Tác hại của ánh sáng nơi làm việc không phù hợp, biện pháp dự phòng và kỹ năng kiểm soát, đánh giá

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Ánh sáng là một dạng năng lượng bức xạ điện từ, có bước sóng từ 380-760 nanômet mà mắt ta không nhìn thấy, lan truyền trong không gian dưới dạng sóng điện từ (đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Nhu cầu ánh sáng phụ thuộc vào thị lực mỗi người và mỗi công việc. Đơn vị đo độ chiếu sáng là Lux

Nguồn ánh sáng:

– Ánh sáng tự nhiên (mặt trời) có quang phổ phù hợp với sinh lý của mắt nhất, ít gây mệt mỏi, đau đầu,… thao tác chính xác hơn.

– Ánh sáng nhân tạo (đèn điện, đèn dầu …).

Tác hại của ánh sáng không phù hợp

Ánh sáng thấp làm cho người lao động căng thẳng thần kinh, người mệt mỏi, đau đầu, căng mắt, giảm thị lực. Làm việc lâu dài có thể gây cận thị, loạn thị.

Ánh sáng quá cao gây chói mắt, tổn thương giác mạc, võng mạc, màng tiếp hợp, có thể gây đục nhân mắt, còn làm môi trường nóng lên, tiêu hao nhiều năng lượng gây thiệt hại đến kinh tế của doanh nghiệp.

Ánh sáng không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến năng suất lao động và có thể gây tai nạn lao động.

Biện pháp dự phòng

– Mở hết cửa để tận dụng ánh sáng tự nhiên, mùa đông dùng cửa kính đóng lại chắn gió lùa, đồng thời để tận dụng ánh sáng tự nhiên phù hợp với sinh lý của mắt.

– Thiết lập hệ thống chiếu sáng chung cho toàn nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc phối hợp hệ thống chiếu sáng chung với chiếu sáng cục bộ.

Chiếu sáng chung và cục bộ

– Chiếu sáng cục bộ đối với công việc đòi hỏi độ chính xác cao hoặc mắt kém.

– Góc chiếu sáng phù hợp từng công việc, không bị sấp bóng, không phản chiếu vào mắt người lao động.

– Đối với người mắt kém phải đeo kính phù hợp (kính cận, kính viễn…).

– Định kỳ lau chùi bóng đèn, chao đèn, lau cửa kính để tăng độ chiếu sáng (không vệ sinh bóng đèn sẽ giảm tới 25% độ chiếu sáng).

– Tập huấn cho người lao động hiểu biết về tác hại của ánh sáng không phù hợp để họ tự bảo vệ lấy mình.

– Tổ chức nghỉ giải lao, tập thể dục giữa giờ có tác dụng làm giảm mỏi mắt.

– Ăn uống hợp lý, ăn đầy đủ các chất vitamin có trong thực phẩm để phòng ngừa giảm thị lực.

– Khám sức khoẻ định kỳ hàng năm để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

      

Kỹ năng kiểm soát, đánh giá

Quan sát nguồn chiếu sáng

Quan sát nguồn chiếu sáng, công việc đòi hỏi cường độ chiếu sáng cao, thiết kế hệ thống chiếu sáng đã phù hợp chưa.

Kiểm tra hệ thống thiết bị chiếu sáng (có hay không)

– Hệ thống chiếu sáng tự nhiên

– Hệ thống chiếu sáng chung

– Hệ thống chiếu sáng cục bộ

– Loại đèn chiếu sáng

– Góc chiếu sáng

– Độ dọi của đèn

– Vệ sinh hệ thống chiếu sáng

 Kiểm chứng

– Quan sát người lao động làm việc mà thấy họ phải cúi sát mặt vào chi tiết gia công thì vị trí làm việc ở đây có thể bị thiếu ánh sáng hoặc mắt đã bị giảm thị lực. Nếu thấy họ nheo mắt kéo dài có thể do ánh sáng quá cao gây chói mắt hoặc ánh sáng phản chiếu vào mắt

– Hỏi người lao động về những dấu hiệu bệnh lý có liên quan đến chiếu sáng như: có đau mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu, chói mắt, nhìn mờ trong ca hoặc sau ca làm việc? Chỉ cần họ trả lời là có một vài triệu chứng thì ánh sáng ở đây đã gây rủi ro về sức khoẻ.

– Nghe thấy người lao động phàn nàn, kêu ca về tình trạng ánh sáng tối quá, chói quá đã tác động đến sức khoẻ và công việc của họ.

– Bằng trực quan của mình thấy tối hoặc lấy tờ báo chữ thường ra đọc mà thấy chữ mờ mờ không rõ nét là cường độ ánh sáng thấp.

– Dựa vào kết quả đo môi trường và kết quả khám sức khoẻ để đánh giá rủi ro.

– Mô tả hoặc chụp ảnh vị trí ánh sáng không phù hợp để làm bằng chứng đánh giá nguy cơ.


(Nguồn tin: Trích dẫn: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)