Những Rủi ro Liên quan đến Quá trình Phun Sơn trong các Nhà máy Đóng tàu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:28(GMT +7)

Quá trình đóng và sửa chữa tàu thuỷ thường bao gồm công đoạn phun sơn, là công đoạn có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho người lao động.

Những nguy hiểm chủ yếu bao gồm cháy và nổ từ các loại sơn và chất phủ dễ cháy, cũng như phơi nhiễm với các rủi ro hoá chất và các chất độc hại. Công việc này thường được tiến hành trong những không gian hạn chế, nếu không được thông gió hợp lý, có thể gây ra bệnh tật hoặc tử vong cho người lao động, Những người sử dụng lao động phải tiến hành những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ người lao động.

Phơi nhiễm với các Chất Nguy hại

Trong các quá trình phun sơn, người lao động có rủi ro rất lớn phơi nhiễm với các chất nguy hại so với khi họ tiến hành sơn bằng bàn chải hoặc con lăn. Các hạt sơn bị giải phóng vào trong không khí qua vòi phun, làm tăng sự phát tán các hơi khí nguy hại. Trong khi các phương pháp an toàn hơn đã được phát triển, ví dụ như sử dụng các loại sơn và chất phủ ít bay hơi và ít độc hại hơn, và sử dụng các vòi phun khí lưu lượng thấp, những người sử dụng lao động ngành đóng tàu vẫn cần phải có các biện pháp phòng ngừa để tránh các phơi nhiễm nguy hại với người lao động. Điều này là đặc biệt cần thiết trong những không gian hạn chế.

Người sử dụng lao động ngành đóng tàu có trách nhiệm xác định, đánh giá và bảo vệ người lao động khỏi phơi nhiễm với những rủi ro hô hấp và những rủi ro khác tại nơi làm việc. Khi thích hợp, người sử dụng lao động phải đảm bảo có đầy đủ các nhãn dán hoá chất và các bảng dữ liệu an toàn cho người lao động bị phơi nhiễm, và tập huấn họ về các rủi ro và các biện pháp cần thiết để tự bảo vệ chính mình.

Cháy hoặc Nổ

Quá trình phun sơn giải phóng một lượng lớn các hơi khí dễ cháy và dễ bắt lửa vào trong không khí, làm tăng nguy cơ tiềm ẩn cháy hoặc nổ. Một tia lửa từ thiết bị điện hoặc phóng điện tĩnh có thể là đủ để đánh lửa các hơi khí dễ bay hơi. Người sử dụng lao động phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn khi tiến hành các hoạt động phun sơn có khả năng tạo ra môi trường không khí dễ cháy hoặc dễ bắt lửa.

Các Biện pháp Kiểm soát

Việc tiếp xúc với các hợp chất nguy hiểm có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật và các phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE). Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật cần được đánh giá và thực hiện trước khi chỉ dựa vào sự bảo vệ của các phương tiện bảo vệ cá nhân. Luôn luôn kiểm tra lại bảng chỉ dẫn an toàn của nhà sản xuất (SDS) cho tất cả các loại sơn và chất phủ để xác định điểm chớp cháy và nếu các chất dễ bay hơi, độc hại hoặc dễ cháy khác có trong hỗn hợp.

Kiểm soát kỹ thuật

Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật, như thông gió, được sử dụng để ngăn ngừa người lao động tiếp xúc với các điều kiện nguy hiểm trong môi trường không khí và cháy hoặc nổ. Trong quá trình phun sơn hoặc chất phủ tại nơi có khả năng tồn tại những rủi ro đó, người có thẩm quyền của của nhà máy đóng tàu phải tiến hành kiểm tra thường xuyên để xác nhận rằng nồng độ hơi dung môi hữu cơ thấp hơn 10% so với giới hạn cháy nổ dưới (LEL). Ngoài ra, khi sử dụng các hỗn hợp sơn chứa các chất độc tính cao, dễ cháy, dễ nổ với điểm chớp cháy dưới 80oF (khoảng 26,7oC), người sử dụng lao động phải:

– Dừng quá trình sơn và ngay lập tức sơ tán người lao động bị phơi nhiễm khi các chỉ số kiểm tra môi trường không khí cho thấy nồng độ hơi dung môi đạt tới hoặc vượt quá 10% giá trị LEL.

– Sử dụng hệ thống thông gió để thoát khí ra bên ngoài khu vực làm việc và những nguồn có nguy cơ đánh lửa  để đảm bảo nồng độ hơi dung môi hữu cơ dễ cháy thấp hơn 10% giới hạn cháy nổ dưới và ngăn ngừa các vụ cháy hoặc nổ.

– Tiếp tục sử dụng hệ thống thông gió sau khi hoàn thành quá trình sơn hoặc chất phủ để làm giảm nồng độ hơi dư thừa, giữ cho các khoang tàu hoặc khoảng không gian không còn các hơi khí độc.

– Kiểm tra lại môi trường không khí 10 phút sau khi dừng thông gió để xác nhận rằng các điều kiện không khí vẫn ở mức có thể chấp nhận được.

Các công cụ và thiết bị

Các công cụ và thiết bị có nguy cơ tiềm ẩn là nguồn gây cháy trong môi trường không khí dễ cháy và nổ thông qua tia lửa điện hoặc tĩnh điện. Người sử dụng lao động phải:

– Xác nhận rằng, ở những nơi sử dụng sơn và chất phủ có điểm chớp cháy dưới 80oF (khoảng 26,7oC), tất cả các công cụ, thiết bị và các bộ phận kim loại có liên quan (ví dụ: súng phun, chậu sơn, động cơ, quạt, thông gió và ống dẫn) được nối điện và/hoặc tiếp đất với tàu để tránh hiện tượng phóng điện tĩnh. Các cánh quạt và ống dẫn khí phải được làm bằng vật liệu phi kim loại, không được mang các vật liệu bằng sắt vào các khu vực làm việc, và tất cả thanh dựng và giàn giáo phải được dựng lên để đảm bảo chúng không phát tia lửa.  

– Đảm bảo rằng các loại sơn hoặc chất phủ đang sử dụng có điểm chớp cháy dưới 80°F (khoảng 26,7oC), tất cả các động cơ và thiết bị điều khiển được phân loại là chống cháy nổ và được bảo dưỡng tốt và tiếp đất.

– Đảm bảo rằng các bộ phận bằng kim loại của các thiết bị vận chuyển không khí, chẳng hạn như quạt, máy thổi khí và máy khuấy không khí dạng vòi phun, và tất cả các ống dẫn đều được liên kết với cấu trúc động cơ của tàu là nơi mà các loại sơn và chất phủ sử dụng được trộn lẫn với các chất pha sơn hoặc dung môi độc hại.

– Kiểm tra xem tất cả các loại cáp điện và cáp quang được kiểm tra định kỳ bởi người có thẩm quyền để xác nhận rằng lớp cách điện không có vết nứt và các điểm bị ăn mòn, các đường dây không bị quá tải, và các dây cáp bị treo lơ lửng đủ chùng để phòng ngừa bị kéo căng và cọ sát quá mức.

– Cấm sử dụng các đồ vật hoặc thiết bị tạo ra lửa hoặc tia lửa hở, như que diêm, thuốc lá, xì gà hay tẩu thuốc, súng bắn đinh dạng hộp, và các dụng cụ dùng cho các thao tác với nguồn nhiệt. Chỉ sử dụng thùng sơn, súng phun và các dụng cụ không phát tia lửa điện.

– Đảm bảo các điểm kết nối có điện cách xa khu vực tiến hành sơn và chất phủ ít nhất 50 feet (15m) hoặc hơn.

Phương tiện Bảo vệ Cá nhân

Người sử dụng lao động phải đánh giá các thao tác làm việc tại cơ sở sản xuất để xác định các nguy cơ có hoặc có khả năng xuất hiện để yêu cầu người lao động phải sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE), trách nhiệm của người sử dụng lao động được chỉ rõ là cung cấp cho người lao động và đảm bảo việc sử dụng PPE để bảo vệ họ khỏi các nguy cơ đã được xác định. Để bảo vệ người lao động khỏi các rủi ro liên quan đến hoạt động phun sơn, người sử dụng lao động  phải đảm bảo người lao động sử dụng:

– Mặt nạ phòng độc có bình chứa oxy để thoát hiểm khẩn cấp khi trộn sơn với các dung môi độc hại được sử dụng trong quá trình phun sơn trong không gian hạn chế. Trong quá trình phun sơn bên ngoài môi trường, yêu cầu sử dụng mặt nạ loại có phin lọc.

– PPE thích hợp, chẳng hạn như quần áo bảo hộ, găng tay, kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc, để phòng ngừa các loại sơn trong không khí không tiếp xúc với mặt, mắt, đầu, bàn tay, bàn chân và các tiếp xúc với da khác.

– Giầy dép và găng tay không phát tia lửa để phòng ngừa phóng điện tĩnh, tốt nhất là quần áo bảo hộ toàn thân hoặc quần áo mặc ngoài được làm bằng cotton, và găng tay cao su, chứ không phải bằng nhựa tại những khu vực sử dụng cái loại sơn hoặc chất phủ có điểm chớp cháy dưới 80oF (26,7oC).

Xử lý (thải bỏ)

Người sử dụng lao động phải cung cấp các thùng chứa phủ kim loại ở nơi làm việc để xử lý các loại phế liệu và giẻ ngấm các hợp chất dễ bắt lửa.

Phản ứng Khẩn cấp

Trong trường hợp hỏa hoạn, thời gian phản ứng là rất quan trọng. Người sử dụng lao động phải:

– Cung cấp các thiết bị chữa cháy phù hợp cho từng khu vực làm việc và luôn trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.

– Tập huấn cho người lao động để nhận biết các điều kiện không an toàn, bao gồm các nguy cơ hỏa hoạn đáng chú ý và các quy trình để áp dụng trong các trường hợp xảy ra hỏa hoạn như được nêu trong kế hoạch phòng cháy chữa cháy của cơ sở.

– Đảm bảo rằng người lao động được chỉ định là cán bộ phụ trách phòng cháy đã được huấn luyện. 

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: osha.gov)