Thang máy chở hàng – Những điểm cần nhớ
Cấu tạo của thang máy chở hàng bao gồm một sàn công tác, một cơ cấu nâng bằng tời, hoặc cơ cấu bánh răng – thanh răng có động cơ và hộp số gắn trên sàn. Mối nguy hiểm chính của loại cơ cấu này là ngã xuống giếng than từ sàn chở; bị thang hay các bộ phận chuyển động khác va đụng vào; hoặc bị vật liệu từ trên thang rơi vào đầu.
1. Lắp đặt:
Lắp đặt, nâng cấp và tháo dỡ thang máy là công việc chuyên môn và chỉ được tiến hành khi có người giám sát đủ trình độ. Trụ, tháp thuộc phần tĩnh của thang phải được buộc chắc vào công trình hoặc giàn giáo và phải đặt thẳng đứng để chống tập trung ứng suất trên tháp, làm xô lệch và rung sàn. các thang máy lưu động chỉ nên dùng tới độ cao công tác tối đa là 18m nếu nhà sản xuất không chỉ định giới hạn cho phép lớn hơn.
2. Hàng rào:
Cần có rào cản chắc chắn trên mặt đất với chiều cao tối thiểu là 2m vây quanh thang và có cửa ra vào. Những phần còn lại của giếng thang cũng cần rào lại (chẳng hạn bằng lưới thép) với suốt cả chiều cao đủ để giữ lại các vật liệu rơi xuống bên trong khu vực được rào. Tại những điểm đáp cũng phải có cửa ra vào và chỉ được mở ra khi cần xếp, dỡ vật liệu.
Thang máy chở hàng có tường rảo bảo vệ và lối ra vào đề phòng công nhân có thể bị thang đụng vào
3. Các thiết bị an toàn:
Thiết bị hãm hành trình được đặt tại ngay sát vị trí công tác cao nhất của thang hoặc gần đỉnh trụ đỡ. Một thiết bị hãm khác cũng được lắp thêm để phụ trợ cho sàn nâng trong trường hợp chất đầy vật liệu mà dây chảo hoặc bánh răng tải bị trục trặc. Khi thang ở vị trí thấp nhất, tối thiểu phải còn 3 vòng dây trên tang tời.
4. Vận hành:
Người điều khiển thang máy phải trên 18 tuổi và được huấn luyện chu đáo. Để ngăn người điều khiển không làm cho thang chạy khi đang có người khác xếp, dỡ vật liệu, nên bố trí hệ thống điều khiển sao cho chỉ có thể điều khiển thang từ một vị trí. Cần bảo đảm từ vị trí đó, người điều khiển có thể quan sát được toàn bộ các điểm đáp của thang một cách thông suốt. Nếu không thể bố trí được như vậy thì phải có hệ thống tín hiệu hoạt động trong quá trình xếp và dỡ vật liệu ra khỏi thang. Phải có phương tiện bảo vệ ở trên đầu người điều khiển thang, vì thông thường vị trí làm việc của họ là ở dưới đất.
5. Tải trọng:
Sàn nâng phải có ghi chú rõ mức tải trọng cho phép và không được chở quá tải. Không nên xếp thành đồng quá đầy; các xe đẩy không được chất quá đầy và bánh xe của chúng phải được chèn hoặc buộc cẩn thận để không bị di chuyển trên sàn thang khi thang đang hoạt động. Không chuyên chở gạch và những vật liệu vụn trên sàn nâng không có thành chắn xung quanh. Không được dùng loại thang này để chở người, đồng thời có biển báo cấm mọi người dùng sàn nâng vật liệu để lên xuống.
6. Chở người:
Thang máy chở người phải được chế tạo và lắp ráp đặc biệt như có thiết bị khóa cơ khí và điện liên động lắp trong thang và tại các điểm đáp.
7. Kiểm tra và chạy thử
Sau khi lắp đặt, mọi thang máy phải được kiểm tra và chạy thử, đặc biệt là đối với các thiết bị hãm và hạn chế hành trình. Sau đó phải có người có năng lực kiểm tra và lập biên bản hàng tuần.
Những điểm cần nhớ:
– Khi chất tải vào thang, chú ý quay các tay cầm của xe đẩy về phía cửa dỡ vật liệu.
– Tuyệt đối không lên xuống bằng loại thang chở vật liệu.
– Khi không xếp hoặc dở vật liệu phải đóng các cửa ra vào tại các điểm đáp.
– Chờ thang dừng hẳn tại điểm đáp trước khi bước vào bên trong.
(Nguồn tin: Trích dẫn- An toàn, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe trên công trường xây dựng, ILO)