Công cụ và quy trình thực hành đánh giá rủi ro tại nơi làm việc: Bằng chứng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Estonia

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Nghiên cứu này tập trung vào một quy trình đánh giá nguy cơ rủi ro thành công tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nơi nguồn lực về an toàn và an vệ sinh lao động có thể ít được sử dụng hơn các công ty lớn với lực lượng lao động nhiều hơn cũng như thời gian, kiến thức và công nghệ cao hơn.

Cách tiếp cận ban đầu phục vụ việc đánh giá dễ thực hiện và rõ ràng khi đề cập đến các yếu tố nguy hiểm nghề nghiệp (như: vật lý, hóa học và sinh học) và đưa ra bằng chứng của 18 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các ngành công nghiệp khác nhau. Để đánh giá thái độ và nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong vấn đề an toàn và sức khỏe, các cuộc phỏng vấn an toàn đã được thực hiện tại 08 doanh nghiệp. Kết quả thu được cho thấy trong hầu hết các trường hợp, thái độ của người tham gia tại các doanh nghiệp đều hướng tới việc góp phần vào sự an toàn, về tổng thể đều mang tính tích cực như: phát triển các quy trình và thực hành an toàn, quy trình làm việc và hướng dẫn an toàn bằng văn bản, cung cấp trang thiết bị bảo hộ lao động, v.v… Nghiên cứu cũng xác định những thiếu hụt quan trọng về an toàn như thiếu chính sách an toàn;  huấn luyện an toàn chưa đầy đủ và yêu cầu về gánh nặng công việc hàng ngày thiếu thực tế. Các kết quả đo đạc cho thấy điều kiện về môi trường làm việc khác nhau giữa các doanh nghiệp cũng như giữa các ngành công nghiệp. Các mối nguy hiểm chính được xác định vượt quá giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp như: bụi gỗ trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, hóa chất và tiếng ồn trong chế biến gỗ và ngành công nghiệp cơ khí, chiếu sáng trong ngành cơ khí, công nghiệp nhựa và in ấn. Các tác giả đã xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro linh hoạt và đã triển khai thành công tại  tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ được kiểm tra, đồng thời nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp coi đây như một công cụ có thể được áp dụng và phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế về kỹ năng và nguồn lực.

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá các điều kiện làm việc hiện tại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Estonia và sự tuân thủ luật pháp về An toàn và Vệ sinh lao động của EU tại các doanh nghiệp này, nhằm hướng sự chú ý đến tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro giống như một công cụ thiết thực và quen thuộc trong việc quản lý thành công công tác  An toàn và Vệ sinh lao động.

Các mục tiêu chính bao gồm: (a) Xác định và đánh giá các nguy cơ rủi ro nghề nghiệp phổ biến (vật lý, hóa học và sinh học) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Estonia; (b) Điều tra thái độ và nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác An toàn Vệ sinh lao động; (c) Xác định cách giải quyết các vấn đề về An toàn Vệ sinh lao động và; (d) khảo sát khả năng sử dụng công cụ đánh giá nguy cơ rủi ro linh hoạt (FRA) tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ cho người sử dụng lao động xác định mức độ rủi ro từ các mối nguy hiểm hiện hữu.

Phần đầu của bài viết giới thiệu ngắn gọn về tài liệu và phương pháp được sử dụng trong các nghiên cứu và khái niệm về công cụ FRA. Phần tiếp theo trình bày cái nhìn phân tích tổng quan về các rủi ro nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về vấn đề an toàn. Ở phần cuối cùng, các tác giả trình bày những trở ngại chính, các vấn đề vẫn đang diễn ra cũng như các khía cạnh quan trọng của hệ thống An toàn và Vệ sinh lao động hiện nay tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Estonia.

Nội dung bài viết có trong file pdf đính kèm (Tiếng Anh – 884 K)

Tác giả : Karin Reinhold, Marina Järvis, Piia Tint

(ST: K. Dung)


(Nguồn tin: Safety Science, Volume 71, Part C, January 2015, Pages 282-291)