Phương pháp sơ cứu các trường hợp tai nạn lao động trên công trường xây dựng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:05(GMT +7)

Trên công trường xây dựng, nhiều tai nạn lao động có thể xảy ra bất ngờ do người làm việc không tuân thủ các qui định về an toàn như: không đội mũ, không đi giầy bảo hộ, không đeo dây an toàn hoặc do bị điện giật,… Hậu quả là họ có thể bị thương nhẹ như sứt da, chảy máu; có thể bị thương nặng và đau đớn về thể xác như bị đinh cắm sâu vào chân hay bị gẫy xương; hoặc họ có thể bị tử vong.

Trong mọi trường hợp, khi bị tai nạn lao động như vậy thì đầu tiên là họ phải biết phương pháp tự xử lý nếu bị thương nhẹ, hoặc được sơ cứu bởi những người cùng làm việc khi những người có trách nhiệm chưa kịp có mặt. Sau đó, họ phải được chuyển tới bộ phận y tế của công trường để tuỳ theo mức độ nguy hiểm của tai nạn. Nếu bộ phận y tế không xử lý được thì người bị nạn phải được chuyển tới bệnh viện gần nhất, bằng cách gọi cấp cứu qua đường điện thoại theo số 115.

Sau đây là phương pháp tự xử lý và sơ cứu người khác bị tai nạn lao động trong một số trường hợp hay gặp nhất.

1. Khi dẫm, quạc phải đinh hay vật sắc nhọn

1.1. Đối với vết thương nhẹ

Vết thương được gọi là nhẹ sẽ có dạng như sứt da, chảy một ít máu, người làm việc không cảm thấy quá đau. Khi đó, họ cần bình tĩnh xử lý theo một số hướng dẫn sau:

Lau (rửa) tay sạch sẽ, rồi dùng tay sạch đó để nặn máu “độc” (có dính nhiều chất bẩn như: gỉ sắt, dầu mỡ, đất hoặc cát…) ra. Sau đó, cố gắng dùng tay hay miếng vải sạch để bịt miệng vết thương hoặc che đậy vết thương, không cho máu tiếp tục chảy hoặc chất bẩn rơi vào. Bằng mọi cách, họ phải khẩn trương tới hoặc nhờ người thông báo cho phòng y tế. Tại đây, họ phải được nhanh chóng rửa và sát trùng vết thương bằng nước oxy già hoặc nước xà phòng đặc. Nhiệm vụ cứu chữa tiếp theo sẽ thuộc về phòng y tế.

1.2. Đối với vết thương nặng

Vết thương được gọi là nặng sẽ có dạng như bị đinh cắm sâu vào chân mà không thể rút ra được vì quá đau, hoặc vết thương rất sâu và bị chảy nhiều máu,… Khi đó, họ hầu như không thể tự xử lý được và rất cần sự trợ giúp của những người cùng làm việc.

Nếu người tai nạn bị đinh cắm sâu vào chân thì việc đầu tiên là không được chạm phải vết thương đó và phải khẩn trương đưa họ tới phòng y tế. Ở đây, họ sẽ được xử lý với phương pháp thích hợp.

Nếu họ bị chảy nhiều máu thì người giúp đỡ phải khẩn trương tìm mọi cách cầm máu như bịt vết thương bằng vải mềm sạch (không dính đất, cát hay dầu mỡ,…). Nếu không có vải thì rửa sạch tay rồi bịt vết thương lại. Một cách khác là dùng dây mềm (vải hoặc dây chun,…) để buộc garô cho cầm máu. Phương pháp buộc là quấn chặt dây đó vào vị trí trên vết thương từ 3 ÷ 4 cm (có thể phải dùng thêm que để quấn dây cho chặt) cho đến khi máu không chảy nữa. Tuy nhiên phương pháp này chỉ sử dụng khi nạn nhân bị đứt động mạch, máu chảy xối xả.  Sau đó, chuyển người bị thương tới phòng y tế ngay để kịp thời xử lý.

2. Khi bị vật (vật liệu hay dụng cụ,…v.v.) rơi vào người (đầu, vai hoặc chân,…v.v.):

2.1. Đối với vết thương nhẹ

Nếu như người lao động sau khi bị vật rơi vào người mà vẫn tỉnh táo, đứng dậy hay đi lại được, và họ không cảm thấy đau nhiều thì có thể coi như họ bị thương nhẹ. Họ cũng có thể bị xây xước da hay bị chảy máu nhưng không nhiều. Cách tự xử lý tương như ở phần 1.1.

2.2. Đối với vết thương nặng

Khi người bị nạn cảm thấy rất đau đớn, chảy nhiều máu, bị choáng hoặc ngất, những người cùng làm việc phải đưa ngay họ về phòng y tế, hoặc gọi nhân viên y tế mang cáng tới và đưa họ về phòng. Tại đây, họ sẽ được theo dõi và chăm sóc hoặc được chuyển đến bệnh viện. Nếu người làm việc bị chảy nhiều máu thì cách xử lý tương tự như phần 1.2.

3. Khi bị ngã từ trên cao

3.1. Đối với vết thương nhẹ

Khi người lao động bị đau nhẹ, xước xát không đáng kể, đầu óc vẫn tỉnh táo và có thể tự đứng dậy đi lại được thì họ coi như bị thương nhẹ. Họ cần phải tới phòng y tế ngay để những người có trách nhiệm khám và chữa trị kịp thời. Ngoài ra, cách tự xử lý tương tự như trong phần 1.1.

3.2. Đối với vết thương nặng

Chấn thương loại nặng thường liên quan tới xương, khớp như gãy xương, trật khớp. Ngoài ra, các bộ phận khác có thể bị dập, vỡ như đầu hoặc các cơ quan nội tạng,…

Đối với trường hợp nạn nhân bị gẫy xương hở, tức là một phần xương bị gẫy trật ra ngoài da, thì cách xử lý là không được động chạm đến chỗ xương gẫy. Xé hoặc rạch quần áo chỗ có xương gẫy để vết thương được tự do, rồi tiến hành rửa sạch vết thương, sau đó chuyển ngay tới bộ phận y tế.

Đối với nạn nhân bị gẫy xương kín, cần dùng các thanh nẹp bằng gỗ ốp cứng hai bên chỗ bị gãy, buộc bằng dây mềm để giữ ổn định vị trí xương gãy, rồi chuyển ngay tới phòng y tế.

Nếu nạn nhân bị vỡ đầu, dập các cơ quan nội tạng khiến họ rất đau đớn, không còn tỉnh táo thì phải cầm máu cho họ tương tự như đã trình bày ở mục 1.2, rồi chuyển ngay tới phòng y tế.

4. Khi bị điện giật

Người bị điện giật sau khi được cắt khỏi nguồn điện, có thể xảy ra hai trường hợp sau: bất tỉnh còn thở hoặc bất tỉnh không thở

4.1. Trường hợp 1: Bất tỉnh còn thở

1. Lay gọi để kiểm tra mức độ đáp ứng của nạn nhân

2. Để đầu nạn nhân ngửa tối đa, luôn giữ đường thở thông, tránh tụt lưỡi.

3. Kiểm tra đường thở và nhịp thở của nạn nhân bằng cách ghé tai của mình vào miệng hoặc mũi của nạn nhân xem còn thở không đồng thời đặt tay vào mạch cổ của nạn nhân xem có đập không, mắt nhìn xuống ngực của nạn nhân xem có phập phồng không.

4. Kiểm tra các tổn thương khác.

5. Đưa nạn nhân về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu nạn nhân còn thở và không có các tổn thương khác.

Chú ý: Không đưa nạn nhân về tư thế hồi phục nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống.

6. Thường xuyên kiểm tra mạch, nhịp thở và các dấu hiệu toàn thân khác

4.2. Trường hợp 2: Bất tỉnh không thở

1. Lay gọi để kiểm tra mức độ đáp ứng của nạn nhân

2. Để đầu nạn nhân ngửa tối đa, luôn giữ đường thở thông, tránh tụt lưỡi.

3. Kiểm tra và làm sạch đường thở bằng cách:

– Nghiêng đầu và mở miệng nạn nhân

– Dùng ngón tay chỏ kiểm tra và lấy dị vật trong miệng (nếu có)

4. Kiểm tra nhịp thở, mạch của nạn nhân bằng cách: nhìn – nghe – sờ – cảm nhận và bắt mạch.

Nếu nạn nhân không thở, không có mạch thì tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực như sau:

Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kết hợp với hà hơi thổi ngạt ngay

Cách làm:

                      

Cấp cứu theo phương pháp thổi ngạt

– Đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền phẳng, cứng

– Dùng 2 bàn tay và lực của 2 cánh tay ép vuông góc lên vị trí 1/3 dưới của đoạn giữa hõm ức trên và hõm ức dưới của nạn nhân với tần số 30 lần ép tim và 2 lần hà hơi thổi ngạt ( một chu kỳ)

– Thực hiện 5 chu kỳ liên tục, sau đó dừng lại kiểm tra mạch, nhịp thở của nạn nhân. Làm liên tục cho đến khi nạn nhân có đáp ứng.

Chú ý: Tuỳ từng lứa tuổi và thể trạng của nạn nhân mà ép tim ngoài lồng ngực với lực tương ứng để tránh tổn thương thêm cho nạn nhân (thông thường ép sâu khoảng 3 ÷ 5 cm) .

Khi nào dừng ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt:

– Nạn nhân có đáp ứng: có mạch và thở được.

– Có sự trợ giúp của nhân viên y tế.

– Hiện trường sơ cứu trở nên không an toàn.

– Nạn nhân không có đáp ứng: toàn thân lạnh, mềm nhũn, không thở, không có mạch, da tím tái, đồng tử giãn không đáp ứng với ánh sáng.

5. Khi bị bụi hoặc chất bẩn bay vào mắt

Khi người lao động bị bụi hay chất bẩn bay vào mắt, đầu tiên là nên nháy mắt nhiều lần cho bụi hay chất bẩn trôi ra khóe mắt. Nếu mắt vẫn cảm thấy gai, tức là bụi chưa ra được, thì phải nhờ người khác thổi hộ hoặc lấy ra, không nên dùng tay dụi mắt. Sau đó mắt họ phải được rửa bằng nước sạch, rồi tới phòng y tế và dùng thuốc nhỏ mắt phù hợp.

6. Khi bị say nắng

Sau một thời gian làm việc dưới ánh sáng mặt trời, người lao động có thể bị say nắng. Khi đó, họ sẽ có các cảm giác như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, thân nhiệt có thể không tăng hoặc tăng cao tới 42oC, mồ hôi ra ít, mặt đỏ, mạch nhanh,… Trường hợp nặng hơn thì có thể bị ngất hoặc tử vong.

Trong trường hợp này, người cấp cứu nên đưa họ vào nơi râm mát, nới lỏng quần áo, quạt nhẹ và cho uống nước có bổ sung các loại vitamin và muối khoáng. Nếu nạn nhân bị ngất thì phải tiến hành hà hơi, thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực, sau đó báo ngay cho cơ sở y tế.

7. Khi bị say nóng

Khi làm việc trong điều kiện nóng, người lao động có thể bị say nóng. Biểu hiện chủ yếu là họ sẽ cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, thân nhiệt tăng cao tới 40oC, mồ hôi ra nhiều, mạch nhanh, sắc mặt xanh xám,… Trường hợp nặng hơn có thể bị ngất hoặc tử vong.

Cách sơ cứu là đưa người bị nạn ra khỏi môi trường nóng, nới lỏng hoặc cởi hết quần áo ngoài, cho uống nước mát có bổ sung các loại vitamin và muối khoáng. Ngoài ra, có thể chườm bằng nước mát để thân nhiệt hạ từ từ. Nếu nạn nhân bị ngất thì phải tiến hành hà hơi, thổi ngạt và/hoặc bóp tim ngoài lồng ngực, sau đó báo ngay cho cơ sở y tế.


(Nguồn tin: Theo cuốn: ATVSLĐ trong xây dựng)