Dự đoán nguy cơ của mối nguy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:13(GMT +7)

Nguyên tắc chung: Sau khi đã nhận dạng được mối nguy, cần tiếp tục thực hiện bước dự đoán nguy cơ cho mỗi tình trạng nguy hiểm/nguy hại bằng cách xác định các yếu tố của nguy cơ.

Nguy cơ kết hợp với một tình trạng nguy hiểm hoặc một sự phơi nhiễm riêng phụ thuộc vào các yếu tố:

–  Tính nghiêm trọng của tổn hại;

– Khả năng xảy ra tổn hại này, nó là hàm số của: (1) Tình trạng nguy hiểm/sự phơi nhiễm của con người với mối nguy hại; (2) Việc xảy ra sự kiện nguy hiểm/thời gian phơi nhiễm; (3) Các khả năng kỹ thuật và khả năng của con người để tránh và hạn chế tổn hại (xem hình dưới – Các yếu tố của nguy cơ ).

 Hình: Các yếu tố của nguy cơ

Có thể dự đoán tính nghiêm trọng của tổn hại khi xem xét đến:

– Sự nghiêm trọng của tổn thương về thể chất (mức độ thương tích) hoặc mức tác hại về sức khoẻ/mắc bệnh nghề nghiệp, ví dụ: nhẹ, nặng hoặc tử vong;

–  Mức độ tổn hại, ví dụ: một người, nhiều người.

Có thể dự đoán khả năng xảy ra tổn hại bằng cách tính đến các yêu cầu như sau:

a. Tình trạng nguy hiểm hoặc sự phơi nhiễm của con người với mối nguy hại có ảnh hưởng đến khả năng xảy ra tổn hại, các yếu tố được tính đến khi dự đoán gồm:

– Sự cần thiết phải tiếp cận vùng nguy hiểm/vùng nguy hại;

– Bản chất của việc tiếp cận (ví dụ, tiếp cận các vật liệu bằng tay);

– Thời gian ở trong vùng nguy hiểm/vùng nguy hại;

– Số người tiếp cận vùng nguy hiểm/vùng nguy hại;

– Tần suất tiếp cận vùng nguy hiểm/vùng nguy hại.

b. Việc xảy ra các sự kiện nguy hiểm hay thời gian bị phơi nhiễm có ảnh hưởng đến khả năng xảy ra tổn hại. Các yếu tố được quan tâm khi dự đoán gồm:

– Độ tin cậy và các dữ liệu thống kê khác;

– Lịch sử của tai nạn;

– Lịch sử của sự tác hại đến sức khoẻ, bệnh tật;

– So sánh nguy cơ.

c. Khả năng tránh hoặc hạn chế tổn hại có ảnh hưởng đến khả năng xảy ra tổn hại. Các yếu tố cần được tính đến khi dự đoán gồm:

– Kỹ năng của người trong tình trạng nguy hiểm/phơi nhiễm với mối nguy hại (ví dụ có kỹ năng hoặc không có kỹ năng);

– Tốc độ/thời gian xảy ra sự kiện nguy hiểm hoặc thời gian phơi nhiễm;

– Khả năng về sự nhận biết nguy cơ bất kỳ;

– Khả năng của con người có thể tránh hoặc hạn chế tổn hại;

– Kinh nghiệm thực tế và kiến thức.

Sơ đồ thể hiện các điều kiện xảy ra tổn hại như trên hình dưới (Các điều kiện xảy ra tổn hại)


Hình: Các điều kiện xảy ra tổn hại

Các khía cạnh cần được xem xét trong dự đoán nguy cơ

1. Nhóm người ở trong tình trạng nguy hiểm hay bị phơi nhiễm với mối nguy hại những người có thể thấy trước được là họ có thể ở trong tình trạng nguy hiểm hoặc bị phơi nhiễm với mối nguy hại.

2. Loại, tần suất và thời gian xuất hiện trong vùng nguy hiểm hoặc bị phơi nhiễm với mối nguy hại (cần phải chú ý đến khả năng xảy ra tổn hại tích luỹ về sức khoẻ do bị phơi nhiễm trong thời gian dài – như: viêm da, hen suyễn nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, tổn thương do căng thẳng lặp lại);

3. Quan hệ giữa sự phơi nhiễm với mối nguy hại và các ảnh hưởng của nó phải được tính đến cho từng tình trạng nguy hại, sự phơi nhiễm được xem xét. Các ảnh hưởng của việc bị phơi nhiễm với mối nguy hại nhiều lần và các ảnh hưởng hỗ trợ cũng phải được xem xét. Dự đoán nguy cơ với tư cách là kết quả của việc xem xét các ảnh hưởng này phải dựa trên các dữ liệu thích hợp đã được thừa nhận và càng gần thực tế càng tốt;

4. Các yếu tố con người có thể ảnh hưởng đến nguy cơ và phải được tính đến trong dự đoán nguy cơ, bao gồm: sự tương tác giữa con người với máy, giữa người với người; sự căng thẳng và các khía cạnh liên quan; các khía cạnh liên quan đến ecgônômi; sự nhận biết nguy cơ của con người trong tình huống đã cho phụ thuộc vào sự đào tạo, kinh nghiệm và khả năng của họ; các khía cạnh về sự mệt mỏi…

5. Sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ cần được tính đến: sự nhận biết các hoàn cảnh có thể gây ra tổn hại, khi sử dụng các phương pháp định lượng thích hợp để so sánh các biện pháp bảo vệ lựa chọn, và cung cấp thông tin cho phép lựa chọn các biện pháp bảo vệ thích hợp;

6. Khả năng thất bại hoặc né tránh các biện pháp bảo vệ: khi biện pháp bảo vệ làm giảm hoạt động sản xuất/cản trở hoạt động khác, khi biện pháp bảo vệ khó khăn để sử dụng/không được ưa chuộng, khi đòi hỏi sự tham gia của những người khác, khi không được thừa nhận/chấp nhận là thích hợp với chức năng bảo vệ;

7. Khả năng duy trì các biện pháp bảo vệ phải được xem xét trong các điều kiện cần thiết để cung cấp mức bảo vệ yêu cầu;

8. Thông tin cho sử dụng cần phải được tính đến, nếu có khi dự đoán nguy cơ.

———————

Bài viết có liên quan:

– Phương pháp nhận dạng mối nguy

– Đánh giá mức nguy cơ và các phương pháp dự đoán nguy cơ;

TS. Nguyễn Thế Công


(Nguồn tin: Theo cuốn Bảo hộ lao động, Chủ biên PGS.TS. Nguyễn An Lương, NXB Lao động – 2012)