Các biện pháp kiểm soát nguy cơ phơi nhiễm hóa chất
Về cơ bản, các biện pháp kiểm soát có thể được áp dụng ở:
– Các nguồn có sử dụng hóa chất hoặc nơi hóa chất phát tán ra;
– Dọc theo đường truyền, tức là giữa nguồn và người tiếp nhận;
– Ở chỗ người tiếp nhận hay người bị phơi nhiễm.
Các biện pháp kiểm soát được nêu trong bảng dưới đây
Các biện pháp kiểm soát
1. Kiểm soát kỹ thuật
1.1. Thay thế/Loại bỏ
Cần thay thế các chất độc hại càng sớm càng tốt bằng các chất không độc hoặc ít độc hơn. Điều quan trong là cân nhắc cả hai khía cạnh sức khỏe và an toàn khi lựa chọn sự thay thế.
Có thể không hợp lý khi thay thế một dung môi độc nhưng không dễ cháy bằng một dung môi không độc nhưng dễ cháy và ngược lại.
Cần lưu ý rằng nhiều yếu tố phải được cân nhắc trước khi thay thế hóa chất đang sử dụng. Cần biết một số thông tin để đánh giá trước khi áp dụng bao gồm:
– Các tính chất vật lý và hóa học;
– Thông tin độc tính – ảnh hưởng sức khỏe, các mức phơi nhiễm cho phép;
– Thông tin liên quan đến các mối nguy cháy và khả năng phản ứng;
– Cách bốc dỡ hay cách sử dụng (bằng tay/tự động);
– Các biện pháp kiểm soát hiện có và các khả năng của các biện pháp đó trong việc phát tán hóa chất;
– Sự tương hợp của biện pháp thay thế với các quá trình sản xuất hiện tại;
– Yêu cầu đào tạo người lao động.
Dựa vào những điểm nêu trên, một số nguyên tắc lựa chọn phương án thay thế an toàn hơn có thể được khái quát như sau:
– Các dung môi dễ bay hơi có nhiệt độ sôi thấp và áp suất hơi cao cần được thay thế càng sớm càng tốt bằng các dung môi có nhiệt độ sôi cao và áp suất hơi thấp;
– Các chất độc có giới hạn phơi nhiễm cho phép thấp phải được thay bằng các chất ít độc hơn có các giới hạn phơi nhiễm cho phép cao hơn. Tuy nhiên, cần tính tới các ảnh hưởng và các cơ quan đích khi so sánh các giới hạn phơi nhiễm cho phép.
– Các chất lỏng có nhiệt độ bốc cháy thấp cần được thay thế càng sớm càng tốt bằng các chất lỏng có nhiệt độ bốc cháy cao hơn hoặc không có nhiệt độ bốc cháy để giảm thiểu hoặc ngăn chặn nguy cơ cháy;
– Các chất ở dạng bột mịn cần được thay bằng các chất ở dạng hạt, dạng viên hoặc các dạng chất rắn dạng rời khác để loại trừ hoặc ngăn ngừa các mối nguy hô hấp;
– Các hóa chất ở dạng lỏng cần được thay bằng các hóa chất ở dạng bột nhão, sền sệt hoặc chất lỏng nhớt khác để giảm nguy cơ phơi nhiễm.
Ví dụ về sự thay thế vật liệu và nơi áp dụng
Hóa chất/Chất |
Thay thế |
Áp dụng |
---|---|---|
Benzen |
Xyclohexan, toluen, xylen. |
Công nghiệp in và hóa chất. |
Rượu metylic |
Rượu Etylic |
Làm sạch các bộ phận kim loại hoặc thủy tinh. |
Amiăng |
Các sợi tổng hợp như sợi canxi- silicat, sợi thủy tinh. |
Bọc ống và các tấm lợp. |
Tetraclorua carbon |
Các hydrocarbon chứa clo khác an toàn hơn. |
Chất khởi đầu của một số quá trình hóa học. |
Sơn chì trắng |
Sơn oxit kẽm hoặc bari. |
Sơn. |
Sơn trên nền dung môi |
Sơn trên nền nước |
Sơn và đặc biệt là sơn trang trí. |
Các dung môi hữu cơ |
Các chất tẩy rửa |
Làm sạch bề mặt, sản nhà và dọn dẹp, vệ sinh. |
1.2. Thay đổi quá trình
Các quá trình hoặc các vận hành có khả năng tạo ra các phơi nhiễm nguy hiểm đôi khi có thể được thay thế để giảm nhẹ hoặc loại trừ các mối nguy tiếp xúc. Dưới đây là một số ví dụ về kiểm soát mối nguy hóa học bằng việc thay đổi quá trình.
– Thay quá trình nạp chất lỏng gây bắn tóe bằng quá trình nạp chìm;
– Thay việc phun cát bằng phun bi trong làm sạch bề mặt;
– Thay kho tàng có trần cố định bằng kho tàng có trần nổi.
1.3. Che chắn
Một quá trình hoàn chỉnh hoặc một phần quá trình có thể được che chắn để ngăn chặn sự phát tán các chất ô nhiễm vào nơi làm việc. Cần sử dụng các hóa chất rất độc trong các hệ thống che kín. Kiểm soát mối nguy thực sự có hiệu quả nếu sự che chắn được duy trì ở áp suất âm. Dưới đây là một số ví dụ về sự kiểm soát các mối nguy hóa chất bằng sự che chắn.
– Sử dụng vỏ bao che hoặc buồng bao che để chế hóa các chất phóng xạ hoặc các chất độc;
– Sử dụng buồng phun hạt mài;
– Sử dụng sự che chắn cho bồn trộn, làm sạch bằng phun mù, băng chuyển vật liệu.
1.4. Cách ly/Phân tách
Các quá trình hoặc các hoạt động tiềm tàng nguy hiểm hoặc nguy hiểm cần được cách ly hoặc phân tách càng sớm càng tốt để giảm thiểu số lượng người bị phơi nhiễm. Các quá trình như vậy cần được vận hành bằng sử dụng thiết bị kiểm soát từ xa. Ví dụ điển hình là sự vận hành các quá trình sản xuất bằng một hệ thống kiểm soát trong lọc dầu, nấu chảy chì, polyme hóa và chưng cất.
1.5. Thông gió cục bộ
Các hơi, khí, bụi, khói độc từ các quá trình hoặc các hoạt động có thể được kiểm soát có hiệu quả bằng cách hút gió cục bộ áp dụng tại nguồn phát sinh. Một hệ thống hút cục bộ gồm chụp hút được nối với nhau bằng ống dẫn tới bộ lọc và quạt xả.
Việc thiết kế, lắp đặt và bảo dưỡng đúng là rất cần thiết để vận hành có hiệu quả hệ thống. Các hệ thống thông gió hút cục bộ thường được áp dụng trong các quá trình hoặc các hoạt động như ngâm các bộ phận trong bể dầu mỡ, phun sơn, hàn và nghiền.
1.6. Thông gió pha loãng
Thông gió pha loãng bao gồm việc sử dụng các quạt hút và quạt thông gió để bảo đảm rằng các chất ô nhiễm không thể tích tụ tới mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì phương pháp này không loại bỏ các chất ô nhiễm ở nguồn, nó chỉ có thể được sử dụng để pha loãng các hơi và khí tương đối ít độc. Thường thì sự thông gió pha loãng được sử dụng cùng với các biện pháp bổ sung khác.
2. Kiểm soát thực hiện công việc
2.1. Làm ướt/khử bỏ
Việc làm ướt các quá trình nhiều bụi hoặc các công việc bằng sử dụng nước hoặc các chất khác là một trong những phương pháp kiểm soát cổ điển nhất và có thể rất có hiệu quả nếu được áp dụng hợp lý. Phương pháp này có thể được sử dụng để khử bỏ sự phát tán bụi khi sử dụng các vật liệu ướt và nước không làm cản trở quá trình. Dưới đây là một số ví dụ:
– Thấm ướt amiăng trước khi thải bỏ;
– Phun nước trong khi cắt đá;
– Trộn ướt xi măng.
2.2. Hoạt động dọn dẹp
Vệ sinh, dọn dẹp đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm. Các bụi độc hoặc các chất ô nhiễm khác rơi hoặc bám trên cửa hoặc sàn hoặc bề mặt máy có thể trở thành tác nhân ô nhiễm không khí do lực hút hoặc dòng không khí và các hoạt động bình thường trong nhà máy. Dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên bằng hút chân không hoặc rửa ướt hoặc các cách khác là cần thiết để loại bỏ các chất ô nhiễm như vậy.
3. Các biện pháp hành chính
Một số biện pháp hành chính có thể được đưa ra để bảo đảm sự làm việc an toàn như sau:
– Thông báo bằng dấu hiệu ở các nơi dễ thấy để cảnh báo người lao động về vùng có nguy hiểm và chỉ rõ PTBVCN cần sử dụng;
– Cấm hút thuốc ở các khu vực sản xuất và hạn chế hút thuốc ở các khu vực được chỉ định, tránh xa các chất cháy và dễ cháy;
– Cấm mọi sự sử dụng thực phẩm và nước uống ở khu vực sản xuất có sử dụng hoặc chế biến các hóa chất độc;
– Tiến hành kiểm tra và thanh tra thường xuyên để bảo đảm rằng người lao động tôn trọng các nội quy và quy định an toàn và sức khỏe.
– Thực hiện việc cấp phép cho hệ thống làm việc đối với mọi công việc nguy hiểm;
– Cách ly những người dễ bị tổn thương (như phụ nữ có mang) hoặc những người bị
dị ứng trước sự phơi nhiễm với một số hóa chất;
– Giảm thời gian phơi nhiễm với các hóa chất bằng sự đổi tua của công nhân;
– Cấm vào các vùng nguy hiểm cao (như những nơi có chất phóng xạ).
4. Phương tiện bảo vệ cá nhân
Phương tiện bảo vệ cá nhân như các phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp, găng tay… phải được mang khi người lao động có thể tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất như trong khi bảo dưỡng hoặc sửa chữa máy. Việc lựa chọn PTBVCN phải được dựa trên loại hóa chất được sử dụng và phiếu MSDS phải cung cấp thông tin về loại PTBVCN cần thiết. PTBVCN không bao giờ được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc giảm thiểu sự phơi nhiễm hóa chất. PTBVCN chỉ là biện pháp tạm thời để bảo vệ người sử dụng.
5. Giáo dục và đào tạo: Những người lao động làm việc hoặc phơi nhiễm với các hóa chất nguy hiểm cần được tư vấn và giáo dục về các mối nguy thông qua các cuộc họp, khóa huấn luyện. Họ cũng phải được tư vấn về vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn. Người lao động phải được dạy về sử dụng và bảo dưỡng PTBVCN của họ. Người lao động cũng phải được huấn luyện và rèn luyện về ứng phó khẩn cấp và kiểm soát sự tràn hóa chất.
(Nguồn tin: Tài liệu – Bảo hộ lao động, NXB Lao động, 2012)