Tác hại nghề nghiệp của bụi nơi làm việc, biện pháp dự phòng và kỹ năng kiểm soát, đánh giá nguy cơ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Bụi là những hạt nhỏ bé bay lơ lửng trong không khí được tách ra từ các vật thể rắn do tác động cơ học hoặc có sẵn trong tự nhiên.

Bụi được phân thành nhiều loại:  Bụi khoáng chất ( bụi đất, đá, amiăng, silic, than …); Bụi kim loại (chì, măng gan, nicken, sắt …); Bụi chất độc;   Bụi thực vật (bụi thảo mộc, bông, gai, đay, len, rơm rạ …); Bụi nhân tạo (PE, PVC…); Bụi sinh học (nấm, mốc, nha bào …)

Bụi chia thành 2 giải kích thước: Bụi toàn phần là bụi gây ô nhiễm môi trường khu vực làm việc;     Bụi hô hấp có kích thước từ 0,2 –  5µm rất nguy hiểm,  bụi này theo đường hô hấp vào tận phế nang phổi tới trên 80% đọng lại ở đây, gây các bệnh bụi phổi. Bụi có kích thước >5 µm vào tới gốc phế  quản,  rồi  được  đào  thải  ra  ngoài,  bụi  >10µm  đọng  lại  ở  mũi. Bụi  =  0,1µm  gọi  là  sương  mù,  bụi  <  0,1µm  gọi  là  khói  thì  theo đường thở ra ngoài.

Tác hại nghề nghiệp

* Tác hại đến mắt

– Bụi vào mắt gây viêm giác mạc, viêm màng tiếp hợp, gây dị ứng… Bụi vào mắt có thể gây tai nạn lao động.

* Tác hại đến da:

– Bụi bám vào da bịt lỗ tuyến mồ hôi ảnh hưởng đến điều hoà nhiệt của cơ thể.

– Bụi bịt kín tuyến nhờn gây ghẻ lở, mụn nhọt, …

– Bụi hoá chất gây dị ứng, viêm da, tổn thương da (crom, nicken). Bụi amiăng cắm vào da gây ung thư da, bụi hoá chất bám vào da ngấm vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm độc cấp hoặc mãn tính.

– Bụi sinh học gây bệnh ngoài da.

*Tác hại đến cơ quan hô hấp

– Bụi khoáng, bụi thực vật, bụi sợi gây bệnh bụi phổi (silíc, bông, amiăng …)

– Một số bụi hoá chất gây ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư phế quản… (asen, cromát, phóng xạ, amiăng …).

– Bụi gây kích thích, viêm phế quản, hen phế quản, viêm khí quản, viêm phổi, phù phổi (cadimi, clorua kẽm, hợp chất crom, măng gan, một số thuốc bảo vệ thực vật).

– Bụi thực vật còn mang vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh đường hô hấp.

* Tác hại đường tiêu hoá

Bụi độc chất vào đường tiêu hoá gây viêm chân răng, viêm lợi, viêm họng, viêm đường tiêu hoá, có thể gây nhiễm độc cấp tính…(xi măng, chì, mangan, bazơ và thuốc bảo vệ thực vật…)

* Tác hại toàn thân

Bụi hoá chất xâm nhập vào cơ thể bằng đường nào cũng ngấm vào máu đi khắp cơ thể có thể gây nhiễm độc cấp hoặc mãn tính tuỳ thuộc vào độc tính, nồng độ tiếp xúc của chất đó và tính cảm thụ của cơ quan cơ thể.

Tác động của bụi đến sản xuất, kinh doanh

– Bụi vào máy sẽ bào mòn hệ thống trục quay làm giảm độ chính  xác  và  làm  máy,  thiết  bị  sản  xuất  nhanh  hỏng  (bụi  khoáng chất, bụi kim loại).

– Bụi làm ẩm các thiết bị, ẩm máy và đồ điện tử gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (bụi thực vật…).

– Bụi còn có nguy cơ gây chập điện, gây cháy nổ.

– Bụi làm bẩn sản phẩm có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu.

Biện pháp dự phòng

*Biện pháp kỹ thuật

– Mở cửa cho thông thoáng để gió trời thổi vào đẩy bụi bay trong  nhà  xưởng  ra ngoài  cũng  giảm  thiểu  được  bụi,  nhưng chỉ  áp dụng ở nơi nồng độ bụi rất thấp.

– Lắp đặt hệ thống thông gió bằng quạt hút hay quạt đẩy để thổi bụi ra ngoài. Không dùng quạt trần để thông gió, vì khi quạt hoạt động không có lối thoát bụi sẽ bay hỗn loạn trong nhà xưởng gây nguy hiểm hơn.

– Thiết lập hệ thống hút cục bộ tại nguồn phát sinh để thu bắt bụi, nhưng tốc độ vận chuyển không khí vào chụp hút ít nhất phải là 12m/giây, riêng bụi cát và bụi đá thì phải trên 18m/giây thì mới có hiệu quả. Hệ thống này thu hút các chất ô nhiễm (bụi, nhiệt,  hơi  khí  độc)  tại  nguồn  phát  sinh  không  để  lan  toả  ra  nơi khác gây ô nhiễm.

– Lắp  đặt  hệ  thống  lọc  bụi  tĩnh  điện,  hệ  thống  che  chắn  kín nguồn bụi là ưu việt nhất, ít gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh, lại thu được một lượng bụi lớn để tiết kiệm cho sản xuất. Thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiện đại nhất hiện nay thì hiệu suất lọc đạt gần 100%, với năng suất lọc 100 m3/s, có thể lọc được ở môi trường không khí nóng tới 4000C (loại UGT) nhưng vốn đầu tư lại cao.

– Làm ẩm nguồn bụi bằng nước, nếu là bụi hoá chất phải hiểu biết về lý tính, hoá tính của chất đó để lựa chọn có nên áp dụng giải pháp này hay không, bởi chúng có thể kết hợp hoặc phản ứng với nước tạo ra chất nguy hiểm.

– Thường xuyên lau chùi máy, thiết bị,  dụng cụ, phương tiện làm việc, cửa ra vào, tường nhà, trần nhà…

– Tường nhà, trần nhà, hệ thống cửa… phải nhẵn để giảm lượng bụi bám vào.

Lắp đặt hệ thống hút cục bộ để hút bụi và khí độc tại nguồn phát sinh

– Trước khi vệ sinh nhà xưởng phải làm ẩm, phun nước, quét nhà bằng chổi đót, không dùng chổi xể, sử dụng máy hút bụi chân không là an toàn nhất.

– Định kỳ bảo dưỡng thiết bị kiểm soát bụi: quạt thông gió, hệ thống thu bắt bụi…

– Cách ly xa nguồn gây bụi, tránh tiếp xúc không cần thiết.

– Tập huấn cho người lao động tiếp xúc về tác hại của bụi và biện pháp phòng ngừa để nâng cao năng lực cho họ tự kiểm soát bảo vệ mình.

* Biện pháp cá nhân

– Sử dụng khẩu trang, mặt nạ ngăn bụi, lọc bụi, quần áo, mũ, kính…

– Không ăn uống ở nơi làm việc có bụi.

– Làm việc xong phải tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ trước khi về nhà, kể cả đi ăn ca cũng phải rửa chân tay, mặt mũi sạch sẽ.

* Biện pháp y tế

Ngoài những biện pháp y tế thông thường tại cơ sở như chăm sóc công nhân ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, thì biện pháp y tế được trình bày trong phần này sẽ tập trung vào giải quyết các bệnh nghề nghiệp do bụi gây ra

 Bệnh bụi phổi – silíc

Bụi Silíc thường gặp ở ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành đúc kim loại, ngành luyện kim, ngành sành sứ, hàn điện và ngành khai thác khoáng sản… Người lao động làm việc trong môi trường có hàm lượng  bụi bioxyt silic (SiO2) hoặc silic tự do cao trên giới hạn cho phép phải tổ chức khám bệnh bụi phổi – silic nghề nghiệp. Bệnh này chiếm tỷ lệ cao nhất trong 25 bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ở nước ta. Những người tiếp xúc 3 năm liên tục với bụi silíc  phải được  khám  bệnh  lần  đầu.  Khám  lâm  sàng:  cơ  quan  hô  hấp,  tuần hoàn. Làm xét nghiệm: X-quang phổi, đo chức năng hô hấp là chính, ngoài ra cũng cần làm xét nghiệm công thức máu, máu lắng.

Khám định kỳ lần sau là 6 tháng một lần, khám lâm sàng chủ yếu cơ quan hô hấp. Làm xét nghiệm: X-quang phổi, đo chức năng hô hấp.

Giới hạn cho phép bụi có chứa silic

Bệnh bụi phổi – bông nghề nghiệp

Bụi bông thường gặp trong ngành dệt may. Người lao động làm việc trong môi trường bị ô nhiễm bụi bông, gai, đay… cao hơn giới hạn cho phép phải tổ chức khám bệnh bụi phổi-bông nghề nghiệp.

Những người làm việc tiếp xúc với bụi liên tục 24 tháng phải được khám lần đầu. Khám lâm sàng: cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tai mũi họng. Làm xét nghiệm: đo chức năng hô hấp, công thức máu, tốc độ máu lắng, nếu cần chụp X-quang phổi. Khám  định  kỳ  lần  sau  6  tháng  một  lần. Khám  lâm  sàng:  cơ quan hô hấp, hội chứng ngày thứ 2. Làm xét nghiệm chủ yếu đo chức năng hô hấp.Ngoài ra cũng phải tổ chức khám những bệnh có liên quan đến công việc như bệnh bụi phổi – than, bệnh bụi phổi – talc…

Giới hạn tiếp xúc trong 8 giờ 1mg/m3  không khí.

Kỹ năng kiểm soát, đánh giá nguy cơ

a)         Quan sát

– Khoảng không gian, độ thoáng, khoảng cách từ nguồn đến vùng tiếp xúc.

– Quan sát công nghệ sản xuất từ khâu đầu vào đến quá trình làm việc phát sinh ra bụi.

– Nhận dạng từng loại bụi để đánh giá nguy cơ tác động đến sức khoẻ.

b)         Kiểm  tra  hệ  thống  thiết  bị  kiểm  soát  môi  trường  (có  hay không, hiệu quả)

– Hệ thống thông gió tự nhiên.

– Hệ thống thông gió nhân tạo (quạt thông gió).

– Hệ thống thu bắt bụi (hút cục bộ, lọc bụi tĩnh điện…).

– Kiểm tra hiệu lực của hệ thống hút bụi tại nguồn bằng cách chìa bàn  tay  để cảm  nhận, hoặc thả nắm  bụi vào nguồn  phát  sinh, nếu thấy các hạt bụi hút đi thì hệ thống hút bụi này có hiệu lực.

– Hệ thống che chắn, cách ly nguồn bụi.

– Hệ thống làm ẩm nguồn bụi.

– Việc sử dụng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động (khẩu trang lọc bụi, kính, quần áo…).

c)         Kiểm chứng

– Hỏi người tiếp xúc về những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến bụi như: ho, khạc đờm, hắt hơi, sổ mũi, khó thở, da ngứa ngáy, khó chịu, viêm mũi họng không? Chỉ cần họ trả lời là có một vài triệu chứng trên thì nồng độ bụi ở đây đã cao, môi trường bị ô nhiễm đã tác động đến sức khoẻ của người lao động.

– Nghe thấy người lao động phàn nàn, kêu ca về tình trạng sức khoẻ do bụi.

– Phản ứng của cơ thể mình khi tiếp xúc với bụi như thấy ngột ngạt, hắt hơi, ngứa mũi, ngứa ngáy da…

– Nhìn thấy bụi bám xung quanh máy,  thiết bị,  quần áo, đầu tóc người tiếp xúc, bụi bay trong không gian, bụi dưới sàn nhà.

– Tham khảo kết quả đo môi trường và hồ sơ quản lý sức khoẻ ốm đau, bệnh tật liên quan đến bụi để đánh giá

– Mô tả hoặc chụp ảnh vị trí có bụi làm bằng chứng để đánh giá nguy cơ đưa ra giải pháp can thiệp.


(Nguồn tin: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ Cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)