Đánh giá rủi ro liên quan đến chì như thế nào?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:15(GMT +7)

Người có chuyên môn sẽ đánh giá nguy cơ nhiễm chì và xác định rủi ro đối với người lao động.

Nhận dạng mối nguy hiểm

Sự hiện diện của chì trong nơi làm việc thường được xác định bằng cách lấy mẫu. Nhiều phương pháp và thiết bị lấy mẫu có thể được sử dụng để đo nồng độ chì trong không khí, trong lớp phủ bề mặt (ví dụ, sơn), bụi, đất hoặc các vật liệu khác. Kiểm tra chì phải được tiến hành bởi người có chuyên môn, người sẽ đánh giá nguy cơ nhiễm chì và xác định rủi ro đối với người lao động.

Người đánh giá cần xem xét thực hiện các hành động sau để xác định và đánh giá các mối nguy về chì:

* Xác định vị trí và cách thức sử dụng chì ở nơi làm việc.

– Chì có mặt ở đâu?

– Những công việc hoặc sản phẩm nào liên quan đến việc sử dụng chì?

– Có nguồn ô nhiễm trước đây tại nơi làm việc không?

– Người lao động tiếp xúc với chì như thế nào?

* Xem hồ sơ các dự án trước đây để biết liệu các sản phẩm chì (ví dụ, sơn có chứa chì) có được sử dụng tại nơi làm việc hay không. Ví dụ, kiểm tra thông số kỹ thuật của dự án, báo cáo kiểm tra và bảng dữ liệu an toàn (SDS) từ các nhà máy sản xuất sơn.

* Tiến hành kiểm tra thực địa. Ví dụ, sử dụng xét nghiệm điểm hóa học hoặc máy phân tích huỳnh quang tia X di động để phát hiện chì trong vật liệu nghi ngờ hoặc trên bề mặt.

* Tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác nhận các thử nghiệm tại hiện trường (ví dụ, trong trường hợp nghi ngờ sơn có chứa chì nhưng các thử nghiệm tại hiện trường không cho thấy có chì).

Đánh giá rủi ro về chì

Khi người đánh giá đã xác định được các mối nguy hiểm của chì, bước tiếp theo là đánh giá rủi ro liên quan đến khả năng tiếp xúc với bụi, sương mù hoặc khói chì. Khi đánh giá rủi ro, hãy xem xét các phương pháp làm việc, thủ tục hoặc quy trình có thể dẫn đến phơi nhiễm. Khả năng phơi nhiễm sẽ khác nhau giữa các nơi làm việc và sẽ phụ thuộc vào các hoạt động công việc. Ngoài ra, hãy xem xét công nhân nào có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn. Các biện pháp bảo vệ thích hợp sẽ thay đổi tùy theo loại hoạt động mà người lao động thực hiện.

Việc đánh giá rủi ro phải xem xét tất cả những điều sau:

– Các nguy cơ của chì, bao gồm cả giới hạn phơi nhiễm.

– Thông tin có trong nhãn hoặc bảng dữ liệu an toàn cho bất kỳ sản phẩm nào có chứa chì.

– Báo cáo nhận dạng mối nguy do người đánh giá lập, bao gồm nồng độ chì trong các vật liệu sẽ được sử dụng hoặc được trộn.

– Ảnh hưởng sức khỏe của việc tiếp xúc với chì.

– Phạm vi và tính chất công việc có liên quan đến việc sử dụng chì, bao gồm:

+ Độ dài của ca làm việc và bất kỳ sự thay đổi nào về độ dài ca làm việc trong suốt quá trình của dự án.

+ Có thực hiện bất kỳ công việc “nóng” nào không (hàn, cắt, v.v.).

+ Các đường phơi nhiễm tiềm ẩn với bụi, khói hoặc sương mù chì (trong không khí, từ các bề mặt hoặc cả hai).

+ Thời gian công nhân tiếp xúc với chì.

+ Bất kỳ dữ liệu giám sát nào đã có từ trước (ví dụ, nồng độ chì trong máu).

+ Hiệu quả tiềm tàng của các biện pháp kiểm soát hiện có hoặc đã được hoạch định.

+ Sự hiện diện của bất kỳ công nhân nào dễ bị tổn thương hoặc không được bảo vệ gần bất kỳ hoạt động nào có thể tạo ra bụi, sương mù hoặc khói chì.

Danh sách này không đầy đủ và việc đánh giá rủi ro phải bao gồm bất kỳ thông tin liên quan nào khác.

Việc đánh giá rủi ro phải được người đánh giá xem xét lại nếu có bất kỳ điều nào sau đây:

– Có lý do để tin rằng việc đánh giá không còn phù hợp nữa.

– Có sự thay đổi đáng kể về phạm vi, hoàn cảnh hoặc tính chất của hoạt động công việc.

– Kết quả của bất kỳ giám sát phơi nhiễm hoặc theo dõi sức khỏe nào cho thấy cần phải xem xét lại.

Giám sát phơi nhiễm

Giám sát sự phơi nhiễm bao gồm việc lấy mẫu bụi, sương mù và khói chì trong không khí, cũng như bụi trên bề mặt, ở những nơi công nhân đang làm việc hoặc nghỉ giải lao. Bề mặt phải được lấy mẫu thường xuyên, khoảng thời gian giữa các lần lấy mẫu tùy thuộc vào thời gian và không gian thực hiện công việc liên quan đến chì. Để đảm bảo rằng các quy trình làm sạch có hiệu quả, vài ngày một lần, có thể phải thu thập các mẫu ở các khu vực “sạch”, nơi mà các công việc liên quan đến chì đang được thực hiện.

Số lượng mẫu không khí yêu cầu sẽ phụ thuộc vào tính chất công việc và phạm vi của công việc liên quan đến chì. Các mẫu này phải bao gồm cả mẫu khu vực (được thu thập gần các vị trí làm việc hoặc các quy trình) và mẫu nghề nghiệp được thu thập trực tiếp trên công nhân. Các mẫu cần được thu thập:

– Khi bắt đầu công việc (trong ca đầu tiên của công việc).

– Khi thiết lập tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát tại nơi làm việc.

– Khi có sự thay đổi trong nhóm làm việc.

Nếu hoạt động làm việc tạo ra một lượng đáng kể bụi có chứa chì (ví dụ, nổ mìn) hoặc nếu khu vực làm việc bị ảnh hưởng là rộng, thì cần phải thu thập nhiều mẫu hơn. Tất cả dữ liệu giám sát phơi nhiễm phải được lưu giữ ít nhất 10 năm.

Dữ liệu quan trắc không khí khách quan

Ngày quan trắc không khí được sử dụng để ước tính mức độ phơi nhiễm chì của công nhân và lựa chọn các biện pháp kiểm soát để giảm phơi nhiễm. Việc quan trắc không khí trên một số địa điểm làm việc (ví dụ, công trường xây dựng) có thể gặp khó khăn do tính chất công việc thay đổi và thời gian thực hiện một số nhiệm vụ ngắn. Vào thời điểm nhận được kết quả lấy mẫu không khí, công việc có thể đã hoàn thành và công nhân đã chuyển đến địa điểm khác.

Để có được dữ liệu giám sát phơi nhiễm trong những trường hợp này, người sử dụng lao động có thể sử dụng dữ liệu quan trắc không khí trước đó. Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể sử dụng dữ liệu quan trắc không khí khách quan được thu thập trong các hoạt động công việc tương đương.

Dữ liệu giám sát khách quan là dữ liệu tiếp xúc của người lao động, được thu thập trong một loại các hoạt động làm việc, xuất bản trên các tạp chí khoa học được công nhận và các nguồn nghiên cứu. Phần lớn dữ liệu này đã được xác thực (ví dụ, được một hội đồng chuyên gia đánh giá) và có mức độ tin cậy cao rằng nó có thể được áp dụng cho các hoạt động công việc khác. Một người đánh giá có thể sử dụng dữ liệu này, thay vì thu thập các mẫu của riêng mình, nếu công việc thực hiện trong quá trình nghiên cứu “tương đương” với công việc của người sử dụng lao động. Điều này cũng áp dụng cho dữ liệu lấy mẫu trước đây của người sử dụng lao động hoặc tài liệu tương tự từ một người sử dụng lao động khác, với điều kiện là mẫu được thu thập bởi người đánh giá bằng cách sử dụng các phương pháp lấy mẫu được chấp nhận.

Khi sử dụng bất kỳ dữ liệu khách quan nào để ước tính mức độ phơi nhiễm của công nhân, người đánh giá sẽ phải tuân theo cùng tiêu chuẩn giống như đối với việc thu thập và phân tích kết quả lấy mẫu không khí. Người đánh giá cũng phải có khả năng cung cấp tài liệu và cơ sở hợp lý để chứng minh cho việc sử dụng bất kỳ dữ liệu khách quan hiện có nào.

—————————————-

Tin/bài liên quan:

1. Những ảnh hưởng sức khỏe của việc tiếp xúc với chì là gì?

2. Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 1

3. Làm thế nào để phòng ngừa phơi nhiễm chì tại nơi làm việc – Phần 2


(Nguồn tin: worksafebc.com)