Phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi dệt có liên quan đến bệnh viêm thấp khớp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng và Miễn dịch học thuộc Viện Nghiên cứu Y học (Malaixia) đã phát hiện ra rằng người lao động phơi nhiễm với bụi dệt có nguy cơ mắc bệnh viêm thấp khớp /viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) cao gấp đôi so với các đối tượng khác.

Phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi dệt cũng liên quan đến rủi ro ngày càng tăng về nhạy cảm di truyền đối với kháng thể thúc đẩy quá trình phát triển bệnh – ACPA (Anti-citrullinated protein antibody).

Nghiên cứu được tiến hành trên 910 phụ nữ Malaixia được chẩn đoán mắc chứng viêm thấp khớp giai đoạn đầu và một nhóm gồm 910 phụ nữ khác không mắc bệnh. Đối tượng tham gia nghiên cứu được phỏng vấn và lấy máu xét nghiệm kiểm tra kháng thể ACPA, một trong những chỉ số cho thấy triệu chứng mắc bệnh.

Nghiên cứu tập trung vào đối tượng là nữ công nhân do số nam công nhân làm việc trong ngành dệt không nhiều, cũng như sự phổ biến về tỉ lệ hút thuốc ở nam giới cao hơn và hút thuốc cũng được xem như một yếu tố rủi ro phát triển bệnh viên thấp khớp.

41 nữ công nhân mắc viêm thấp khớp (chiếm 4,5%) có tiền sử phơi nhiễm với bụi dệt so với 15 nữ công nhân không mắc bênh (chiếm 1,7%).

Những người phơi nhiễm với bụi dệt có tỉ lệ mắc viêm thấp khớp cao hơn gấp 3 lần so với những người chưa từng làm việc trong ngành dệt.

Hầu hết 2/3 số người lao động mắc bệnh viêm thấp khớp (chiếm 63%) có kết quả kiểm tra dương tính với ACPA. Dưới 40% mang yếu tố rủi ro di truyền (HLA-DRB1) là yếu tố làm tăng rủi ro mắc bệnh.  

Những người mang yếu tố rủi ro, đã phơi nhiễm với bụi dệt, có kết quả kiểm tra dương tính với ACPA cao hơn 39 lần so với những người không mang yếu tố rủi ro và những người chưa từng phơi nhiễm với bụi dệt.

Các nhà nghiên cứu cho biết mức độ nghiêm trọng của rủi ro tương tự với các trường hợp phát hiện ở những người hút thuốc lá có mang cùng yếu tố rủi ro di truyền.

Nghiên cứu này chỉ mang tính quan sát, có nghĩa là không có một kết luận chắc chắn nào có thể được đưa ra liên quan đến nguyên nhân và kết quả của căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng tính chất của bụi dệt rất khác biệt, phụ thuộc vào sợi vải và hóa chất dùng để tạo ra vật liệu may mặc.

Mối liên kết giữa bụi dệt và rủi ro mắc bệnh viêm thấp khớp có thể bao hàm một vài cơ chế bệnh tiềm ẩn do sự khác biệt về tính chất hóa lý của bụi lơ lửng trong không khí gây ra, ảnh hưởng tới bộ phận nơi loại bụi này lắng lại trong đường hô hấp.

Theo các nhà nghiên cứu Malaixia thì hình dạng đặc biệt của sợi dệt cho phép chúng thâm nhập sâu vào phổi, gây ra tình trạng dễ bị viêm nhiễm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy các độc tố sản sinh từ một số loại vi khuẩn trong bụi dệt có thể gây ra các bệnh về hô hấp và viêm nhiễm ở phổi cho công nhân dệt.

Nghiên cứu kết luận: “Từ triển vọng về sức khỏe cộng đồng, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu các ca mắc viêm thấp khớp thông qua việc giảm bớt sự phơi nhiễm nghề nghiệp với bụi dệt”.

Nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí “The Annals of the Rheumatic Diseases”. Viêm thấp khớp là bệnh về khớp khá nghiêm trọng gây ra các tổn thương về khớp, đối với các trường hợp nặng có thể gây ra biến dạng nghiêm trọng ở khớp. Các triệu chứng bao gồm: đau, sưng đỏ, cứng khớp vào buổi sáng, mệt mỏi và gây hạn chế vận động ở các khớp bị ảnh hưởng.

Theo dữ liệu công bố của Viện Y học và Phúc lợi Australia, viêm thấp khớp ảnh hưởng đến khoảng 400,000 người và là căn bệnh về khớp phổ biến thứ 2 tại quốc gia này sau bệnh viêm xương khớp (osteoarthritis). So với các đối tượng không phải là bản địa Australia, bệnh viêm thấp khớp khá hiếm gặp ở đối tượng là người bản địa. Đây có lẽ là do thiếu các yếu tố di truyền làm cho một người có thể mắc bệnh.

Tiêu chí chung cho việc chẩn đoán và tầm soát bệnh viêm thấp khớp đã được trường Cao đẳng Royal Australian College of General Practitioners (RACGP) biên soạn.

Sưu tầm và biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: safetyculture.au)