An toàn sức khỏe ngành mỏ – phòng ngừa 7 rủi ro phổ biến để bảo vệ bạn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Ngành công nghiệp khai thác mỏ nổi tiếng là một ngành rủi ro, với những rủi ro sức khỏe rất đa dạng và khá nghiêm trọng, và điều quan trọng là các thợ mỏ phải tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, khai thác mỏ không phải là không an toàn. Với sự ra đời của quy định và quy trình an toàn nghiêm ngặt, cũng như những tiến bộ trong thiết bị an toàn, ngành công nghiệp này đang chứng kiến tỷ lệ tử vong của nó giảm xuống theo thời gian.

Mặc dù mục tiêu không nguy hại vẫn chưa đạt được, nhưng đây vẫn là tiêu chuẩn mà các công ty khai thác mỏ tiếp tục phấn đấu.

Hiểu và nhận thức được môi trường của bạn là bước đầu tiên để phòng ngừa ốm đau và thương tật tại nơi làm việc. Sau đây là 7 rủi ro sức khỏe phổ biến trong ngành khai thác mỏ.

1. Bụi than

Hít phải bụi hoặc bụi than là một trong những mối quan tâm phổ biến đối với các thợ mỏ.

Việc hít phải bụi than đang diễn ra có thể gây nên bệnh được biết đến như “bệnh phổi của thợ mỏ” hoặc “bệnh phổi đen”. Bệnh phổi của thợ mỏ là một dạng bệnh phổi nghề nghiệp thuộc nhóm bệnh bụi phổi. Nó khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nhưng các triệu chứng gồm khó thở và sẹo ở mô phổi, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp liên tục.

Mặc dù các biện pháp phòng ngừa bệnh phổi đen đã được thực hiện theo pháp luật nhiều năm nay, nhưng các ca bệnh mới vẫn xảy ra ở những người khai thác mỏ than.

Các công ty khai thác mỏ cần phát triển một kế hoạch kiểm soát bụi, và các giám sát viên phải đảm bảo rằng hệ thống kiểm soát bụi đang hoạt động phù hợp đối với mỗi ca sản xuất.

Công nhân mỏ phải được huấn luyện về các nguy cơ của việc tiếp xúc quá nhiều với bụi mỏ than.

Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp nên được sử dụng khi thiết bị kiểm soát bụi đang được lắp đặt, bảo trì và sửa chữa. Kiểm tra và giám sát y tế cũng rất cần thiết.

2. Tiếng ồn

Mỏ là nơi ồn ào với việc khoan liên tục và máy móc hạng nặng, và khả năng gây tổn thương thính giác là khá nghiêm trọng.

Bạn có thể dễ dàng quen với tiếng ồn lớn về mặt tinh thần, nhưng điều đó không có nghĩa là sự tổn thương vẫn chưa xảy ra. Nhiều người không chú ý sự tổn hại đến thính giác của họ cho đến khi rất lâu sau lần đầu tiên họ tiếp xúc với môi trường tiếng ồn, vì hầu hết các tổn thương đều xảy ra rất chậm.

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn quá mức có thể dẫn đến bị ù tai, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung và thậm chí mất thích lực vĩnh viễn.

Để bảo vệ người lao động khỏi tiếng ồn, các công ty khai thác mỏ nên đánh giá điều kiện làm việc và mức độ tiếp xúc tiếng ồn thông qua đánh giá rủi ro.

Có thể tránh và giảm việc tiếp xúc bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát kỹ thuật tại nguồn ồn hoặc dọc theo đường truyền tiếng ồn để giảm việc tiếp xúc, chẳng hạn như bộ giảm rung hoặc tấm hấp thụ tiếng ồn.

Bảo trì máy móc thường xuyên cũng là biện pháp cần thiết để giảm tiếng ồn. Người sử dụng lao động phải đảm bảo sử dụng hợp lý thiết bị bảo vệ thính giác cá nhân cho những người lao động tiếp xúc với tiếng ồn, đồng thời cung cấp các khóa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cần thiết và lưu trữ các hồ sơ giám sát sức khỏe mới nhất.

3. Rung toàn thân

Rung toàn thân (WBV) là một mối nguy vật lý hình thành chậm xảy ra ở các công nhân khai thác mỏ và các ngành nghề khác làm việc với máy móc hạng nặng.

Trong môi trường khai thác mỏ, WBV có thể được gây ra do ngồi hoặc đứng trên máy móc quá lâu, chẳng hạn như ngồi làm việc trên máy khoan hầm jumbo.

Một số dạng rung động là ổn, nhưng chúng trở nên nguy hiểm khi chúng liên quan đến các bề mặt không bằng phẳng, hoạt động của thiết bị như xé hoặc đẩy vật liệu trong máy ủi, và rung của động cơ.

Các triệu chứng của WBV bao gồm rối loạn cơ xương, tổn thương chức năng sinh sản ở nữ giới, giảm thị lực, các vấn đề về tiêu hóa và thay đổi hệ tim mạch.

Việc giảm phơi nhiễm cũng làm giảm rủi ro sức khỏe và là bước đầu tiên mà các công ty khai thác mỏ nên thực hiện. Điều này có thể bao gồm việc lấp đầy các ổ gà trên những đoạn đường bị phá hủy, hạn chế vận chuyển hàng hóa hoặc vật liệu, hoặc thay thế bằng máy móc không người lái như các thiết bị vận chuyển điều khiển từ xa.

Ở những nơi mà rủi ro không thể tránh được, người giám sát cần giảm thời gian nhân viên sử dụng máy mỗi ngày. Hướng dẫn và đào tạo là quan trọng, và các triệu chứng đau lưng ở nhân viên cần được kiểm soát chặt chẽ.

4. Tiếp xúc tia UV

Đối với những công nhân khai thác mỏ lộ thiên, việc hiểu rõ rủi ro của việc tiếp xúc quá mức với bức xạ UV (cực tím) trong ánh nắng mặt trời là cần thiết.

Tiếp xúc quá mức với tia UV có thể khiến bạn có nguy cơ bị ung thư da, tỷ lệ này ở Úc là cao nhất thế giới. Tia UV không chỉ gây nên các khối u ác tính mà chúng còn gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho mắt nếu bạn không đeo kính bảo vệ mắt.

Trong ngắn hạn, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể gây mất nước, đau đầu và buồn nôn. Các công nhân mỏ thường xuyên phải ở ngoài trời cả ngày dưới cái nắng nóng như thiêu đốt, vì vậy thường có rủi ro cao bị ung thư và các vấn đề về mắt nếu họ không được bảo vệ đầy đủ.

Người sử dụng lao động cần thực hiện đánh giá rủi ro đối với các công việc thực hiện ngoài trời để hỗ trợ phát triển các biện pháp chống nắng phù hợp.

Cách hiệu quả nhất để giảm tiếp xúc tia UV là sử dụng kết hợp các biện pháp bảo vệ, bao gồm tổ chức lại công việc để tránh tia UV cao nhất trong ngày, cung cấp bóng mát tự nhiên hoặc nhân tạo, cung cấp quần áo bảo hộ phù hợp và sử dụng kem chống nắng.

Điều quan trọng nữa là người sử dụng lao động phải huấn luyện người lao động để nâng cao nhận thức về các rủi ro liên quan đến việc tiếp xúc với tia UV và các biện pháp bảo vệ chống nóng cần thiết.

Người sử dụng lao động có thể quy định việc khám ung thư da như là một phần của việc khám sức khỏe định kỳ tại nơi làm việc và khám sức khỏe trước khi tuyển dụng.

5. Rối loạn cơ xương

Rối loạn cơ xương (MSDs) liên quan đến bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến xương, cơ, mạch máu và dây thần kinh của bạn.

Công nhân mỏ tiếp xúc với nhiều loại rủi ro sức khỏe tiềm ẩn. Trong khi tổn thương cơ xương có thể xảy ra do vấp, ngã hoặc nâng vật nặng, các tổn thương nghiêm trọng hơn xảy ra từ từ theo thời gian. Điều này có thể do nâng nhấc vật nặng liên tục hoặc căng cơ lặp đi lặp lại.

Phòng ngừa MSDs cần phải là một phần quan trọng của mọi chương trình an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Trong những nơi làm việc an toàn và lành mạnh, người sử dụng lao động phải nhận diện và đánh giá các mối nguy MSDs liên quan đến công việc và đưa ra các biện pháp kiểm soát để giảm mức độ phơi nhiễm của người lao động với các nguy cơ MSDs.

Ngoài ra, người lao động cần được tư vấn và huấn luyện về các nguy cơ MSDs trong công việc và ở nơi làm việc của họ và nên được khuyến khích tham gia vào các chương trình an toàn và sức khỏe thông qua báo cáo ban đầu về các triệu chứng hoặc các mối quan tâm MSDs cho người giám sát của họ.

Người sử dụng lao động phải theo dõi để đảm bảo các biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện.

6. Căng thẳng do nhiệt

Một rủi ro sức khỏe phổ biến mà công nhân mỏ phải đối mặt là căng thẳng do nhiệt hoặc nóng.

Môi trường khai thác mỏ thường rất nóng và ẩm ướt, theo thời gian có thể gây ra căng thẳng nhiệt cho người lao động.

Tiếp xúc quá mức với nhiệt và độ ẩm có thể khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Điều này có thể dẫn đến sốc nhiệt hoặc các vấn đề sức khỏe diễn ra nghiêm trọng hơn.

Ở những nơi có thể xảy ra căng thẳng do nhiệt, các công ty cần thực hiện đánh giá rủi ro để xem xét tỷ lệ làm việc, môi trường làm việc, quần áo bảo hộ và phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp.

Nếu có thể, hãy kiểm soát nhiệt độ bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật, cung cấp thiết bị hỗ trợ cơ học để giảm tốc độ làm việc và điều chỉnh thời gian tiếp xúc với môi trường nóng.

Ngoài ra, nên cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, chẳng hạn như quần áo bảo vệ chuyên dụng có kết hợp hệ thống làm lạnh cá nhân hoặc các loại vải thoáng khí.

Bên cạnh đó, các công ty cần tổ chức huấn luyện cho người lao động, đặc biệt là những công nhân mới và trẻ, và theo dõi sức khỏe của những công nhân có nguy cơ.

7. Nguy cơ hóa chất

Công nhân mỏ thường phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

Ví dụ, nhóm hóa chất phổ biến nhất gây lo ngại trong môi trường khai thác than là hóa chất polymeric.

Bất kể hóa chất bạn làm việc thuộc loại hóa chất nào, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và mặc quần áo bảo hộ phù hợp để hạn chế tối đa sự phơi nhiễm của cơ thể với chúng. Các rủi ro gồm có bỏng hóa chất, các vấn đề về hô hấp và nhiễm độc.

Mỗi hóa chất có một loạt các nguy cơ riêng và cần phải được xử lý đúng cách để đảm bảo an toàn cho công nhân, vì vậy người sử dụng lao động cần thực hiện đánh giá rủi ro để thiết lập các phương pháp thực hành tốt nhất.

Cần thiết lập một quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) trong đó tập trung vào việc sử dụng đúng phương tiện bảo vệ cá nhân, xử lý an toàn, sử dụng an toàn và thải bỏ đúng cách.

Thông gió cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu sự phơi nhiễm, cũng như vệ sinh và dọn dẹp chung. Cần thực hiện huấn luyện và diễn tập kỹ lưỡng về kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và kế hoạch vệ sinh hóa chất của công ty.


(Nguồn tin: miningreview.com)