Các mối nguy hại và tác hại đến sức khoẻ

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:12(GMT +7)

Thuật ngữ mối nguy hại – Thường được hiểu trong trường hợp mối nguy xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại kéo dài, thường gây ra các tác hại về sức khoẻ, lâu dài có thể gây nên bệnh nghề nghiệp, (ví dụ, mối nguy hại rung cục bộ, mối nguy hại bụi silíc, mối nguy hại do tư thế thao tác…).

Các mối nguy hại chính có thể gây tác hại đối với sức khoẻ

1. Mối nguy hại gây ra do vật liệu và các chất liệu
Các vật liệu và các chất liệu được gia công, sử dụng, sản xuất hoặc thải ra có thể tạo ra nhiều mối nguy hại khác nhau: do hít thở vào qua đường hô hấp, do nuốt phải qua đường tiêu hoá hoặc do bám vào bề mặt cơ thể, tiếp xúc vào da, mắt và các màng nhày, các hoá chất nguy hại, ở dạng hơi, khí, sương mù, khói, các chất bụi, son khí, các chất lỏng và các mối nguy hại sinh vật (nấm mốc), vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn) có hiệu ứng tác hại, gây độc, ăn mòn, gây kích thích, dị ứng, gây ra bệnh, sinh ra quái thai, ung thư, biến dị…
a. Các chất nguy hại thải trong không khí, gồm: chất kích thích cơ quan hô hấp (ví dụ: sunfua dioxit, clo, khói cadimi); Chất nhạy cảm (ví dụ: isoxyanat, enzyme, khói nhựa thông); chất gây ung thư (ví dụ: amiăng, crom, benzene, vinyl clorua đơn thể); chất gây xơ hoá (ví dụ: silic dioxit kết tinh tự do, amiăng, coban); chất gây ngạt (ví dụ: nitrogen, argon, metan); chất sinh học (ví dụ: ligionella pneumoiphila, cỏ khô bị mốc); các chất ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể (ví dụ: thuỷ ngân đối với hệ thần kinh, thận; chì đối với hệ thần kinh, máu; các bon đối với máu).
Các chất nguy hại thải trong không khí có thể phát sinh từ một số nguồn khác nhau như: Gia công; sự bốc hơi và sự đối lưu nhiệt; quá trình làm nóng kim loại; quá trình xếp dỡ vật liệu; sự phun (ví dụ: phun sơn, làm sạch bề mặt với áp lực cao); sự rò rỉ; sản phẩm phụ và các chất thải; bảo dưỡng; quá trình tháo dỡ; sự cháy của nhiên liệu; hoạt động của thiết bị trộn thức ăn; quá trình gia công kim loại. v.v…

b. Các chất nguy hại không thải trong không khí có thể là nguồn chính gây nguy hại qua đường tiêu hoá, tiếp xúc với da, mắt hoặc màng nhầy hoặc thấm qua da: Chất ăn mòn (ví dụ: axít sunfuaric); chất gây kích thích (ví dụ: xi măng ướt); chất nhạy cảm (ví dụ: hợp chất crom, nhựa thông epoxy); chất gây ung thư (ví dụ: tôi dầu, oxít berili, hydrocacbon thơm nhiều vòng); các chất sinh học (ví dụ: nhiễm trùng do dầu dùng cho cắt gọt, nhiễm trùng máu).
Các chất nguy hại không thải trong không khí có thể được tạo ra trong các hoàn cảnh khác nhau, gồm: Sự di chuyển do mở nguồn; tháo mở máy; tiếp nhận máy; xếp dỡ vật liệu; điều khiển các bộ phận máy; thao tác không đúng; sự rò rỉ; sự vỡ, gãy…

2. Mối nguy hại do nhiệt
Mối nguy hại do nhiệt có thể dẫn đến tổn hại sức khoẻ do môi trường làm việc nóng hoặc lạnh, có thể gây nên sự khó chịu, sự mất nước, sự mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể người (như: ion canxi, natri, cali và vi ta min các nhóm C, B, PP) làm thay đổi khối lượng, tỷ trọng, độ nhớt của máy, kích thích tim tăng nhịp đập, ảnh hưởng hoạt động của hệ thần kinh trung ương, gây giảm chú ý, giảm khả năng phối hợp động tác, giảm quá trình kích thích và tốc độ phản xạ.
Các rối loạn bệnh lý như chứng say nóng và chứng co giật với các triệu chứng mất cân bằng nhiệt: chóng mặt, nhức đầu, đau thắt ngực, buồn nôn, thân nhiệt tăng nhanh, nhịp thở nhanh, trạng thái suy nhược…
Lạnh cục bộ làm co thắt mạch, gây tê cóng, lâm râm ngứa các đầu chi, làm giảm khả năng vận động, đau cơ, viêm cơ, viêm thần kinh ngoại biên, gây dị ứng kiểu hen phế quản, giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch, gây viêm đường hô hấp trên…
Bức xạ nhiệt trực tiếp của mặt trời hoặc của kim loại nóng chảy hay nung nóng phát ra các tia bức xạ hồng ngoại gây bỏng, rộp da, đâm xuyên qua hộp sọ, hun nóng tổ chức não, màng não, gây bệnh đục nhãn mắt…các tia bức xạ tử ngoại gây viêm màng tiếp hợp, gây bỏng da, làm giảm thị lực thu hẹp thị trường, gây bệnh đau mắt của thợ hàn, thợ nấu thép…

3. Mối nguy hại do tiếng ồn
Mối nguy hại do tiếng ồn có thể dẫn đến: khó chịu, ù tai, mệt mỏi, căng thẳng, mất nhận thức, mất cân bằng; làm cản trở/suy giảm khả năng truyền đạt bằng lời nói hoặc làm giảm khả năng nhận biết các tín hiệu bằng âm thanh; làm suy giảm thính lực và dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn; tiếng ồn còn làm giảm sự tập trung và giảm năng suất lao động.
Tiếng ồn cường độ cao, trung bình kích thích mạnh hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới bệnh cao huyết áp; Tiếng ồn làm rối loạn chức năng co bóp, giảm tiết dịch vị và giảm độ toan trong dạ dày…
Các mối nguy hại do tiếng ồn có thể được phát sinh bởi: Hiện tượng khí xâm thực lỗ hổng; hệ thống hút chân không; sự rò khí ở tốc độ cao; quá trình gia công (rèn, dập, cắt); các bộ phận di chuyển; cạo, mài, phun, tẩy/làm sạch các bề mặt kim loại; các bộ phận quay không được cân bằng; khí nén rít; các chi tiết máy bị mòn, rơ lỏng…

4. Mối nguy hại do rung động
Mối nguy hại do rung động cục bộ có thể dẫn đến: Các rối loạn cảm giác khó chịu ngoài da (tê nhức, kiến bò, giảm cảm giác đau, ra nhiều mồ hôi, khó cầm nắm), các rối loạn hệ vận động (đau các khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và khớp vai); phát triển thành bệnh lý: rối loạn vận mạch, gây nên bệnh ngón tay trắng; rối loạn thần kinh ngoại biên, tổn thương gân cơ, teo cơ; tổn thương xương – khớp: đau khớp xương, hạn chế cử động, có thể gây mất sức lao động nặng (hình ảnh X- quang xuất hiện: khuyết xương, lồi xương, thưa xương, hoại tử xương bán nguyệt, hư khớp xương thuyền…). Ngoài ra, rung động cục bộ còn gây rối loạn thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá; ảnh hưởng đến bộ phận dinh dục, gây đau bụng nhiều khi hành kinh, gây lệch tử cung, sa âm đạo đối với nữ giới..
Mối nguy hại do rung động toàn thân đặc biệt nguy hiểm khi có tần số dao động trùng với tần số dao động tự nhiên của các bộ phận nội tạng trong cơ thể người, gây nên hiện tượng dao động cộng hưởng với biên độ dịch chuyển lớn tại các cơ quan nội tạng này, gây ra những biến đổi chức năng, tổ chức tế bào rồi phát triển thành bệnh lý trầm trọng. Rung động toàn thân ở tần số thấp gây ra tổn thương cơ; ở tần số cao gây ra những biến đổi trong thành mạch, ngăn cản lưu thông tuần hoàn, dẫn đến phá hoại hệ thống mạch máu. Rung động toàn thân kéo dài gây ra rối loạn tổ chức cột sống và bệnh đau lưng; gây ra tổn thương hệ thần kinh trung ương, phá huỷ sự điều chỉnh của thần kinh thể dịch và trao đổi chất; khi cộng hưởng với tần số 30-80Hz và biên độ dao động lớn thì tác động đến thị giác, làm giảm độ rõ nét, thu hẹp trường nhìn, giảm độ nhạy cảm màu và phá hoại chức năng tiền đình…
Các mối nguy hại do rung động có thể được phát sinh bởi: Hiện tượng khí xâm thực lỗ hổng; sự lệch tràng của các bộ phận di chuyển; thiết bị di chuyển; cạo, mài, phun tẩy/làm sạch các bề mặt kim loại; các bộ phận quay không được cân bằng; các thiết bị, công cụ rung cầm tay/xe lu rung; các chi tiết máy bị mòn, rơ lỏng…

5. Mối nguy hại do bức xạ
Các mối nguy hại do bức xạ có thể có ảnh hưởng lâu dài (ví dụ: sự biến dị có tính di truyền), gây ra từ các đường khác nhau và có thể được tạo ra bởi sự bức xạ ion hoá và không ion hoá: Trường điện từ; bức xạ tia hồng ngoại, bức xạ tia nhìn thấy và bức xạ tia tử ngoại; bức xạ tia laze; tia X và tia g; tia a, b, chùm điện tử hoặc chùm ion, nơtron…
Hậu quả tiềm tàng của mối nguy hại do bức xạ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây nên sự đột biến gen, đau đầu, mất ngủ. Bệnh nhiễm xạ mãn tính thường gây ra các triệu chứng bệnh muộn (sau hàng năm, hàng chục năm) khi cơ thể bị nhiễm một liều 200 Rem/lần hoặc liều nhỏ tia, chất phóng xạ trong khoảng thời gian dài. Triệu chứng sớm nhất là hội chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn chức năng cơ quan tạo máu, rối loạn chuyển hoá đường, lipit, protit, muối khoáng… bệnh nhân có thể bị đục nhân mắt, ung thư da, ung thư xương…

6. Mối nguy hại về ecgônômi
Các mối nguy hại về ecgônômi đối với con người trong làm việc hay trong vận hành, điều khiển, sử dụng máy, thiết bị, công cụ, phương tiện kỹ thuật có thể ảnh hưởng lâu dài và gây ra bởi sự không thích ứng giữa máy, thiết bị, công việc hoặc môi trường với các đặc tính và khả năng/giới hạn của con người về giải phẫu, sinh lý hoặc tâm lý. Sự không thích ứng về giải phẫu (nhân trắc học, cơ sinh học) có thể gây nên tư thế làm việc bất lợi, quá tải gánh nặng thể lực động hoặc tĩnh, hậu quả dẫn đến mệt mỏi, đau nhức các bộ phận cơ thể, cũng như hội chứng rối loạn cơ – xương, hay hiệu ứng sinh lý do gắng sức quá mức…Sự không thích ứng về tâm – sinh lý liên quan đến giới hạn hoạt động chức năng của các giác quan có thể gây nên các hiệu ứng do sự quá tải hoặc dưới tải về tiếp nhận, xử lý thông tin và tạo ra căng thẳng tâm thần trong quá trình vận hành, giám sát, bảo dưỡng của người lao động. Tuỳ các tình huống cụ thể mà hậu quả của các trạng thái căng thẳng tâm thần kể trên sẽ gây ra các sai sót của con người.
Hậu quả tiềm tàng của các mối nguy hại về ecgônômi có thể gây ra sự khó chịu, sự mệt mỏi, các dạng rối loạn cơ – xương, các dạng căng thẳng tâm thần và các sự cố bất kỳ khác là hậu quả sai sót của con người. Các mối nguy hại về ecgônômi có thể có nguồn gốc từ sự tiếp cận, lối vào; việc thiết kế và bố trí các phương tiện phản ánh thông tin (thị giác, thính giác); việc thiết kế, bố trí hoặc nhận biết các cơ cấu điều khiển; sự gắng sức quá mức; sự nhấp nháy, sự chói – loá, hiệu ứng nháy sáng; chiếu sáng cục bộ; sự quá tải/dưới tải của gánh nặng tâm thần; tư thế làm việc; hoạt động lặp lại; tầm nhìn…

7. Sự kết hợp của các mối nguy hại
Một số mối nguy hại riêng biệt được xem là thứ yếu, khi kết hợp với nhau có thể tương đương với nguy hại lớn. Ví dụ, hoạt động lặp lại kết hợp với sự gắng sức quá mức và nhiệt độ môi trường cao, có thể gây nên hậu quả tiềm tàng do mất nước, mất cân bằng điện giải, mất nhận thức và đột quỵ do nhiệt.
Chú thích – một nguồn gốc của các mối nguy hiểm/mối nguy hại có thể có nhiều hậu quả tiềm tàng.
Đối với mỗi loại hoặc nhóm nguy hiểm/nhóm nguy hại, một số hậu quả tiềm tàng có thể có liên quan đến nhiều nguồn gốc của các mối nguy hiểm/mối nguy hại.

TS. Nguyễn Thế Công
Hội KHKT An toàn vệ sinh lao động


(Nguồn tin: Theo: Bảo hộ lao động, 2012-NXB Lao động)