Các hình thức việc làm mới, các hình thức phòng ngừa mới. Việc làm 4.0 (Work 4.0): Những cơ hội và thách thức

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Việc làm 4.0 (Work 4.0) yêu cầu phải có công tác Phòng ngừa 4.0 (Prevention 4.0)

Việc làm 4.0 (Work 4.0) yêu cầu phải có công tác Phòng ngừa 4.0 (Prevention 4.0)

Việc làm 4.0 (Work 4.0) yêu cầu phải có công tác Phòng ngừa 4.0 (Prevention 4.0)

Lời nói đầu

Số hóa, toàn cầu hóa, thay đổi nhân khẩu học và sự linh hoạt ngày càng tăng của công việc là những xu hướng đang hình thành nên thế giới việc làm trong thời gian gần đây.

Số hóa đặc biệt rõ nét từ các kết nối mạng toàn diện dựa trên nền tảng mạng Internet toàn cầu cũng như việc sử dụng ngày càng tăng các ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông mới (ICT). Các hệ thống sản xuất, các quy trình sản xuất và các quy trình dịch vụ tiên tiến đang ngày càng nổi bật. Thuật ngữ “Nền công nghiệp 4.0” được sử dụng khi nói về mạng lưới kết nối trí tuệ của con người, máy móc, đồ vật và các hệ thống ICT.

Nền công nghiệp 4.0

“Nền công nghiệp 4.0” là một thuật ngữ gây tranh cãi, mô tả một mức độ mới về tự động hóa và kết nối. Với các đặc điểm như sau:

– Liên kết mạng độc lập và khả năng ra quyết định của các hệ thống

– Sử dụng rộng rãi mạng Internet trong sản xuất và dịch vụ (Internet of Things)

Cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên được mô tả bằng các hệ thống sản xuất cơ giới hóa chạy bằng năng lượng từ nước và hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai được mô tả bằng sản xuất số lượng lớn căn cứ trên sự phân chia công đoạn và sự hỗ trợ của điện năng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba được mô tả bằng việc sử dụng vi điện tử để điều khiển các loại máy móc và cuộc cách mạng thứ tư được mô tả bằng sự liên kết mạng toàn diện.

Các công nghệ mới

Sự phát triển của các công nghệ và kỹ thuật mới có thể thay đổi các hình thức hiện có của công việc hoặc tạo ra những hình thức công việc mới. Yếu tố tác động lớn nhất của những thay đổi này là công nghệ thông tin. Số hóa nói chung và ICT toàn cầu làm nền tảng để kết nối các quy trình sản xuất và dịch vụ phân tán suốt24/24 giờ.

Hệ quả đối với người lao động

Sự tương tác giữa con người và máy móc đã đạt đến một mức độ phức tạp mới.

– Con người trở thành một phần của hệ thống được tích hợp và có điều khiển. Theo đó,tuy con người nhường quyền tự trị cho hoạt động điều khiển số, nhưng cùng lúc đó con người phải dò tìm lỗi và tương tác lại các lỗi đó. Điều này không chỉ áp dụng cho các quy trình chế tạo mà còn cho cả các quy trình phục vụ.

– Các công nghệ mới có thể giúp kiến tạo nên môi trường công việc lành mạnh và thân thiện với con người. Những khả năng này bao gồm: chuyển các công việc có đòi hỏi khắt khe về mặt thể chất tới các hệ thống sản xuất tự tổ chức; cách ly cấp độ vật lý người lao đông khỏi môi trường nguy hại nhờ các hệ thống điều khiển từ xa; hoặc tự quyết định khi nào làm việc, làm việc ở đâu, làm việc như thế nào và thậm chí là cả nội dung công việc.

Các khía cạnh chính của vấn đề bao gồm:

– Giảm bớt các nhiệm vụ thường xuyên: những nhiệm vụ thường xuyên có thể giao phó cho các hệ thống kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn cần đến con người ở các hệ thống được điều khiển từ xa và các hệ thống sản xuất tự tổ chức, đặc biệt trong trường hợp sự cố hoặc các sự kiện không có trong kế hoạch. Các đầu ra có thể có của hệ thống giám sát là các giai đoạn đơn điệu đòi hỏi mức độ tập trung cao có thể đột nhiên chuyển thành hàng loạt các sự kiện khẩn cấp.

– Làm việc trong các hệ thống phức hợp đòi hỏi các mức độ cao hơn về lập kế hoạch, tổ chức và phối hợp, điều này làm cho công việc trở nên phức tạp hơn. Không đơn giản chỉ là phản ứng lại các tín hiệu. Cần nắm vững cách thức hệ thống hoạt động để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn (suy nghĩ có hệ thống). Tuy nhiên, điều này đem lại rủi ro quá tải do liên tục phải tập trung và chú ý vào công việc.

– Bù đắp những khác biệt và hạn chế của con người thông qua việc sử dụng các hệ thống kỹ thuật và hệ thống ảo tạo nên cầu nối ngôn ngữ và văn hóa và cho phép có thể sử dụng được những lao động có khiếm khuyết về thể trạng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những lỗi kỹ thuật đến con người có thể đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ nếu trường hợp không hiểu các cảnh báo hay khi các hệ thống hỗ trợ gặp trục trặc.

– Các quy trình làm việc không còn bị giới hạn bởi thời gian và vị trí làm việc. Sự linh hoạt này giúp đạt kết quả công việc dễ dàng hơn, đồng thời duy trì được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng cùng lúc cũng có thể dẫn đến sự xóa mờ ranh giới giữa cuộc sống riêng tư và cuộc sống công việc từ đó cổ súy cho thái độ tự gây nguy hiểm. Việc tự quản lý đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao về “kỹ năng sức khỏe”.

– Các quy trình làm việc ảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa những người không làm việc gần kề với những người khác. Tuy nhiên, nếu việc giao tiếp bị giới hạn ở “kênh kỹ thuật số” và thiếu đi nhận thức cảm nhận trực tiếp về tình huống ở một địa điểm khác, thì có thể sẽ khó khăn khi đưa ra những quyết định trực giác. Con người sẽ có cảm nhận về sự chia cắt bởi chẳng có bất cứ điều gì “được nghe, được chạm vào hoặc được cảm nhận”. Các vòng lặp phản hồi không chính thức đang mất dần, trải nghiệm tri thức và sự tự tin bị mất đi trong những tình huống không theo kế hoạch. Từ đó người lao động có thể mất đi sự nhận biết về ý nghĩa của chính những hành động của họ.

– Tiếp cận thông tin “ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ chi tiết nào” có thể làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn. Tính thời sự và lượng thông tin đầu ra được xác định bởi năng lực kỹ thuật. Tuy nhiên, khả năng của con người trong việc xử lý thông tin này vẫn rất hạn chế. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ viễn thông hiện đại thường gắn liền với những kỳ vọng sẽ làm tăng hiệu năng (ví dụ như thời gian trả lời những yêu cầu của khách hàng nhanh hơn), điều này dẫn đến sự tăng cao về cường độ công việc.

– Giao diện người-máy có thể được tạo nên một cách an toàn hơn và mang tính egônômi hơn thông qua việc sử dụng các công nghệ mới. Tuy vậy, điều này chỉ có được nếu những yêu cầu của con người như sự chú ý và nhận thức cảm nhận được xem như nhân tố quan trọng trong sự phát triển sản phẩm và thiết kế các hệ thống làm việc. Không còn là thời mà chỉ cần xem những khía cạnh kỹ thuật và khả năng chịu lỗi như một phần của giao diện người – máy.

Những hệ quả đối với công tác phòng ngừa:

Hơn bao giờ hết, công tác phòng ngừa tại nơi làm việc phải chú ý đến hệ thống công việc như một tổng thể (con người, tổ chức, công nghệ). Những đánh giá rủi ro và các biện pháp về an toàn vệ sinh lao động không thể bị giới hạn ở “những điểm kiểm soát tới hạn” nào đó. Trong giai đoạn lập kế hoạch của một hệ thống công việc (các quy trình, thiết bị, giao diện…), việc dự tính tới sự an toàn và sức khỏe của người lao động cũng như những nhu cầu của con người có tầm quan trọng đặc biệt. Một điều đặc biệt quan trọng nữa là cũng cần dự tính tới các khía cạnh về tuổi tác và giới tính.

Với thực trạng là một hệ thống công việc phức tạp và việc ảo thể hiếm khi có thể được thay đổi khi đang vận hành, thiết kế công việc thân thiện với người sử dụng bằng những công nghệ mới chỉ có thể thực hiện được khi sự an toàn và sức khỏe của mọi người được tính đến trong các quy trình lập kế hoạch và phát triển hệ thống công việc.

Theo đó, những khía cạnh cần thiết của công tác phòng ngừa phải bao gồm:

– Đánh giá các điều kiện làm việc phải thật toàn diện, mang tính tổng quát và có tính toán lâu dài. Điều này có nghĩa là việc đánh giá phải kết hợp được các khía cạnh cả về thể chất và tâm lý cũng như xét tới những phát triển về mặt kỹ thuật.

– Công tác phòng ngừa bắt đầu ở giai đoạn phát triển. Các chuyên gia về phòng ngừa làm việc trong suốt quá trình phát triển kỹ thuật. Kết quả là việc ứng dụng công nghệ hoặc máy móc phải được đánh giá một cách đầy đủ, không chỉ ở riêng các khía cạnh về kỹ thuật.

– Ở những tình huống cụ thể, các tiêu chí để đánh giá các công  nghệ mới cần phải được xác định lại. Việc làm này bao gồm thiết kế một bản phân tích phòng ngừa về những ảnh hưởng của lỗi hoặc vận hành sai trên kết quả tổng thể và tai nạn rủi ro.

– Trong các hoạt động phụ thuộc nhiều vào việc truyền thông, việc phòng ngừa thuộc về quản lý truyền thông là nơi toàn bộ lượng thông tin được cắt giảm đến mức chỉ thông tin quan trọng cho nhiệm vụ mới được đi qua. Các giải pháp tại nơi làm việc phải được phát triển nhằm đảm bảo các khoảng thời gian nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe.

– Công tác phòng ngừa hỗ trợ các công ty trong việc lập kế hoạch và tiến hành đào tạo tập huấn để người lao động có thể làm việc an toàn với hệ thống công nghệ, và họ tự đánh giá điều kiện làm việc của mình, bên ngoài các hoạt động đánh giá của công ty. Hoạt động này cũng được hỗ trợ bởi các hướng dẫn của công ty với những quy tắc và nội quy rõ ràng.

Hầu như không thể biết được các rủi ro và nguy cơ có thể nảy sinh đối với con người trong hệ thống sản xuất tự tổ chức khi chúng không tính đến con người hoặc thậm chí là coi con người như một yếu tố gây cản trở.

Những thách thức đối với công tác an toàn vệ sinh lao động hiện đại

Việc làm 4.0 (Work 4.0) yêu cầu phải có công tác Phòng ngừa 4.0 (Prevention 4.0). Những phát triển về kỹ thuật và xã hội gần đây trong thế giới việc làm đang đặt ra những đòi hỏi mới liên quan đến việc chúng ta thiết kế và cấu trúc việc làm như thế nào?

Những quy định về bảo hiểm tai nạn đang đứng trước thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ phòng ngừa và tìm kiếm các kênh tiếp cận và giải quyết những điều kiện thay đổi đó.

Công tác phòng ngừa phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:

– Những thay đổi về công nghệ và tổ chức công việc có thể được phát triển ra sao để trở nên “thân thiện với con người” ?

– Công tác an toàn vệ sinh lao động đối với công việc linh động hoặc di chuyển sẽ như thế nào để giữ gìn sức khỏe cho người lao động?

– Làm thế nào để đạt được cùng mức độ về an toàn vệ sinh lao động cho mọi người lao động không kể tới hình thức công việc của họ?

– Ban quản lý công ty phải thiết kế và cấu trúc các quy trình quản lý và kiểm soát trong tương lai như thế nào để thực hiện được đầy đủ mọi trách nhiệm liên quan đến an toàn và sức khỏe?

– Các kênh thông tin trao đổi để giải quyết vấn đề của người lao động nào được xem là có triển vọng?

– Những quy định bảo hiểm tai nạn xã hội có thể tiếp tục phát triển các khái niệm phòng ngừa ra sao để vẫn phát huy được hiệu quả trong thế giới việc làm kỹ thuật số, công nghệ cao và linh hoạt?

Các nguyên tắc dưới đây mang tính định hướng tương lai:

1. Thiết kế công việc cần phải được tiến hành sớm. Nếu không thể can thiệp “bằng tay” trực tiếp vào các quy trình sản xuất và con người chủ yếu giữ chức năng điều khiển, thì việc thiết kế máy móc theo hướng an toàn và sức khỏe sẽ là trách nhiệm của bộ phận phát triển. Công tác an toàn vệ sinh lao động đóng vai trò chính yếu trong công tác phòng ngừa bằng cách tương tác với các nhà phát triển sản phẩm, các nhà thiết kế mạng lưới và các nhà lập kế hoạch pháp triển. Khi đó công tác an toàn vệ sinh lao động mới có thể phòng ngừa một cách hiệu quả tai nạn và các nguy cơ trong thế giới việc làm đã được số hóa.

2. Một đánh giá rủi ro chỉ xét đến các khía cạnh cá nhân sẽ không phát huy hiệu quả trong thế giới việc làm kỹ thuật số. Mặt khác, một đánh giá rủi ro tổng quát phải xét đến tất cả các yếu tố rủi ro và tương tác của chúng. Do vậy, đây sẽ là công cụ cho phép các công ty khởi xướng một quy trình cải tiến không ngừng, cũng như phát triển và tiến hành thực hiện các giải pháp linh hoạt và có tính đặc thù của công ty.

3. Các công ty không được phép bỏ mặc người lao động làm việc linh động và tự quản. Theo Luật An toàn Sức khỏe Đức, các công ty phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn và sức khỏe cho người lao động. Điều quan trọng trên hết là ban quản lý cần chủ động xây dựng các điều kiện khuôn khổ theo hướng tăng cường an toàn và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

4. Các công ty cũng chịu trách nhiệm về việc cải thiện kỹ năng/hiểu biết về sức khỏe cho người lao động. Điều này có nghĩa là cho phép họ, nếu cần, tự thiết kế cho mình điều kiện làm việc lành mạnh. Việc làm này là cực kỳ phù hợp khi công ty không có kết nối trực tiếp tới người lao động và môi trường của họ.

5. Một nền văn hóa phòng ngừa thiết lập tốt tại doanh nghiệp chính là nền tảng để đạt được những mục tiêu kể trên. Một nền văn hóa phòng ngừa bền vững có thể nhìn thấy khi bản thân người lao động coi trọng giá trị thực chất trong những hành động và thái độ về an toàn và sức khỏe. Đây là cách thức duy nhất để công việc trong tương lai được thiết kế theo con người và sự nghiếp số hóa công việc được thực hiện thành công.

6. Dịch vụ “Phòng ngừa 4.0” là di động, linh hoạt và được kết nối mạng, chỉ thực hiện được khi các công ty và người lao động quan tâm một cách thực chất.

7. Mục đích của việc kiểm tra và tham vấn do Bảo hiểm Tai nạn Xã hội Đức thực hiện là để tăng cường năng lực và sự tự nguyện của các công ty trong việc thiết lập một nền văn hóa phòng ngừa tốt, cũng như khả năng tự phân tích và thích ứng với những yêu cầu và đòi hỏi mới.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: dguv.de)