Đánh giá rủi ro nghề nghiệp yếu tố quan trọng trong hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Gần 25 năm sau khi công bố Luật số 91-1414 ngày 31/12/1991 nhằm thúc đẩy phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp và thực thi chỉ thị Châu Âu 89/391/EEC, những doanh nghiệp chịu trách nhiệm đánh giá những rủi ro nghề nghiệp đã làm được những gì? Việc đánh giá rủi ro đã trở thành trụ cột và cơ sở tiếp cận cho việc phòng chống những rủi ro nghề nghiệp như ủy ban Châu Âu mong muốn hay chưa? Và những rủi ro mới trong các doanh nghiệp có còn xuất hiện? Đó chính là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu đã và đang đề cập đến.

Tại Pháp, Luật số 91-1414 ngày 31/12/1991 (Điều L.4121-3 của Bộ luật Lao động) đã quy định rõ ràng NSDLĐ đều đã tiến hành đánh giá rủi ro nghề nghiệp trong môi trường làm việc của từng nhân viên. Nhiệm vụ này được chính thức hóa vào năm 2001 theo Nghị định số 2001-1016 ngày 05/11/2001 (Điều R.4121-1 của Bộ luật Lao động), trong đó NSDLĐ phải tuân thủ các kết quả đánh giá rủi ro ghi trong Tài liệu duy nhất. Theo đó mỗi tổ chức, không phân biệt lĩnh vực và quy mô hoạt động đều phải đánh giá những rủi ro và soạn thảo Tài liệu này. Đặc biệt, tối thiểu hằng năm phải cập nhật những thay đổi quan trọng ảnh hưởng tới điều kiện, an toàn và sức khỏe của NLĐ. Tuy nhiên, các công ty có ít hơn 11 nhân viên có thể áp dụng một số quy định mà không cần phải tuân theo những yêu cầu nêu trên.

Ngoài ra, luật pháp cũng không bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các phương pháp cố định trong việc đánh giá rủi ro nghề nghiệp. Nói chung, các phương pháp tiếp cận đánh giá chủ yếu theo 3 giai đoạn:

-Thiết lập một nhóm công tác và xác định các đơn vị cần đánh giá.

-Xác định những rủi ro và phân tích những nguy hiểm.

-Ước tính những nguy hiểm có thể xẩy ra.

Ở Pháp một điều dễ nhận thấy sự khác nhau rõ rệt giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Một nghiên cứu gần đây của Bộ Lao động cho thấy, 93% các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân có hơn 250 nhân viên đã xây dựng Tài liệu duy nhất. Con số này giảm xuống 75% trong các bệnh viện công và 33% trong những cơ quan hành chính địa phương.

Liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một cuộc điều tra do INRS công bố vào năm 2015, chỉ ra rằng 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ (hơn 10 nhân viên) đã bắt đầu xây dựng Tài liệu duy nhất, trong khi đó chỉ có 46% doanh nghiệp nhỏ dưới 10 nhân viên thực hiện quy định này.

Cuộc khảo sát thứ hai đối với các doanh nghiệp ở Châu Âu về những rủi ro mới nổi (2014-2015) cho thấy, 76% các công ty của 28 nước thuộc Liên minh Châu Âu đã tiến hành đánh giá rủi ro nghề nghiệp.

Theo các nhà nghiên cứu, đánh giá rủi ro không phải là công việc cuối cùng mà là sự khởi đầu cho một cách tiếp cận phòng ngừa đúng đắn. Thường thì khi tiến hành đánh giá, người ta bắt đầu bằng những câu hỏi liệu có thể loại bỏ được những nguy hiểm ở nơi làm việc hay không? Nếu không thì cần những biện pháp kỹ thuật, tổ chức… nào để ngăn chặn những rủi ro cho NLĐ.

Theo thống kê thì khoảng một phần tư các doanh nghiệp đã không đưa ra một kế hoạch hành động nào cho việc ước tính những rủi ro nghề nghiệp, tuy nhiên tất cả các cơ quan nghiên cứu như Bộ Lao động, INRS, Cơ quan châu Âu về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc cho thấy từ nhiều năm nay đã có nhiều cải thiện ngay cả đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ các doanh nghiệp duy trì và phát triển việc đánh giá những rủi ro nghề nghiệp cũng như đưa ra biện pháp phòng ngừ ngày một gia tăng. Đặc biệt những doanh nghiệp của Pháp có hơn 50 nhân viên đã rất nghiêm túc trong việc đánh giá rủi ro trong những bước phòng ngừa của họ.

Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này được thực hiện bởi một nhóm đa ngành và tiêu tốn thời gian nhưng nó đã khắc họa được một bức tranh rõ ràng và khách quan về những rủi ro mà NLĐ phải đối mặt từ đó để xác định và phân tích một cách tường tận những rủi ro để có những ưu tiên thích hợp.

Tiêu chuẩn của ILO-OSH 2001/OHSAS 18001 đặt ra việc đánh giá rủi ro nghề nghiệp là trung tâm của hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Do đó, những doanh nghiệp có thể áp dụng những kết quả đánh giá rủi ro trong kho dữ liệu này. Từ đó đưa ra những chính sách an toàn và xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động.

Theo WWW.tennaxia.com

Lâm Quang


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ 8/2017)