Bài 4: Các vấn đề khác ở nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là gì?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Cùng với 13 yếu tố tâm lý rủi ro tâm lý tại chỗ làm việc, có một số vấn đề quan trọng khác ở nơi làm việc có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người lao động. Trong mỗi vấn đề có những yếu tố khác nhau mà doanh nghiệp cần xem xét trong các nỗ lực của họ để tạo ra một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần.

Kỳ thị và phân biệt đối xử – Kỳ thì là thái độ cá nhân và ý nghĩ tiêu cực đối với một nhóm người nào đó, chẳng hạn những người bị bệnh tâm thần. Kỳ thị tạo ra sự sợ hãi và do đó dẫn đến phân biệt đối xử mà không khuyến khích các cá nhân và gia đình của họ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần.

Stress – là trạng thái căng thẳng về thể lực hoặc tinh thần mà một người phải trải qua. Yếu tố gây stress có thể là bất kỳ một sự cố hoặc tình huống mà người đó cảm nhận thấy như một sự đe dọa; đẩy người ta đến trạng thái hoặc là chấp nhận, thích nghi nó hoặc phản ứng lại. Stress có thể do các trải nghiệm tốt hoặc xấu đưa lại và do vậy tác động của stress cũng có thể tích cực hoặc tiêu cực. Stress không phải tất cả là xấu; không có stress sẽ không có năng suất lao động hoặc sự gắn kết. Stress sẽ trở nên tệ hại khi con người không thể xử lý được sự cố hoặc tình huống xảy ra và áp lực trở nên quá tải.

Quan hệ giữa yêu cầu/kiểm soát và nỗ lực/khen thưởng

Phần lớn các stress công việc nảy sinh từ những xung đột trong các mối quan hệ giữa yêu cầu và kiểm soát, nỗ lực và khen thưởng. Khi NLĐ có sự thay đổi trong công việc về yêu cầu và kiểm soát, stress xuất hiện nếu các yếu tố trên tăng hoặc giảm không tương thích nhau. Tương tự như vậy đối với mối quan hệ nỗ lực và khen thưởng. Sự thay đổi đối với doanh nghiệp có thể làm cho nơi làm việc trở nên vui tươi, lành mạnh về mặt tinh thần, nhất là khi NLĐ được cảm thấy những nỗ lực, cố gắng của họ được đền đáp xứng đáng.

Cố đi làm – là hành động của NLĐ cố gắng đi làm dù bị đau ốm để không vắng mặt, do vậy hiệu suất làm việc của họ không được tốt. Khi NLĐ đến nơi làm việc với tinh thần mệt mỏi do ốm đau hoặc căng thẳng chuyện gia đình, cuộc sống, họ không có thời gian để hồi phục trạng thái tốt hơn. Cố đi làm xảy ra khi NLĐ cảm thấy:

– Họ không thể nghỉ việc vào thời điểm đó;

– Không có phương án thay thế với nhiệm vụ mà họ chịu trách nhiệm;

– Khi họ trở lại làm việc, khối lượng công việc còn nhiều hơn trước;

– Họ đã hứa có mặt tại một cuộc họp hoặc một sự kiện nào đó;

– Lo lắng về đảm bảo việc làm khi doanh nghiệp đang trong quá trình giảm biên chế hoặc cải tổ.

Làm việc kiệt sức – là trạng thái kiệt quệ về thể lực, tinh thần do yêu cầu công việc cao trong một thời gian dài. Kiệt sức là kết quả của quá trình tích lũy stress. Ai cũng có thể làm việc đến kiệt sức. Những nghề nghiệp với yêu cầu công việc cao và có ít sự hỗ trợ cũng có thể làm tăng sự kiệt sức và giảm sự gắn kết. Những nghề như chăm sóc sức khỏe, dạy học hay tư vấn thường là những công việc có tỷ lệ cao làm việc kiệt sức.

Làm việc kiệt sức có ba đặc tính chính sau:

1. Suy kiệt (ví dụ: cạn kiệt hay rút kiệt nguồn lực tinh thần);

2. Tính hay chỉ trích (ví dụ: thái độ xa cách đối với công việc của người khác);

3. Thiếu tính hiệu quả chuyên nghiệp (ví dụ: có khuynh hướng đánh giá hiệu quả công việc của người khác một cách tiêu cực dẫn đến cảm giác thiếu tự trọng trong công việc).

Quấy rối, bạo lực, ức hiếp và phá phách – Đa số cho rằng bạo lực là sự hành hung thân thể. Tuy nhiên bạo lực tại chỗ làm việc là hành vi có nghĩa rộng hơn thế. Đó là mọi hành động mà con người bị lăng mạ, bị đe dọa, bị dọa dẫm hoặc bị hành hung tại nơi làm việc. Bạo lực tại chỗ làm việc gồm:

– Hành vi đe dọa – ví dụ: giơ nắm đấm, phá hoại tài sản hoặc ném các đồ vật;

– Đe dọa bằng lời nói hoặc chữ viết – mọi hình thức thể hiện sự hăm dọa;

– Quấy rối – mọi hành vi hạ thấp  nhân phẩm, làm cho ngượng nghịu, làm trò cười, làm khó chịu, làm hoảng sợ hoặc lăng mạ bằng lời nói với ai đó mà người đó không hưởng ứng đều được coi là hành vi quấy rối. Những hành vi đó bao gồm: lời nói, cử chỉ, hăm dọa, ức hiếp hay các hành động khác.

– Sự lăng mạ bằng lời nói- chửi thề, thóa mạ hoặc dùng ngôn ngữ trịch thượng.

– Tấn công bằng vũ lực – xô đẩy hay đấm, đá;

– Bắt nạt – hành vi lặp đi lặp lại, vô cớ, không chính đáng tới NLĐ (hay một nhóm NLĐ) tạo ra nguy cơ tới sức khỏe và an toàn cho họ.

– Hành động hạ lưu – hành vi hăm dọa có hệ thống của một người đối với đồng nghiệp gồm cả sự lỗ mãng và sự hăm dọa dùng vũ lực cũng như những hành vi thâm hiểm kín đáo, cố tình tẩy chay, loại trừ đồng loại mang  tính xã hội.

Nhiều quy định về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của địa phương được mở rộng tới các hành vi làm tổn hại tới sức khỏe tâm thần. Doanh nghiệp tuyệt đối không được khoan dung mọi hành vi bạo lực gồm cả: gây hấn, quấy rối hoặc hăm dọa. Hành vi bạo lực hay gây hấn gây tác hại tới sức khỏe tâm thần của mọi người trong doanh nghiệp và tạo ra môi trường làm việc không an toàn với đầy sự sợ hãi và bất an.

Sử dụng chất cấm, sử dụng sai và lạm dụng các chất khi  làm việc

Sử dụng chất cấm, sử dụng sai và lạm dụng các chất khi làm việc và các chính sách phải đương đầu có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần nơi làm việc. Nghiện ngập và bệnh tâm thần hay đi cùng nhau (còn gọi là những bệnh tật đồng hành). Tuy nhiên thói nghiện thường bị phát hiện trước, đặc biệt tại chỗ làm việc. Thông thường, sử dụng chất cấm trở thành vấn đề khi một người mất kiểm soát khi sử dụng chúng hoặc tiếp tục sử dụng dù bị hậu quả xấu. NSDLĐ cần tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo rằng NLĐ có thể đang vật lộn với các chất cấm. Một số dấu hiệu lạm dụng chất cấm tương tự  như những người bị stress nặng, thiếu ngủ hay các bệnh về thể chất hay tâm thần. Hãy đừng cho rằng NLĐ đó có vấn đề về lạm dụng chất ma túy. Tuy nhiên, việc bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sẽ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ nếu một người nào đó đang vật vã vì cơn nghiện.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: cdc.gov)