Sự tác động tương hỗ giữa người-máy-môi trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:51(GMT +7)

Tại chỗ làm việc, Ecgônômi đặt ngang tầm quan trọng giữa hiệu quả hoạt động hoàn hảo hơn của hệ thống với việc bảo đảm an toàn, cải thiện sức khoẻ cho cá nhân con người.
Ecgônômi tập trung vào sự thích ứng của máy móc, công cụ với người điều khiển nhờ vào việc thiết kế; tập trung vào sự thích nghi giữa người công nhân với máy móc nhờ tuyển chọn và huấn luyện; tập trung vào việc tối ưu hoá môi trường xung quanh thích hợp với con người và sự thích nghi của con người với điều kiện môi trường.

Mục tiêu tổng quát của Ecgônômi trong một thể thống nhất của những mối quan hệ người – máy và người – môi trường, đòi hỏi tối ưu hoá sự tác động tương hỗ giữa các thành phần này (xem hình)

Mối quan hệ của các yếu tố nghề nghiệp, người điều khiển, công cụ và vị trí làm việc với môi trường

+ Sự tác động tương hỗ giữa người điều khiển với công cụ

+ Giữa người điều khiển với chỗ làm việc

+ Giữa người điều khiển với môi trường lao động

1. Sự tác động tương hỗ giữa người – máy

– Hiệu quả hoạt động của bất kỳ thiết bị nào đều phụ thuộc vào giao diện khép kín của sự tác động tương hỗ giữa người và công cụ.

– Khả năng sinh học của con người thường chỉ điều chỉnh được trong một phạm vi giới hạn nào đó, vì vậy thiết bị thích hợp cho một nghề thì trước tiên phải thích hợp với người sử dụng nó.

– Máy móc thiết bị được thiết kế vượt quá khả năng thể lực, trí tuệ hay thần kinh tâm lý con người điều khiển máy sẽ dẫn đến giảm hiệu quả vận hành máy, kéo dài thời gian thực hiện công việc, tăng những sai sót và rủi ro.

Người thiết kế, cần xem xét ngay từ đầu không tách rời giữa thiết bị và người sử dụng như một đơn vị sản phẩm tổ hợp.

2. Sự tác động tương hỗ giữa người – môi trường

– Sự tác động giữa người và môi trường tại chỗ làm việc, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, như: thiết kế bàn làm việc, thiết kế và bố trí cơ cấu điều khiển, phương tiện phản ánh thông tin…

– Các yếu tố vật lý tại chỗ làm việc như: ánh sáng, tiếng ồn, độ rung, độ thông thoáng, ảnh hưởng đến tiện nghi hoạt động và vì vậy tác động đến hiệu quả, đặc tính nghề nghiệp.

– Khía cạnh tâm lý – xã hội liên quan đến các nguyên tắc tổ chức lao động khoa học, tạo nên môi trường lao động tích cực hơn đối với người lao động. Thời gian làm việc, thời gian giải lao, hệ thống ca kíp sức khoẻ và an toàn giám sát công việc…ảnh hưởng quan trọng đến sự quan tâm, tinh thần, động cơ và sự thoải mái của người lao động.

3. Nhân trắc học Ecgônômi với chỗ làm việc.

– Người lao động phải làm việc trong tư thế gò bó, ngồi hoặc đứng trong chu kỳ thời gian dài, thường bị chứng đau lưng, đau cổ và căng thẳng cơ bắp khác. Hiện tượng chói lóa do chiếu sáng tồi làm giảm hiệu quả làm việc, gây nên mệt mỏi thị giác và thần kinh cũng như tâm lý khó chịu.

Mặt khác, sự khác biệt về chủng tộc và nhân chủng học, do thiếu thận trọng trong nhập khẩu hay chuyển giao công nghệ của nước ngoài có sự khác biệt cả về cấu trúc văn hoá xã hội, có thể dẫn đến hậu quả xấu.

– Khi người Châu Á nhỏ bé phải làm việc với máy móc, công cụ, phương tiện vận chuyển được thiết kế cho người Âu, Mỹ to lớn, thì người điều khiển luôn phải gắng sức để với tới và thao tác các cơ cấu điều khiển nên nhanh chóng bị mệt mỏi, các thao tác sẽ chậm và thiếu chính xác.

– Tư thế lao động bị gò bó, những đau đớn nhức mỏi cơ- xương trong thực tế lao động sản xuất là hậu quả trực tiếp của sự khác biệt về kích thước và thiết kế chỗ làm việc tồi.

– Trong lĩnh vực Ecgônômi, bảo hộ lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, các dẫn liệu nhân trắc mô tả kích thước cơ thể và tỉ lệ đám đông người có liên quan đến kết cấu máy móc, tổ chức chỗ làm việc, phương tiện bảo vệ cá nhân.

– Mục đích cung cấp các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thiết kế trang thiết bị, máy móc, chỗ làm việc, nhằm hợp lý hoá các thao tác, tiết kiệm năng lượng vận động, làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, hạn chế bệnh nghề nghiệp, tạo ra tiện nghi lao động, duy trì và nâng cao khả năng làm việc và năng suất lao động.

——————————-

Các bài viết có liên quan:

– Ecgônômi trong mối quan hệ liên ngành;

– Những nguyên tắc ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc;

– Các yêu cầu ecgônômi đối với phương tiện kỹ thuật;

– Ecgônômi chỗ làm việc với máy tính;

– Đánh giá và chứng nhận chất lượng về an toàn lao động và ecgônômi với máy, thiết bị sản xuất, chỗ làm việc và quá trình công nghệ.

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)