Tiếp xúc với mức tiếng ồn thấp cũng có thể gây hậu quả đáng kể

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:49(GMT +7)

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được tình trạng mất thính lực, tuy nhiên mất thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoàn toàn có thể phòng tránh được. Ngay cả tiếng ồn ở mức thấp cũng có thể gây tác hại tới tai người và thậm chí có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng.

Có một số điều đơn giản mà mọi người, bất kể tuổi tác, đều có thể thực hiện nhằm ngăn chặn tác động phá hoại của tiếng ồn lớn tới cơ quan thính giác.

1. Tránh tiếng ồn lớn

Cách tốt nhất để phòng ngừa mất thính lực do ồn là tránh hết sức việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

Thông thường, một loại tiếng ồn có thể đủ lớn để gây tác động bất lợi tới cơ quan thính giác khi:

      • Bạn phải cao giọng để nói chuyện với người khác

      • Bạn không thể nghe rõ điều người đứng cạnh đang nói

      • Âm thanh làm đau tai bạn

      • Bạn bị ù tai hoặc nghẹt lỗ tai sau khi tiếp xúc với tiếng ồn

      • Các mức tiếng ồn được đo theo decibel (dB), mức càng cao tiếng ồn càng lớn. Bất cứ âm thanh nào có mức âm trên 85 dB đều có thể gây hại, đặc biệt nếu bạn tiếp xúc với âm thanh đó trong thời gian dài.

Mức ồn của một số loại âm thanh:

      • Tiếng thì thầm – 30 dB

      • Tiếng nói chuyện – 60 dB

      • Tiếng giao thông đông đúc – 70 ÷ 85 dB

      • Tiếng xe nổ máy – 90 dB

      • Tiếng nhạc headphone ở mức âm lượng cao nhất – 100 ÷ 110 dB

      • Tiếng máy bay cất cánh – 120 dB

Bạn có thể tải các ứng dụng điện thoại thông minh để đo mức tiếng ồn, nhưng cần đảm bảo chúng được hiệu chỉnh đúng cách để có kết quả chính xác.

2. Cẩn thận khi nghe nhạc

Nghe nhạc với âm thanh lớn qua tai nghe là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với cơ quan thính giác.

Để tránh làm hỏng thính giác:

      •  Sử dụng tai nghe chống ồn – đừng chỉ tăng âm lượng để che đi tiếng ồn bên ngoài

      • Tăng âm lượng vừa đủ để bạn có thể nghe nhạc thoải mái, không tăng âm lượng quá mức cần thiết

      • Không nghe nhạc ở trên 60% mức âm lượng tối đa – một số thiết bị có chức năng cài đặt mà bạn có thể sử dụng để tự động giới hạn âm lượng

      • Không sử dụng tai nghe liên tục quá một giờ mỗi lần – hãy để tai nghỉ ngơi ít nhất 5 phút mỗi giời

3. Bảo vệ thính giác trong các sự kiện và hoạt động ồn ào

Để bảo vệ thính giác trong các sự kiện hay hoạt động ồn ào (như tại các câu lạc bộ đêm, liên hoan âm nhạc và hoạt động thể thao):

      • Tránh xa các nguồn ồn lớn (như loa đài)

      • Cố gắng để tai được nghỉ ngơi sau mỗi 15 phút tiếp xúc với tiếng ồn

      • Cho thính giác của bạn 18 giờ để phục hồi sau khi tiếp xúc trong thời gian dài với tiếng ồn lớn

      • Cân nhắc đeo hút tai – bạn có thể mua loại nút tai có thể sử dụng nhiều lần dành cho nhạc công, loại giúp làm giảm âm lượng mà không gây tắt tiếng hoàn toàn

4. Phòng ngừa tại nơi làm việc

Nếu bạn phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn tại nơi làm việc mà không được cung cấp trang bị bảo vệ thính giác thích hợp, hãy nói chuyện với bộ phận nhân sự hay người quản lý.

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp giúp NLĐ giảm tiếp xúc với tiếng ồn lớn, ví dụ, bằng cách:

      • Thay thế thiết bị bằng những thiết bị gây tiếng ồn thấp hơn nếu có thể

      • Đảm bảo NLĐ không tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài

      • Cung cấp phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác như chụp tai hoặc nút tai

5. Kiểm tra thính lực

Hãy đi kiểm tra thính lực ngay nếu bạn lo lắng rằng bản thân có thể đang dần mất thính lực. Tình trạng mất thính lực được phát hiện càng sớm thì càng có thể nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp.

Bạn có thể cân nhắc kiểm tra thính lực thường xuyên (ví dụ, một lần mỗi năm) nếu bạn có nguy cơ cao bị mất thính lực do ồn – trường hợp bạn làm việc trong môi trường ồn ào.

Các loại phương tiện bảo vệ cơ quan thính giác

      • Nút tai được làm từ bọt hoặc nhựa và thường là sản phẩm dùng một lần. Tuy nhiên sản phẩm này cũng có dòng có thể vệ sinh và tái sử dụng như một giải pháp tiết kiệm chi phí

      • Nút tai được đúc riêng là một lựa chọn thoải mái hơn khi phải đeo trong thời gian dài vì chúng có thể điều chỉnh theo đặc điểm tai của từng người sử dụng

      •  Phương tiện bảo vệ tai dạng gọng (có cả loại chụp tai và nút tai) phù hợp với bất cứ ai phải hoặc muốn tháo chúng ra thường xuyên. Bất cứ khi nào người sử dụng không tiếp xúc với tiếng ồn cao, họ có thể đeo phương tiện dạng này quanh cổ như tai nghe thông thường.

      • Chụp tai phù hợp với những công việc ngắn hạn trong môi trường ồn ào. Nếu mức tiếng ồn quá lớn, có thể kết hợp chụp tai với nút tai. Chụp tai càng nhẹ càng đem tới cảm giác dễ chịu cho người sử dụng.

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: ishn.com)