Hóa chất và tiếng ồn – Một sự kết hợp nguy hiểm

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:14(GMT +7)

Sự phơi nhiễm đồng thời với cả chất hóa học và tiếng ồn có thể tăng đột biến nguy cơ hiệu ứng “ototoxic”

Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc suy giảm thính giác liên quan đến lao động là do phơi nhiễm với tiếng ồn, trong đó di truyền và tuổi tác cũng là những nhân tố đóng góp. Điều chưa thực sự được hiểu thấu đáo ở đây là việc tiếp xúc với một số chất hóa học cũng có khả năng gây hại đến hệ thính giác của chúng ta. Các thử nghiệm trên động vật và con người đã chỉ ra rằng, một vài chất hóa học nhất định có thể gây ra hiệu ứng “ototoxic” (phá hủy hệ thính giác và chứng năng cân bằng của tai). Nói chung, sự phơi nhiễm với các nồng độ hóa chất gây ra những hiệu ứng trên được coi là ở mức cao. Tuy nhiên, sự phơi nhiễm đồng thời với cả chất hóa học và tiếng ồn có thể tăng đột biến nguy cơ hiệu ứng “ototoxic”.

Các chất ototoxin là gì?

Ototoxic là các chất hóa học có thể huy hoại hệ thính giác và gây ra sự suy giảm chức năng nghe từ nhẹ tới nặng, ù tai (sự rung động của tai), hay là điếc. Những chất hóa học loại này có thể nhiễm vào cơ thể người qua ăn uống, hít thở hoặc thấm qua da. Khi chất này nằm trong mạch máu, nó sẽ được chuyển tới tai và hấp thụ bởi hệ thần kinh thính giác, hủy hoại các dây thần kinh và gây ra sự suy giảm chức năng nghe. Các chất hóa học ototoxin còn có thể gây ra sự suy giảm chức năng nghe bằng cách phá hủy các tế bào thần kinh ốc tai (điều nay cũng tương tự như sự ảnh hưởng của âm thanh đối với tai).

Ảnh hưởng của sự phơi nhiễm chất hóa học đối với khả năng nghe

Bản thân các chất hóa học có thể gây ra sự suy giảm chức năng nghe, tuy nhiên, khi được kết hợp với tiếng ồn, ảnh hưởng này có thể trở nên nguy hại hơn. Các dung môi hữu cơ là những chất hóa học thường được coi là gây ra hiện tượng trên, tuy nhiên, cũng có thể có những chất hóa học khác (ví dụ kim loại và các chất gây ngạt). Tần suất nghe bị ảnh hưởng do phơi nhiễm với dung môi thì khác so với tần suất nghe bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các dung môi có thể tương tác cộng hưởng với tiếng ồn. Thậm chí khi tiếng ồn và các chất hóa học ở một mức độ cho phép thì sự ảnh hưởng của nó tới hệ thính giác còn nghiêm trọng hơn so với sự ảnh hưởng của chất hóa học có nồng độ cao hơn hoặc tiếng ồn ở cường độ lớn hơn.

Các chất hóa học gây ra sự suy giảm khả năng nghe: Benzen, cacbon disunfua, cacbon monoxit, etylbenzen, hydro xianua, chì, thủy ngân, n-Hexan, hỗ hợp dung môi, styren, tricloetylen, toluen, xilen.

Các dung môi hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong các ngành: nhiên liệu động cơ và máy bay; trong công nghiệp chất dẻo; chất làm mịn cho sơn, sơn mài và chất nhuộm; chất tẩy, thuốc, nước hoa, nhuộm giấy, nhuộm vải, mực in, phun sơn phủ bề mặt và thuốc đuổi côn trùng.

Các ngành nghề chịu tác động của sự kết hợp hóa chất và tiếng ồn bao gồm: chế tạo tàu; xây dựng; phòng cháy chữa cháy; tiếp nhiên liệu động cơ và máy bay; sản xuất đồ gỗ; sản xuất kim loại, vải và các sản phẩm hóa dầu; vẽ; in; chế tạo vũ khí.

Những thách thức

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các chất ototoxin, đặc biệt là dung môi hữu cơ tới người phơi nhiễm là một việc khó khăn. Công nhân thường phơi nhiễm bởi hỗn hợp các dung môi với các thành phần và nồng độ khác nhau, chính điều này khiến cho việc phân tích chính xác các hóa chất cũng như mức độ mà các chất hóa học ảnh hưởng tới hệ thính giác trở nên khó khăn. Không những thế, trong môi trường công nghiệp, nơi có sự góp mặt đồng thời của hóa chất cũng như tiếng ồn gây cản trở cho việc phân biệt những hiệu ứng do hóa chất gây ra so với hiệu ứng gây ra bởi tiếng ồn.

Hiện chưa có những hướng dẫn chính xác về ngưỡng tiếp xúc mà các dung môi có khả năng gây ra ảnh hưởng tới thính giác, nhưng điều đó cũng cho thấy những quy định cũng như các chương trình bảo vệ cho người công nhân làm việc tiếp xúc với các dung môi hữu cơ hiện thời giờ đây đã không còn thích hợp.

Những biện pháp bảo vệ công nhân

– Bước đầu tiên trong các chương trình phòng chống suy giảm thính giác là tiến hành đánh giá mức độ nguy hại, xem có những phơi nhiễm nguy hại gì tại nơi làm việc;

– Loại bỏ nguồn phát sinh các phơi nhiễm nguy hại (cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự suy giảm thính giác là không tiếp xúc với tiếng ồn hoặc hóa chất, nhưng điều này là không thể);

– Thay thế các chất ototoxin bằng các chất hóa học khác ít nguy hại hơn;

– Tiến hành các biện pháp giảm thiểu phơi nhiễm các chất ototoxin thông qua ăn uống, hít thở, và/hoặc hấp thụ qua da;

– Tiến hành giảm thiểu sự phơi nhiễm thông qua việc thay đổi quy trình, thông hơi, và/hoặc các thiết bị bảo vệ da và hệ thống hô hấp;

– Giảm thiểu tiếng ồn bằng cách kiểm soát kỹ thuật và tổ chức sản xuất;

– Trang bị các thiết bị bảo vệ khi tiếp xúc với tiếng ồn, hoặc khi tiếp xúc với các chất ototoxin – thậm chí khi mức ồn ở dưới ngưỡng – để ngăn ngừa hiệu ứng cộng hưởng của tiếng ồn và hóa chất;

– Khởi động các chương trình an toàn thính lực cho công nhân, giảm thiểu mức ồn thấp hơn mức quy định cho phép;

– Các chương trình an toàn thính lực cũng bao gồm cho cả các công nhân bị phơi nhiễm với hóa chất, cho dù họ tiếp xúc với tiếng ồn hay không. Những chương trình này cần xem xét tới yếu tố cộng hưởng của cả dung môi lẫn tiếng ồn.

Về mối nguy hại của hóa chất đối với hệ thính giác đang ngày càng được nhận thức rõ hơn, điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm nguy cơ gây suy giảm thính giác liên quan đến lao động.

N.T.H


(Nguồn tin: Nilp.vn)