Đánh giá nguy cơ khi sử dụng phương pháp hỗn hợp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Phương pháp đánh giá nguy cơ này xác định một cách định lượng các thông số chất lượng là phương pháp hỗn hợp giữa cho điểm và ma trận.

Phương pháp này bao hàm từ nhận dạng mối nguy đến dự đoán nguy cơ và đánh giá mức nguy cơ, các biện pháp bảo vệ được thực thi và quyết định xem xét an toàn của máy một cách đầy đủ.

Đánh giá nguy cơ khi sử dụng phương pháp này, thông thường có các sơ đồ nguy cơ trong đó chứa các ma trận hoặc hệ thống cho điểm đối với một trong các yếu tố nguy cơ. Một số giá trị định lượng cũng có thể được gắn vào bất cứ phương pháp định tính nào, bao gồm cả việc đưa ra các giải tần số cho các khả năng hoặc sự phơi ra trước mối nguy hiểm. Ví dụ: sự kiện “có thể phơi ra” biểu thị là một lần trong năm và sự “phơi ra cao” có thể được quy định như mỗi giờ một lần.

Trước khi sử dụng phương pháp này cần có sự chuẩn bị (thành lập nhóm, lựa chọn phương pháp, công cụ, chuẩn bị nguồn thông tin). Đồng thời việc xác định các giới hạn của máy như đã quy định.

Nên thiết kế và sử dụng phương tiện dưới dạng biểu bảng với các thông tin hướng dẫn sau:

– Đánh giá tiền nguy cơ: là bước đánh giá nguy cơ đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn thống nhất về quan niệm, ở đây chỉ có các đặc tính và các bản phác thảo. Các bản phác thảo được dùng để lựa chọn các hệ thống chủ yếu của máy, ví dụ đường dẫn động cơ khí hoặc truyền động secvô, bịt kín không khí nóng hoặc bịt kín siêu âm, rào chắn di động hoặc màn chắn ánh sáng.

– Đánh giá nguy cơ trung gian: cần kiểm tra tất cả các đánh giá trung gian được thực hiện trong quá trình phát triển của máy. Có hai bộ tập hợp các mối nguy được xử lý trong giai đoạn này. Các biện pháp bảo vệ đã chỉ ra trong giai đoạn đánh giá tiền nguy cơ phải được thực hiện và đánh giá lại trong giai đoạn này. Kết cấu máy có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Việc đánh giá nguy cơ phải đi theo cùng với việc xem xét lại thiết kế và đề án. Các mối nguy mới phải được xử lý trong giai đoạn này.

– Đánh giá nguy cơ tiếp theo: đánh giá nguy cơ tiếp theo được thực hiện cho các biện pháp bảo vệ đã đặt ra. Không nên có mối nguy mới xuất hiện trong giai đoạn này. Khi một mối nguy mới được nhận dạng tiếp sau các biện pháp bảo vệ, thì mối nguy mới này cũng được dự đoán và đánh giá mức trong giai đoạn này. Nếu cần đến một biện pháp bảo vệ thì việc đánh giá tiếp theo phải được thực hiện lại cho biện pháp bảo vệ này.

– Số tham chiếu: số tham chiếu hoặc số loạt được dùng để đặt cho mỗi mối nguy được nhận dạng, một số dùng cho mục đích tham chiếu.

– Số loại: số loại mối nguy hoặc nhóm mối nguy được dùng để phân loại các mối nguy hiểm, nhóm mối nguy hại. Cùng một mối nguy hiểm có thể yêu cầu một số sự dự đoán do các tình trạng nguy hiểm, sự kiện nguy hiểm khác nhau hoặc do sự phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm khác nhau.

– Sự nghiêm trọng, Se: là sự nghiêm trọng của tổn hại có thể xảy ra, là hậu quả của mối nguy hiểm/mối nguy hại đã nhận dạng. Sự nghiêm trọng được cho điểm như sau:

1- Các vết xước, vết thâm tím được chữa khỏi trong lần cứu chữa đầu tiên hoặc các thương tích tương tự;

2- Các vết xước, vết thâm tím nghiêm trọng hơn, vết đậm cần có sự chăm sóc y tế của thầy thuốc lành nghề, có kinh nghiệm;

 3- Thương tích thường không chữa khỏi được, sẽ hơi khó khăn để tiếp tục làm việc sau khi lành vết thương;

4- Thương tích không chữa khỏi được và sẽ rất khó khăn để tiếp tục làm việc sau khi lành vết thương, nếu làm hết sức mình.

– Tần suất, Fr: là khoảng thời gian trung bình giữa tần suất phơi ra trước mối nguy hiểm/mối nguy hại và khoảng thời gian phơi nhiễm.

Tần suất được cho điểm như sau:

2- Khoảng thời gian giữa các lần phơi ra lớn hơn một năm;

3- Khoảng thời gian giữa các lần phơi ra lớn hơn hai tuần nhưng nhỏ hơn hoặc bằng một năm;

4- Khoảng thời gian giữa các lần phơi ra lớn hơn một ngày nhưng nhỏ hoặc bằng hai tuần;

5- Khoảng thời gian giữa các lần phơi ra lớn hơn 1 giờ nhưng nhỏ hơn hoặc bằng một ngày. Khi khoảng thời gian ngắn hơn 10 phút thì các giá trị trên có thể được giảm đi tới mức tiếp sau;

6- Khoảng thời gian nhỏ hơn hoặc bằng một giờ. Giá trị này không được giảm đi tại bất cứ thời gian nào.

– Xác suất, Pr: là khả năng xảy ra một sự kiện nguy hiểm. Ví dụ, tập tính của con người, độ tin cậy của các bộ phận, lịch sử tai nạn và tính chất của bộ phận hoặc thiết bị để xác định mức xác suất.

Xác suất được cho điểm như sau:

1- Không đáng kể: ví dụ, loại bộ phận này không bao giờ hỏng để xảy ra sự kiện nguy hiểm. Không có khả năng sai sót của con người;

2- Hiếm: ví dụ, loại bộ phận này không chắc sẽ bị hỏng để xảy ra sự kiện nguy hiểm. Sai sót của con người là không chắc có;

3- Có thể: ví dụ, loại bộ phận này có thể hỏng để xảy ra sự kiện nguy hiểm. Sai sót của con người là có thể có;

4- Rất có thể: ví dụ, loại bộ phận này rất có thể hỏng để xảy ra nguy hiểm. Sai sót của con người là rất có thể có;

5- Rất cao: ví dụ, loại bộ phận này không được chế tạo cho ứng dụng này. Nó sẽ hỏng để xảy ra sự kiện nguy hiểm. Tập tính của con người làm cho khả năng sai sót là rất cao

– Sự tránh được, Av: là khả năng tránh được hoặc hạn chế được tổn hại. Ví dụ, máy được vận hành bởi người có kỹ năng hoặc không có kỹ năng, một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tổn hại nhanh như thế nào, và sự nhận biết mối nguy hiểm, nguy cơ bằng thông tin chung, quan sát trực tiếp hoặc thông qua các tín hiệu cảnh báo, để xác định mức tránh được.

Khả năng tránh được được cho điểm như sau:

1- Rất có thể: ví dụ, rất có thể sẽ tránh được sự tiếp xúc với các bộ phận chuyển động đằng sau rào chắn được khoá liên động trong phần lớn các trường hợp khi khoá liên động bị hỏng và chuyển động vẫn tiếp tục;

2- Có thể: ví dụ, có thể tránh được mối nguy hiểm do vướng mắc vào bộ phận máy khi vận tốc chậm;

3- Không thể: ví dụ, không thể tránh được sự xuất hiện đột ngột của một chùm tia laser có công suất lớn hoặc một bộ phận máy có dòng điện chạy qua do cách điện bị hư hỏng.

– Loại, Cl: là khả năng xảy ra tổn hại, được tạo ra bởi các yếu tố hợp thành Fr, Pr và Av. Nên dự đoán mỗi yếu tố trong ba yếu tố một cách độc lập. Nên sử dụng giả thiết xấu nhất cho mỗi yếu tố. Loại Cl là tổng của Fr, Pr và Av, nghĩa là Cl = Fr + Pr + Av.

– Đánh giá mức nguy cơ: Mức nguy cơ được đánh giá bằng cách sử dụng ma trận ở phần giữa và phần trên của biểu mẫu. Khi sự nghiêm trọng Se giao nhau với loại Cl trong vùng màu đen thì phải có các biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ; khi giao nhau trong vùng màu xám thì nên có các biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ; khi giao nhau trong vùng còn lại thì nguy cơ được giảm đi hoàn toàn.

– Biện pháp bảo vệ: Cần thực hiện biện pháp bảo vệ để giảm nguy cơ.

– An toàn đầy đủ: Cần bảo đảm sự an toàn đầy đủ đối với mối nguy hiểm riêng này. Các biện pháp bảo vệ phải được thực thi và tiến hành dự đoán, đánh giá mới với việc sử dụng các thông số nguy cơ đã sửa đổi trước khi chỉ ra nguy cơ là đủ an toàn. Quá trình này bảo đảm hiệu quả của biện pháp bảo vệ, đồng thời bảo đảm rằng, không có các mối nguy hiểm mới được phát sinh khi thực thi biện pháp bảo vệ.

– Bình luận: khi mục “mối nguy hiểm” không đủ để mô tả thì có thể mô tả thêm ở đây. Đặt số tham chiếu mối nguy hiểm cho mối nguy hiểm riêng. Khi sử dụng các ảnh thì phải ghi tham chiếu cho các bức ảnh ở trong mục này.

——————

Tham khảo thêm các phương pháp khác để đánh giá nguy cơ:

– Phương pháp ma trận nguy cơ;

– Phương pháp sơ đồ nguy cơ;

– Phương pháp cho điểm nguy cơ;

– Phương pháp dự đoán nguy cơ theo định lượng;

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)