Bệnh phổi trong công nhân ngành dệt may

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:17(GMT +7)

Từ những năm 1970, Viện Quốc gia An toàn vệ sinh lao động Hoa Kỳ (NIOSH) đã nghiên cứu để ngăn ngừa tình trạng bệnh tật do bụi bông.

Bệnh bụi phổi bông là bệnh đường hô hấp với các đặc tính của cả bệnh hen suyễn và COPD (Chronic obstructive pulmonary disease – bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) xảy ra do tiếp xúc với bụi bông. Đầu những năm 1970, tỷ lệ của bệnh bụi phổi bông trong những công nhân dệt bông ở Mỹ được ước tính là 20%. Năm 1974, NIOSH phát hành Tài liệu Tiêu chuẩn tóm tắt các bằng chứng hiện có và khuyến nghị hạ tiêu chuẩn từ 1 xuống 0,2 mg/m3. Tiêu chuẩn về bụi bông của Ủy ban An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) năm 1978 đã kết hợp với các khuyến nghị của NIOSH, và các điều khoản kèm theo về giám sát sức khỏe  nhằm thiết lập hiệu quả các tiêu chuẩn quốc gia về phép đo phế dung.

Trong một loạt các nghiên cứu thực nghiệm, NIOSH đã chứng minh mối quan hệ phơi nhiễm-phản ứng giữa nội độc tố trong không khí – một chất nguy hiểm được giải phóng từ tế bào vi khuẩn (nhưng không phải từ nồng độ bụi) và sự suy giảm chức năng phổi. Điều này cho thấy rằng nội độc tố gây ra phản ứng cấp tính với bụi bông. Các nghiên cứu khác của NIOSH đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa của việc giặt bông để giảm thiểu nồng độ nội độc tố. Nghiên cứu này đã đóng góp vào Bản tin Current Intelligence Bulletin của NIOSH năm 1995 về các phương pháp giặt bông và một bản sửa đổi đối với Tiêu chuẩn bụi bông của OSHA. OSHA đã kết luận rằng Tiêu chuẩn bụi bông đã có tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi bông từ 20% xuống dưới 1% trong số các công nhân dệt bông ở Mỹ. Bất chấp thành công này, việc tiếp xúc với nội độc tố vẫn là một mối quan tâm về sức khỏe đối với công nhân dệt may và những người khác.

Nghiên cứu công nhân dệt may Thượng Hải.

Nhằm giúp hiểu rõ về vai trò của nội độc tố trong bệnh phổi và các rủi ro khác đối với công nhân dệt may, năm 1988, NIOSH đã tài trợ cho Nghiên cứu công nhân dệt may Thượng Hải. Trong khi nghiên cứu cho thấy tiếp xúc ngắn hạn dẫn đến các vấn đề về hô hấp như sự tắc nghẽn luồng khí thở tồi tệ nhất  vào đầu tuần làm việc, thì những ảnh hưởng đến sức khỏe của việc tiếp xúc thường xuyên hoặc tiếp xúc lâu dài với nội độc tố vẫn chưa được biết rõ. Nghiên cứu hạn chế trong lĩnh vực này tập trung vào việc phơi nhiễm dưới một thập kỷ. Do đó, có rất ít kiến thức về việc tiếp xúc thường xuyên với nội độc tố ảnh hưởng đến phổi như thế nào, bao gồm những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bệnh nặng và sự phát triển của bệnh phổi sau khi một người không còn tiếp xúc nữa.

Nghiên cứu này là nghiên cứu lớn nhất và lâu nhất về bệnh phổi ở các công nhân dệt may. Trong hơn 3 thấp kỷ, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan đã đánh giá mức độ phơi nhiễm của công nhân dệt may Trung Quốc với nội độc tố và bụi bông. Nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc vì nước này có một lực lượng lao động dệt may lớn và ổn định, những người làm việc suốt đời trong các nhà máy. Điều này đã loại bỏ khả năng tiếp xúc nghề nghiệp lẫn lộn. Các phát hiện từ nghiên cứu này đã nâng cao sự hiểu biết về những ảnh hưởng mạn tính do tiếp xúc lâu dài với bụi bông đối với sức khỏe hô hấp của người lao động, đặc biệt là ảnh hưởng của việc ngừng tiếp xúc đối với những ảnh hưởng hô hấp mạn tính do tiếp xúc lâu dài với bụi bông và nội độc tố.

Nghiên cứu công nhân dệt may Thượng Hải là một nghiên cứu dọc đối với 447 công nhân dệt bông tiếp xúc với bụi có chứa nội độc tố và một nhóm đối chứng gồm 472 công nhân dệt lụa tiếp xúc với bụi không chứa nội độc tố. Đối tượng nghiên cứu này là duy nhất ở chỗ mức độ phơi nhiễm được đo trong toàn bộ thời gian làm việc của những người tham gia, một tỷ lệ lớn những người tham gia là người không hút thuốc, có tỷ lệ tham gia cao bất thường trên 80%, và có rất ít tổn thất khi theo dõi với 74% những người còn sống tham gia cuộc khảo sát kéo dài 30 năm.

Các nhà nghiên cứu đã đo chức năng phổi của người lao động bằng các xét nghiệm đo phế dung được thực hiện 5 năm 1 lần và mẫu không khí được lấy để ước tính sự phơi nhiễm tích lũy của mỗi cá nhân. Với sự ra đời của máy chụp CT scan độ phân giải cao (HRCT: high-resolution computed tomography) được cải tiến vào năm 2002, cũng như các kỹ thuật tự động hóa đã được xác nhận để xác định mức độ khí phế thũng và bệnh đường hô hấp hiện có ở mỗi cá nhân, dự án này đưa ra một cơ hội hiếm có để giải quyết vấn đề liệu bụi hữu cơ, chẳng hạn như bụi bông, có thể gây ra COPD ở những người không hút thuốc không, và những ảnh hưởng cấp số cộng hoặc nhân của việc hút thuốc trong nhóm công nhân dệt bông tiêu biểu này. Ngoài ra, việc phân tích độ nhạy cảm gen liên quan đến việc ngừng làm việc cung cấp cái nhìn thấu đáo về khả năng đảo ngược những ảnh hưởng của bụi bông và nội độc tố đối với bệnh hô hấp mạn tính và liệu điều này có thay đổi bởi các yếu tố nhạy cảm gen hay không.

Các phát hiện chính:

– Công nhân dệt bông tiếp xúc với nội độc tố có chức năng phổi suy giảm nhanh chóng theo thời gian so với công nhân dệt lụa, sau khi điều chỉnh việc hút thuốc.

– Nghỉ việc và do đó ngừng tiếp xúc với bụi hữu cơ dẫn đến cải thiện bền vững chức năng phổi (FEV1).

– Hiệu quả của việc dừng phơi nhiễm có mối quan hệ sự phức tạp, phi tuyến tính với chức năng phổi. Tiếp xúc với nội độc tố và giới tính nam đã làm giảm khả năng phục hồi của phổi sau khi dừng tiếp xúc.

– Nội độc tố trong không khí có liên quan đến việc mất chức năng phổi mạn tính theo thời gian.

– Sự thay đổi chức năng phổi dự báo mất chức năng phổi kéo dài.

– Phơi nhiễm bụi bông và nội độc tố cho thấy những tác dụng phụ của việc hút thuốc ở những công nhân dệt bông đang hút thuốc.

Hầu hết những người tham gia vào cuộc nghiên cứu đều đã nghỉ hưu vào năm 2011. Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin theo dõi, sử dụng hồ sơ sức khỏe của công ty và công đoàn đối với những người về hưu và các hồ sơ tử vong cho khoảng 25% số người tham gia. Nghiên cứu sẽ kết thúc trong năm 2022. Giai đoạn mới nhất của nghiên cứu sẽ đánh giá một bảng dày đặc các dấu ấn sinh học viêm nhiễm, để đánh giá những ảnh hưởng sức khỏe mạn tính của việc tiếp xúc nghề nghiệp, kéo dài đến khi nghỉ hưu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong của những công nhân dệt may tiếp xúc với bụi hưu cơ bông và tơ tằm.

Các kết quả nghiên cứu là cần thiết để phát triển các chương trình phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ người lao động khỏi bệnh phổi liên quan đến tiếp xúc tại nơi làm việc với bụi bông và nội độc tố. Nghiên cứu này đang có sự tác động, bao gồm những điều sau:

– Tổ chức Di cư Quốc tế đã trích dẫn các kết quả nghiên cứu trong tài liệu chính sách năm 2015 của họ.

– Giới hạn tiếp xúc bụi bông có thể hít vào hiện đã thwpa hơn 10 lần ở Trung Quốc, dựa trên nghiên cứu.

– Các nhà máy mới ở Trung Quốc đang lắp đặt các hệ thống kiểm soát hiện đại để giảm việc tiếp xúc bụi hữu cơ.

– Các kết quả của nghiên cứu cũng được báo cáo trên các tạp chí, bao gồm Quan điểm về Sức khỏe Môi trường (2016), Y học Nghề nghiệp và Môi trường (2014, 2015), và Tạp chí Y học Chăm sóc Sức khỏe Quan trọng và Hô hấp Hoa Kỳ (2015).

– Các kết quả sẽ được chia sẻ với các cơ quan chính phủ Mỹ, châu Âu và châu Á để xem xét các quy định về giới hạn tiếp xúc.

Các kết quả của nghiên cứu này có ý nghĩa ở Hoa Kỳ ngoài ngành ngành dệt. Ít nhất 5 triệu công nhân có khả năng bị tiếp xúc với nội độc tố trong không khí trong nhiều ngành công nghiệp gồm: xử lý nước thải, tái chế, nông nghiệp, và công nghệ sinh học. Hiện tại, không có tiêu chuẩn OSHA hoặc tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ công nhân khỏi việc phơi nhiễm với nội độc tố.

Nghiên cứu này là một ví dụ về hiệu quả của việc hợp tác quốc tế và tầm quan trọng của việc tài trợ nghiên cứu ngoài NIOSH trong suốt lịch sử 50 năm của Viện. Để biết thêm thông tin về nghiên cứu, hãy xem Bệnh phổi ở các công nhân dệt may Trung Quốc.


(Nguồn tin: cdc.gov)