8 mối nguy hiểm chính có thể xảy ra trong quá trình sử dụng máy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:12(GMT +7)

Mối nguy hiểm là trường hợp mối nguy xuất hiện bất ngờ (ví dụ, các mối nguy hiểm nổ, điện giật, ngã cao, cuốn kẹp/cắt đứt…), thường gây ra tổn thương về thể chất cho con người.

1. Mối nguy hiểm cơ khí

a. Các mối nguy hiểm cơ khí do máy, các chi tiết máy hoặc các bề mặt của chi tiết gia công, các dụng cụ hoặc các vật liệu rắn hay chất lỏng văng bắn ra có thể dẫn đến các chấn thương, cuốn kéo hoặc vướng quần áo; va chạm; đâm hoặc chọc thủng; chà xát và mài mòn gây tai nạn.

b. Mối nguy hiểm cơ khí có thể gây ra do máy, các bộ phận hoặc chi tiết của máy, các chi tiết gia công trên máy.

 c. Các mối nguy hiểm cơ khí do người vận hành tiếp cận vào các khe hở, và vị trí tương quan giữa các bộ phận, chi tiết cơ khí chuyển động; cũng như các cạnh sắc, các góc sắc nhọn, các bề mặt xù xì, thô nhám, các phần nhô ra,  đặc biệt là các cạnh, mép của các tấm, lá kim loại, bavia, rìa sần, đầu mút hở có thể dẫn đến kẹp dập, xén đứt hoặc xoắn gẫy, tạo thành các “bẫy” đối với các phần cơ thể người.

d. Các mối nguy hiểm cơ khí do vi phạm các đặc tính kỹ thuật của tiêu chuẩn trong thiết kế, tính toán về giới hạn ứng suất cơ học, tính chất của vật liệu (độ bền chịu ăn mòn, độ cứng, dẻo, giòn, tính đồng nhất, tính độc hại, tính dễ bốc cháy).

Một số nguồn gốc của các mối nguy hiểm cơ khí điển hình và hậu quả tiềm tàng của các tổn thương chính, gồm: các bộ phận cắt gây ra vết cắt xén, cắt đứt; các bộ phận quay gây ra va đập, hất ngã, cắt, xén; các bộ phận di chuyển gây ra đè bẹp, va đập, chà xát, trầy da, cắt đứt; các bộ phận quay hoặc di chuyển tịnh tiến gây ra cắt đứt, vướng vào, dính vào; Các vật rơi gây ra đè bẹp, va đập; Sự tăng tốc/giảm tốc gây ra chẹt/cán phải; các bộ phận có góc cạnh gây ra cắt, đâm hoặc chọc thủng; Áp suất cao gây ra sự phun, phụt v.v…

2. Mối nguy hiểm do trượt, vấp và rơi ngã

Tình trạng bề mặt của sàn và các phương tiện tiếp cận (mặt đế giầy, ủng) có thể gây ra thương tích, tổn thương ở các mức nghiêm trọng khác nhau do trượt, vấp ngã hoặc rơi ngã từ trên cao.

3. Mối nguy hiểm điện

Mối nguy hiểm điện có thể gây ra các tổn thương hoặc tử vong do điện giật hoặc do cháy, các sự cố này có thể do các nguyên nhân: sự tiếp xúc của người với các bộ phận có dòng điện chạy qua, do cách điện bị hỏng (tiếp xúc gián tiếp), đặc biệt là trong vùng điện áp cao; Cách điện không thích hợp cho điều kiện sử dụng đã định trước; sự tiếp xúc của người với các bộ phận tích điện; Sự bức xạ nhiệt; hiện tượng bắn của các mẩu kim loại hoặc tác động hoá học do sự ngắn mạch hoặc quá tải.

Mối nguy hiểm về điện cũng có thể làm cho người bị ngã rơi xuống, hoặc các vật rơi xuống người bất ngờ vì chập điện.

4. Mối nguy hiểm nhiệt

Mối nguy hiểm nhiệt có thể dẫn đến bỏng và vết cháy do tiếp xúc với các đối tượng hoặc vật liệu có nhiệt độ quá cao, ngọn lửa hoặc cháy nổ và sự bức xạ từ các nguồn nhiệt. Mối nguy hiểm nhiệt có thể gây đột quỵ, tổn thương/bỏng lạnh.

5. Mối nguy hiểm do tiếng ồn

Tiếng ồn có thể dẫn đến mất vĩnh viễn khả năng nghe (do tiếng ồn xung hoặc tiếng nổ gây nên).

6. Mối nguy hiểm do bức xạ

Các mối nguy hiểm này có thể gây ảnh hưởng tức thời, như gây bỏng, tổn hại mắt và da. Các nguồn bức xạ ion hoá có thể gây nhiễm xạ cấp tính (với liều ≥ 300 Rem/lần), với triệu chứng rối loạn thần kinh trung ương (nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, hồi hộp, khó ngủ), da bị bỏng, tấy đỏ; tổn thương nặng cơ quan tạo máu; bị thiếu máu, gây sút cân, suy nhược toàn thân, nhiễm trùng nặng, dẫn đến tử vong.

7. Mối nguy hiểm gây ra do vật liệu và các chất liệu

Các vật liệu và các chất được gia công, sử dụng, sản xuất hoặc thải ra có thể tạo ra các mối nguy hiểm cháy, nổ, ngộ độc hoặc gây ngạt thở (do chất đốt, chất dễ cháy, chất nổ, hỗn hợp bụi nổ, khói – khí độc, son khí…).

8. Mối nguy hiểm gắn liền với môi trường sử dụng máy

Khi máy được vận hành trong các điều kiện môi trường sử dụng khác nhau như: nhiệt độ, gió, mưa, giông bão, tuyết rơi, sấm sét, nhiễu loạn điện từ, bụi và sương mù…có thể gây trực tiếp các mối nguy hiểm cho người vận hành cũng như sự cố trong quá trình vận hành máy.

 

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)