Triệu chứng của rối loạn cơ xương ở chi trên

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Rối loạn cơ xương là tình trạng ảnh hưởng đến các dây thần kinh, gân, cơ và các cấu trúc hỗ trợ. Tình trạng rối loạn cơ xương xuất phát từ một hoặc nhiều mô phải làm việc nhiều hơn khả năng của chúng.

Đau là triệu chứng phổ biến nhất. Đôi khi người bệnh cũng bị cứng khớp, căng cơ, tấy đỏ và sưng các vùng bị ảnh hưởng. Một số người bị các dấu hiệu như “cảm giác rân rân như kiến bò”, tê, thay đổi màu sắc da, và giảm ra mồ hôi bàn tay. Rối loạn cơ xương liên quan đến công việc có thể tiến triển theo các giai đoạn từ nhẹ đến nặng.

Giai đoạn đầu:

Đau và mỏi tại chi bị tổn thương xuất hiện trong ca làm việc nhưng lại hết vào ban đêm và trong ngày nghỉ làm việc. Không bị giảm hiệu suất làm việc.

Giai đoạn tiếp theo:

Đau và mỏi xuất hiện từ đầu ca làm việc và kéo dài vào ban đêm. Cũng có thể đã bị giảm khả năng làm các công việc lặp đi lặp lại.

Giai đoạn sau:

Đau, mệt mỏi và yếu xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Mất ngủ và khó thực hiện các công việc nhẹ. Không phải ai cũng đi qua các giai đoạn trên như nhau. Trong thực tế, khó để nói chính xác khi nào một giai đoạn kết thúc và khi nào giai đoạn tiếp theo bắt đầu. Cơn đau đầu tiên là một tín hiệu cho thấy rằng các cơ bắp và dây chằng nên được nghỉ ngơi và cần được hồi phục. Ngay khi mọi nhận ra một triệu chứng, thì ngay lập tức nên làm điều gì đó.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ khác nhau được cho là có liên quan đến RLCX gồm:

– Các thao tác lặp đi lặp lại và / hoặc nâng vật nặng

– Gập và vặn ở các vị trí trên cơ thể

– Tần suất của cử động lặp đi lặp cao

– Vị trí làm việc không thoải mái

– Sử dụng lực quá mức

– Làm việc trong khoảng thời gian dài mà không nghỉ

– Môi trường làm việc bất lợi (ví dụ như nóng hoặc lạnh)

– Các yếu tố tâm lý xã hội (ví dụ như nhu cầu công việc cao, áp lực thời gian và thiếu kiểm soát)

– Không tiếp nhận và hành động đủ nhanh chóng về báo cáo các triệu chứng.

(ST: K. Dung, Biên dịch: A.Tuyết)


(Nguồn tin: http://www.hse.gov.uk)