Hệ tiêu chí xác định mô hình “Cơ sở văn hóa an toàn trong sản xuất” ở Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Văn hóa an toàn nói riêng và văn hóa doanh nghiệp nói chung là tài sản vô hình và vô giá của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng văn hóa an toàn doanh nghiệp là rất cần thiết và nhiều khó khăn, vì đây là vấn đề còn rất mới ở nước ta.

Để mô hình cơ sở VHAT phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế, trước hết cần phải xem xét các xu hướng và mô hình văn hóa doanh nghiệp nói chung. Lược qua các giai đoạn của những thập kỷ gần đây có thể thấy từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay có 4 xu hướng chủ yếu phát triển của văn hóa doanh nghiệp:

Hình 1. Cấu trúc và mối quan hệ qua lại giữa các thành tố văn hóa an toàn

Xu hướng thứ nhất: Tôn trọng con người với tư cách là chủ thể hành vi, coi trọng tính tích cực và tính năng động của con người trong kinh doanh, coi việc nâng cao tố chất của con người là điều kiện quan trọng đầu tiên của phát triển doanh nghiệp;

Xu hướng thứ hai: Coi trọng chiến lược phát triển và mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp để bồi dưỡng ý thức văn hóa doanh nghiệp cho toàn thể công nhân viên chức;

Xu hướng thứ ba: Coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của doanh nghiệp, tạo ra một không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết nhằm cống hiến sức lực và trí tuệ cho doanh nghiệp;

Xu hướng thứ tư: Coi trọng vai trò tham gia quản lý của công nhân viên chức, khích lệ tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên trong doanh ngiệp.

Là một cấu thành của văn hóa doanh nghiệp, VHAT cũng được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ dễ nhận biết đến ẩn sâu trong tiềm thức của tập thể mà phải qua thời gian dài mới biểu hiện ra được. Cấu trúc của VHAT gồm 4 nhóm: nhóm yếu tố giá trị; nhóm yếu tố chuẩn mực; nhóm yếu tố không khí và phong cách quản lý của doanh nghiệp và nhóm yếu tố hữu hình. 

 “Giá trị” – là thước đo các hành xử, xác định những gì doanh nghiệp phải làm, xác định những gì doanh nghiệp cho là đúng và giá trị ở đây gồm 2 loại: loại thứ nhất là các giá trị đã tồn tại trong doanh nghiệp hình thành theo lịch sử, có thể do rèn luyện có chủ đích, có thể hình thành tự phát; loại thứ hai là các giá trị mới mà lãnh đạo mong muốn doanh nghiệp mình có để đáp ứng với tình hình mới và phải xây dựng từng bước trong thời gian dài.

Chuẩn mực” – Là những quy định không thành văn nhưng được mọi người tự giác tuân thủ. Cũng có thể xếp các yếu tố nghi lễ được sử dụng trong các sự kiện quan trọng của doanh nghiệp, logo… vào nhóm này.

Không khí” – có thể hiểu là các ngầm định về cung cách ứng xử hàng ngày của các thành viên trong tổ chức, có thể niềm nở hay nghiêm túc, vui đùa xuề xòa hay công thức, trang trọng, giữ khoảng cách hay thân mật, ăn nói thoải mái có phần bỗ bã hay hình thức hàn lâm…. ;

Phong cách quản lý của doanh nghiệp”- thể hiện ở thái độ và quyền lực của người quản lý trong việc thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Phong cách quản lý được thể hiện theo nhiều cách khác nhau như: độc đoán, dân chủ, cứng nhắc hay mềm dẻo…

Nhóm cuối cùng – “Hữu hình” – Là phần nổi dễ nhìn thấy như: bàn ghế, trang thiết bị, công nghệ, máy móc, nhà xưởng, khẩu hiệu… hoặc các chuẩn mực hành vi như nghi lễ, nghi thức, các nguyên tắc, hệ thống thủ tục, chương trình…

Từ cách tiếp cận và phân tích trên cho thấy một mô hình cơ sở VHAT cần thiết phải đáp ứng được các yêu cầu và những tiêu chí cơ bản như sau:

Yêu cầu:

– Sự đầy đủ, phù hơp và khả thi đối với điều kiện thực tế của Việt Nam trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

– Sự hài hòa và phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng toàn diện. Đặc biệt đối với những vấn đề nhạy cảm và phi truyền thống như rào cản thương mại; Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT; Hiệp định đối tác xuyên thái bình dương TPP  v.v…

12 Tiêu chí cơ bản:

1- Chính sách và sự cam kết của lãnh đạo về ATVSLĐ;

2- Trách nhiệm, nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ trong ATVSLĐ;

3- Nhận biết, hiểu biết về ATVSLĐ (bao gồm các v/đ huấn luyện). Sự kế thừa và truyền thống thương hiệu;

4- Hồ sơ về ATVSLĐ;

5- Chương trình, kế hoạch biện pháp về ATVSLĐ;

6- Các nội dung về Pháp Luật, tổ chức quản lý, KHCN, đầu tư nhân lực cho công tác ATVSLĐ;

7- Sự tham gia của NLĐ, vai trò của tổ chức Công đoàn;

8- Lập kế hoạch, triển khai thực hiện ATVSLĐ;

9- Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện ATVSLĐ;

10- Đánh giá rủi ro ATVSLĐ và các giải pháp giảm thiểu, kiểm soát rủi ro ATVSLĐ;

11- Điều tra TNLĐ, BNN và các sự cố sản xuất liên quan tới ATVSLĐ;

12- Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện.

Ngoài ra còn nhiều tiêu chí khác, cho phép đánh giá chi tiết hơn tình hình ATVSLĐ tại DN.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)