Ba phương thức khuyến khích xây dựng nơi làm việc lành mạnh và an toàn về mặt tâm lý

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Một nơi làm việc lành mạnh và an toàn về mặt tâm lý khuyến khích trạng thái hưng phấn về cảm xúc và bộc lộ ít rủi ro đối với sức khỏe tâm thần của người lao động (NLĐ). Bằng việc tạo ra những thay đổi đối với môi trường làm việc và đưa ra hỗ trợ cho NLĐ, chúng ta có thể giảm bớt sự nảy sinh, quá trình phát triển cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng của các bệnh liên quan đến tâm thần và thúc đẩy khả năng phục hồi. Vậy phải làm thế nào để đạt được mục tiêu trên?

Không tồn tại “cách thức đúng đắn duy nhất” để tạo ra một nơi làm việc lành mạnh. Mọi nơi làm việc đều rất đa dạng, khác nhau từ quy mô tổ chức cho đến người lao động, công việc cần thực hiện và những người lãnh đạo. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe tâm thần cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể tạo lập và duy trì một nơi làm việc lành mạnh về mặt tâm lý bằng cách đưa nội dung này vào kế hoạch kinh doanh sản xuất của đơn vị mình. Sức khỏe tâm thần kém không chỉ gây tổn hại đến cá nhân mà còn làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều quan trọng là ở mọi cấp từ Ban Giám đốc, bộ phận quản lý, tài chính, nhân sự… đều liên quan chặt chẽ đến vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: acci.asn.au

Dưới đây là 03 phương thức có thể áp dụng để thúc đẩy một nơi làm việc lành mạnh và an toàn về mặt tâm lý:

1. Xây dựng và triển khai Chương trình An toàn và Sức khỏe toàn diện tại nơi làm việc.

Chương trình này bao gồm một loạt các chiến lược, hoạt động, sáng kiến và chính sách có liên quan do người sử dụng lao động (NSDLĐ) phát triển, có sự tham vấn của NLĐ, nhằm không ngừng cải thiện hoặc duy trì chất lượng đời sống, sức khỏe và trạng thái hưng phấn của lực lượng lao động. Các hoạt động này được mở rộng và phát triển như một phần của quá trình liên tục cải thiện nhằm tăng cường cải thiện môi trường làm việc (thể chất, tâm lý xã hội, tổ chức, kinh tế), và nhằm tăng cường khả năng làm chủ cũng như sự phát triển của cá nhân.

2. Cam kết xây dựng một nơi làm việc khuyến khích trạng thái hưng phấn tâm thần. Rất cần có sự tham gia mạnh mẽ và rõ ràng của người lãnh đạo cao cấp cũng như sự tham gia đầy ý nghĩa của các cấp lãnh đạo khác tại cơ sở trong việc mở rộng và phát triển chương trình sức khỏe tâm thần. Ở đây, cam kết của tổ chức mang tính quyết định. Tất cả các cấp của tổ chức, cơ sở đều đóng vai trò trong việc thiết kế, triển khai, giám sát và xem xét các chính sách hoặc các thực tiễn áp dụng. Hình thành một nhóm làm việc đảm bảo điều kiện thể chất và tinh thần tốt tại doanh nghiệp với đại diện là nhà quản lý, NLĐ, công đoàn, nhân sự và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và sức khỏe lao động để dẫn dắt sáng kiến này.

3. Giáo dục và tập huấn từng thành viên của tổ chức, cơ sở (các nhà quản lý, giám sát viên, NLĐ các thành viên hội đồng an toàn và sức khỏe) về tầm quan trọng của vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Cung cấp các hoạt động giáo dục và tập huấn, đảm bảo các nhà quản lý và NLĐ nắm rõ được cách thức nhận diện các nguy cơ như quấy rối, bị bắt nạt và những điều kiện làm việc không lành mạnh về mặt tâm lý. Hoạt động tập huấn cung cấp những cách thức cụ thể cho người cùng lao động nhận diện và bàn luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung. Các nhà quản lý có thể cùng đóng góp cho một môi trường làm việc khả quan nếu họ có các kỹ năng và kiến thức để nhận dạng và ứng phó với những vấn đề nảy sinh trước khi chúng trở nên trầm trọng.

Biên dịch: P. Hải


(Nguồn tin: Canada Center for OHS)