Từ các vụ sập giàn giáo trong thi công công trình Xây dựng: Kiểm định giàn giáo là yêu cầu bắt buộc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:04(GMT +7)

Trong những năm gần đây, tình hình TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng cao và khó kiểm soát. Có nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người do sập giàn giáo gây ra. Từ vụ TNLĐ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (26/9/2007), sau đó là hàng loạt các vụ TNLĐ khác tại các công trình: Khách sạn Sailinh (Hà Tĩnh), chung cư Phú Đạt (TP. Hồ Chí Minh), xi măng Hệ Dưỡng (Ninh Bình), Xuân Thủy Tower, chung cư Mulberry (Hà Nội)… vấn đề kiểm định giàn giáo đã được đem ra bàn thảo, tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn chưa được thực hiện; giàn giáo – thiết bị có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ vẫn chưa được đưa vào danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Vụ sập giàn giáo tại KTT Vũng Áng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Tối ngày 25/3/2015, công trình thi công cảng Sơn Dương (KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 13 người chết và làm hơn 30 người khác bị thương. Đây là vụ sập giàn giáo có số lượng thương vong lớn thứ hai từ trước tới nay, sau vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007. Trong khi vụ việc tại Vũng Áng chưa lắng xuống thì ngày 10/7/2015, giàn giáo tại công trình Tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn (Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) lại bất ngờ sập khiến 7 CNLĐ thương vong. Tiếp đó, ngày 11/8/2015, trong khi 3 CNLĐ đang đứng làm việc trên giàn giáo phía bên ngoài tầng 12 Tòa nhà Khách sạn Thiên Trường (TP. Lạng Sơn) thì giàn giáo bị sập, kéo theo cả 3 người rơi xuống đất, tử vong tại chỗ. Trước đó, ngày 28/12/2014, giàn giáo tại công trình thi công xây dựng đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông bỗng dưng sụp đổ vùi lấp một chiếc ô tô đang chở khách lưu thông phía bên dưới. Vụ TNLĐ này tuy không gây thương vong về người, song đã để lại tâm lý hoảng loạn, bất an của dân chúng trong một thời gian dài, bởi đây là tuyến giao thông có đông người và phương tiện qua lại.

Trong các vụ tai nạn kể trên, mặc dù quy mô công trình khác nhau, tình huống sự cố khác nhau, song về căn bản nguyên nhân xảy ra tai nạn đều xuất phát từ một lỗi, đó là hệ thống giàn giáo không đảm bảo yêu cầu về ATLĐ. Trong vụ sập giàn giáo công trình thi công đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, khi giám định kỹ thuật, cơ quan chức năng phát hiện giáo chống bê tông đổ bê tông xà mũ số 7 (H07) tại khu vực ga bến xe Hà Đông không đảm bảo an toàn dẫn đến bị sập trong khi đang đổ bê tông xà mũ này. Tương tự, tại công trình thi công cảng Sơn Dương, sự cố má phanh ở hệ thống thủy lực không đảm bảo là căn nguyên dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê tông cao 25m, dài 40m và rộng 35m bị sập. Riêng hai vụ TNLĐ tại công trình thi công Tòa nhà văn phòng Nam Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và Khách sạn Thiên Trường (TP. Lạng Sơn) thì mặc dù chưa có kết luận chính thức nhưng cơ quan chức năng cho rằng chất lượng giàn giáo có thể không đảm bảo, quá trình thi công giàn giáo chưa đúng với thiết kế, đồng thời cũng không loại trừ khả năng có sự đột biến về tải trọng…

Chưa bao giờ các vụ TNLĐ sập, đổ giàn giáo lại xảy ra liên tiếp với tính chất, mức độ thương vong nghiêm trọng như trong thời gian vừa qua, mặc dù sau mỗi vụ tai nạn các Bộ, ngành, đơn vị đã có kiểm điểm, chỉ đạo và rút kinh nghiệm trên phạm vi toàn quốc. Các chuyên gia về TNLĐ cho rằng, bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật về ATLĐ của NLĐ còn kém; sự thiếu quan tâm, coi nhẹ công tác BHLĐ từ phía chủ đầu tư, nhất là các đơn vị thi công, thì hệ thống văn bản pháp luật của nước ta vẫn còn thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng; các chế tài xử phạt về căn bản cũng chưa đủ sức răn đe.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đức Hinh – Trưởng phòng ATLĐ, Cục quản lý chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây Dựng) cho rằng: có ba vấn đề tồn tại mà chúng ta chưa khắc phục được, dẫn đến công tác ATLĐ trong xây dựng chưa được thực hiện một cách triệt để. Thứ nhất, chi phí cho công tác ATLĐ ở mỗi công trình xây dựng chưa được nêu ra một cách rõ ràng; bên cạnh đó, trong công tác ATLĐ các chủ đầu tư nhiều khi lại đang “phó mặc ” cho các đơn vị thi công, vì vậy dẫn tới hiện tượng tiết giảm, cắt xén chi phí danh cho công tác ATVSLĐ; lơ là, coi nhẹ công tác ATVSLĐ. Thứ hai, có sự vênh nhau giữa lý thuyết và thực tế khi áp dụng văn bản pháp luật, ví dụ như quy định, công trình cứ 500 người trở lên phải cử cán bộ chuyên trách về ATLĐ, dưới 500 người thì cử cán bộ bán chuyên trách. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc thù ngành xây dựng là đi theo tổ, đội với số lượng nhỏ, song đây lại là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra TNLĐ. Mặt khác, sự phân cấp cán bộ giám sát ATLĐ cũng chưa rõ ràng, yêu cầu trình độ chưa tương ứng với quy mô công trình cấp 1, cấp 2, cấp 3. Thứ ba, công tác phối hợp thanh, kiểm tra của các Bộ, ngành chưa tốt. Bởi lẽ, công trình xây dựng có cả công trình thủy điện, công trình giao thông. Trên thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác phối hợp thanh, kiểm tra thì nơi đó công tác ATVSLĐ được thắt chặt và nâng cao hơn.

Về vấn đề các vụ TNLĐ liên quan đến giàn giáo, ông Hinh cũng cho rằng cần thiết phải tăng cường công tác kiểm định giàn giáo, muốn như vậy thì phải nhanh chóng đưa giàn giáo vào danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Thời gian vừa qua, Bộ Xây Dựng đã có công văn đề nghị Bộ LĐ – TB và XH về vấn đề này. Mới đây, ngày 2/11/2015 Bộ Xây Dựng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình, trong đó đặc biệt lưu ý đến nội dung đảm bảo an toàn kết cấu giàn giáo. Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ Ban hành thông tư về ATLĐ trong thi công xây dựng, cùng với đó là hoàn chỉnh các văn bản luật. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt này, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, nhất là các vụ TNLĐ liên quan dến giàn giáo sẽ được kiềm chế.

Thiện Nam


(Nguồn tin: Tạp chí Bảo hộ lao động 11/2015)