Phơi nhiễm qua da và những ảnh hưởng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Tổng quan
Người ta ước tính rằng hơn 13 triệu lao động tại Hoa Kỳ có thể đang bị phơi nhiễm với các loại hóa chất có khả năng hấp thụ qua da. Việc tiếp xúc qua da với các tác nhân độc hại có thể gây ra nhiều loại bệnh và rối loạn nghề nghiệp, bao gồm các bệnh da nghề nghiệp (OSD) và nhiễm độc toàn thân. Trong quá khứ, những nỗ lực nhằm kiểm soát sự phơi nhiễm với các tác nhân độc hại tại nơi làm việc chỉ tập trung vào các tác nhân hô hấp mà chưa chú trọng tới các tác nhân tiếp xúc qua da. Kết quả là, các chiến lược và phương pháp đánh giá đều được phát triển để đánh giá phơi nhiễm đường hô hấp tại nơi làm việc; các phương pháp chuẩn hiện nay cũng chưa đề cập tới việc xác định và đánh giá phơi nhiễm qua da.

 Bệnh da nghề nghiệp là loại bệnh nghề nghiệp phổ biến thứ hai và có thể xảy ra ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm:

  1.  Viêm da tiếp xúc dạng kích ứng,
  2.  Viêm da tiếp xúc dạng dị ứng,
  3.  Ung thư da,
  4.  Nhiễm trùng da,
  5. Tổn thương da, và
  6. Các loại bệnh về da khác.

Viêm da tiếp xúc là một trong những loại bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất, với chi phí ước tính hàng năm trên 1 tỉ đôla.

Những ngành nghề có nguy cơ

Người lao động có nguy cơ phơi nhiễm qua da với các tác nhân độc hại bao gồm, nhưng không giới hạn, ở những người làm việc trong các ngành công nghiệp và các lĩnh vực sau: dịch vụ thực phẩm; thẩm mĩ; chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp; vệ sinh; hội họa; cơ khí; in ấn/ in thạch bản; xây dựng.

Giải phẫu và chức năng của da

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, chiếm tới hơn 10% khối lượng cơ thể. Da thực hiện nhiều chức năng, bao gồm: bảo vệ; giữ nước; hấp thụ các tác động bên ngoài; cảm giác xúc giác, dự trữ năng lượng; tổng hợp vitamin D; điều hòa nhiệt độ; và duy trì độ ẩm và chống thấm nước.

Nguy cơ về da

Nguyên nhân gây ra các bệnh da nghề nghiệp bao gồm các tác nhân hóa học, chấn thương cơ học, các tác nhân vật lý và các tác nhân sinh học.

* Các tác nhân hóa học là nguyên nhân chính dẫn tới các loại bệnh và rối loạn về da. Những tác nhân này được chia thành 2 loại: chất gây kích ứng sơ cấp và chất gây mẫn cảm (sensitizer). Các chất gây kích ứng sơ cấp hay trực tiếp tác động trực tiếp tới da thông qua các phản ứng hóa học. Các chất gây mẫn cảm có thể không gây ra phản ứng trên da ngay lập tức, nhưng việc tiếp xúc lặp lại có thể dẫn tới các phản ứng dị ứng.

Người lao động có thể bị phơi nhiễm qua da với các hóa chất độc hại theo những con đường sau: tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm hóa chất; sự lắng đọng của các sol khí; da bị nhúng vào hóa chất hoặc bị hóa chất bắn vào người.

* Các tác nhân vật lý như nhiệt độ khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh) và bức xạ (bức xạ tử ngoại, bức xạ mặt trời).

* Chấn thương cơ học bao gồm ma sát, áp lực, trầy xước, rách da và sứt da (vết xước, vết cắt và bầm tím).

* Các tác nhân sinh học bao gồm ký sinh trùng, vi sinh vật, thực vật và các chất có nguồn gốc động vật khác.

Hấp thụ qua da

Hấp thụ qua da là sự vận chuyển một chất hóa học từ bề mặt ngoài của da vào bên trong da và vào trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy sự hấp thụ hóa chất thông qua da có thể xảy ra mà người lao động không hay biết, và trong một số trường hợp, có thể là con đường phơi nhiễm chủ yếu nhất. Rất nhiều loại hóa chất được sử dụng phổ biến tại nơi làm việc có thể gây ngộ độc toàn thân nếu chúng xâm nhập qua da (như thuốc trừ sâu, các dung môi hữu cơ). Các chất hóa học này đi vào hệ tuần hoàn và gây ra các vấn đề khác cho sức khỏe.

Tốc độ hấp thụ qua da phụ thuộc rất nhiều vào lớp ngoài cùng của da, được gọi là lớp sừng (stratum corneum – SC). Lớp sừng này đóng vai trò như một màng chắn quan trọng ngăn các phân tử đi qua và vào trong da, nhờ đó mà bảo vệ các lớp bên dưới của da. Mức độ hấp thụ phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  1. Tính toàn vẹn của da (da bị tổn thương hay da khỏe mạnh)
  2. Vị trí tiếp xúc (độ dày và hàm lượng nước trong lớp sừng; nhiệt độ da)
  3. Các tính chất vật lý và hóa học của chất độc hại
  4. Nồng độ của hóa chất trên bề mặt da
  5. Thời gian tiếp xúc
  6. Diện tích bề mặt của vùng da tiếp xúc với chất độc hại

Nghiên cứu đã cho thấy sự hấp thụ qua da có thể xảy ra thông qua khuếch tán, quá trình mà trong đó các phân tử phân tán từ vùng có nồng độ cao sang vùng có nồng độ thấp. Có ba cơ chế khuếch tán các hóa chất vào trong da:

  1. Con đường lipid gian bào (Hình 1)
  2. Thấm trực tiếp qua các tế bào (transcellular permeation) (Hình 2)
  3. Thông qua các phần phụ (Hình 3)

Hình 1: Con đường lipid gian bào

Như đã thấy trong Hình 1, lớp sừng bao gồm các tế bào gọi là tế bào sừng (corneocytes). Khoảng trống giữa các tế bào sừng này được lấp đầy bởi những chất như chất béo, dầu, hoặc sáp, đó là lipids. Một số chất hóa học có thể thâm nhập qua những khoảng trống chứa lipid giữa các tế bào này thông qua khuếch tán.

Hình 2: Thấm trực tiếp qua các tế bào

Như đã thấy trong Hình 2, một con đường hấp thụ hóa chất khác vào trong và qua các tế bào là con đường trực tiếp, hay từ tế bào này qua tế bào khác, theo đó trong quá trình thấm, các phân tử sẽ khuếch tán trực tiếp qua các tế bào sừng.

Hình 3: Thông qua các phần phụ (nang lông, các tuyến trên da)

Trong Hình 3, con đường thứ 3 để khuếch tán hóa chất vào trong và qua da là thông qua các phần phụ của da (như nang lông và các tuyến trên da). Còn đường này thường không đáng kể vì diện tích bề mặt của các phần phụ là rất nhỏ so với tổng diện tích da. Tuy nhiên, một số loại hóa chất thấm rất chậm có thể thông qua con đường này trong các giai đoạn đầu của quá trình hấp thụ.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc, còn được gọi là bệnh eczema (hay chàm), được định nghĩa là tình trạng viêm da do tiếp xúc với một tác nhân độc hại. Đây là dạng phổ biến nhất của các bệnh da nghề nghiệp được báo cáo, và đại diện cho một gánh nặng quá lớn đối với người lao động ở các quốc gia đang phát triển. Dữ liệu dịch tễ học cho thấy viêm da tiếp xúc đóng góp xấp xỉ 90-95% các ca bệnh da nghề nghiệp tại Hoa Kỳ. Các triệu chứng thường thấy của viêm da tiếp xúc bao gồm: ngứa; đau; đỏ; sưng; xuất hiện các mụn nước nhỏ hoặc các vết mề đay(các vệt tròn màu đỏ với phần trung tâm màu trắng và gây ngứa) trên da; khô, bong tróc, da có vảy có thể phát triển thành các vết nứt.

Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp thường được chia thành hai loại:

1. Viêm da tiếp xúc dạng kích ứng (ICD) là một phản ứng không liên quan tới miễn dịch, biểu hiện là tình trạng viêm da gây ra do tổn thương da trực tiếp sau khi tiếp xúc với một tác nhân độc hại. Phải ứng thường tập trung tại nơi tiếp xúc. Các dữ liệu hiện có chỉ ra rằng ICD chiếm khoảng 80% các ca viêm da tiếp xúc nghề nghiệp.

ICD có thể nhiễm phải bởi các tác nhân gây phản ứng với tác động có hại của ánh sáng (như hắc ín), phơi nhiễm cấp tính với các chất gây kích ứng mạnh (như axít, bazơ, các tác nhân ôxy hóa/ khử), hoặc phơi nhiễm tích lũy mãn tính với những chất kích thích dạng nhẹ (như nước, chất tẩy rửa, hóa chất làm sạch).

2. Viêm da tiếp xúc dạng dị ứng (ACD) là tính trạng viêm da gây ra bởi một phản ứng miễn dịch bắt nguồn từ việc tiếp xúc qua da với một tác nhân gây dị ứng. Để mắc ACD, người lao động trước tiên phải nhạy cảm với tác nhân gây dị ứng. Các phơi nhiễm sau đó của da với tác nhân gây dị ứng có thể khởi động một phản ứng miễn dịch dẫn tới viêm da. Phản ứng này không nhất thiết xảy ra tại điểm tiếp xúc và có thể đưa tới tình trạng dị ứng trên khắp cơ thể.

ACD có thể gây ra bởi các hợp chất công nghiệp (như kim loại, nhựa epoxy và nhựa acrylic, các chất phụ gia cao su, hóa chất trung gian), hóa chất nông nghiệp (như thuốc trừ sâu và thuộc giệt cỏ), và các hóa chất thương mại.

Do các triệu chứng và biểu hiện của ICD và ACD rất giống nhau, rất khó để phân biệt giữa hai dạng viêm da tiếp xúc này nếu không thông qua kiểm tra lâm sàng (như kiểm tra áp da). Mức độ nghiêm trọng của viêm da dị ứng dao động trong một khoảng rộng và phụ thuộc và nhiều yếu tố, bao gồm:

  1. Đặc tính của các tác nhân độc hại (gây kích ứng và/hay dị ứng)
  2. Nồng độ của tác nhân độc hại (gây kích ứng và/hay dị ứng)
  3. Thời gian và tần suất tiếp xúc với tác nhân độc hại (gây kích ứng và/hay dị ứng)
  4. Các yếu tố môi trường (như nhiệt độ, độ ẩm)
  5. Tình trạng da (như da khỏe mạnh hay bị tổn thương, da khô hay ẩm)

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: cdc.gov)