Cảm thấy căng thẳng tại nơi làm việc?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Bạn có thường xuyên cảm thấy quá tải, lo lắng hoặc căng thẳng tại nơi làm việc?

Bạn không hề đơn độc. Năm 2014, một cuộc điều tra được tiến hành bởi các nghiên cứu viên từ Trường Y Tế Công Cộng Harvard T.H. Chan, phối hợp với Đài Tiếng nói Quốc gia và Quỹ Robert Wood Johnson, đã chỉ ra rằng cứ năm người lao động thì có một người đã từng đối mặt với căng thẳng tại nơi làm việc kéo dài trong khoảng 12 tháng, và 37% đã từng gặp phải một vài căng thẳng tại nơi làm việc.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association – APA), những nguyên nhân phổ biến gây ra căng thẳng liên quan đến công việc bao gồm khối lượng công việc quá nhiều, ít hoặc không có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, mức lương thấp và công việc không hấp dẫn.

Ngoài ra, việc không có được khả năng kiểm soát đối với các quyết định được đưa ra tại nơi làm việc và năng lực không thực sự như kỳ vọng cũng có thể góp phần dẫn đến căng thẳng.

Những vấn đề

Căng thẳng liên quan đến công việc không tự giải phóng sau khi kết thúc ngày làm việc. Nếu căng thẳng mà bạn đang gặp phải tại nơi làm việc bị kéo dài, nó có thể gây ra một cú sốc với sức khoẻ và tinh thần của bạn.

APA khẳng định rằng “về ngắn hạn, môi trường làm việc căng thẳng có thể dẫn đến một số vấn đề như đau đầu, đau họng, rối loạn giấc ngủ, nóng nảy và khó tập trung”. Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến lo lắng, mất ngủ, huyết áp cao và suy giảm hệ thống miễn dịch.”

Trong những trường hợp căng thẳng đặc biệt, có thể xuất hiện bệnh trầm cảm, béo phì và bệnh tim mạch. Theo APA, những người lao động gặp phải căng thẳng quá mức thường xuyên đối mặt với chúng bằng cách ăn những thực phẩm không an toàn, hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.

APA khuyến cáo những bước sau để giúp quản lý căng thẳng liên quan đến công việc:

     • Theo dõi những căng thẳng của bạn trong vài tuần bằng cách ghi chép lại để giúp bạn xác định những vấn đề khiến bạn cảm thấy căng thẳng tại nơi làm việc. Sau đó, ghi lại cách bạn phản ứng với những vấn đề này, bao gồm những cảm nhận của bạn ở hiện tại, những ai có liên quan và cách mà bạn phản ứng. Một khi bạn có được những thông tin này, bạn có thể tìm ra những mẫu số chung cho những căng thẳng mà bạn gặp phải và lường trước những phản ứng phù hợp.

     • Tạo ra những thói quen phản ứng lành mạnh đối với những căng thẳng mà bạn gặp phải. Khi bạn bị căng thẳng, bạn có tìm đến thức ăn hoặc rượu để cảm thấy thoải mái? Thay vào đó, hãy tìm một phương án khác lành mạnh hơn. Tập thể dục có thể là một giải pháp tuyệt vời để giúp giảm căng thẳng, cũng giống như đọc sách. Đồng thời, hãy nhớ ngủ đủ giấc.

     • Tạo ra những ranh giới. Bạn có cảm thấy áp lực “giữ liên lạc” cho công việc 24/7? Nếu vậy, tạo ra một vài ranh giới giữa công việc và cuộc sống, ví dụ như không trả lời điện thoại trong bữa ăn tối hoặc không kiểm tra thư điện tử vào buổi tối.

     • Dành thời gian cho bản thân. Đừng lãng phí những ngày nghỉ. APA khẳng định rằng “Khi có thể, hãy dành thời gian nghỉ ngơi để thư giãn và giảm áp lực, để hồi phục khi trở lại làm việc và sẵng sàng làm việc hiệu quả nhất”.

     • Tập luyện thư giãn. Tìm hiểu một phương thức thư giãn mới, ví dụ như thiền hoặc các bài tập hít thở sâu.

     • Tiếp xúc với giám sát hoặc quản lý của bạn. Giải thích rằng bạn đang cảm thấy căng thẳng. APA khẳng định rằng “Mục tiêu của việc này không phải là đưa ra một danh sách những lời than vãn, mà xa hơn để tiến tới một kế hoạch hiệu quả để quản lý những căng thẳng mà bạn đã xác định được, do đó bạn có thể làm việc hiệu quả nhất”.

     • Tìm kiếm trợ giúp. Nơi làm việc của bạn có chương trình hỗ trợ người lao động hay không? Nếu có, hãy tham gia và tìm kiếm sự trợ giúp. Nếu bạn vẫn cảm thấy quá tải sau khi đã thử những giải pháp này, có thể bạn cần phải nói chuyện với một chuyên gia tâm lý.

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: Safety and Health Magazine)