Những nội dung cơ bản của mô hình “Cơ sở văn hóa an toàn trong sản xuất”

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:16(GMT +7)

Về nguyên tắc các nội dung và hoạt động của mô hình cơ sở VHAT phải dựa trên hệ thống quản lý quốc gia về ATVSLĐ và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở, cũng như phải có khả năng đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tế của cơ sở, giúp cho cơ sở áp dụng các nguyên tắc và phương pháp quản lý ATVSLĐ thích hợp để công tác ATVSLĐ ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt khi thiết lập hệ thống quản lý ATVSLĐ tại cơ sở, cũng như xây dựng các hướng dẫn chi tiết ở cơ sở cần lưu ý đến qui mô, cơ sở hạ tầng của các cơ sở cũng như các yếu tố nguy hiểm, mức độ rủi ro có thể xảy ra trong sản xuất ở cơ sở. Ngoài ra, hệ thống quản lý ATVSLĐ của cơ sở cũng cần nêu rõ rằng việc tuân thủ các yêu cầu về ATVSLĐ theo đúng pháp luật và các qui định quốc gia là trách nhiệm và nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ, đồng thời NSDLĐ cần chỉ đạo và cam kết về các hoạt động ATVSLĐ ở cơ sở. Như vậy hoạt động của mô hình “Cơ sở VHAT trong sản xuất” cần bao gồm những nội dung chính sau:

1. Tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm hoạt động

– Để bộ máy quản lý hoạt động gọn nhẹ, cơ sở lao động cần thành lập bộ phận quản lý chung về an toàn-vệ sinh lao động theo các quy định hiện hành. Đảm bảo các cán bộ quản lý VHAT có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật phòng, chống cháy nổ, kỹ thuật môi trường, vệ sinh lao động; cũng như có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của cơ sở.

– Bộ phận quản lý VHAT có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động ATVSLĐ; Phối hợp với các bộ phận có liên quan trong cơ sở lao động tiến hành các công việc sau:

+ Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong cơ sở lao động;

+ Quản lý theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động;

+ Xây dựng kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động hằng năm và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn – vệ sinh lao động của Nhà nước, của cơ sở lao động trong phạm vi cơ sở lao động;

+ Tổ chức huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động cho người lao động;

+ Kiểm tra về an toàn – vệ sinh lao động theo định kỳ ít nhất 1 tháng/1 lần các bộ phận sản xuất và những nơi có các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ Kiểm tra môi trường lao động, an toàn thực phẩm (nếu đơn vị tổ chức bữa ăn công nghiệp); theo dõi tình hình thương tật, bệnh tật phát sinh do nghề nghiệp; đề xuất với người sử dụng lao động các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe lao động.

– Bộ phận quản lý VHAT tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn – vệ sinh lao động trong phạm vi cơ sở lao động, cũng như đề xuất với người sử dụng lao động biện pháp khắc phục các tồn tại về an toàn – vệ sinh lao động. Đặc biệt chú trọng các vấn đề như: điều tra, thống kê, báo cáo và quản lý các vụ tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành; kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động, góp ý về lĩnh vực an toàn – vệ sinh lao động tại các cuộc họp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong việc lập và duyệt các đề án thiết kế, thi công, nghiệm thu, trong việc tổ chức tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhà xưởng, máy, thiết bị; chủ động đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, của các đơn vị cấp dưới hoặc của người lao động, cũng  như tham gia ý kiến vào việc thi đua, khen thưởng; tổng hợp, đề xuất khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân trong công tác bảo hộ lao động, an toàn – vệ sinh lao động.

– Cơ sở VHAT phải bố trí thành lập bộ phận y tế tại cơ sở theo đúng các quy định hiện hành. Trường hợp cơ sở lao động không thành lập được bộ phận y tế theo quy định thì phải có hợp đồng chăm sóc sức khỏe với một trong các cơ quan y tế địa phương như: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Phòng khám đa khoa khu vực; Bệnh viện huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) hoặc trung tâm y tế huyện.

– Bộ phận y tế có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động với các nhiệm vụ chính sau:

+ Thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở lao động và sơ cứu, cấp cứu các trường hợp tai nạn lao động;

+ Quản lý tình hình sức khỏe của người lao động, bao gồm: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh nghề nghiệp; lưu giữ và theo dõi hồ sơ sức khỏe tuyển dụng, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có);

+ Quản lý cơ số trang thiết bị, thuốc men phục vụ sơ cứu, cấp cứu theo ca sản xuất (nếu có) và theo phân xưởng sản xuất;

+ Xây dựng các nội quy về vệ sinh lao động, các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và các biện pháp dự phòng để người lao động tham gia phòng tránh;

+ Xây dựng các tình huống sơ cấp cứu thực tế tại cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng các phương án và tình huống cấp cứu tai nạn lao động tại cơ sở nhằm bảo đảm sơ cấp cứu có hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn;

+ Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở lao động; phối hợp với bộ phận an toàn – vệ sinh lao động để triển khai thực hiện đo, kiểm tra, giám sát các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động, hướng dẫn các phân xưởng và người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh lao động;

+ Xây dựng kế hoạch điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khỏe định kỳ là loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp;

+ Định kỳ hằng năm tổ chức huấn luyện cho người lao động về ảnh hưởng của các yếu tố có hại phát sinh trong môi trường lao động đến sức khỏe và các biện pháp dự phòng các bệnh có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp; các biện pháp sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động thông thường tại nơi làm việc;

+ Hằng năm kiểm tra, giám sát môi trường lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở; đề xuất các khuyến nghị và biện pháp cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động;

+ Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật (cơ cấu định lượng hiện vật, cách thức tổ chức bồi dưỡng) cho những người làm việc trong điều kiện lao động có hại đến sức khỏe;

+ Tham gia hoàn chỉnh các thủ tục để giám định tổn hại sức khỏe, thương tật cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;

+ Phối hợp và nhận sự chỉ đạo của cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành (nếu có) để quản lý sức khỏe của người lao động; tiếp nhận và thực hiện đầy đủ chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của y tế địa phương và y tế Bộ, ngành;

+ Thực hiện các báo cáo định kỳ về quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động đối với cơ quan y tế địa phương và y tế Bộ, ngành (nếu có).

– Mạng lưới cán bộ VHAT: Mỗi đơn vị và tổ sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải phân công, bố trí có ít nhất một cán bộ VHAT  kiêm nhiệm trong giờ làm việc và phải là người lao động trực tiếp, am hiểu nghiệp vụ (chuyên môn và kỹ thuật an toàn – vệ sinh lao động), nhiệt tình và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn – vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.

– Cán bộ VHAT hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người đại diện tập thể người lao động, trên cơ sở “Quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn – vệ sinh viên” do người sử dụng lao động ban hành. Nhiệm vụ của cán bộ VHAT bao gồm:

+ Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, phòng, khoa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn – vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa chấp hành các quy định về an toàn – vệ sinh lao động.

+ Giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy trình, nội quy an toàn – vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn – vệ sinh lao động của người lao động trong tổ, phòng, khoa; phát hiện những trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị.

+ Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động, các biện pháp, phương án làm việc an toàn – vệ sinh lao động trong phạm vi tổ, phòng, khoa; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ, phòng, khoa.

+ Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị và nơi làm việc.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động

Kế hoạch và tổ chức hoạt động về VHAT được xây dựng dựa trên các nội dung cụ thể về ATVSLĐ của cơ sở như sau:

– Cơ sở lao động khi lập kế hoạch hoạt động thực hiện nhiệm vụ hằng năm của cơ sở thì đồng thời phải lập kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch xây dựng kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động bổ sung phù hợp với nội dung công việc.

– Kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động phải được lập từ tổ sản xuất, phòng, ban trở lên, đồng thời phải được thông báo để mọi người lao động tham gia ý kiến.

– Việc lập kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động phải căn cứ vào các nội dung sau:

+ Chi phí công tác an toàn – vệ sinh lao động năm trước; nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch;

+ Những thiếu sót tồn tại trong công tác an toàn – vệ sinh lao động được rút ra từ các sự cố, vụ tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, các báo cáo kiểm điểm việc thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động năm trước;

+ Các kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của các đoàn thanh tra, kiểm tra;

+ Các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn – vệ sinh lao động, bảo hộ lao động.

– Kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động phải bao gồm cả nội dung, biện pháp, kinh phí, thời gian hoàn thành, phân công tổ chức thực hiện. Nội dung của kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động ít nhất phải có các thông tin sau:

+ Các biện pháp về kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ;

+ Các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc: lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hút hơi khí độc, hệ thống chiếu sáng, vách ngăn tiếng ồn, hệ thống chống rung sóc; cách ly vi sinh vật gây hại; cải tạo nhà tắm, nhà vệ sinh; đo kiểm môi trường lao động …;

+ Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

+ Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp;

+ Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao động.

– Việc tổ chức thực hiện các kế hoạch về VHAT của cơ sở cần được triển khai thực hiện ngay sau khi kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động được phê duyệt, các cán bộ VHAT được giao nhiệm vụ phải phối hợp với bộ phận an toàn – vệ sinh lao động và bộ phận y tế để tổ chức triển khai, đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.Người sử dụng lao động có trách nhiệm định kỳ tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động và thông báo kết quả thực hiện cho người lao động trong cơ sở lao động biết.

3. Công tác kiểm tra và đánh giá

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn – vệ sinh lao động trong cơ sở lao động và hoàn toàn được chủ động quyết định thực hiện, nhưng phải bảo đảm việc kiểm tra toàn diện được tiến hành ít nhất 6 tháng/lần ở cấp cơ sở lao động và 3 tháng/1 lần ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể như sau:

Nội dung kiểm tra

– Việc thực hiện các quy định về an toàn – vệ sinh lao động như: khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật, khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động…;

– Hồ sơ, sổ sách, nội quy, quy trình và biện pháp an toàn, sổ ghi biên bản kiểm tra, sổ ghi kiến nghị;

– Việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, biện pháp an toàn đã ban hành;

– Tình trạng an toàn, vệ sinh của các máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng và nơi làm việc như: Che chắn tại các vị trí nguy hiểm, độ tin cậy của các cơ cấu an toàn, chống nóng, chống bụi, chiếu sáng, thông gió, thoát nước …;

– Việc sử dụng, bảo quản trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu y tế;

– Việc thực hiện các nội dung của kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động;

– Việc thực hiện kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra;

– Việc quản lý, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và việc kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại;

– Kiến thức an toàn – vệ sinh lao động, khả năng xử lý sự cố và sơ cứu, cấp cứu của người lao động;

– Việc tổ chức ăn uống bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe người lao động;

– Hoạt động tự kiểm tra của cấp dưới, việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị về an toàn – vệ sinh lao động của người lao động;

– Trách nhiệm quản lý công tác an toàn – vệ sinh lao động và phong trào quần chúng về an toàn – vệ sinh lao động;

– Các nội dung khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.

Hình thức kiểm tra

– Kiểm tra tổng thể các nội dung về an toàn – vệ sinh lao động có liên quan đền quyền hạn của cấp kiểm tra;

– Kiểm tra chuyên đề từng nội dung kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động;

– Kiểm tra sau đợt nghỉ sản xuất dài ngày;

– Kiểm tra trước hoặc sau mùa mưa, bão;

– Kiểm tra sau sự cố, sau sửa chữa lớn;

– Kiểm tra định kỳ để nhắc nhở hoặc chấm điểm để xét duyệt thi đua;

– Các hình thức kiểm tra khác phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở.

Tổ chức việc tự kiểm tra

Để việc tự kiểm tra có hiệu quả, tránh hình thức, đối phó cần phải chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm chỉnh các bước sau:

– Thành lập đoàn kiểm tra: ở cấp doanh nghiệp và cấp phân xưởng khi tự kiểm tra nhất thiết phải tổ chức đoàn kiểm tra, những người tham gia kiểm tra phải là những người có trách nhiệm của cơ sở lao động và của công đoàn, có hiểu biết về kỹ thuật an toàn – vệ sinh lao động;

– Họp đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định lịch kiểm tra;

– Thông báo lịch kiểm tra đến các đơn vị hoặc các tổ chức sản xuất;

– Tiến hành kiểm tra: Quản đốc phân xưởng (nếu là kiểm tra ở phân xưởng) phải báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động với đoàn kiểm tra và đề xuất các kiến nghị, biện pháp khắc phục thiếu sót tồn tại ngoài khả năng tự giải quyết của phân xưởng; dẫn đoàn kiểm tra đi xem xét thực tế và trả lời các câu hỏi, cũng như tiếp thu các chỉ dẫn của đoàn kiểm tra; Mọi vị trí sản xuất, kho tàng đều phải được kiểm tra;

– Lập biên bản kiểm tra: Đoàn kiểm tra ghi nhận xét và kiến nghị đối với đơn vị được kiểm tra; ghi nhận các vấn đề giải quyết thuộc trách nhiệm của cấp kiểm tra vào sổ biên bản kiểm tra của đơn vị được kiểm tra; Trưởng đoàn kiểm tra và trưởng bộ phận được kiểm tra phải ký vào biên bản kiểm tra;

– Xử lý kết quả sau kiểm tra: Đối với các đơn vị được kiểm tra phải xây dựng kế hoạch khắc phục các thiếu sót tồn tại thuộc phạm vi của đơn vị giải quyết, đồng thời gửi cấp kiểm tra để theo dõi thực hiện; Cấp kiểm tra phải có kế hoạch phúc tra việc thực hiện kiến nghị đối với cơ sở lao động; tổng hợp những nội dung thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của mình đối với cấp dưới và giao các bộ phận giúp việc tổ chức thực hiện.

– Thời hạn tự kiểm tra ở cấp doanh nghiệp và cấp phân xưởng được xem xét tùy theo tính chất sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động quy định các hình thức tự kiểm tra và thời hạn tự kiểm tra ở cấp doanh nghiệp và cấp phân xưởng. Tuy nhiên, định kỳ tự kiểm tra toàn diện phải được tiến hành ít nhất 6 tháng/1 lần ở cấp doanh nghiệp và 3 tháng/1 lần ở cấp phân xưởng.Tự kiểm tra ở tổ sản xuất phải tiến hành vào đầu giờ làm việc hàng ngày và trước khi bắt đầu vào một công việc mới, vì vậy cần phải được làm nhanh, gọn.

4. Thống kê, báo cáo, sơ kết và tổng kết

– Cơ sở VHAT phải mở sổ thống kê các nội dung cần phải báo cáo theo quy định hiện hành. Các số liệu thống kê phải được lưu giữ ít nhất là 5 năm ở cấp phân xưởng và 10 năm ở cơ sở lao động để làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp đối với công tác an toàn – vệ sinh lao động ở cơ sở lao động.

– Cơ sở lao động, kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện có trụ sở tại địa phương, đơn vị đến thi công tại địa phương phải thực hiện báo cáo công tác an toàn – vệ sinh lao động định kỳ một năm 2 lần (báo cáo 6 tháng và hằng năm) với cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý và với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương theo mẫu được quy định hiện hành. Trong đó Báo cáo 6 tháng đầu năm phải gửi trước ngày 5 tháng 7, báo cáo năm phải gửi trước ngày 10 tháng 01 của năm sau.

– Định kỳ 6 tháng và hằng năm, cơ sở lao động phải tổ chức sơ kết, tổng kết công tác an toàn – vệ sinh lao động, với các nội dung: Phân tích các kết quả, các thiếu sót, tồn tại và các bài học kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân làm tốt công tác an toàn – vệ sinh lao động tại cơ sở lao động; phát động phong trào thi đua bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động. Việc sơ kết, tổng kết phải được thực hiện từ cấp phân xưởng, đội sản xuất lên đến cơ sở lao động.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)