Bài 2: Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Chỗ làm việc an toàn và lành mạnh về mặt tâm thần là nơi mà lợi ích tinh thần của NLĐ được nâng cao và không gây tổn hại tới tinh thần của họ

Tại sao NSDLĐ cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần?

Lồng ghép sức khỏe tâm thần vào chương trình làm việc của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng đối với chỗ làm việc lành mạnh. Nếu sức khỏe tâm thần kém, nó không chỉ có hại cho NLĐ, nó cũng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều quan trọng là mọi cấp lãnh đạo của doanh nghiệp, gồm ban giám đốc, lãnh đạo ban ngành tài chính, nhân lực v.v phải tham gia và quan tâm đến sức khỏe tâm thần chỗ làm việc.

Không có công thức nào để tạo ra chỗ làm việc lành mạnh về tinh thần vì mỗi một nơi đều có những đặc thù khác nhau- từ những người lao động thực hành công việc, đến công việc cần được thực hiện, đến lãnh đạo doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến cộng đồng, nguồn lực bên ngoài mà doanh nghiệp sử dụng v.v.

Ngoài ra còn có các yêu cầu của luật pháp đối với NSDLĐ để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho NLĐ. Một số các quy định của địa phương về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp còn áp dụng mở rộng, coi các quấy rối cũng bị quy kết là phương hại tới sức khỏe tâm thần. Khi phán xét các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà luật pháp đề cập chưa được rõ ràng thì có thể áp dụng các điều khoản chung của luật để giải quyết.

Liệu có các vấn đề đặc thù tại chỗ làm làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của NLĐ không?

Một số vấn đề cơ bản dưới đây có thể có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần của NLĐ. Do vậy những người quản lý phải nỗ lực hết sức trong khả năng của họ để tạo ra môi trường làm việc lành mạnh. Các yếu tố rủi ro tâm lý gồm 13 yếu tố của doanh nghiệp có ảnh hưởng tới sức khỏe doanh nghiệp, sức khỏe của từng NLĐ và các điểm cốt yếu về mặt tài chính, kể cả cách thức công việc được thực hiện và bối cảnh thực hiện công việc. 13 yếu tố đó là:

1. Hỗ trợ về tâm lý;

2. Văn hóa doanh nghiệp;

3. Ban lãnh đạo trong sáng và có kỳ vọng;

4. Tôn trọng lẫn nhau và có thái độ lịch sự;

5. Có năng lực và thấu hiểu về tâm lý;

6. Tăng trưởng và phát triển;

7. Thừa nhận thành tích, có chế độ khen thưởng;

8. Tham gia và ảnh hưởng;

9. Quản lý khối lượng công việc;

10. Gắn kết với công việc;

11. Cân bằng trong mọi việc;

12. Bảo hộ về tâm lý;

13. Bảo hộ về an toàn thể chất.

Các vấn đề của nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là:

– Danh tiếng của doanh nghiệp và sự phân biệt đối xử;

– Các mối quan hệ: yêu cầu công việc/kiểm soát và nỗ lực/khen thưởng

– Cố đi làm trong tình thế bắt buộc;

– Làm việc kiệt sức;

– Quấy rối, bạo lực, ức hiếp và hành động hạ đẳng;

– Sử dụng chất cấm, sử dụng sai và bị lạm dụng trong công việc.

Cơ sở sản xuất có thể làm được gì để hỗ trợ sức khỏe tâm thần?

Chỗ làm việc an toàn và lành mạnh về mặt tâm thần là nơi mà lợi ích tinh thần của NLĐ được nâng cao và không gây tổn hại tới tinh thần của họ qua các việc như bỏ qua, coi thường hoặc cố tình. Ví dụ: chỗ làm việc an toàn về tâm thần là nơi không gây ra sự sợ hãi thái quá hoặc tình trạng bất an. Để đảm bảo việc đó cần có sự cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Một trong những phương pháp để có được chỗ làm việc an toàn về mặt tâm thần là tạo dựng và triển khai được Chương trình tổng thể về an toàn và sức khỏe nơi làm việc (CWHS). Chương trình này do NSDLĐ xây dựng gồm rất nhiều các hoạt động, các sáng kiến và chính sách liên quan đến ATVSLĐ, có sự tư vấn của NLĐ để không ngừng cải thiện và duy trì chất lượng lao động, sức khỏe và phúc lợi của lực lượng sản xuất. Những hoạt động này là một phần của quy trình liên tục cải tiến để môi trường làm việc được tốt hơn (môi trường thể chất, tinh thần, tổ chức, economy) và làm tăng sự tự tin và phát triển cá nhân.

Chương trình CWHS mang lại những lợi ích gì?

Cải thiện:

– Sự sáng tạo;

– Sự hợp tác với NLĐ;

– Lôi cuốn NLĐ;

– Giữ được NLĐ;

– Sự trung thành với công ty;

– Tinh thần và sự hài lòng của NLĐ;

– Năng suất lao động.

– Tuyển dụng lao động

Giảm thiểu:

– Nghỉ việc;

– Tốc độ thay thế NLĐ (giảm lượng công nhân phải tuyển dụng và chi phí đào tạo lại)

– Phàn nàn, kêu ca;

– Chi phí cho sức khỏe;

– Nghỉ việc do ốm đau, tàn tật;

– Làm thêm giờ;

– Chấn thương và tai nạn lao động;

– Mất thời gian làm việc

Làm thế nào để xây dựng được chương trình CWHS để hỗ trợ sức khỏe tâm thần?

Để xây dựng và duy trì được chương trình CWHS và liên tục cải tiến các quá trình cần:

– Lãnh đạo ( lãnh đạo cấp cao và cam kết)

– Xây dựng kế hoạch;

– Thực hiện;

– Kiểm tra việc thực hiện;

– Hành động khắc phục điểm yếu.

Ví dụ: các bước thực hiện gồm:

1. Có được sự ủng hộ của lãnh đạo để bắt đầu quá trình lập kế hoạch chỗ làm việc an toàn, lành mạnh, mọi cấp quản lý phải ủng hộ chương trình;

2. Thành lập ban chăm sóc sức khỏe chỗ làm việc và lôi kéo mọi người cùng tham gia;

3. Tiến hành đánh giá tình huống- tìm gốc rễ của vấn đề;

4. Xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe chỗ làm việc- kế hoạch hành động dựa vào kết quả đánh giá tình huống;

5. Xây dựng kế hoạch của chương trình và kế hoạch đánh giá chi tiết;

6. Đảm bảo sự ủng hộ của lãnh đạo-triển khai kế hoạch tuyên truyền sức khỏe tâm thần chỗ là việc;

7. Triển khai kế hoạch- đưa chương trình vào thực tế;

8. Đánh giá những nỗ lực của chương trình CWHS;

9. Không ngừng cải thiện chương trình CWHS dựa vào kết quả đánh giá.

Nội dung chi tiết của chương trình CWHS là gì?

Một chương trình CWHS bao gồm 4 thành phần chính như sau:

1. Công tác an toàn và vệ sinh lao động;

2. Môi trường tâm lý lao động (văn hóa doanh nghiệp và tổ chức công việc);

3. Nâng cao sức khỏe nơi làm việc;

4. Lôi cuốn doanh nghiệp tham gia các hoạt động của cộng đồng

Lưu ý rằng 4 cấu thành này không riêng rẽ và tách rời nhau. Chúng đan xen nhau và lồng ghép với nhau trong chương trình CWHS, không giải quyết độc lập từng vấn đề. Sức khỏe tâm thần cần phải kết hợp chặt chẽ với từng cấu thành kể trên để chương trình tuyên truyền sức khoẻ tâm thần có hiệu quả. Các chương trình tổng hợp cần phải có nhiều cách tiếp cận để tạo sự ảnh hưởng và kết hợp được các phương thức khác nhau nhằm đạt được sự đồng thuận của NLĐ trong tất cả các giai đoạn của chương trình.

Chúng ta hãy xem xét chi tiết từng cấu thành của chương trình:

1. Công tác an toàn vệ sinh lao động

An toàn vệ sinh lao động gồm việc nâng cao và duy trì quyền lợi về thể chất, tinh thần và phúc lợi xã hội của NLĐ. Nó cũng bao gồm việc giảm tai nạn lao động, ốm đau và bệnh tật cho NLĐ; xử lý các yếu tố nguy hại, giảm rủi ro trong môi trường lao động. Giảm các yếu tố nguy hại thể lực cũng làm giảm stress cho NLĐ tại nơi làm việc.

2. Môi trường tâm lý lao động

Môi trường tâm lý lao động (văn hóa doanh nghiệp và tổ chức lao động)-cần xây dựng, triển khai và duy trì một quy trình để nhận diện các yếu tố nguy hại và rủi ro hiện hữu và có nguy cơ xuất hiện trong môi trường tâm lý tại chỗ làm việc trong chương trình tổng thể về an toàn và sức khỏe tại chỗ làm việc. Môi trường tâm lý gồm 2 nhóm vấn đề chính là:

– Văn hóa doanh nghiệp;

– Tổ chức lao động

Văn hóa doanh nghiệp được định nghĩa là tập hợp các quan điểm, giá trị và lòng tin hướng lái hành vi và chi phối hàng ngày lên môi trường làm việc, tạo ảnh hưởng tới quyền lợi thể chất và tinh thần cho NLĐ. Văn hóa doanh nghiệp tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng tới tác động qua lại giữa con người, công việc và doanh nghiệp. Các yếu tố này có mối liên hệ mật thiết với việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần nói riêng và sức khỏe của NLĐ nói chung.

Một số ví dụ minh họa:

– Thái độ lễ độ và tôn trọng lẫn nhau với đồng nghiệp và lãnh đạo;

– Mọi người đối xử với nhau một cách bình đẳng;

– Nhận thức và thừa nhận thành tích của NLĐ;

– Trung thực và minh bạch trong mọi hành vi của lãnh đạo cũng như NLĐ;

– Hỗ trợ sự cân bằng trong cuộc sống cũng như công việc;

– Có lòng tin giữa lãnh đạo và NLĐ

Tổ chức lao động bao gồm các yếu tố sau:

– Yêu cầu công việc hoặc tải lượng công việc;

– Chất lượng và số lượng giao tiếp;

– Kiểm soát, ra quyết định trong một phạm vi rộng để công việc triển khai một cách thuận lợi;

– Phân công công việc một cách công bằng;

– Làm rõ vai trò và kỳ vọng về kết quả công việc;

– Hỗ trợ nguồn lực;

– Cách thức quản lý và thông tin những sự thay đổi về mặt tổ chức của doanh nghiệp;

– Hài hòa về mặt tâm lý trong những người lao động giữa công việc và vị trí mà họ đang giữ;

– Cơ hội tăng trưởng và phát triển cho mọi người.

Khi các yếu tố này thiếu vắng hoặc giải quyết không tốt, nó sẽ trở thành nguồn gốc của stress cho NLĐ. Đã có chứng cứ rõ ràng cho thấy các yếu tố này có thể tạo ra các nguy cơ hoặc rủi ro chấn thương, xung đột, bạo lực, đau lưng, bệnh tim mạch và các hình thức trầm cảm, lo lắng cao gấp 2-3 lần mức bình thường.

3. Nâng cao sức khỏe chỗ làm việc.

Chương trình nâng cao sức khỏe nơi làm việc hay còn gọi là chương trình sức khỏe tổng quát cung cấp những biện pháp tích cực cho lối sống lành mạnh cho mọi NLĐ và nó bao trùm một khoảng rất rộng các vấn đề về sức khỏe.

Ví dụ về chương trình sức khỏe tổng quát, không hạn chế đối với các hỗ trợ về môi trường, văn hóa và chính sách gồm:

– Sống tích cực;

– Ăn uống lành mạnh;

– Bỏ hút thuốc;

– Tập thể dục;

– Phòng ngừa với bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác

Bằng chứng cho thấy phần lớn các chương trình sức khỏe tổng quát có hiệu quả là những chương trình lồng ghép các giai đoạn của mô hình thay đổi (thiện chí cá nhân sẵn sàng thay đổi lối sống), đề cập đến các mức học tập khác nhau (nhận thức, kiến thức và phát triển kỹ năng, thay đổi hành vi) và tạo ra môi trường cải biên.

Khác với các chương trình về an toàn và sức khỏe, sự tham gia của NLĐ trong chương trình sức khỏe tổng quát phải hoàn toàn tự nguyện. Thông qua sự đánh giá các vấn đề cấp thiết, NSDLĐ sẽ xác định nhu cầu sức khỏe của NLĐ và hướng ưu tiên sau đó lập kế hoạch và chính sách để ứng phó, tuy nhiên đó vẫn là sự lựa chọn của NLĐ là có tham gia hay không.

4. Lôi cuốn doanh nghiệp tham gia các hoạt động của cộng đồng

Sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động của cộng đồng là tự nguyện. Một số các hoạt động can thiệp được coi là các hoạt động trong “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” và đề cập đến các vấn đề như trong an toàn-sức khỏe, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nhân lực, phát triển cộng đồng, bảo vệ người tiêu dùng, đạo đức kinh doanh và quyền lợi của cổ đông.

Trong cộng đồng, doanh nghiệp có thể quyết định hỗ trợ các sự kiện từ thiện tại địa phương như tài trợ cho một nhóm công nhân gây quỹ sức khỏe tại địa phương; đưa gia đình họ tới khám sức khỏe tại phòng khám của doanh nghiệp hay khuyến khích NLĐ tình nguyện tham gia các hoạt động của địa phương.

Phân tích yếu tố nguy hại đối với sức khỏe tâm thần như thế nào?

Quá trình nhận diện, đánh giá và kiểm soát các yếu tố nguy hại một cách tích cực và có cơ sở cần xây dựng ngay tại chỗ làm việc. NLĐ phải được huấn luyện để phản ánh những tình huống tâm lý không ổn cho lãnh đạo, những người trực tiếp quản lý và xử lý các tình huống đó. Kết quả đánh giá sẽ giúp xác định mục tiêu khi xây dựng chương trình hay chính sách.

Nguồn thông tin để đánh giá nguy cơ và rủi ro cho môi trường tâm lý lao động có thể lấy từ:

– Các báo cáo, biên bản và/hoặc khuyến cáo của ban an toàn,;

– Các báo cáo, biên bản và/hoặc khuyến cáo của ban sức khỏe

– Kiến nghị, phàn nàn của người lao động khi có đoàn thanh tra kiểm tra;

– Phỏng vấn của NLĐ;

– Các báo cáo đánh giá rủi ro trước đây;

– Các cuộc điều tra tai nạn (tìm nguyên nhân của vụ việc);

– Các dữ liệu nghỉ việc, bị tàn tật nghỉ ngắn hạn và dài hạn;

– Các đợt khảo sát NLĐ, ví dụ: khảo sát nhận thức của NLĐ, cam kết của NLĐ;

– Dữ liệu liên quan đến bản chất của các yêu sách quyền lợi về sức khỏe.

Lưu ý: Vì các yếu tố nguy hại tâm thần không phải như các yếu tố vật lý nên không thể phát hiện thấy trong quá trình thanh tra hoặc kiểm tra. Vì vậy cần phải hỏi NLĐ về những stress mà họ trải nghiệm tại nơi làm việc. Những việc này cần phải được giữ kín, không tiết lộ nếu không cần thiết.

NSDLĐ có thể làm thêm gì nữa?

Dưới đây là 8 sách lược mà NSDLĐ có thể sử dụng để cổ vũ tích cực cho sức khỏe tâm thần:

1. Khuyến khích NLĐ tích cực tham gia vào quá trình ra quyết định;

2. Phân công rành mạch nhiệm vụ và trách nhiệm cho NLĐ;

3. Khuyến khích việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống;

4. Khuyến khích cách hành xử tôn trọng, không xúc phạm danh dự người khác;

5. Làm chủ được công việc;

6. Không ngừng học hỏi;

7. Giải quyết xung đột ngay tại chỗ;

8. Thừa nhận đóng góp của NLĐ một cách tích cực.

Ngoài ra, NSDLĐ còn có thể:

– Đánh giá an toàn tâm lý tại chỗ làm việc và xây dựng kế hoạch thực hiện;

– Ra tuyên bố chính sách phản ánh cam kết của doanh nghiệp, đưa vấn đề sức khỏe tâm thần thành chính sách ưu tiên; Chính sách phải chứng tỏ vai trò lãnh đạo và cam kết của lãnh đạo;

– Công khai đưa vấn đề sức khỏe tâm thần và an toàn tâm lý vào chương trình an toàn vệ sinh lao động;

– Xây dựng các chính sách và thực hành chống các hành vi quấy rối, bạo lực và ức hiếp tại chỗ làm việc; Xem lại các chính sách và quy trình hiện hành xem chúng có tác động tích cực hay tiêu cực đối với các vấn đề bạo lực hay quấy rối.

– Tổ chức giáo dục và tập huấn để đảm bảo NSDLĐ và NLĐ biết cách nhận biết các nguy cơ dạng quấy rối, ức hiếp và các điều kiện làm việc không lành mạnh về mặt tâm lý. Những lớp tập huấn như vậy cung cấp cho đồng nghiệp cách nhận diện và nói ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần.

– Giáo dục cho mọi thành viên Ban an toàn và sức khỏe về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại chỗ làm việc;

– Yêu cầu đại diện của NLĐ đối với Ban an toàn và sức khỏe thảo luận kỹ càng các vấn đề sức khỏe tâm thần chỗ làm việc mà tác động đến chỗ làm việc của họ chứ không phải chỉ là một vài cá nhân cụ thể. Yêu cầu phải tôn trọng sự riêng tư và bí mật thông tin cá nhân ở mọi thời điểm;

– Xây dựng các chính sách không sử dụng các chất cấm tại chỗ làm việc (ví dụ: sử dụng ma túy, uống rượu hay internet v.v ) và đảm bảo rằng mọi người lao động phải nhận thức được các vấn đề đó.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: cdc.gov)