Đánh giá mức nguy cơ và các phương pháp dự đoán nguy cơ
Một số tình trạng nguy hiểm/nguy hại có nguy cơ cực thấp có thể được loại trừ không phải xem xét. Các tình trạng nguy hiểm/nguy hại tạo ra nguy cơ đáng kể cần được giảm đi phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn. Đối với tính trạng nguy hiểm/nguy hại có nguy cơ cao, thì có thể sử dụng sự dự đoán nguy cơ chi tiết hơn.
Nhóm đánh giá phải dự đoán nguy cơ đối với mỗi mối nguy hiểm/nguy hại theo khả năng có thể trên cơ sở các yếu tố có thể xác định được bằng định lượng và cuối cùng phải quyết định xem có cần phải giảm nguy cơ không, do kết quả của việc đánh giá nguy cơ. Để đạt được mục đích này, nhóm đánh giá phải tính đến các chế độ vận hành khác nhau và các trình tự can thiệp:
– Tác động qua lại của người trong toàn bộ chu kỳ tuổi thọ của máy…,
– Tình trạng có thể có của máy (máy thực hiện được chức năng đã định – làm sai chức năng, với nhiều lý do khác nhau: do sự thay đổi tính chất, kích thước vật liệu, chi tiết gia công, hư hỏng bộ phận công việc, do nhiễu loạn từ bên ngoài…; Các thao tác không mong muốn của người vận hành hoặc sử dụng máy sai thấy trước được (mất sự điều khiển máy do người vận hành, do cách thao tác theo phản xạ của con người, do cách thao tác mất tập trung).
Phải áp dụng việc dự đoán và đánh giá nguy cơ sau mỗi bước giảm nguy cơ. Khi thực hiện việc đánh giá nguy cơ, phải xem xét nguy cơ có thể dẫn đến phần lớn các tổn hại nghiêm trọng, xuất hiện sau mỗi mối nguy hiểm/nguy hại, nhưng cũng cần phải tính đến các tổn hại lớn nhất dẫu rằng xác suất xảy ra các tổn hại này không cao.
Các phương pháp dự đoán nguy cơ
Để hỗ trợ cho quá trình dự đoán nguy cơ, có thể lựa chọn và sử dụng một trong số các phương pháp dự đoán nguy cơ sẵn có sau: phương pháp ma trận nguy cơ, phương pháp sơ đồ nguy cơ, phương pháp cho điểm nguy cơ, phương pháp định lượng nguy cơ, cũng có phương pháp hỗn hợp sử dụng kết hợp các phương pháp.
Sự lựa chọn phương pháp dự đoán nguy cơ ít quan trọng hơn bản thân quá trình dự đoán nguy cơ. Lợi ích của đánh giá nguy cơ đạt được bởi quy tắc của quá trình dự đoán hơn là độ chính xác tuyệt đối của các kết quả, miễn là quá trình dự đoán cần quan tâm đầy đủ đến tất cả các yếu tố nguy cơ (Xem bài viết: Dự đoán nguy cơ của mối nguy). Hơn nữa cần tập trung vào các nỗ lực để làm giảm nguy cơ, hơn là mong muốn đạt được độ chính xác tuyệt đối trong dự đoán nguy cơ.
Trong bất cứ phương pháp dự đoán nguy cơ nào (dù là định tính hay định lượng) cũng cần phải được xem xét, xử lý ít nhất là hai thông số mô tả các yếu tố nguy cơ: Tính nghiêm trọng của tổn hại và khả năng xảy ra tổn hại. Một số phương pháp đã đưa vào các thông số: yếu tố con người bị phơi nhiễm với mối nguy hại, khả năng xảy ra sự kiện nguy hiểm và khả năng của cá nhân để tránh và hạn chế tổn hại.
Khi chọn phương pháp dự đoán nguy cơ cụ thể, cần chọn phương pháp mà mỗi thông số được phù hợp nhất với tình trạng hay sự kiện nguy hiểm/nguy hại (nghĩa là viễn cảnh của tai nạn/sức khoẻ, bệnh tật). Sau đó được lựa chọn kết hợp lại sau khi sử dụng phép toán số học đơn giản, các bảng, các biểu đồ hoặc giản đồ để dự đoán nguy cơ.
Phương pháp định lượng nguy cơ được sử dụng để dự đoán tần suất hoặc khả năng xảy ra sự nghiêm trọng cụ thể của tổn hại.
Kiểm soát nguy cơ nhằm loại bỏ các mối nguy hoặc giảm nguy cơ bằng các biện pháp bảo vệ.
Mục tiêu này có thể được đáp ứng bằng việc loại bỏ các mối nguy hiểm/mối nguy hại hoặc giảm đi một cách riêng biệt hoặc đồng thời một trong hai yếu tố xác định nguy cơ:
– Tính nghiêm trọng của tổn hại do mối nguy được xem xét;
– Xác suất xảy ra tổn hại này.
Tất cả các biện pháp bảo vệ dự định sử dụng để đạt mục tiêu này cần phải được áp dụng theo trình tự “phương pháp ba bước”:
(1) Mối nguy đã được loại bỏ hoặc nguy cơ được giảm đi do thiết kế hoặc do thay thế bằng các vật liệu và các chất ít nguy hiểm hơn hoặc do áp dụng các nguyên tắc ecgônômi (gọi chung là “biện pháp thiết kế an toàn vốn có”);
(2) Nguy cơ được giảm đi do áp dụng các biện pháp che chắn bảo vệ (sử dụng bộ phận che chắn/bảo vệ hoặc cơ cấu bảo vệ) và các biện pháp bảo vệ bổ sung (ví dụ, thiết bị dừng khẩn cấp);
(3) Khi việc áp dụng các biện pháp che chắn bảo vệ hoặc biện pháp bảo vệ bổ sung không thực hiện được hoặc không giảm được nguy cơ một cách thích hợp, thì cần áp dụng biện pháp cung cấp thông tin cho sử dụng, cũng phải bao gồm thông báo về nguy cơ dư. Các thông tin này bao gồm:
a. Các quy trình vận hành cho sử dụng máy phù hợp với khả năng của người sử dụng máy, hoặc những người khác bị phơi nhiễm với các mối nguy hại gắn liền với máy;
b. Các quy trình làm việc an toàn nên dùng cho sử dụng máy và các yêu cầu về đào tạo có liên quan được mô tả đầy đủ;
c. Thông tin đầy đủ, bao gồm cả cảnh báo về các nguy cơ dư với các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ tuổi thọ của máy;
d. Mô tả về phương tiện bảo vệ cá nhân nên dùng bao gồm cả các yêu cầu về đào tạo, huấn luyện cho việc sử dụng chúng.
Thông tin cho sử dụng không phải là biện pháp thay thế cho việc áp dụng đúng các biện pháp thiết kế an toàn vốn có hoặc bảo vệ bằng thiết bị bảo vệ hoặc các biện pháp bảo vệ bổ sung.
Các biện pháp bảo vệ đầy đủ gắn liền với mỗi chế độ vận hành và sự ngăn chặn người vận hành sử dụng các kỹ thuật can thiệp nguy hiểm trong trường hợp có khó khăn về kỹ thuật.
Cung cấp thông tin thích hợp cho người sử dụng là phần đóng góp của người thiết kế để giảm nguy cơ, nhưng các biện pháp đó chỉ có hiệu quả khi do người sử dụng thực hiện.
Không có sự phân cấp giữa các biện pháp bảo vệ do người sử dụng lựa chọn. Các biện pháp bảo vệ yêu cầu do các quá trình chuyên dùng không có trong sử dụng máy đúng hoặc do các điều kiện riêng cho lắp đặt mà người thiết kế không thể kiểm soát được.
Điều kiện giảm nguy cơ một cách thích hợp: Sự giảm nguy cơ một cách thích hợp đạt được khi:
(1) Tất cả các điều kiện vận hành và tất cả các thủ tục can thiệp đã được xem xét;
(2) Các mối nguy hiểm/mối nguy hại đã được loại bỏ hoặc các nguy cơ được giảm đến mức thấp nhất có thể thực hiện được;
(3) Bất cứ mối nguy mới nào do các biện pháp bảo vệ tạo ra đã được quan tâm thích đáng;
(4) Người sử dụng được thông báo đầy đủ và được cảnh báo về các nguy cơ dư;
(5) Các biện pháp bảo vệ được tương thích với nhau;
(6) Đã có sự xem xét đầy đủ tới các hậu quả có thể phát sinh do máy được thiết kế cho sử dụng chuyên môn hoá nhưng lại được sử dụng trong bối cảnh không chuyên môn hoá;
(7) Các biện pháp bảo vệ không có ảnh hưởng có hại đến điều kiện làm việc của người vận hành hoặc khả năng sử dụng của máy. (Xem hình dưới: Quá trình giảm nguy cơ từ thiết kế đến sử dụng).
Hình: Quá trình giảm nguy cơ từ thiết kế đến sử dụng
——————————-
Các bài viết có liên quan:
– Phương pháp nhận dạng mối nguy
– Dự đoán nguy cơ của mối nguy
TS. Nguyễn Thế Công
(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động, 2012)