Ảnh hưởng từ việc phơi nhiễm Silic tinh thể hô hấp và cách phòng ngừa
Silic, ở dạng tinh thể, được tìm thấy một cách tự nhiên trong đất, cát, đá granit và nhiều khoáng chất khác. Thạch anh là dạng phổ biến nhất của silic, thường được dùng trong hoạt động thương mại xây dựng và có trong các vật liệu xây dựng như: cát, nhựa đường, đá, sỏi, xi măng, gạch thường, gạch khối và vữa.
Cách phổ biến nhất mà người lao động phơi nhiễm với silic là hít phải bụi khi họ tiến hành đẽo, cắt, khoan hoặc nghiền các vật thể có chứa silic ôxít kết tinh. Nếu loại bụi này được hít vào bên trong cơ thể, sẽ gây ra các bệnh nghiêm trọng về hô hấp.
Những tác động đến sức khỏe từ việc phơi nhiễm
Khi các phân tử bụi silic cực nhỏ được hít vào bên trong cơ thể, chúng có thể xâm nhập sâu vào hai lá phổi làm mất chức năng và đôi khi là căn nguyên của một số bệnh gây tử vong liên quan đến phổi và thận. Khi một người hít phải silic ôxít kết tinh, hai lá phổi phản ứng và gây ra sẹo đồng thời làm cứng xung quanh các phân tử silic bị kẹt lại trong phổi, cuối cùng gây ra căn bệnh có tên gọi là bệnh bụi phổi silic. Bệnh bụi phổi silic là một chứng bệnh về phổi gây thương tật, không thể hồi phục và đôi khi dẫn đến tử vong, vô phương cứu chữa. Do bệnh bụi phổi silic ảnh hưởng đến chức năng phổi, làm cho người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng phổi như bệnh lao. Đối với những người hút thuốc lá, thì bệnh này lại chứa đựng càng nhiều nguy cơ, vì hút thuốc tàn phá phổi và làm tăng thêm mức độ tàn phá nếu hít phải bụi silic. Một tin không vui nữa là silic ôxít kết tinh cũng được biết tới như một tác nhân gây ung thư, có nghĩa là có thể là nguyên nhân gây ra ung thư phổi.
Báo cáo của CAREX Canada cho thấy xấp xỉ 380,000 người Canada phơi nhiễm silic tại nơi làm việc, đứng đầu là ngành xây dựng. Theo số liệu thống kê của CAREX về ung thư, năm 2011 tại Canada, có tới 570 ca mắc ung thư phổi (chiếm khoảng 2,4% trên tổng số) là do phơi nhiễm nghề nghiệp với silic ôxít kết tinh.
Phơi nhiễm nghề nghiệp
Cũng theo CAREX, thì các lao động trong ngành thương mại xây dựng, những người vận hành thiết bị nặng, thợ trát vữa và bả tường là những đối tượng phải đối mặt với rủi ro cao nhất do phơi nhiễm silic. Các hoạt động xây dựng đa dạng có thể làm công nhân xây dựng phơi nhiễm silic. Các phơi nhiễm nghiêm trọng nhất thường xảy ra trong quá trình mài mòn bằng phun cát để làm sách lớp sơn và rỉ sét trên các cây cầu, bể chứa, các cấu trúc bằng bê tông và các bề mặt khác. Những hoạt động xây dựng khác có thể gây ra phơi nhiễm nghiêm trọng như: nghiền và dỡ đá, khoan đục đá, khoan đá/giếng, trộn bê tông, khoan bê tông, cưa, cắt gạch và khối bê tông và vận hành các thiết bị đào hầm.
Silic ôxít kết tinh, đặc biệt là thạch anh, được sử dụng rộng rãi theo nhiều cách thức khác nhau và do vậy việc phơi nhiễm cũng có thể nảy sinh ở một số ngành và nghề nghiệp khác như khai mỏ, sản xuất tấm lợp, nông nghiệp, chế tạo, cắt các bề bằng đá và giả đá.
Phòng ngừa phơi nhiễm
Loại bỏ các quy trình hoặc vật liệu nguy hại, bất cứ nơi nào có thể, là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ người lao động. Điều này bao gồm cả việc tìm kiếm những phương thức thay thế các vật liệu có chứa silic ôxít kết tinh bằng các vật liệu khác an toàn hơn, bất cứ khi nào có thể. Trong một số tình huống làm việc, ngọc hồng lựu, một vật liệu ít nguy hại hơn, có thể được sử dụng thay thế cho silic khi áp dụng phương pháp phun cát.
Nếu việc loại bỏ quy trình tạo ra bụi độc hại không khả thi, thì các phương pháp kiểm soát nguy cơ khác có thể được áp dụng. Giảm thiểu số lượng bề mặt bê tông, nếu được, cũng có nghĩa là sẽ có ít hoạt động như mài hoặc nghiền diễn ra. Chia nhỏ các khối gạch lát bê tông sẽ tốt hơn là cưa chúng, vì tạo ra ít bụi hơn. Phối hợp các biện pháp kiểm soát kỹ thuật như phun nước và thông gió khí thải cục bộ kết hợp với các công cụ giảm thiểu tối đa nồng độ của bụi silic ôxít kết tinh trong không khí. Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật có thể yêu cầu thay đổi về mặt vật lý cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị và các quy trình để giảm bớt phơi nhiễm nhưng là những biện pháp đem lại hiệu quả.
Các phương pháp giám sát hành chính bao gồm thay đổi cách thức làm việc có thể giới hạn rủi ro phơi nhiễm bụi silic. Ví dụ: cung cấp cho người lao động hoạt động đào tạo và giám sát cần thiết; phát triển một văn bản kế hoạch kiểm soát phơi nhiễm silic; bố trí các biển cảnh báo tại khu vực làm việc; lập kế hoạch cho các kíp làm việc càng cách xa các hoạt động gây ra bụi silic càng tốt; cung cấp cơ sở vật chất phục vụ việc vệ sinh phù hợp ngay tại công trường; phát triển các thủ tục làm việc an toàn để đối phó với vấn đề bụi silic và kiểm tra phơi nhiễm silic ở người lao động.
Phương tiện bảo vệ cá nhân, cho dù ít hiệu quả kiểm soát bụi, nhưng cũng rất cần thiết. Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp kín khít, đã qua kiểm tra và được cấp chứng nhận, dụng cụ bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ cần được sử dụng khi được yêu cầu.
Người sử dụng lao động và người lao động đều phải nhận thức rõ về các nguy cơ của hoạt động làm việc và mặt bằng công việc. Biết được các hoạt động vận hành và nhiệm vụ công việc sản sinh ra bụi silic ô xít kết tinh, hiểu được các nguy cơ liên quan đến sức khỏe và bảo vệ chống lại sự phơi nhiễm với loại bụi nguy hại này. Cùng chung tay chúng ta có thể bảo vệ được hơi thở và cả chính cuộc đời mình.
Biên dịch: Bích Hà
(Nguồn tin: ccohs.ca)