Phòng tránh thương tích do tai nạn ngã cao trong ngành xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Ngã cao là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến thương tích và tử vong liên quan đến hoạt động công việc trong ngành xây dựng.

Công nhân xây dựng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ hàng ngày khi làm việc cùng với các loại máy móc công nghiệp nặng, vận chuyển các vật liệu xây dựng và đi bộ qua những công trường xây dựng đông đúc. Nhưng tai nạn do ngã lại được xem là những thương tích và tử vong phổ biến nhất trong ngành xây dựng.

Số liệu từ Cơ quan An toàn Lao động Australia (Safe Work Australia) cho thấy từ năm 2003 đến 2013 hơn 2/3 (28%) các ca tử vong trong ngành xây dựng đều bắt nguồn từ nguyên nhân do ngã cao, với hầu hết các ca tử vong có liên quan đến thang, đường dốc hoặc cầu thang di động và giàn giáo.

Ngã cao chiếm khoảng 12% các vụ đền bù cho người lao động liên quan đến công việc trong ngành xây dựng trong khoảng thời gian từ 2008-2009 cho tới 2012-2013.

Hầu hết các trường hợp ngã cao trong ngành công nghiệp này đều do mất thăng bằng trong khi đang làm việc ở trên hoặc gần các bờ, mép không được bảo vệ. Những tai nạn này nảy sinh do các biện pháp an toàn cần thiết không được áp dụng trước khi tiến hành công việc. Rủi ro gây ra do chấn thương liên quan đến ngã có thể được giảm thiểu bằng cách xây dựng một chương trình phòng ngừa ngã hiệu quả. Chương trình này đảm bảo người lao động duy trì được sự an toàn để có thể tập trung vào nhiệm vụ được giao mà không phải bận tâm đến vấn đề an toàn cho bản thân. Bộ luật ATVSLĐ yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp và duy trì cho người lao động và các nhà thầu một môi trường làm việc mà tại đó các nguy cơ và rủi ro liên quan đến ngã, không tính đến độ cao, đều được loại bỏ hoặc giảm thiểu tới mức tối đa.

Nhận diện các nguy cơ gây ra ngã

Đảm bảo tất cả các vị trí và nhiệm vụ có tiềm ẩn rủi ro ngã được nhận diện trước khi tiến hành công việc, bao gồm cả việc đánh giá công trường thi công. Kiểm tra từng nhiệm vụ với một tầm nhìn xác định được sự tồn tại của rủi ro về ngã. Một số nhiệm vụ cần đặc biệt lưu ý. Bao gồm các nhiệm vụ được thực hiện trên:

  • Các cấu trúc hoặc nhà xưởng đang bị phá dỡ
  • Bề mặt yếu
  • Bề mặt không ổn định
  • Gần các hào, rãnh nơi công nhân có thể bị ngã
  • Bề mặt dễ bị trượt chân
  • Mặt bằng làm việc được nâng lên cao
  • Gần một hố sâu không được che chắn

Dưới đây là một số cách giúp giảm thiểu tai nạn do ngã:

a. Tập huấn

Đảm bảo người lao động được tập huấn sử dụng đúng cách các máy móc thiết bị. Tập huấn phòng tránh ngã cần được tiến hành hàng năm và duy trì ghi chép lưu trữ đầy đủ về từng người lao động.

b. Hạn chế sử dụng thang

Ngã từ thang chiếm hầu hết các ca chấn thương và tử vong trong ngành xây dựng. Để phòng ngừa các thương tích cho công nhân lao động liên quan đến thang, nên giảm thiểu tối đa thời gian làm việc trên thang và thay thế bằng các thiết bị nâng di động. Ngoài ra, tất cả các loại thang cần được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Khi tiến hành kiểm định thang, cần tìm kiếm những lỗi sau:

  • Các bộ phận kim loại bị rỉ
  • Lỏng chốt và ốc
  • Cạnh bị hư hỏng
  • Tay vịn bên cạnh thang bị nứt vỡ

Những thang được cho là trong tình trạng hư hỏng cần được gắn nhãn và loại bỏ. Chuyển những thang bị hỏng khỏi công trường thi công nếu việc sửa chữa là bất khả thi.

c. Lập kế hoạch làm việc

Cần bảo đảm mọi công việc đều được lập kế hoạch, điều này không chỉ bảo đảm việc thực hiện thành công dự án mà còn giúp phòng ngừa thương tích tại nơi làm việc. Khi lập kế hoạch làm việc, cần xem xét dạng thức công việc, công cụ làm việc và khả năng tiếp cận với phương tiện bảo vệ cá nhân. Ngoài ra, khi tiến hành lập dự toán kinh phí cho một dự án, người sử dụng lao động cần tính tới chi phí dành cho phương tiện an toàn.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: safetyculture.com.au)