Các khái niệm về nhận dạng mối nguy, đánh giá và phân tích nguy cơ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:12(GMT +7)

Mối nguy là một nguồn, một tình huống hoặc một hành động có tiềm năng gây ra tổn hại đối với con người, như tổn thương hay tác hại sức khoẻ hoặc kết hợp cả hai tổn hại trên.

Nhận dạng mối nguy là, một quá trình để nhận diện sự tồn tại của một mối nguy (mối nguy hiểm, hoặc mối nguy hại) và xác định những đặc tính của nó. Nhận dạng mối nguy là sự khởi đầu của tiến trình quản lý và kiểm soát nguy cơ. Nhận dạng mối nguy là bước quan trọng nhất trong bất kỳ cuộc đánh giá nguy cơ nào. Chỉ khi nào một mối nguy được nhận dạng thì mới có thể có hành động để giảm nguy cơ gắn liền với nó. Các mối nguy không được nhận dạng có thể dẫn đến tổn hại cho con người. Do đó, điều hết sức quan trọng để bảo đảm rằng sự nhận dạng mối nguy là có tính hệ thống và toàn diện khi xác định được các khía cạnh đặc tính có liên quan của nó.

Theo Đại từ điển tiếng Việt, “nguy cơ” là, cái có thể phát sinh tai hoạ trong thời gian gần nhất; còn “rủi” (danh từ) là, điều không tốt lành, tai hoạ bất ngờ xảy đến (gặp rủi). Theo từ điển Oxford, “risk” là, khả năng của một tình huống hoặc một điều gì đó, có thể trở thành nguy hiểm hay có hậu quả tồi tệ ở một lúc nào đó trong tương lai. Theo các tài liệu tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực an toàn sức khoẻ nghề nghiệp “nguy cơ” (risk), là sự kết hợp của xác suất xảy ra tổn hại với tính nghiêm trọng của tổn hại này (ISO 14121-1: 2007). Còn theo tiêu chuẩn quốc tế OHSAS 18001: 2007 “Nguy cơ về an toàn sức khoẻ nghề nghiệp” (OSH risk) là, sự kết hợp giữa xác suất/khả năng xảy ra một sự kiện nguy hiểm hoặc sự phơi nhiễm nguy hại với mức độ nghiêm trọng của tổn thương hay tác hại sức khoẻ, do sự kiện hoặc sự phơi nhiễm đó có thể gây ra.

Đánh giá nguy cơ (risk assessment) là, quá trình đánh giá mức nguy cơ phát sinh do các mối nguy, có tính đến sự thích đáng của những biện pháp kiểm soát hiện có nào đó, để quyết định nguy cơ này có chấp nhận được hay không.

Nguy cơ chấp nhận được là nguy cơ đã được làm giảm tới mức có thể chịu được với doanh nghiệp, phù hợp với các điều khoản bắt buộc của pháp luật và chính sách ATSKNN của doanh nghiệp đó.
Chính sách ATSKNN của doanh nghiệp là toàn bộ các ý đồ và định hướng của một doanh nghiệp, liên quan đến kết quả thực hiện ATSKNN của doanh nghiệp đó, và được người lãnh đạo cao nhất công bố chính thức. Các tiêu chí, yêu cầu cơ bản đối với chính sách ATSKNN của một doanh nghiệp gồm: thích hợp với bản chất và quy mô của các nguy cơ về ATSKNN của doanh nghiệp mình, lời cam kết về phòng ngừa các tổn thương và các tác hại đến sức khoẻ cho NLĐ cũng như cải tiến liên tục về quản lý và kết quả thực hiện ATSKNN, sự cam kết tối thiểu phải tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến ATSKNN khác. Chính sách đó cần được truyền đạt đến mỗi NLĐ trong doanh nghiệp, được xem xét định kỳ để bảo đảm, chính sách ATSKNN luôn phù hợp với doanh nghiệp…

Theo các tiêu chuẩn quốc tế về ATSKNN, đánh giá nguy cơ là toàn bộ quá trình bao gồm phân tích nguy cơ và đánh giá mức nguy cơ. Ở đây, phân tích nguy cơ là sự kết hợp của đặc tính kỹ thuật về các giới hạn của máy với sự nhận dạng mối nguy và dự đoán nguy cơ. Mệnh đề “sự kết hợp của đặc tính kỹ thuật về các giới hạn của máy với sự nhận dạng mối nguy”, chính là việc phân tích mối quan hệ tương tác bên trong “hệ thống người – máy – môi trường” để nhận diện sự tồn tại của mối nguy và đặc tính của nó, từ dó làm cơ sở cho dự đoán nguy cơ. Phân tích mối quan hệ tương tác bên trong “hệ thống người – máy – môi trường” là quá trình phân tích ecgônômi, sự tác động qua lại giữa các yếu tố của các mối quan hệ giữa người với máy, người với môi trường và máy với môi trường, dựa trên cơ sở các đặc tính giới hạn của máy so với các đặc điểm về giải phẫu, nhân trắc, cơ sinh, sinh lý và tâm sinh lý, cũng như khả năng, trình độ về đào tạo, kinh nghiệm của người sử dụng máy và những người có liên quan, trong không gian, thời gian… trong cả chu kỳ tuổi thọ của máy. Dự đoán nguy cơ là xác định tính nghiêm trọng có thể có của tổn hại và khả năng xảy ra nguy cơ. Đánh giá mức nguy cơ (risk evaluation) là, đánh giá dựa trên cơ sở phân tích nguy cơ, xem có đạt được mục tiêu giảm nguy cơ không.

Khi kết quả phân tích và đánh giá mức nguy cơ chỉ ra là cần phải giảm nguy cơ, thì người thiết kế hay người sử dụng cần phải quyết định lựa chọn và áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp (về mặt thiết kế) hoặc các biện pháp kiểm soát thích hợp (về mặt sử dụng) và quy trình này được lặp lại. Như là một phần của quá trình lặp lại này, người thiết kế và người quản lý phải kiểm tra xem, các mối nguy hiểm phụ thêm có được tạo ra, hoặc các nguy cơ khác có tăng lên hay không, khi áp dụng các biện pháp bảo vệ hoặc biện pháp kiểm soát mới.

Biện pháp bảo vệ là, biện pháp dùng để đạt được mục đích giảm nguy cơ.

Biện pháp kiểm soát cũng có mục tiêu để kiểm soát và giảm nguy cơ nhằm bảo vệ, phòng ngừa và giảm tổn hại cho con người. Biện pháp bảo vệ được thực hiện bởi người thiết kế. Biện pháp kiểm soát được thực hiện bởi người sử dụng.

Nguy cơ dư là nguy cơ còn lại sau khi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ. Có hai mức nguy cơ dư đáng chú ý, một là nguy cơ còn lại sau khi người thiết kế đã sử dụng các biện pháp bảo vệ, hai là nguy cơ còn lại sau khi đã sử dụng tất cả các biện pháp bảo vệ và biện pháp kiểm soát.

Mức điểm chuẩn là giá trị làm cơ sở cho việc xác định mức độ có ý nghĩa của nguy cơ. Nguy cơ có ý nghĩa được định nghĩa là nguy cơ có mức nguy cơ lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn do Ban Lãnh đạo quy định.
———————–

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)