Bài 1: Sức khỏe tâm thần-Phần giới thiệu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Thế nào là sức khỏe tâm thần?
Sức khỏe tâm thần là trạng thái sức khỏe của một người mà họ hiểu rõ nhất khả năng của họ có thể đương đầu với những stress thông thường của cuộc sống, có thể làm việc có hiệu suất và có khả năng đóng góp tốt cho cộng đồng.

Sức khỏe thể chất và tâm thần là kết quả của sự tác động qua lại phức tạp giữa các yếu tố của con người và môi trường; cụ thể là:

– Tiền sử gia đình về ốm đau, bệnh tật và di truyền;

– Nếp sống và thói quen (ví dụ: hút thuốc, tập thể dục, ăn uống);

– Mức độ stress trong gia đình và tại nơi làm việc;

– Mức độ tiếp xúc với các yếu tố độc hại;

– Khả năng tiếp cận tới các nguồn lực hỗ trợ (ví dụ: khám sức khỏe định kỳ, tài trợ xã hội);

– Kỹ năng đối phó với các tình huống

Khi các yêu cầu đặt ra với một người nào đó vượt quá khả năng đối phó của họ, khi đó sức khỏe tâm thần của người đó sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hai ví dụ dưới đây là những yêu cầu phổ biến thường gặp: (i) công việc khó, làm việc nhiều giờ, (ii) chăm sóc sức khỏe cho người thân bị ốm đau lâu. Ngoài ra, tư thế làm việc không thỏa mái, thất nghiệp, thiếu việc làm (không làm hết năng lực), nghèo đói cũng là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần.

Vậy thế nào là bệnh tâm thần?

Bệnh tâm thần được thừa nhận là một loại bệnh, về y học có thể chẩn đoán được; nó là kết quả của sự sa sút nghiêm trọng về năng lực nhận biết, năng lực xử lý các mối quan hệ và cảm xúc của một người. Rối loạn tâm thần là do các yếu tố sinh học, tiến triển và/hoặc tâm lý và hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp như đối với các bệnh về thể chất (ví dụ: phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi sức khỏe)

Thế nào là an toàn và sức khỏe tâm lý.

Từ điển Oxford Canada đưa ra định nghĩa tâm lý là yếu tố của tâm trí, liên quan đến tâm trí, bị tác động hoặc nảy sinh từ trong tâm trí của con người. Khái niệm  “an toàn tâm lý” là sự phòng ngừa chấn thương tới sức khỏe tâm thần của người lao động (NLĐ). An toàn tâm thần và chỗ làm việc lành mạnh là nơi mà sức khỏe NLĐ được nâng lên và mọi thứ không gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của họ thông qua sự bất cẩn, chủ quan hoặc hành động cố ý. Ví dụ: nơi làm việc an toàn tâm thần là nơi không có mối đe dọa, không gây sợ hãi hoặc không tạo cảm giác bất an.

Sự khác biệt như thế nào giữa chỗ làm việc lành mạnh về mặt tâm thần và chỗ làm việc có tâm lý lành mạnh?

Không có sự khác biệt nào cả – chỗ làm việc lành mạnh về mặt tâm thần và chỗ làm việc có tâm lý lành mạnh, cả hai đều thể hiện là nơi làm việc đảm bảo chức năng hoạt động tốt, mọi người tôn trọng lẫn nhau và làm việc có hiệu suất. Thuật ngữ “chỗ làm việc lành mạnh về mặt tâm thần” thường được dùng khi nói về việc phòng ngừa những chấn thương tâm lý (ví dụ: điều kiện làm việc có liên quan đến stress do cảm xúc có nguyên do từ các mối đe dọa hoặc tai nạn có thực hoặc tưởng tượng ra). Thuật ngữ “chỗ làm việc có tâm lý lành mạnh” thường được dùng trong bối cảnh tuyên truyền về sức khỏe tâm thần và được nhìn nhận như một chiến lược nhằm giảm thiểu các yếu tố rủi ro làm gia tăng bệnh tâm thần.

Yếu tố rủi ro tâm lý xã hội tại chỗ làm việc có ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ như thế nào?

Theo quan điểm khắt khe về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, chỗ làm việc thường được đề cập nhất là sức khỏe nơi làm việc. Để có sự tiếp cận toàn diện và đầy đủ, chỗ làm việc cần được xem xét đến cả các biện pháp có tác động đến sức khỏe tâm thần của NLĐ.

Đã có nhiều bằng chứng chắc chắn cho thấy một số đặc tính của nơi làm việc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của NLĐ. Những yếu tố này bao gồm: suy đồi về đạo đức, tâm trạng chán nản, bất an, sức khỏe kiệt quệ v.v. Những yếu tố này làm gia tăng nguy cơ NLĐ phải nếm trải stress, từ đó làm tăng khả năng bị rối loạn tâm thần.

Các rắc rối về sức khỏe tâm thần có biên độ rất rộng, từ những trở ngại tâm lý nhẹ như phản ứng chậm chạp, khó ngủ hoặc hay lo lắng đến các rối loạn tâm lý mạnh như chứng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực (lúc hưng phấn, lúc suy sụp) hoặc trầm cảm nặng. Do những trở ngại tâm lý nhẹ thường phổ biến hơn tại chỗ làm việc nên nó cũng chiếm tỷ lệ lớn trong các tác động tiêu cực tới NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Tình trạng mệt mỏi về tinh thần nhưng chưa đạt đến mức rối loạn tâm thần có thể coi như nguồn gốc của sự đau đớn về tinh thần. Có khả năng các yếu tố nơi làm việc sẽ làm gia tăng xác suất gây rối loạn tâm thần, hoặc làm cho tình trạng rối loạn hiện tại tồi tệ hơn và cản trở các biện pháp điều trị và phục hồi có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc tốt có thể làm giảm nguy cơ mắc, mức độ nghiêm trọng, mức độ tác động và thời gian rối loạn sức khỏe tâm thần.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: cdc.gov)