Căng thẳng tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:34(GMT +7)

Đặc điểm của việc làm là luôn thay đổi một cách nhanh chóng. Hơn bao giờ hết, stress (căng thẳng) nghề nghiệp đặt ra một nguy cơ đối với sức khỏe của lao động và đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển của cả doanh nghiệp.

Stress nghề nghiệp là gì?

Stress nghề nghiệp có thể được định nghĩa như các phản ứng có hại về tâm sinh lý xảy ra khi yêu cầu về công việc không phù hợp với năng lực, nguồn lực hoặc nhu cầu của người lao động. Stress nghề nghiệp có thể dẫn tới tình trạng sức khỏe, thậm trí gây nên thương tích.

Khái niệm stress nghề nghiệp thường bị nhầm lẫn với sự thách thức, nhưng thực chất hai khái niệm này không giống nhau. Thách thức tiếp thêm động lực về tâm lý cũng như sinh lý cho chúng ta, nó thúc đẩy chúng ta học hỏi các kỹ năng mới và làm chủ được công việc của mình. Sau khi đã chinh phục được thách thức, chúng ta cảm thấy thư giãn và thỏa mãn. Do vậy, thách thức được xem là một phần quan trọng đối với sức khỏe cũng như năng suất lao động. Điểm quan trọng của thách thức trong đời sống việc làm của chúng ta có thể chính là điều mà mọi người ngụ ý tới khi nói rằng: “Stress một chút cũng tốt!”.

Nguyên nhân gây ra stress nghề nghiệp là gì?

Hầu hết mọi người đều đồng tình rằng stress nghề nghiệp là kết quả của sự tương tác giữa người lao động và điều kiện làm việc. Quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của đặc điểm người lao động với các điều kiện làm việc được xem là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến stress nghề nghiệp. Các quan điểm khác nhau này quan trọng bởi chúng đưa ra những cách thức khác nhau nhằm phòng ngừa stress tại nơi làm việc.

Theo trường phái suy nghĩ khác thì sự khác nhau về đặc điểm giữa các cá nhân như tính cách và cách đương đầu (coping) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dự đoán các điều kiện làm việc nhất định sẽ gây ra stress – nói cách khác, một vấn đề có thể gây ra stress cho người này nhưng lại không phải là vấn đề gì to tát đối với người khác. Quan điểm này dẫn đến các chiến lược phòng ngừa hướng vào đối tượng người lao động và cách thức hỗ trợ họ ứng phó với điều kiện làm việc.

Mặc dù tầm quan trọng của sự khác biệt giữa các cá nhân không thể bị bỏ qua, nhưng bằng chứng mang tính khoa học cho thấy các điều kiện làm việc nhất định đều gây căng thẳng cho hầu hết mọi người. Bằng chứng này cho thấy, điều kiện làm việc là nguồn chủ yếu dẫn đến stress nghề nghiệp, và do vậy việc thiết kế lại công việc được xem như chiến lược phòng ngừa đầu tiên.

Hướng dấn tiếp cận stress nghề nghiệp của NIOSH

Dựa trên kinh nghiệm và các nghiên cứu, NIOSH ủng hộ quan điểm cho rằng điều kiện làm việc đóng vai trò tiên quyết trong việc hình thành stress nghề nghiệp. Tuy nhiên, vai trò của các yếu tố cá nhân cũng không thể bị bỏ qua. Theo quan điểm của NIOSH, việc phơi nhiễm với các điều kiện làm việc gây căng thẳng (được gọi là các yếu tố stress nghề nghiệp) có thể gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn và sức khỏe của người lao động. Như được trình bày dưới đây, cá nhân và các yếu tố tình huống có thể can thiệp để làm mạnh lên hay làm yếu đi ảnh hưởng này. Ví dụ về cá nhân và các yếu tố tình huống giúp giảm thiểu tác hại của điều kiện làm việc gây stress như sau:

– Sự cân bằng giữa công việc và gia đình hay cuộc sống riêng tư

– Mạng lưới hỗ trợ của bạn bè và đồng nghiệp

– Cách nhìn nhận mang tính giản đơn và tích cực

Mô hình Stress nghề nghiệp của NIOSH

Điều kiện làm việc có thể gây ra stress

Thiết kế nhiệm vụ: Khối lượng công việc lớn, thời gian nghỉ giữa giờ không thường xuyên, làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài và làm việc theo ca; các nhiệm vụ liên tục và đều đặn mang ý nghĩa cố hữu, không tận dụng được các kỹ năng của người lao động hay đem lại bất kỳ một cảm giác kiểm soát nào.

Hình thức quản lý: Thiếu vắng sự tham gia của người lao động trong quá trình ra quyết định, hình thức thông tin trao đổi tại cơ sở yếu kém, thiếu các chính sách phù hợp với người lao động có con nhỏ.

Các mối quan hệ cá nhân: Môi trường xã hội nghèo nàn và thiếu sự hỗ trợ hay giúp đỡ từ đồng nghiệp và người giám sát.

Các vai trò công việc: Sự kỳ vọng đối nghịch hay không chắc chắn vào công việc, quá nhiều trách nhiệm, “một cổ nhiều tròng”.

Các mối quan tâm về sự nghiệp: Sự mất an ninh nghề nghiệp và thiếu vắng cơ hội phát triển hay thăng tiến; những thay đổi nhanh chóng mà người lao động chưa chuẩn bị kịp.

Điều kiện môi trường: Các điều kiện lý tính gây khó chịu và nguy hiểm như đông đúc, ồn ào, ô nhiễm không khí hoặc các vấn đề về ecgônômi.

Stress nghề nghiệp và sức khỏe

Stress thiết lập chế độ cảnh báo trong não bộ, ứng phó bằng cách chuẩn bị cho cơ thể hành động tự vệ. Hệ thần kinh được đánh thức và các hooc môn được tạo ra nhằm tăng độ nhạy của các giác quan, làm tăng mạch, thở sâu và căng cơ. Phản ứng này (đôi khi được gọi là phản ứng chống lại hoặc bỏ chạy) rất quan trọng vì nó giúp chúng ta chống lại những tình huống mang tính đe dọa. Phản ứng được lập trình mang tính chất sinh học. Mọi người đều phản ứng theo cùng một cách, cho dù tình huống gây stress xuất hiện ở nơi làm việc hay ở nhà.

Thời gian xuất hiện stress có thể diễn ra trong khoảng ngắn hoặc không thường xuyên và thường ít rủi ro. Nhưng khi các tình huống gây stress không được giải quyết, cơ thể được giữ ở trạng thái liên tục được kích hoạt, trạng thái này làm tăng tỉ lệ thương tổn đối với hệ thống sinh học. Cuối cùng, có thể dẫn đến rủi ro gây thương tích hay bệnh tật.

Trong 20 năm qua, nhiều nghiên cứu đã đi sâu vào mối quan hệ giữa stress nghề nghiệp và một loạt các dạng bệnh tật khác nhau. Sự phá vỡ tâm trạng và giấc ngủ, chứng tức bụng và đau đầu, các mối quan hệ với gia đình và bạn bè gặp trục trặc chính là những ví dụ về các vấn đề liên quan đến stress, được xem là những vấn đề rất dễ xảy ra và thường thấy trong các nghiên cứu gần đây. Những dấu hiệu sớm về stress nghề nghiệp thường rất dễ nhận biết. Nhưng ảnh hưởng của stress nghề nghiệp đối với các loại bệnh mãn tính khó nhận biết hơn do các bệnh mãn tính thường mất một khoảng thời gian dài ủ bệnh và có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác chứ không đơn thần chỉ do stress. Tuy nhiên, bằng chứng thu thập được cho thấy stress đóng vai trò quan trọng trong một số vấn đề về sức khỏe mãn tính, đặc biệt là các bệnh tim mạch, rối loại xương khớp và rối loạn tâm lý.

Những dấu hiệu phát hiện sớm stress nghề nghiệp

– Đau đầu

– Ngủ không sâu

– Khó tập trung

– Cáu kỉnh

– Tức bụng

– Không thỏa mãn với công việc

– Tinh thần sa sút

Stress nghề nghiệp và sức khỏe: Nghiên cứu cho ta thấy điều gì

Bệnh về tim mạch

Nhiều nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực cố gắng về mặt tâm lý và người lao động có ít quyền kiểm soát trong quá trình làm việc sẽ làm tăng rủi ro mắc các bệnh về tim mạch.

Rối loạn cơ xương

Căn cứ trên nghiên cứu của NIOSH và nhiều cơ quan tổ chức khác thì stress nghề nghiệp được cho là nguyên nhân làm tăng rủi ro mắc các chứng rối loạn cơ xương ở lưng và chi trên.

Rối loạn tâm lý

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng những khác biệt về tỉ lệ các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần (như trạng thái chán nản hay suy sụp) đối với nhiều ngành nghề khác nhau đều một phần do sự khác biệt về mức độ stress nghề nghiệp. (Sự khác biệt về kinh tế và lối sống giữa các loại hình nghề nghiệp cũng có thể góp phần vào các vấn đề kể trên).

Chấn thương tại nơi làm việc

Sẽ còn cần tiến hành nhiều nghiên cứu trong gian tới, nhưng các điều kiện làm việc gây stress can thiệp vào quy trình làm việc an toàn và thiết lập giai đoạn cho các chấn thương tại nơi làm việc vẫn ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm.

Tự tử, ung thư, các chứng loét và suy giảm chức năng miễn dịch

Một số nghiên cứu đề xuất mối quan hệ giữa điều kiện làm việc gây stress và các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Stress, sức khỏe và năng xuất

Một số người sử dụng lao động cho rằng điều kiện làm việc gây stress là điều không mong muốn, rằng trong hoạt động kinh tế hiện nay các công ty phải tạo áp lực lên người lao động và không coi trọng vấn đề về sức khỏe để nhằm mục đích duy trì năng xuất lao động và lợi nhuận. Kết luận từ nghiên cứu của NIOSH cho thấy điều ngược lại. Từ các nghiên cứu có thể , điều kiện làm việc gây stress thực chất liên quan đến hiện tượng nghỉ làm, đi làm muộn và ý định bỏ việc ngày càng tăng, và tất cả các hiện tượng này đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh danh của doanh nghiệp.

Các nghiên cứu gần đây về cái gọi là các doanh nghiệp lành mạnh cho thấy chính sách có lợi cho sức khỏe của người lao động sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh tốt. Một doanh nghiệp lành mạnh được định nghĩa là một tổ chức có tỉ lệ ốm đau, trấn thương và tàn tật trong lực lượng lao động thấp và đây cũng là điểm tạo nên tính cạnh tranh trên thương trường. Nghiên cứu của NIOSH đã xác định đặc điểm của các cơ sở sản xuất kinh doanh gắn với sức khỏe, mức độ stress thấp và năng xuất lao động cao. Các ví dụ minh họa cho các đăc điểm này có thể kể đến như sau:

– Khen thưởng những lao động làm việc tốt,

– Phát triển cơ hội nghề nghiệp,

– Văn hóa doanh nghiệp coi trọng từng cá nhân người lao động,

– Các hành động quản lý phù hợp với giá trị của doanh nghiệp.

————————–

Nội dung trích dẫn cuốn: Stress…At work, NIOSH

Nội dung tài liệu file pdf được NIOSH cung cấp miễn phí (tiếng Anh) tại địa chỉ: http://www.cdc.gov/niosh/docs/99-101/pdfs/99-101.pdf

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: NIOSH)