Tác hại tiếng ồn nơi làm việc, biện pháp dự phòng và kỹ năng kiểm soát, đánh giá

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:27(GMT +7)

Tiếng ồn là tập hợp các âm thanh khác nhau về cường độ và tần số không có nhịp. Cường độ tính theo đơn vị đề-xi-ben (dB); Giới hạn tiếp xúc là 85 dB nếu tiếp xúc dưới 8 giờ. Mức cực đại 115 dBA, chỉ cho phép tiếp xúc dưới 15 phút.

TÁC HẠI NGHỀ NGHIỀP

Tiếng ồn vượt quá khả năng thích nghi của mỗi con người sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh: người mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, kém tập trung, khó chịu, ù tai, đôi khi thấy chóng mặt, buồn nôn, có thể gây suy nhược thần kinh.

Tiếp xúc nhiều lần với tiếng ồn cao hơn giới hạn cho phép có thể gây tổn thương thần kinh thính giác không hồi phục cả hai tai và gây bệnh điếc nghề nghiệp (bệnh rất khó chữa). Nếu kiểm soát tốt, phát hiện được sớm, mức độ giảm thính lực còn nhẹ, đồng thời đưa ngay ra khỏi vị trí ồn thì vẫn có thể hồi phục trở lại. Nếu tiếp xúc quá lâu thì không còn khả năng hồi phục nữa.

Tiếng ồn còn gây cộng hưởng với một số chất dung môi hữu cơ gây giảm thính lực nhanh hơn là tiếp xúc với một yếu tố ồn cho dù ở mức thấp dưới tiêu chuẩn. Tiếng ồn cao trên 140 dB gây điếc ngay.

Tiếp xúc với tiếng ồn cao còn làm tăng nhịp tim, huyết áp thay đổi, gây hội chứng tiền đình. Đối với phụ nữ có thể gây rối loạn kinh nguyệt, dễ cáu gắt. Tiếng ồn cao ảnh hưởng đến giao tiếp, có thể dẫn đến tai nạn lao động

BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG

a) Biện pháp kỹ thuật

Đổi  mới  công  nghệ,  máy,  thiết  bị  với  tiếng  ồn  thấp  (hoặc không ồn), hoặc tự động hoá công nghệ sản xuất là biện pháp tốt nhất.  Tuy  nhiên,  biện  pháp  này  khó  thực  hiện  được,  bởi  còn  phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vào khả năng tài chính của người chủ. Vì vậy, cần lựa chọn giải pháp khả thi hơn để giảm thiểu cường độ tiếng ồn như:

  • Che chắn nguồn phát ra tiếng ồn bằng vật liệu giảm thanh (chất xốp, mạt cưa…)

Chống ồn bằng cách ly hoặc che chắn

– Tường nhà, trần nhà làm bằng vật liệu xốp hoặc mở hết cửa để giảm tiếng ồn cộng hưởng.

– Cách ly xa công đoạn phát ra tiếng ồn.

– Sử dụng bịt tai, nút tai chống tiếng ồn, tránh tiếp xúc không cần thiết.

– Định kỳ bảo dưỡng máy, thiết bị sản xuất để giảm tiếng ồn.

– Giảm thời gian tiếp xúc để phòng tác hại nghề nghiệp.

– Tập huấn cho người lao động hiểu biết tác hại của tiếng ồn và biện pháp phòng ngừa để họ tự bảo vệ lấy mình.

– Tổ chức nghỉ giải lao, tập thể dục giữa giờ để hồi phục sức khoẻ.

b) Biện pháp y tế 

Người lao động làm việc phải tiếp xúc với tiếng ồn trên giới hạn  tiếp  xúc  liên  tục  12  tháng  phải  được  khám  Bệnh  điếc  nghề nghiệp lần đầu. Khám lâm sàng: hệ thần kinh, chuyên khoa tai mũi họng. Xét  nghiệm:  đo thính  lực  sơ bộ,  chụp X-quang  xương chũm nếu cần. Khám định kỳ các lần sau là 12 tháng một lần, khám lâm sàng và làm xét nghiệm như lần đầu.

 KỸ NĂNG KIỂM SOÁT, ĐÁNH GIÁ

a)         Nghe thấy tiếng ồn

– Nghe thấy tiếng ồn từ bên ngoài vào nơi làm việc.

– Nghe thấy hoạt động của máy, thiết bị, dụng cụ sản xuất phát sinh ra tiếng ồn.

b)         Kiểm tra hệ thống thiết bị kiểm soát (có hay không, hiệu quả)

– Hệ thống giảm cộng hưởng âm thanh xung quanh nơi làm việc.

– Hệ thống che chắn máy, thiết bị phát ra tiếng ồn hoặc cách ly xa nguồn phát sinh tiếng ồn.

– Sử dụng phương tiện bịt tai, út tai cách âm chống ồn.

– Thời gian tiếp xúc với tiếng ồn theo tiêu chuẩn quy định.

c)         Kiểm chứng

– Quan sát người lao động nói chuyện với nhau mà thấy họ phải nói to hơn bình thường hoặc phải ra hiệu với nhau thì tiếng ồn ở đây có thể cao hoặc họ đã bị giảm thính lực.

– Trực tiếp nói chuyện bình thường với người lao động cách nhau khoảng 1m mà không nghe rõ tiếng nói của nhau hoặc phải ghé tai mới nghe được thì môi trường tại đây đã bị ô nhiễm ở mức cảnh báo.

– Hỏi những người tiếp xúc về những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến tiếng ồn như: có thấy người mệt mỏi, ù tai, nhức đầu, khó chịu hoặc giảm sức nghe sau ca làm việc? Nếu họ trả lời là có một hoặc vài triệu chứng thì tiếng ồn đã gây tác hại đến sức khoẻ.

– Nghe người lao động phản ánh, kêu ca, phàn nàn về tiếng ồn đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ.

– Dựa vào kết quả đo môi trường, hồ sơ sức khoẻ, ốm đau, bệnh tật hoặc đã có người bị điếc hay giảm thính lực để đánh giá.

– Cảm  nhận của mình thấy ồn, đinh  tai, khó  chịu,  váng  đầu, chói tai…

 – Mô tả hoặc chụp ảnh vị trí có tiếng ồn cao để làm bằng chứng cho việc đánh giá nguy cơ.


(Nguồn tin: Trích dẫn: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)