Tư thế làm việc bắt buộc, biện pháp phòng ngừa và kỹ năng kiểm tra
Tác hại của tư thế bắt buộc
* Tư thế đứng
Một công việc phải đứng suốt một ca sẽ gây căng tức bắp chân. Vì cơ bắp không được vận động làm máu lưu thông kém.
Công việc phải uốn vặn người theo một tư thế lâu dài gây vẹo cột sống, làm tổn thương cơ và dây chằng cột sống. Nếu lao động nặng kéo dài có thể gây vôi hoá cột sống, gai đôi cột sống có thể chèn ép lên nhánh dây thần kinh gây viêm dây thần kinh toạ, có trường hợp bị liệt chi …
– Đứng lâu làm dãn tĩnh mạch bắp chân, gây đau nhức.
– Đứng lâu làm tăng áp lực ổ bụng, gây sa trực tràng, bệnh trĩ. ở phụ nữ gây biến dạng xương chậu, sa dạ con, lệch dạ con.
– Đứng lâu gây đau mỏi lưng, thắt lưng, ống chân, đùi, gây bệnh khớp xương.
– Đứng lâu gây bệnh bàn chân bẹt làm các khớp xương bàn chân đau nhức ảnh hưởng đến đi lại, chạy nhảy, và đến năng xuất lao động.
– Khuân vác nặng gây biến dạng khớp xương đầu gối, làm đầu gối hai chân sát vào nhau hình chữ X hoặc vòng kiềng và gây đau cột sống, đau thắt lưng, tức ngực…
* Tư thế ngồi
– Ngồi lâu gây cảm trở đến sự lưu thông huyết, làm ảnh hưởng đến sự co bóp của dạ dày, nhu động ruột và gây táo bón, đau bụng, tiêu hoá kém.
– Đối với nữ ảnh hưởng đến sự lưu thông máu ở cơ quan sinh dục, gây rối loạn kinh nguyệt, gây đau bụng dữ dội trước hoặc sau ngày thấy kinh. Có thể gây viêm tử cung, buồng trứng, sảy thai.
– Ngồi làm việc lâu gây đau mỏi cổ, vai, lưng và thắt lưng
Biện pháp dự phòng
* Biện pháp kỹ thuật
– Điều chỉnh chiều cao bề mặt phương tiện làm việc ở ngang hoặc cao hơn hay thấp hơn khớp khuỷu tay một chút cho từng người lao động tạo điều kiện làm việc thoải mái (tư thế đứng, chiều cao bề mặt làm việc trung bình 78-91 cm, ngồi từ 64-77 cm).
– Tạo điều kiện đảm bảo những người thấp bé có thể với tới các bộ phận điều khiển và các vật liệu gia công trong tư thế tự nhiên.
– Đặt các vật liệu, dụng cụ và các bộ phận điều khiển ngang tầm tay để dễ với, dễ lấy, dễ điều khiển cho năng suất cao và phòng ngừa gây tác hại sức khoẻ
– Đảm bảo những công nhân cao lớn có đủ không gian để chuyển dịch chân và cơ thể dễ dàng, và gắng sức thuận lợi.
Các thao tác ở ngang khuỷu tay
Kích thước ghế ngồi
Dùng kệ chân cho lao động đảm bảo ngang khuỷu tay
– Đảm bảo người lao động có thể đứng tự nhiên, trọng lượng trên hai chân
– Phải có bề mặt làm việc đa dạng vững chắc ở từng vị trí lao động
Có đủ không gian đi lại cho công nhân cao to
Vật liệu, dụng cụ trong tầm tay
– Tạo điều kiện cho người lao động luôn được thay đổi tư thế đứng và ngồi khi lao động để tránh sự đơn điệu, nhàm chán, gò bó.
Trang bị ghế ngồi có tựa lưng hoặc ghế đẩu cho công nhân làm việc đứng để thỉnh thoảng họ có thể ngồi làm việc tạo điều kiện thay đổi tư thế chống mệt mỏi.
– Trang bị ghế điều chỉnh và có tựa lưng cho người lao động ngồi làm việc thỉnh thoảng ngả lưng cho đỡ đau mỏi.
– Thiết kế phương tiện làm việc có thể điều chỉnh được cho người lao động làm việc với các vật có kích thước khác nhau.
– Phải có phương tiện để ngồi cho những người thực hiện công việc đòi hỏi chính xác đỡ mệt mỏi.
Tư thế đứng và ngồi
Trang bị bề mặt làm việc điều chỉnh được
– Kiểm tra mắt và trang bị kính thích hợp cho những người bị cận thị hoặc viễn thị để làm việc đỡ căng thẳng, đỡ mệt mỏi, đỡ giảm thị lực, phòng tai nạn.
-Tổ chức tập thể dục giữa giờ để thay đổi tư thế cho phục hồi sức khoẻ nhanh.
– Huấn luyện cho người làm việc để nâng cao nhận thức về tư thể làm việc sao cho phù hợp để họ tự bảo vệ lấy mình.
* Biện pháp y tế
Tổ chức khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, phục hồi chức năng lao động cho người lao động.
Kỹ năng kiểm tra, đánh giá
* Quan sát
– Quan sát không gian, mặt bằng tại nơi làm việc chật hẹp hay rộng rãi.
– Quan sát công nghệ sản xuất, phương tiện, dụng cụ làm việc có phù hợp với nhân trắc của người lao động.
– Tư thế làm việc của người lao động phải đứng hoặc ngồi thao tác trong thời gian dài và liên tục. Người lao động phải uốn mình ra phía trước, phía sau, sang phải hay sang trái trong thời gian dài.
– Tư thế người lao động khuân vác vật nặng
Nâng vật nặng ở phía trước cơ thể, giữ lưng thẳng, chân đứng vững
– Phụ nữ có thai phải đứng lâu hay ngồi lâu làm việc.
– Ngồi xổm hoặc ngồi phệt làm việc kéo dài.
– Vị trí thao tác cao hay thấp so với nhân trắc người lao động.
– Bàn làm việc hoặc vị trí thao tác có ngang nếp khuỷu tay hay không?
– Ghế ngồi có tựa hay có cần điều chỉnh cao, thấp.
– Khoảng không gian đặt hai chân khi ngồi hoặc đứng làm việc có thoải mái không?
– Độ cao làm việc có đảm bảo lưng thẳng, hai vai thả lỏng không?
– Vị trí làm việc có vừa tầm tay hay quá tầm tay với.
– Dụng cụ, nguyên vật liệu sắp xếp gọn gàng hay bừa bãi.
– Người lao động có được nghỉ giải lao giữa giờ không?
* Kiểm chứng
– Hỏi người lao động về những dấu hiệu đau mỏi cơ xương khớp trong quá trình sản xuất, như: đau mỏi lưng, thắt lưng, cột sống, bả vai, cổ, cánh tay, cổ tay, bắp chân, ngón tay… trong ca hoặc sau ca làm việc hay về nhà nằm nghỉ ngơi thấy đau mình mẩy. Nếu họ trả lời có một vài triệu chứng thì tư thế làm việc đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.
– Nhìn thể trạng người lao động cũng góp phần đánh giá rủi ro.
– Nghe thấy người lao động kêu ca, phàn nàn điều kiện làm việc gò bó, mệt mỏi, đau xương cốt, đau các bắp cơ hay về nhà nằm đêm thấy đau mỏi cơ xương khớp.
– Tham khảo kết quả khám sức khoẻ, tình trạng ốm đau, nghỉ việc để đánh giá.
– Mô tả hoặc chụp ảnh để làm bằng chứng cho việc ưu tiên cải thiện.
(Nguồn tin: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động)