, nhưng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi nhiệt trong điều kiện nóng.
Ảnh hưởng lâu dài của việc tiếp xúc với nhiệt
Các tổn thương tim, thận và gan được một số nhà nghiên cứu cho là có liên quan đến tiếp xúc với nhiệt trong thời gian dài. Tuy nhiên, bằng chứng không mang tính kết luận. Kiệt sức mãn tính do nhiệt, rối loạn giấc ngủ, dễ bị thương nhẹ và ốm yếu đều được cho là do những tác động có thể có của việc tiếp xúc lâu với nhiệt.
Tiếp xúc với nhiệt có liên quan đến vô sinh tạm thời ở cả phụ nữ và nam giới, với những ảnh hưởng rõ rệt hơn ở nam giới. Mật độ và khả năng di chuyển của tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường có thể giảm đáng kể khi nhiệt độ vùng bẹn tăng cao hơn nhiệt độ thông thường. Do đó, những người lao động tiếp xúc với tải nhiệt cao cũng nên được theo dõi bởi các dịch vụ y tế nghề nghiệp hoặc bác sĩ nghề nghiệp.
Rủi ro tai nạn
Tiếp xúc với nhiệt có thể làm tăng nguy cơ chấn thương tại nơi làm việc do lòng bàn tay đổ mồ hôi, kính bảo hộ bị mờ, chóng mặt và giảm chức năng não. Tiếp xúc lâu với nhiệt có thể dẫn đến các hậu quả như mất phương hướng, suy giảm khả năng phán đoán, mất tập trung, giảm cảnh giác, bất cẩn và mệt mỏi, và do đó làm tăng nguy cơ tai nạn. Việc giảm khả năng nhận thức và thời gian phản ứng lâu hơn có thể ảnh hưởng đến người lao động trong các nhiệm vụ có rủi ro cao (ví dụ: lái xe). Tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời cũng có khả năng làm giảm hiệu suất nhận thức và kết hợp với nhiệt độ môi trường cao, nó có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
Tuy nhiên, một số biện pháp được đề xuất để giảm căng thẳng nhiệt cũng có thể dẫn đến rủi ro tai nạn cao hơn: khi phương thức làm việc được thay đổi để tránh những khoảng thời gian nóng nhất và nắng nhất trong ngày, việc chuyển công việc sang những khoảng thời gian thường bao gồm làm đêm có thể làm tăng nguy cơ chấn thương liên quan đến công việc, do giảm tập trung và tốc độ phản xạ, hoặc giảm tầm nhìn.
Nhiệt độ xung quanh tăng lên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở lắp đặt công nghiệp. Nhiệt độ xung quanh cao làm tăng nguy cơ hỏa hoạn do quá trình lên men hoặc tự gia nhiệt của vật liệu, sản phẩm hoặc chất thải và hiệu ứng kính lúp, ngoài ra còn do thiết bị điện quá nóng hoặc do áp suất tăng. Do đó, những tác động này sẽ phải được tính đến trong quá trình đánh giá rủi ro tại nơi làm việc để đảm bảo tất cả các rủi ro đều được bao quát và những thay đổi về kỹ thuật hoặc tổ chức không làm tăng rủi ro cho người lao động.
Biên dịch: Bích Hà
(Nguồn tin: osha.europa.eu)