Bụi silic – nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bệnh phổi đen ngày càng tăng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:17(GMT +7)

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết độc tính của nguyên tố silic là nguyên nhân làm cho quá trình xơ hóa phổi (bệnh phổi đen) nhanh hơn đối với những người thợ mỏ than. Các nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện ra những bằng chứng cho thấy trong khi cắt, cưa, khoan hay nghiền, người công nhân khai thác than hít phải bụi silic, là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh phổi đen ở công nhân khai thác mỏ gia tăng.

Mặc dù các quy định về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp ở các mỏ than, thành phần khoáng sản của trái đất không thay đổi hơn 100 năm nay. Các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy bằng chứng cho thấy phổi của những người sinh sau năm1930 dễ bị tổn thương hơn so với những người sinh trước năm 1930. Nhưng số liệu thống kê cho thấy số lượng lao động trẻ làm việc ở các mỏ than bị tổn thương phổi gia tăng đáng kể vào cuối những năm 90.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Illinois, Chicago (UIC) đã phân tích các mẫu bệnh phổi của 85 thợ mỏ than ở Chicago. Nghiên cứu đã so sánh mẫu bệnh phẩm của thợ mỏ sinh từ năm 1930 đến nay (thế hệ này) với thợ mỏ sinh năm từ 1910 đến 1930 (thế hệ cũ). Kết quả cho thấy tỷ lệ công nhân ở thế hệ này bị xơ hóa phổi do bụi silic cao hơn so với những người thợ mỏ ở thế hệ cũ: 57% so với 18%. Ngoài ra, các mẫu bệnh của thợ mỏ ở thế hệ này có tuổi đời trung bình thấp hơn so với thế hệ cũ: 61 tuổi so với 65 tuổi và thời gian làm việc trong lòng đất cũng ngắn hơn: 30 năm so với 35 năm.

Một nghiên cứu khác của UIC được công bố tháng 5 năm 2018 cho thấy, từ năm 1970 hơn 4.600 công nhân khai thác than đã mắc bệnh phổi đen nặng, trong đó gần một nửa số trường hợp phát bệnh sau năm 2000. Nghiên cứu cho thấy các trường hợp mắc bệnh phổi đen đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005, đặc biệt tỷ lệ các thợ mỏ ở Kentucky, Virginia và Tây Virginia mắc bệnh phổi đen cao gấp mười lần.

Phổi của những thợ mỏ thế hệ này chứa lượng bụi silic dạng tinh thể cao hơn so với những thợ mỏ ở thế hệ cũ, là nguyên nhân có thể giải thích sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh phổi đen nặng. Những người thợ mỏ ngày xưa chủ yếu làm việc với công nghệ khai thác thông thường như sử dụng khoan và nổ mìn, trong khi những người thợ mỏ hiện nay khai thác than bằng cách sử dụng các thiết bị cơ khí như đầu cắt công suất cao để cắt than từ bề mặt mỏ. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy bụi silic là tác nhân gây ra bệnh phổi đen, có thể được sử dụng để xác định giới hạn phơi nhiễm đối với thợ mỏ.

Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Annals of the American Thoracic Society.

Lược dịch: Thúy Hằng


(Nguồn tin: www.safetyandhealthmagazine.com)