Công nhân hàn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; người sử dụng lao động phải áp dụng biện pháp kiểm soát kỹ thuật để chặn các vật bay vào mắt công nhân

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Công nhân hàn luôn phải đối mặt với nguy cơ tổn thương mắt rất cao. Một nghiên cứu của Canađa đã chỉ ra rằng công nhân hàn chiếm tới 21% tổng số các trường hợp yêu cầu bồi thường do tổn thương mắt.

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (Bureau of Labor Statistics – BLS), năm 2000, số công nhân hàn, cắt và vận hành các máy hàn là khoảng 521.000 người. Quá trình hàn khiến người lao động tiếp xúc với một số lượng lớn các nguồn năng lượng cơ khí, bức xạ, nhiệt hoặc hóa học. Một nghiên cứu về tổn thương mắt được tiến hành trong vòng hai năm đối với công nhân trong các nhà máy sản xuất ô tô chỉ ra rằng khoảng 15% trong số những dạng tổn thương phổ biến nhất (ngoài da, mài mòn giác mạc và tổn thương hóa chất) có liên quan đến quá trình hàn. Quá trình hàn cũng là nguyên nhân đứng thứ hai gây ra các tổn thương mắt liên quan đến các sản phẩm gia dụng.

Quá trình hàn cũng có thể được tiến hành bởi công nhân khác ngoài công nhân hàn – ví dụ như, thợ sửa ống hoặc các công nhân xây dựng. Một nghiên cứu gần đây về các tổn thương mắt có liên quan đến công việc chỉ ra rằng những người lao động “thỉnh thoảng” hoặc “thường xuyên” tiếp xúc với quá trình hàn có nguy cơ tổn thương mắt cao gấp bốn lần so với người lao động không tiếp xúc. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin cụ thể về các hoạt động hoặc các tình huống liên quan đến tổn thương mắt của các công nhân hàn.

Một dạng sự cố điển hình là: “người lao động mài một mối hàn và mảnh kim loại bay dưới kính bảo hộ vào mắt phải” và tổn thương được mô tả là  “mảnh kim loại trong mắt phải”. “Quá trình mài” là hoạt động, “khởi động quy trình thao tác cơ khí thông thường” (không bao gồm sự cố) là yếu tố bắt đầu, “chuyển động hoặc dòng khí” là cơ chế của tai nạn, và “hạt rắn hoặc vật nhỏ” là chủ thể hoặc vật gây nên tổn thương.

Trong một nghiên cứu khoa học, cơ chế chủ yếu của các hạt, bề mặt nóng, và các vật thể rắn là chuyển động hoặc dòng khí (chiếm khoảng 50 đến 77,6%), trong khi hóa chất, chất lỏng và chất ăn mòn là nguyên nhân chính gây văng hoặc bắn (chiếm 77,3%). Các tổn thương hầu hết đều bắt đầu bởi một quy trình thao tác (chiếm 74,9%) trong một quá trình cơ khí thông thường (đó là, khi không có sự cố) (chiếm 86,8%). Các quá trình bắt đầu bởi công nhân khác không phải công nhân hàn (hoặc đồng nghiệp) chiếm khoảng 4,7% tổng số các tổn thương mắt và hầu hết xảy ra trong quá trình thao tác cơ khí thông thường (chiếm 93,6%).

Việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (ví dụ như, kính an toàn, mặt nạ, mũ bảo hiểm) chỉ được nhắc đến trong số 14,7% tổng số trường hợp yêu cầu bồi thường của công nhân hàn, trong đó 20,6% báo cáo rằng đang chuẩn bị sử dụng hoặc đang tháo bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân và 7,0% báo cáo rằng không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Theo kết quả nghiên cứu, vết thương do tổn thương mắt vẫn là một vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp quan trọng đối với người lao động đang làm việc trong các công đoạn hàn. Một phát hiện quan trọng trong các nghiên cứu là công nhân không có chuyên môn hàn khi tiến hành các hoạt động liên quan đến hàn sẽ đối mặt với nguy cơ bị bỏng do các tia cực tím cao hơn rất nhiều so với những rủi ro phổ biến khác của tia cực tím.

Các tổn thương trong nghiên cứu hầu hết là khá nhỏ; chỉ khoảng 1,2% trong các tổn thương đó khiến người lao động bị tàn tật trong khoảng thời gian dài để hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thay thế tiền lương (bồi thường). Chi phí trung bình của tổn thương mắt liên quan đến quá trình hàn chỉ cao hơn một chút so với chi phí y tế cho các trường hợp tổn thương mắt của các công nhân xây dựng (khoảng 157 USD).

Việc sử dụng hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (Personal Protective Equipment – PPE) (ví dụ như: kính an toàn, mặt nạ, mũ bảo hiểm) chỉ được đề cập đến trong 14,7% trường hợp yêu cầu bồi thường của công nhân hàn và 17,8% trường hợp công nhân không có chuyên môn hàn, gợi mở ra một hướng rất quan trọng để áp dụng các biện pháp khắc phục. Hoạt động hàn được xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến những công nhân khác và khoảng không gian xung quanh khu vực hàn nên được xem là nguy hiểm. Ví dụ, diện tích khu vực đó có thể là 100 feet vuông (10×10 feet, tương ứng là khoảng 9,3 m2; 3×3 mét) hoặc lớn hơn; tuy nhiên khoảng cách này còn tùy thuộc đặc trưng hạn chế về không gian của một vài thao tác hàn. Một điều hiển nhiên là những người lao động làm việc gần khu vực hàn cũng có thể được hưởng lợi thông qua việc được tập huấn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, cũng như có thể tránh được hầu hết các tổn thương mắt khác liên quan đến công việc có khả năng phòng ngừa được.

Các tổn thương mắt được xem là có khả năng phòng ngừa khá cao đặc biệt nếu các phương tiện bảo vệ mắt được sử dụng phù hợp và các chi tiết bảo vệ máy được lắp đặt ở vị trí thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro phổ biến. Các biện pháp phổ biến và hiệu quả để ngăn ngừa tổn thương từ quá trình hàn được đề xuất là chính sách thực tiễn và phù hợp đảm bảo an toàn mắt cho người lao động, bao gồm: kính bảo hộ sẵn có và miễn phí cho người lao động, kiểm tra thị lực định kỳ, và kiểm tra tại chỗ việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi các rủi ro xuất hiện. Rất nhiều tổn thương mắt có liên quan đến quá trình hàn là do các tác nhân bên ngoài, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần phải tập trung vào phòng ngừa các rủi ro liên quan đến các hạt chuyển động trong quá trình hàn và mài thông qua các biện pháp kiểm soát kỹ thuật và thiết kế dụng cụ cải tiến.

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: www.ishn.com)